Mô hình Trưởng thôn thân thiện ở Đông Anh (Hà Nội): Điểm sáng về xây dựng văn hóa cơ sở - Bài cuối: Cần nhân rộng, lan tỏa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Theo Cục Văn hóa cơ sở, qua mô hình "Trưởng thôn thân thiện" của thành phố Hà Nội, Cục mong muốn lan tỏa và giới thiệu để các địa phương trong cả nước có thể tham khảo kinh nghiệm và triển khai tại địa phương mình, bởi lẽ, mô hình này sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Tôn vinh những trưởng thôn tiêu biểu

Trưởng thôn là chức danh quen thuộc, gần gũi với bà con nông dân; là người đứng đầu một đơn vị cộng đồng dân cư (cụ thể như làng, thôn, xóm, ấp…) do người dân trực tiếp bầu ra, thay mặt và đại diện cho cộng đồng dân cư giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày. Trưởng thôn có nhiệm vụ động viên bà con chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn; tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn; báo cáo kịp thời với UBND cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn...

 Như vậy, trưởng thôn có vai trò, trách nhiệm lớn lao, là người vừa gần dân, hiểu dân nhất, vừa là đại diện tiêu biểu của nhân dân trong thôn, làng, cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở, để trực tiếp tiếp nhận và truyền đạt nguyện vọng của nhân dân, tổ chức và hướng dẫn nhân dân thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Chính vì vậy, nâng cao năng lực trách nhiệm, uy tín người trưởng thôn là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả thực thi nhiệm vụ ở cơ sở, các hoạt động triển khai xây dựng đời sống văn hóa, củng cố, bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân.

Trên cơ sở đó, để giúp người dân thấu hiểu và đồng cảm với trưởng thôn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở địa phương, nhất là trong triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, trong thời gian vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thi Trưởng thôn thân thiện. Hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói riêng gắn với các phong trào thi đua khác ở địa phương; nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của trưởng thôn trong thực thi nhiệm vụ nói chung và trong công tác xây dựng đời sống văn hóa nói riêng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng Làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, động viên, khích lệ đội ngũ làm công tác phong trào ở cơ sở để các trưởng thôn gắn bó mật thiết với phong trào, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương; là cơ hội được gặp gỡ, giao lưu học hỏi với các trưởng thôn trên địa bàn thành phố.

Hội thi Trưởng thôn thân thiện là dịp các trưởng thôn rèn luyện, học tập để nâng cao năng lực trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh: CTV

Tính đến nay, Hội thi đã tổ chức được 3 lần, thu hút sự tham gia sôi nổi của trưởng thôn các huyện thuộc thành phố Hà Nội. Qua 3 lần tổ chức Hội thi Trưởng thôn thân thiện cho thấy, số lượng các trưởng thôn tham dự vòng chung khảo năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Như vậy, sự hưởng ứng, lan tỏa cũng như chất lượng của Hội thi đã ngày càng tăng lên. Điều này chứng tỏ Hội thi đã thực sự có ý nghĩa, không chỉ là món ăn tinh thần của hoạt động quần chúng mà còn có tính thực tiễn, động viên, khích lệ và ghi nhận những người làm trưởng thôn tại các huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Có thể nói, điều đáng quý nhất của Hội thi không phải là những giải thưởng, mà là những kinh nghiệm quý được các trưởng thôn chia sẻ, là dịp các trưởng thôn rèn luyện, học tập để nâng cao năng lực của mình trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở tin tưởng rằng, Hội thi sẽ tiếp tục lan tỏa hiệu quả sâu rộng, những thí sinh bước ra từ Hội thi, cùng với các nhiệm vụ đang đảm đương ở cơ sở, sẽ trở thành những báo cáo viên, trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, thuật lại những câu chuyện triển khai thực hiện đời sống văn hóa cơ sở một cách sinh động, thiết thực nhất. Chị Nguyễn Thu Hà (thôn Mít, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, đạt giải Nhất Hội thi Trưởng thôn thân thiện năm 2022) cũng chia sẻ: Khi tham gia Hội thi không chỉ tôi mà tất cả các trưởng thôn của các huyện đều học hỏi được từ nhau những kinh nghiệm trong công tác quản lý. Sau Hội thi, tôi đã tích cực trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, phục vụ tốt cho công việc của bản thân.

