Mô hình Trưởng thôn thân thiện ở Đông Anh (Hà Nội): Điểm sáng về xây dựng văn hóa cơ sở - Bài 2: Cầu nối đưa các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống

Để xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục trong nhân dân, các cấp, ngành của Đông Anh đã tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, duy trì các câu lạc bộ để làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Và, các trưởng thôn đã thực sự là cầu nối đưa các chủ trương chính sách đi vào cuộc sống.

Trình diễn văn nghệ trong ngày khai trương Nhà Văn hóa thôn Mít, xã Cổ Loa - Ảnh: CTV

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân

Ông Nguyễn Khả Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho chúng tôi biết: Xã có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các đêm nhạc chuyên nghiệp; phối hợp với huyện và phòng Văn hóa huyện tổ chức các chương trình trong lộ trình bảo tồn phát huy giá trị của các bộ môn văn hóa dân gian truyền thống như tổ chức ca trù và biểu diễn rối nước tại khu di tích Cổ Loa vào các dịp lễ, Tết hoặc sự kiện quan trọng.

Các xã trong huyện Đông Anh như Cổ Loa, Dục Tú, Đông Hội, Tiên Dương… đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe; chủ động lồng ghép các hoạt động thể dục, thể thao gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Để phong trào thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên, các xã đã vận động nhân dân thành lập các đội, câu lạc bộ theo từng bộ môn, lứa tuổi.

Hoạt động thể thao sôi nổi của thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú - Ảnh: CTV

Theo ông Đinh Văn Hòa, trưởng thôn Dục Tú 2: thôn khuyến khích các câu lạc bộ thể dục, thể thao phát triển tạo điều kiện cho nhân dân tham gia nhằm nâng cao sức khỏe và tránh được các tệ nạn xã hội. Vì vậy, vào mỗi buổi sáng và cuối các buổi chiều, người dân trong thôn đều tích cực tập thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các giải thể dục, thể thao nhân dịp đầu xuân, các ngày lễ, kỷ niệm, tạo điều kiện cho người dân giao lưu, luyện tập, rèn luyện sức khỏe, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, gìn giữ phát huy truyền thống văn hóa.

Có thể nói, đây là những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực làm cho đời sống của người dân ngày càng phong phú và đa dạng. Điểm chung để khởi động và duy trì các hoạt động này của huyện Đông Anh, bên cạnh nguồn kinh phí được hỗ trợ từ huyện, xã, nguồn thu chính là đến từ xã hội hóa. Mỗi địa phương sẽ có những cách khác nhau để kêu gọi nhân dân ủng hộ.

Trưởng thôn Mít tặng quà cho hộ gia đinh gặp khó khăn - Ảnh tư liệu

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thu Hà, thành viên Ban Pháp chế HĐND xã Cổ Loa, nguyên trưởng thôn Mít: Thôn Mít là thôn nhỏ, không có nguồn thu kinh tế, nên kinh phí eo hẹp cho các hoạt động của thôn. Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, để thu hút nguồn lực trong thôn, ban lãnh đạo thôn đã lập nhóm Zalo và Facebook của thôn. Bên cạnh việc đăng các văn ban chỉ đạo của xã, còn đăng những hoạt động của thôn, để người dân biết đến và quan tâm ủng hộ, số tiền ủng hộ được sẽ được sử dụng để cải tạo cảnh quan thôn xóm.

Hiện nay, các xã, thôn của huyện Đông Anh đều sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác cơ sở, đó là sử dụng mạng xã hội: các xã, thôn thành lập các nhóm Zalo để thông tin và tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, của huyện và thông báo những thông tin của thôn, xóm, kịp thời chia sẻ các nội dung về nếp sống văn minh được triển khai đến các đoàn thể… Từ đó, tuyên truyền thực hiện tới các hội viên, thông qua các hội như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên…

Người dân tích thôn Mít, xã Cổ Loa tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường- Ảnh: CTV

Bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương chia sẻ: Trên địa bàn xã có 33 cụm dân cư, thì đều có nhóm Zalo, đại diện mỗi gia đình đều có trong nhóm. Tất cả các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của huyện, xã sẽ căn cứ các mảng, gửi lãnh đạo thôn và khi lãnh đạo thôn họp triển khai thống nhất sẽ đưa các văn bản ấy lên nhóm Zalo để người dân cùng biết và thực hiện.

Chị Nguyễn Thu Hà, thành viên Ban Pháp chế HĐND xã Cổ Loa cũng đề cao vai trò của mạng xã hội đối với công tác của mình. Theo chị, nhờ mạng xã hội mà tinh thần đoàn kết của người dân được nâng lên rất cao. Bình thường vẫn tuyên truyền trên loa truyền thanh, bảng tin nhưng hiệu quả chỉ ở tầng lớp người cao tuổi, bởi vì thanh niên đi lao động không quan tâm đến thôn xóm. Vì vậy, khi các hoạt động của thôn luôn được cập nhật trên trang Zalo của thôn, người dân của thôn dù ở bất cứ đâu cũng có thể biết các thông tin để thực hiện.

Từ những cách làm mới này đã làm thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt của người dân, đồng thời phát huy vai trò làm chủ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Hiệu ứng mang lại từ những hoạt động, mô hình mới trong việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã thể hiện rõ sự đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân. Hiệu quả của nó đã tác động tích cực đến việc xây dựng tình làng nghĩa xóm, mọi người ứng xử thân thiện, quan tâm gắn bó giúp đỡ nhau, chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh ngay tại địa phương. Cầu nối để làm được những điều này chính là nhờ vào công lao của những người trưởng thôn - những người gần dân nhất.

Hoạt động của các thôn luôn được cập nhật trên trang Zalo - trong ảnh: Trang thông tin Zalo của thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú- Ảnh: CTV

Xác định phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một cuộc vận động lớn, do vậy hằng năm các trưởng thôn đã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung phong trào đến từng người dân; phân công các đảng viên phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình theo nhóm; vận động bà con tích cực tham gia các mô hình, câu lạc bộ, mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế; tham gia đóng góp chương trình xây dựng nông thôn mới, các cuộc vận động, các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc họp thôn, đoàn thể để nắm bắt, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Qua đó, nhận thức của người dân về phong trào được nâng lên. Nhiều người dân đã chủ động, tích cực tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao; việc cưới, việc tang thực hiện nghiêm túc theo quy định... Những việc làm của những người trưởng thôn đã phát huy được hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, nhất là việc vận động bà con tham gia góp công, góp sức xây dựng quê hương xanh - sạch - đẹp và nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Ghi nhận những đóng góp to lớn của những trưởng thôn cho quê hương, hằng năm huyện Đông Anh luôn có chính sách khen thưởng, đồng thời tạo động lực để họ phát huy được năng lực chuyên môn phục vụ tốt hơn nữa cho sự nghiệp văn hóa của nước nhà.

(Còn nữa)

NGUYỄN THỊ LÕN

;