Xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh - một số vấn đề cần quan tâm

Ngày 18/2/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin được đề cập đến một số nội dung cần quan tâm trong việc xây dựng và công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

 

Tiêu chí đô thị văn minh

Tiêu chí đô thị văn minh gồm 9 nội dung được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Tiêu chí đô thị văn minh bao gồm các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; Tiêu chí về cơ sở hạ tầng, hệ thống chiếu sáng giao thông và hành lang an toàn giao thông đô thị; Tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, đánh giá việc xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và an toàn thực phẩm; Tiêu chí về an ninh, trật tự đô thị, đánh giá xây dựng đô thị an toàn, bình an; Tiêu chí về việc làm, thu nhập bình quân và tỷ lệ hộ nghèo đây là tiêu chí đánh giá sự phát triển về kinh tế của đô thị; Tiêu chí về văn hóa, thể thao, đánh giá sự quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân đô thị; Tiêu chí về y tế, giáo dục đô thị, đánh giá việc chăm sóc sức khỏe cho người dân và công tác giáo dục, đào tạo ở đô thị; Tiêu chí về hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị, việc xây dựng tổ chức Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Đặc biệt, tiêu chí về thông tin, truyền thông đô thị nhằm đánh giá kết quả việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trong quản lý và việc sử dụng công nghệ thông tin của người dân trong thời kỳ công nghệ số.

Việc thực hiện tốt và đạt 9 tiêu chí có thể thấy bức tranh về đô thị vừa chứa đựng yếu tố tiến bộ, văn minh và yếu tố nhân văn như: cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp; cơ sở hạ tầng giao thông và các công trình công cộng đạt chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các cơ quan nhà nước phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; nhân dân tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh, tạo điều kiện để đô thị ngày càng phát triển.

Một số vấn đề cần quan tâm trong triển khai thực hiện

Để việc xây dựng đô thị văn minh đạt hiệu quả cần quan tâm một số nội dung sau:

Một là, cần có sự tham gia tích cực của người dân vì: Công tác xây dựng đô thị văn minh chỉ đạt được thực chất, hiệu quả khi người dân tích cực tham gia vào xây dựng và thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh như: người dân tích cực tham gia vào giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia vào bảo vệ hành lang an toàn giao thông, tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Hơn nữa, thực hiện tốt công tác xây dựng đô thị văn minh sẽ tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh ở đô thị, từ đó góp phần giáo dục, rèn luyện con người về lối sống, nếp sống, nhân cách. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm tuyên truyền, vận động và có cách làm hay để thu hút các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia công tác xây dựng đô thị văn minh.

Hai là, việc công nhận đô thị văn minh cần đảm bảo đúng nguyên tắc: công khai, dân chủ, minh bạch; đúng tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc thực hiện đúng nguyên tắc công nhận đảm bảo công tác xây dựng đô thị văn minh đi vào thực chất, phát triển bền vững, tránh hình thức và bệnh thành tích.

Ba là, phải đảm bảo đầy đủ tất cả các điêu kiện công nhận và công nhận lại như: Có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với UBND cấp huyện; đạt 9 tiêu chí được ban hành theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Thời gian đăng ký là 2 năm đối với công nhận lần đầu; 5 năm đối với công nhận lại. Có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Bốn là, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh được quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Trong đó, cần phải coi trọng và thực hiện thực chất các bước như: UBND phường, thị trấn tổ chức tự đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí; tổ chức lấy ý kiến của người dân về sự hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh. Có như vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ở phường, thị trấn mới thực sự là chủ thể của quá trình xây dựng đô thị văn minh.

Năm là, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp cần quan tâm đầu tư nguồn lực hợp lý và gắn công tác xây dựng đô thị văn minh với các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt gắn kết với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.

 

NGUYỄN THÁI VINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;