Trong Hội thi năm 2022, huyện Đông Anh là địa phương đã được nhiều giải thưởng: giải Nhất cá nhân và giải Nhất tập thể tổ chức tốt hội thi cấp cơ sở. Qua từng vòng thi, có thể thấy đội ngũ trưởng thôn hiện nay rất năng động, sáng tạo trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; trong đó xuất hiện nhiều điển hình trưởng thôn tiêu biểu góp một phần công sức vào sự nghiệp văn hóa của huyện nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng. Từ khuôn khổ của Hội thi Trưởng thôn thân thiện, nhìn rộng ra trong công tác cơ sở, có thể thấy việc xây dựng một đội ngũ trưởng thôn có năng lực chuyên môn là điều cần thiết hiện nay. Và, huyện Đông Anh là một trong những địa phương có đội ngũ trưởng thôn năng động với nhiều sáng kiến được áp dụng thành công trong thực tế tại các địa bàn thôn, xóm của huyện.

Cần nhân rộng mô hình Trưởng thôn thân thiện

Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của đất nước, có địa bàn rộng và đa dạng bao gồm cả đô thị và nông thôn (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã). Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Điều này đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào như xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”...; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Quá trình triển khai thực hiện, bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan với nhiều mô hình, sáng kiến hay. Trong đó, việc ban hành và triển khai Kế hoạch đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trên địa bàn thành phố đã góp phần thiết thực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa con người Hà Nội.

Hội thi Trưởng thôn thân thiện là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, đây là mô hình thiết thực, hiệu quả. Trong xây dựng môi trường văn hóa, đóng vai trò quan trọng đó là những trưởng thôn, với tài năng và sự khéo léo, nhiệt tình đã góp phần không nhỏ tạo nên chất keo kết nối thôn làng.

Chị Nguyễn Thị Hà đoạt giải Nhất Hội thi Trưởng thôn thân thiện năm 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức - Ảnh: tư liệu

Nông thôn có vai trò rất quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta, đặc biệt là phát triển văn hóa. Những vấn đề văn hóa nông thôn trong phát triển rất đáng quan tâm khi chúng ta biết rằng, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phát triển văn hóa, con người. Nông thôn giờ đây có quá nhiều thay đổi do tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình di dân, công nghiệp hóa, đô thị hóa, tác động của truyền thông mới, nhất là mạng xã hội, thay đổi trong gia đình,... vì thế, chúng ta cần có cách thức ứng phó mới. PGS, TS Bùi Hoài Sơn Ủy viên thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá rất cao những sáng kiến, nỗ lực ở nông thôn nói chung, Hà Nội hay huyện Đông Anh nói riêng, trong việc tạo ra những sinh hoạt phong phú, đa dạng, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh nông thôn mới.

Theo ông, mô hình Trưởng thôn thân thiện là một sáng kiến đáng khen ngợi ở Hà Nội nói chung và huyện Đông Anh nói riêng. Đây là một cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả để thúc đẩy phát triển cộng đồng nông thôn và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Mô hình Trưởng thôn thân thiện đặt trưởng thôn ở vị trí trung tâm, là người đứng đầu trong việc xây dựng và quản lý các dự án phát triển cộng đồng tại địa phương. Trưởng thôn không chỉ đóng vai trò là người đại diện cho cộng đồng mà còn có nhiệm vụ giúp đỡ và hỗ trợ người dân trong việc giải quyết các vấn đề và khám phá tiềm năng phát triển kinh tế trong khu vực. Mô hình này có nhiều ưu điểm:

Thứ nhất, nó tạo ra sự tham gia và động viên của người dân trong quá trình phát triển. Người dân có thể tham gia vào quyết định và thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng, tăng cường tinh thần đoàn kết và sự tự tin trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội.

