Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta đã làm nên truyền thống vẻ vang “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (1) . Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị có vai trò quyết định, làm cho quân đội trở thành một đội quân “bách chiến, bách thắng”. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn những công việc liên quan đến xây dựng quân đội về chính trị. Đây là tài sản tinh thần vô giá Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
1. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mục tiêu chiến đấu của quân đội thống nhất với điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2). Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là lý tưởng chính trị, lý tưởng đạo đức và cũng là lý tưởng nhân văn xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nguyện vọng suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là mục tiêu lý tưởng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trước lúc đi xa, câu kết của bản Di chúc viết năm 1965, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (3). Mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng đồng thời là hệ tư tưởng trong quân đội. Ngay từ khi thành lập quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của chính trị: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự” (4). Xây dựng quân đội về chính trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội. Người từng căn dặn: “Toàn thể cán bộ và chiến sĩ cần phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, cần phải nâng cao lập trường và tư tưởng của giai cấp công nhân, cần phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng” (5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh chức năng của quân đội là lực lượng nòng cốt trong chiến đấu và đội quân chủ lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người cho rằng sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, muốn giành được thắng lợi “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (6). Trong khi đề cao sức mạnh tổng hợp của toàn dân, Người chỉ ra những lực lượng có chức năng nòng cốt, chủ lực trong từng nhiệm vụ cụ thể. Người nhấn mạnh chức năng của quân đội là lực lượng nòng cốt trong chiến đấu thông qua ghi nhận công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội là các anh hùng, liệt sĩ và những người đã dũng cảm hy sinh một phần một xương máu. Đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người không quên nhắc đến vai trò của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, “những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong”. Người xác định lực lượng này “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (7).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và quốc tế vô sản của quân đội cần được giữ vững và tăng cường. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, luôn giữ vai trò là người tổ chức và lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền” (8), trong hầu hết các công việc, Người đều đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội.
Các quan hệ chính trị xã hội của quân đội gồm quan hệ trong quân đội giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng, quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ đồng chí, đồng đội và quan hệ ngoài quân đội giữa quân đội với nhân dân và tinh thần quốc tế vô sản của cán bộ, chiến sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến vấn đề đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (9). Người nhấn mạnh, phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất “như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (10). Mong muốn của Người không chỉ là đoàn kết trong Đảng, mà còn đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, đoàn kết toàn thể cán bộ chiến sĩ trong quân đội, đoàn kết quân đội với nhân dân. Người còn chỉ ra những định hướng, giải pháp để xây dựng tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Vấn đề đoàn kết quốc tế, tinh thần quốc tế vô sản là một trong những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở. Trong thời điểm Người viết Di chúc, mối quan hệ giữa “các đảng anh em” đang có sự “bất hòa”. Người không vui vì điều này, nhưng luôn mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trở thành trung tâm đoàn kết, tích cực hoạt động để góp phần đắc lực vào “khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình” (11). Tư tưởng này của Người không chỉ là lời căn dặn riêng đối với Đảng mà còn là lời dạy đối với cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và toàn thể nhân dân về tinh thần quốc tế vô sản.
2. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn một số hạn chế
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tổng thể các tác động nhằm giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có ý chí quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Trong thời gian qua, việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị đã trở thành nguyên tắc căn bản trong xây dựng quân đội. Trong quá trình xây dựng quân đội, Đảng ta luôn quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng quân đội về chính trị, làm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước (12). Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn được tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Quân đội luôn là lực lượng chủ lực trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tích cực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đoàn kết trong quân đội, đoàn kết quân dân luôn được giữ vững và tăng cường. Quân đội đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế, cử nhiều phái đoàn giúp Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Cămpuchia và thực hiện nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay vẫn còn xuất hiện một số hạn chế cần phải khắc phục. Công tác giáo dục chính trị nói chung, việc tuyên truyền, giáo dục Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội vững mạnh đặc biệt ở lĩnh vực chính trị nói riêng có lúc hiệu quả chưa cao. Việc truyền bá hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trong quân đội ở một vài đơn vị còn có biểu hiện giáo điều, đơn điệu. Việc hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của một số cán bộ, chiến sĩ còn chưa tốt. Tính tiên phong, gương mẫu, việc thực hiện đạo đức cách mạng của một số cán bộ, đảng viên chưa tốt, cá biệt có những trường hợp là cán bộ quân đội cấp cao vẫn vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, phải truy tố trước pháp luật.
3. Giải pháp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị
Hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Đấu tranh dân tộc, giai cấp xuất hiện những đặc điểm mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa đem đến những cơ hội, vừa đặt ra những thách thức to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội. Đặc biệt, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chưa khi nào ngừng chống phá cách mạng Việt Nam. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực trạng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay và những nhân tố cơ bản tác động trong tình hình mới là những căn cứ lý luận và thực tiễn để xác định yêu cầu và định hướng giải pháp. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đáp ứng được yêu cầu cơ bản là: Bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn có sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay cần phải tiến hành đồng thời một số định hướng giải pháp cụ thể: tăng cường tuyên truyền, giáo dục Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; tăng cường giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho quân đội; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác đảng, công tác chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa, sự nghiệp đổi mới, lợi ích quốc gia dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu và năng lực lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
____________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.435.
2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 4, tr.187.
3, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Hồ Chí Minh, sđd, tập 15, tr.614, 617, 616, 611, 611, 611, 613.
4. Hồ Chí Minh, tập 3, tr.539.
5. Hồ Chí Minh, sđd, tập 12, tr.272.
12. Đảng bộ Quân đội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2015 - 2020, tr.1.
Tác giả: Phạm Công Thưởng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019