Xây dựng môi trường văn hóa số thích ứng với xã hội hiện đại - Bài 1: "Mở cửa" bước vào không gian số

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một trong những vấn đề trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, đó là: “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Việt Nam là một nước có bề dày về lịch sử văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của cha ông luôn được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí ưu tiên. Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư 5 khóa VIII (1998) xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội”. Đồng thời nhận thức rõ: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của văn hóa, khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế. Hiện nay, khi bước vào kỷ nguyên số, văn hóa vẫn là một trong những trụ cột quan trọng của quá trình phát triển đất nước. Văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Như vậy, văn hóa nói chung và môi trường văn hóa nói riêng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chấn hưng nền văn hóa nước nhà.

 “Môi trường văn hóa là một tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, nhờ đó các cá thể tác động lẫn nhau. Chúng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và sáng tạo giá trị văn hóa, tới nhu cầu tinh thần, hứng thú và định hướng giá trị của họ. Môi trường văn hóa không chỉ là tổng hợp những yếu tố văn hóa vật thể mà còn có những con người hiện diện văn hóa” (1). Môi trường văn hóa số không nằm ngoài quan niệm trên, ở đó không còn là những yếu tố văn hóa vật thể mà là dữ liệu số, sản phẩm văn hóa số… và con người chính là những công dân số. Như vậy, ngoài môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường xã hội, con người còn vừa là chủ thể và cũng chịu ảnh hưởng lớn từ những tác động tích cực và tiêu cực của môi trường số.

Thuật ngữ “cách mạng công nghiệp 4.0” không còn xa lạ với bất kỳ một dân tộc, quốc gia nào. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đặc biệt là trí truệ nhân tạo, đã làm cho thế giới bước vào một kỷ nguyên mới. Nước ta là một nước gốc nông nghiệp, tư duy nông nghiệp đã cố hữu trong mỗi người dân, đòi hỏi sự thích ứng cần có thời gian và những bước đi phù hợp. Sự thay đổi về diện mạo kinh tế, xã hội, đòi hỏi ngành Văn hóa phải có sự thích ứng, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Để làm được điều đó, trước tiên ta cần phải xây dựng một nền tảng vững chắc, đó là môi trường văn hóa số, ở đó con người có những ứng xử văn hóa khác so với xã hội trước đây. Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm xuất hiện những thuật ngữ mới về xã hội số, kinh tế số, công dân số. Và chắc chắn là cả văn hóa số. Văn hóa nói chung, môi trường văn hóa nói riêng, được hình thành dựa trên kỹ thuật số hóa sẽ có những khác biệt so với các giai đoạn phát triển xã hội khác. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện và kỹ thuật số, thị trường tự do, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần tạo ra sự khác biệt và ứng dụng thành công công nghệ trong việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Công nghệ số, internet phát triển kéo theo khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa, nghệ thuật trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng” (2).

Hiện nay, số lượng người tham gia sử dụng mạng internet ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo tổng quan thị trường Digital Việt Nam năm 2022, có khoảng 72,1 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, chiếm 73,2% tổng dân số vào đầu năm 2022 (tăng khoảng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021) (3). Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, học sinh, sinh viên các cấp đều phải sử dụng internet học tập trực tuyến, người lao động phải sử dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin để có thể làm việc tại nhà, các sàn thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, phục vụ nhu cầu mua sắm tại nhà của người tiêu dùng... Chính những điều này đã làm thay đổi thói quen sử dụng internet, cách tiếp cận với các sản phẩm văn hóa số hiện nay.

Thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin, hưởng thụ văn hóa

Đại dịch COVID-19 vừa qua đã tác động vào hầu hết ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, văn hóa nghệ thuật là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều nhà hát tối đèn tới hơn 2 năm, các hoạt động ngoài trời gần như rất ít, các bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim thưa thớt người qua lại… điều đó đã thôi thúc những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tìm con đường khác với truyền thống, làm sao vừa để nghệ sĩ có thể làm nghề, vừa tạo ra những món ăn tinh thần có ý nghĩa đối với khán giả trong thời gian này.

