Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch) ở Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969). Toàn bộ quần thể di tích lịch sử văn hóa này, nay đã trở thành một di tích quốc gia đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Nhằm thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, 50 năm thành lập Khu di tích Phủ Chủ tịch và góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, nơi đây đã diễn ra những hoạt động mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, hiệu quả trên tất cả các mặt, từ công tác đón tiếp, phục vụ khách tham quan, hội thảo khoa học đến các hoạt động đoàn thể…
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng làm việc nhà 54, tháng 4/1957 - Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch trong 15 năm (từ 1954 đến 1969). Nhiều địa danh lịch sử nơi đây đã gắn liền với những hoạt động cách mạng sôi nổi và cuộc sống thường ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: tòa nhà Phủ Chủ tịch, nhà 54, nhà sàn, nhà H.67, phòng họp Bộ Chính trị, hầm H.66 và các di tích ngoài trời như: đường xoài, vườn cây, ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch… Sau khi Người qua đời, tất cả các di tích cùng những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người đã được lưu giữ, bảo quản một cách tốt nhất để đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế đến viếng thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Ngày 25-11-1970, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã ký ban hành Nghị quyết số 206-NQ/TW về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong Điều 2 của Nghị quyết có ghi: “Bảo quản tốt Khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” (1). Nếu như Nghị quyết số 206-NQ/TW là văn bản có tính pháp lý đầu tiên cho sự hình thành Khu di tích Phủ Chủ tịch, thì Quyết định số 1575/TC-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ngày 6-11-1992 đã đánh dấu mốc mới đối với sự hình thành và phát triển của Khu di tích Phủ Chủ tịch. Trong Điều 1 của Quyết định nêu rõ: “Tách Khu di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch) ra khỏi Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khu di tích Phủ Chủ tịch là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin. Khu di tích có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền giáo dục cho mọi thế hệ thông qua những tài liệu, hiện vật và di tích có liên quan đến cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong thời kỳ từ 1954 đến những ngày cuối đời của Người (tháng 9 năm 1969)” (2).
Từ khi hình thành đến nay, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các mặt công tác. Cùng với công tác bảo vệ, bảo quản các di tích nguyên trạng và các di vật của Người để lại, đặc biệt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cũng được triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức. Không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Khu di tích Phủ Chủ tịch còn phát huy công tác giáo dục nhân văn sâu sắc, nhất là vào giai đoạn cách mạng hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan ở Khu di tích Phủ Chủ tịch đều chứa đựng những giá trị văn hóa, nội dung lịch sử sâu sắc, là minh chứng thuyết phục về tư tưởng, tấm gương đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp cách mạng, cho hạnh phúc của nhân dân. Ngôi nhà Người ở dù là nhà 54, nhà sàn hay nhà 67 cũng không chút bóng dáng quyền uy, phú quý mà chỉ thấy hiện hữu một phong cách sống giản dị, khiêm tốn, gắn bó với thiên nhiên, chan hòa với đồng chí, đồng bào, bè bạn năm châu. Cuộc sống của Người đã thể hiện đầy đủ, rõ nét, sinh động đạo đức cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư. Ở phòng ăn, hiện trưng bày một bộ đồ dùng ăn uống hằng ngày của Người, “trên bàn ăn còn một ngăn cặp lồng dùng đựng cơm mà mỗi lần đi thăm các đơn vị địa phương trong nước, Người đều nhắc các đồng chí phục vụ mang theo để tránh cho nhân dân sự tiếp đón phiền hà, tốn kém” (3). Hay trong phòng ngủ của Người, đồ dùng sinh hoạt chỉ vẻn vẹn có chiếc giường đơn mộc mạc, chiếc tủ nhỏ đựng vài bộ quần áo lụa Người mặc hằng ngày, bộ quần áo kaki Người dùng khi tiếp khách hoặc đi công tác. Chiếc quạt lá cọ, đôi dép cao su theo Người đi khắp mọi nẻo đường đất nước… Những di vật ấy mãi là những kỉ niệm đẹp, thiêng liêng, chứa đựng những bài học làm người sâu sắc cho mọi thế hệ.
Ao cá, đường xoài, giàn hoa, vườn cây là những di tích ngoài trời trong Khu di tích Phủ Chủ tịch kết đọng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả. Mỗi một di tích đều mang những ý nghĩa sâu xa, những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Khu di tích Phủ Chủ tịch là di tích cấp quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những di tích, tài liệu, hiện vật gắn bó với 15 năm cuối cùng của cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây là môi trường học tập trực quan sinh động cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân và bạn bè quốc tế. Với gần 2,5 triệu lượt khách vào tham quan mỗi năm, khoảng 30% trong số đó là khách quốc tế, rất nhiều người là chính khách, nguyên thủ quốc gia. Đây cũng là một lợi thế đối với công tác tuyên truyền, bởi ít có một di tích lưu niệm về danh nhân nào nhận được nhiều tình cảm đặc biệt đến vậy.