Thứ hai, mô hình Trưởng thôn thân thiện tạo ra sự gắn kết và tương tác tốt hơn giữa chính quyền địa phương và cộng đồng nông thôn. Trưởng thôn là người giao tiếp và làm việc trực tiếp với chính quyền, giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác và tăng cường sự hỗ trợ từ chính quyền cho cộng đồng.

Thứ ba, mô hình này đặt mục tiêu vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đặc biệt là các vùng khó khăn và có tỷ lệ nghèo cao. Qua việc tập trung vào việc phát triển kinh tế, cải thiện hạ tầng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác, mô hình trưởng thôn thân thiện giúp tạo ra cơ hội và sự tiến bộ cho người dân nông thôn.

Ở huyện Đông Anh, mô hình Trưởng thôn thân thiện bước đầu đã đạt được những thành công đáng kể. Với tiềm năng phát triển nông thôn và nguồn tài nguyên đa dạng, chương trình có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực này. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện để người dân tham gia và ủng hộ quá trình phát triển, đẩy mạnh tinh thần cộng đồng và sự đoàn kết.

Đánh giá chung, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, mô hình Trưởng thôn thân thiện ở Hà Nội và huyện Đông Anh là một kinh nghiệm tốt, ví dụ hay để thể hiện sự tận tâm và hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Các thành tựu và lợi ích mà mô hình này mang lại đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, qua mô hình Trưởng thôn thân thiện của thành phố Hà Nội, Cục mong muốn lan tỏa và giới thiệu để các địa phương trong cả nước có thể tham khảo kinh nghiệm và triển khai tại địa phương mình, bởi lẽ, mô hình này sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đây là hội thi rất hữu ích, tạo sự đoàn kết trong dân cư. Hội thi cũng tạo sự giao lưu học hỏi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác, đồng thời, đẩy mạnh phong trào vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đồng thời, góp phần nâng cao kỹ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thường nhật, và gắn kết giữa chính quyền với nhân dân; phát huy vai trò trưởng thôn trong xây dựng đời sống văn hóa. Trưởng thôn thân thiện sẽ là “sứ giả văn hóa” ở cơ sở. Việc nâng cao năng lực công tác và uy tín của người trưởng thôn sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hội thi có sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương, sự nhiệt tình tham gia của các thí sinh dự thi và sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Điều này chứng tỏ sức lan tỏa của cuộc thi. Đây là cơ hội để bồi dưỡng, phát triển những nhân tố tích cực với công tác xã hội, những người truyền lửa cho phong trào văn hóa ở cơ sở, là hạt nhân phát triển Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh.

Hội thi Trưởng thôn thân thiện thành phố Hà Nội được tổ chức lần đầu năm 2012. Từ đó đến nay, hội thi được duy trì và phát triển định kỳ 4 năm/lần. Song hành cùng Hội thi, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội đã duy trì hệ thống các hội thi, liên hoan nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các danh hiệu văn hóa nói riêng và phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung. Cụ thể: hội thi tổ trưởng tổ dân phố thân thiện; Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu; Hội thi cán bộ phong trào giỏi; Liên hoan làng, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu... thực sự trở thành một hoạt động tôn vinh, biểu dương cán bộ văn hóa cấp cơ sở. Từ những kinh nghiệm của thành phố Hà Nội, thời gian tới các địa phương có thể sáng tạo nhiều hướng đổi mới hơn để giúp các trưởng thôn làm việc tốt, đó là tăng cường tập huấn, bồi dưỡng những nội dung công việc gắn liền với vị trí, vai trò của trưởng thôn và phù hợp với đặc điểm văn hóa, điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

Thời gian qua, hoạt động của mô hình Trưởng thôn thân thiện cho thấy rằng, việc triển khai mô hình này ở cộng đồng dân cư đã phát huy được những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa. Các thành tựu và lợi ích mà mô hình này mang lại đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn. Xuất phát từ thực tế những kết quả đạt được ở huyện Đông Anh, đây là một trong những điểm sáng cần được nhân rộng ở nhiều địa phương trong việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

NGUYỄN THỊ LÕN

;