Nhà hát số, bảo tàng số, thư viện số… ra đời, tạo ra một thói quen mới đối với việc hưởng thụ văn hóa của người dân. Chỉ cần ở nhà với ít nhất 1 thiết bị kết nối internet, khán giả đã có thể thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật, hay dễ dàng tham quan bảo tàng 3D, nghe thuyết minh viên giới thiệu về hiện vật bằng các thứ tiếng. Có thể kể đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh… là những đơn vị đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Các bảo tàng có sự đầu tư nhiều hơn về hình ảnh, xây dựng những video giới thiệu, quảng bá trên website, fanpage và nhiều nền tảng mạng xã hội khác để phục vụ công chúng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã tổ chức 235 giờ học online, phục vụ 4.840 học sinh (9 tháng đầu năm 2021) (4). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động đổi mới mang tính tích cực khi ra mắt iMuseum VFA - ứng dụng công nghệ thuyết minh đa phương tiện, ứng dụng 3D tour tham quan trực tuyến bảo tàng, vừa nâng cao chất lượng phục vụ du khách, vừa là bước đệm để bảo tàng chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam sau thời gian dài diễn ra đại dịch. Và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị duy nhất được trao Giải thưởng Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc - hạng mục quan trọng của Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021. TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc… Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá những tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp và trực tuyến bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu. Đặc biệt, thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ, với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Ý” (5).

Phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo Bộ làm việc với các Bảo tàng Khu di tích trực thuộc Bộ VHTTDL (14-10-2021), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Mỗi bảo tàng, di tích cũng cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới. Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, còn nhiều con đường khác để thu hút du khách, mà hình thức tham quan trực tuyến sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài” (6). Hầu hết các bảo tàng, khu di tích đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và xác định đó là hướng đi lâu dài của đơn vị mình. Trung tá Mai Thị Ngọc (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) từng chia sẻ với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: “Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhận thức sâu sắc về vấn đề hiện đại hóa các hoạt động để thích ứng với nhu cầu phát triển chung của xã hội. Trong đó, hoạt động trưng bày đã từng bước được đổi mới, công nghệ số hóa và tương tác 3D đang được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong việc tuyên truyền, phát huy các giá trị văn hóa quân sự” (7).