Hưởng ứng kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và 50 năm thành lập Khu di tích Phủ Chủ tịch, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, tại Khu di tích Phủ Chủ tịch đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi mang ý nghĩa thiết thực trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngày 17-5-2019, phòng trưng bày bổ sung Một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu phủ Chủ tịch được khai trương. Phòng trưng bày gồm 2 nội dung: giới thiệu một số hoạt động đối nội và đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1954-1969). 74 bức ảnh và tư liệu quý nhằm giới thiệu chân thực, sinh động những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước vì hòa bình và sự tiến bộ xã hội trên thế giới. Theo đồng chí Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, “phòng trưng bày bổ sung đáp ứng công tác tuyên truyền phát huy tác dụng Khu di tích kịp thời, hiệu quả, thường xuyên, thuận tiện và tiết kiệm, nhất là tuyên truyền phục vụ những ngày lễ lớn, những kỷ niệm năm chẵn, những chủ trương, phong trào, nghị quyết mới của Đảng, Nhà nước và thiết thực phục vụ cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay và sau này” (4).
Ngày 22-5-2019, tại Khu di tích Phủ Chủ tịch Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng khẳng định rằng tư tưởng của Người trong Di chúc là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hôm nay và mai sau vì mục tiêu đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, bao quát toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Bản Di chúc ra đời cách đây 50 năm nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thời đại. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc nghiên cứu thực hành các hình thức tuyên truyền, phát huy giá trị tác phẩm đối với khách tham quan trong nước và quốc tế tại Khu di tích Phủ Chủ tịch là rất cần thiết. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ cho các cá nhân, tổ chức của các cơ quan, đơn vị, trường học, các tổ chức đảng trong nước cũng như kiều bào ta tới tham quan, học tập và sinh hoạt chính trị. “Sơ kết 3 năm cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2016-2018), Khu di tích Phủ Chủ tịch đã tổ chức đón tiếp 7.727.745 lượt khách trong và ngoài nước; trong đó, tổ chức sinh hoạt chính trị cho 2.113 đoàn với 125.342 lượt người của các chị bộ, đảng bộ, các cơ sở đoàn, cơ quan, đơn vị, trường học tới tham quan và học tập” (5).
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong nước, Khu di tích Phủ Chủ tịch còn mở rộng mọi kênh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Vào ngày 31-3-2019, hướng tới kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 100 năm thành lập Hội người Việt Nam ở Pháp, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã phối hợp tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa tại trụ sở chính của UNESCO (Paris, Pháp). Lần đầu tiên, gần 100 tài liệu, hình ảnh lưu trữ tiêu biểu được lựa chọn từ Khu di tích Phủ Chủ tịch và các cơ quan lưu trữ như: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp… để đưa ra trưng bày, giới thiệu nhằm tái hiện, khắc họa hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới tới nhân dân Pháp và kiều bào ta.
Đặc biệt, Khu di tích Phủ Chủ tịch còn chủ động triển khai nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền thiết thực và đạt hiệu quả cao như: xuất bản các ấn phẩm liên quan tới Di chúc Bác Hồ (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1999; Bác Hồ viết Tài liệu tuyệt đối bí mật, 2016; Thư ký Bác Hồ kể chuyện, 2016); tổ chức hội thảo khoa học và xuất bản kỷ yếu Hội thảo khoa học - thực tiễn: 35 năm thực hiện Di chúc và phát huy các giá trị di sản tư tưởng, văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2005; tổ chức thực hiện các cuộc triển lãm: 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954-2014); 60 năm Nhà sàn Bác Hồ…; tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị ở các tỉnh thành; nhiều bài viết tuyên truyền về Di chúc được đăng tải trên các tờ thông tin và các báo, tạp chí.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã rất chú trọng tới công tác tuyên truyền giáo dục, không ngừng đổi mới và đa dạng các hình thức hoạt động phù hợp với nhu cầu, sự phát triển của xã hội; trở thành cầu nối mang lại những giá trị cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với công chúng. Việc tuyên truyền sâu rộng tư tưởng, đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đông đảo quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế là sứ mệnh thiêng liêng của cán bộ, công nhân viên khu di tích và của mỗi người dân Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được lan tỏa sâu rộng trong nhân dân sẽ củng cố niềm tin cho nhân dân vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, thắp sáng thêm tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát khao được hoàn thiện bản thân trong mỗi người. Nhà nghiên cứu văn hóa Australia đã viết: “Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh được, nhưng ở cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều gì đó để làm cho mình hoàn thiện hơn” (6). Chính vì vậy, tuyên truyền, quảng bá rộng sâu rộng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch chính là góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hóa, du lịch, xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện niềm mong ước suốt cuộc đời của Bác Hồ kính yêu.
_____________
1, 2. Giới thiệu tổng quan về Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
3. Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Hà Nội, Nxb Lý luận chính trị, 2017.
4. Lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tại buổi khai trương phòng trưng bày bổ sung Một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch, ngày 17-5-2019, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
5. Cù Thị Minh, Phát huy giá trị Di chúc Bác Hồ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch trong giai đoạn hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam, 2019, tr.367.
6. Tình thương của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.100.
Tác giả: Nguyễn Liên Hương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019