Trong bối cảnh các hoạt động xã hội bị tác động sâu sắc bởi đại dịch, những chương trình văn hóa nghệ thuật online thực sự đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Một trong số đó phải kể đến chuỗi chương trình Cháy lên: San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch được triển khai trên sóng truyền hình, mạng xã hội và các nền tảng công nghệ số, đã tạo được hiệu ứng tích cực, thực hiện được sứ mệnh cổ vũ người dân vượt qua những khó khăn đang phải đối mặt. Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam… cũng liên tục ra mắt những tác phẩm nghệ thuật online, biểu diễn nghệ thuật thông qua các nền tảng Zoom, YouTube, Facebook… Không chỉ hướng tới phục vụ du khách, mà công tác chuyển đổi số của các Nhà hát đã góp phần không nhỏ vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Việc đóng cửa rạp chiếu phim một thời gian dài để phục vụ công tác chống dịch ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành Điện ảnh trong thời gian qua, khiến các nhà làm phim “đứng ngồi không yên”. Nếu như trước đại dịch, một năm lượng phim Việt ra rạp khoảng trên dưới 40 phim, thì đến gần hết tháng 12-2020, lượng phim chỉ đạt 22 phim ra mắt khán giả màn ảnh rộng. Trong quý I năm 2022, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, lượng khán giả đến rạp hạn chế, doanh thu vì thế giảm sâu, không đạt được kỳ vọng của các nhà làm phim. Thậm chí nhiều phim được đầu tư kinh phí rất lớn những vẫn không mấy khả quan. Đại diện CGV chia sẻ: “Hiện tại các nhà làm phim Việt ra mắt phim với tâm thế xây dựng lại thị trường, tạo lại thói quen ra rạp xem phim của khán giả và không kỳ vọng thắng doanh thu” (8). Trước hậu quả từ đại dịch, các nhà làm phim, hãng phim buộc phải có sự thay đổi linh hoạt để đưa tác phẩm của mình đến với khán giả. Đặc biệt năm 2021, nhiều tác phẩm điện ảnh không thể xác định được thời điểm thích hợp để phát hành, nên đã có hướng đi mới, phát hành song song tại các rạp chiếu và trên các nền tảng trực tuyến. Chỉ tính riêng trên các thiết bị Android (các thiết bị thông minh sử dụng hệ điều hành Android), hiện có trên 1,6 triệu thuê bao đăng ký Netflix tại Việt Nam, tăng gấp 5 lần so với năm 2016 (9). Bên cạnh đó, cũng có nhiều ứng dụng xem phim trực tuyến được người dùng yêu thích như: FPT Play, VTV Go, VietON, Zing TV... Ngoài ra, phải kể đến YouTube, được xem là nền tảng phổ biến nhất mà người dùng sử dụng để tìm kiếm phim và các video liên quan đến phim. Nhận diện được tính ưu việt của các nền tảng chiếu phim trực tuyến, không ít cá nhân, công ty giải trí... đã cho ra mắt WebDrama (phim chiếu mạng) bắt được xu hướng, thị hiếu của khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà bước vào không gian số với nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức. Người ta nhận thấy rằng, đại dịch vừa qua là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, không phải là phương thức thay thế tạm thời. Bởi, khi trở lại cuộc sống bình thường mới, các phương thức đó vẫn tồn tại và ngày một phát triển hơn. Hiện nay, các chương trình tọa đàm, hội thảo, hội nghị… diễn ra thường kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí tổ chức. Quá trình số hóa các hiện vật bảo tàng, dữ liệu thư viện, ghi hình diễn xướng âm nhạc dân gian… diễn ra ngày một nhanh chóng, tạo diện mạo hoàn chỉnh cho các thiết chế văn hóa thời kỳ mới. Đánh giá về những cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là một bối cảnh lớn, tác động đến toàn bộ xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) là một yếu tố quan trọng đã, đang và sẽ chi phối sự phát triển của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam, trong đó hình thành dữ liệu số hóa về di sản văn hóa sẽ làm thay đổi trong việc bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản trong tương lai, giúp ngành Điện ảnh và các ngành nghệ thuật khác hoạt động hiệu quả hơn trong các hoạt động quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, hình thành thị trường nghệ thuật trực tuyến, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến… Công nghệ thực tế ảo có đóng góp vào việc làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng, hình thành các bảo tàng ảo và những người tham quan, trải nghiệm di sản trực tuyến; Trong khi đó, internet kết nối vạn vật sẽ giúp bảo tồn, phát huy, quản lý di sản văn hóa trở nên hiệu quả hơn. Và cuối cùng, in 3D chính là công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi nhất, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật. Năm 2020-2021, khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng toàn thế giới, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một xu thế tất yếu, và được đẩy nhanh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, nghệ thuật” (10).

Có thể nói, với lượng người dùng đa dạng về lứa tuổi, ngành nghề, đòi hỏi môi trường văn hóa trên không gian mạng phải lành mạnh, những sản phẩm văn hóa số phải tạo được sức hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc. Với tính không biên giới, không gian mạng là nơi tính hội nhập thể hiện rõ nhất, để không “hòa tan” trong môi trường văn hóa hỗn dung như vậy, đòi hỏi mỗi công dân phải có bản lĩnh, chọn lọc thông tin, có nhận thức đúng đắn và luôn đề cao tinh thần tự tôn dân tộc.

__________________

1. A.I.AC - Nôn - Đốp (chủ biên), Cơ sở lý luận văn hóa Mác - Lê nin, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981.

2, 10. Phỏng vấn PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, 3-7-2022.

3. Dữ liệu do Lê Văn Phú tổng hợp dựa trên Báo cáo gốc của We Are Social và báo cáo phân tích của Datareporttal.com.

4, 6. Hồng Hà, Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các bảo tàng, bvhttdl.org.vn, 15-10-2021.

5. Phỏng vấn TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 27-7-2022.

7. Vân Anh, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam nỗ lực thu hút khách du lịch, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 424, 10-2019, tr.52-53.

8. Hoàng Yến, Doanh thu phim giảm sâu, nhà sản xuất Việt đứng ngồi không yên, zingnews.vn, 14-3-2022.

9. Xuân Lan, Sự thoái trào của rạp chiếu phim khi nền tảng phát hành phim trực tuyến lên ngôi, congly.vn, 10-12-2021.

Ths VÂN ANH - TS MAI HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;