Tóm tắt: Thông điệp di sản văn hóa đất nước “vươn mình bước vào kỷ nguyên phát triển” của GS, TS Tô Lâm - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược của Đảng, đánh thức niềm khát vọng của nhân dân, được hun đúc từ bao đời; về sự chuyển mình mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu đối với một dân tộc Việt Nam giàu mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết phân tích về tiềm năng, cơ hội phát huy giá trị di sản văn hóa; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với di sản văn hóa. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp thiết thực để di sản văn hóa đóng góp hiệu quả trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khóa: di sản văn hóa, kỷ nguyên mới, vươn mình.
Abstract: The message of our country’s cultural heritage “rising into an era of development”, delivered by Prof., Dr. To Lam, General Secretary of the Communist Party of Vietnam, has demonstrated the Party’s strategic vision and ignited the people’s long-held aspirations for a strong, decisive and progressive transformation. The article analyzes the potential and opportunities for promoting the values of cultural heritage, highlighting the attention and support of the Party, State and society. Moreover, it proposes practical solutions to effectively contribute cultural heritage to the nation’s development in this new era.
Keywords: cultural heritage, new era, to rise.
Lễ rước nước thiêng trong lễ hội Tràng An - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Di sản văn hóa đất nước “vươn mình bước vào kỷ nguyên phát triển” là một thông điệp quan trọng qua những bài phát biểu và trao đổi mang tính định hướng của GS, TS Tô Lâm - Tổng Bí thư Đảng ta, với cán bộ và nhân dân cả nước về một khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (1). Mục tiêu và định hướng trên đây của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, đã được đặt ra cho mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi tổ chức xã hội, mỗi cá nhân, để có những phân tích, đánh giá thời cơ, thuận lợi, nguy cơ và thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, khi kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng.
Là một thành viên trong cộng đồng hơn một trăm triệu dân Việt Nam, tôi không khỏi hối thúc bởi mệnh lệnh xung phong của đất nước, theo đó, bằng khả năng có hạn của mình, xin đóng góp đôi phần, qua những gì được hiểu, trên lĩnh vực đang hoạt động, như một giọt nước, góp vào dòng sông lớn của ngành Di sản văn hóa Việt Nam, hiện đang có những thời cơ, thuận lợi, nguy cơ và thách thức, mà nếu như khắc phục và đẩy lùi, sẽ có nhiều cơ hội để chuyển mình và cất cánh.
1. Những tiềm năng và cơ hội
Đất nước ta, được thế giới ngợi ca là một đất nước có bề dày truyền thống lịch sử, giàu bản sắc văn hóa. Một đất nước nằm ở ngã tư đường của những nền văn minh. Những đặc điểm nêu trên, đã tạo cho Việt Nam đang sở hữu một kho tàng di sản khổng lồ, cả về vật thể, phi vật thể, tư liệu và thiên nhiên. Chúng không chỉ có mặt ở vùng đồng bằng duyên hải, mà ở cả những vùng núi xa xôi, hải đảo gần bờ và xa bờ, không chỉ ở dân tộc đa số mà còn ở tất cả những đồng bào dân tộc ít người. Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực của ngành Di sản và của cộng đồng, tiềm năng ấy đã được đánh thức và dần dần được hé mở, vốn xưa kia, vẫn “cửa đóng then cài” khi đất nước chưa hội nhập với thế giới.
Trong thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi số, thu hút công chúng - Ảnh: Mai Hương
Những giá trị di sản văn hóa truyền thống như đình, chùa, miếu, bảo tàng và di tích, đương nhiên được khai thác như một tất yếu, thì bây giờ, những nhân tố mới, đã và đang được đặt ra với sự hứa hẹn về tiềm năng lớn. Đó là những di sản văn hóa công nghiệp, một thời bị lãng phí, bỏ quên, hiện đang có những vùng sáng của Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, qua những nhà máy, nhà ga, hải cảng... Những tri thức bản địa, trong quan niệm xưa cũ, đâu có phải là di sản để khai thác, phát huy, qua những tri thức dân gian của người Kinh, người dân tộc thiểu số… nay bắt đầu được chú ý thành những điểm nghỉ dưỡng, chữa bệnh, bằng những loại thảo dược, vốn là thế mạnh của một đất nước nhiệt đới, gió mùa Việt Nam. Làng nghề, vốn trước đây chỉ được coi là nơi sản xuất, giao thương, nay được xem như một điểm đến để du khách trải nghiệm, theo đó, một thiết chế của làng xã truyền thống với đình, đền, chùa, miếu, cổng làng, đã được khai thác, tạo nên một đặc sản khó quên, không chỉ với du khách nước ngoài, mà cả với khách trong nước. Một Bảo tàng gốm Bát Tràng, một hệ thống đường làng ngõ xóm hun hút như những giao thông hào, chợ và sắp tới đây, bến sông được tái hiện, để đón du khách thập phương qua ngả sông Hồng, hẳn là một ý tưởng hay để Bát Tràng được thức dậy sống động hơn. Di sản nông nghiệp truyền thống, với lối canh tác ruộng nước, làm muối, trên đá chọc lỗ tra hạt… trước kia, được coi là một kỹ thuật lạc hậu, giờ đây, dưới con mắt của du khách là một sự khám phá kỳ thú. Di sản ẩm thực, vốn là một thế mạnh của đất nước, ít được khai thác, phát huy, gần đây, trở thành linh hồn của mỗi vùng miền, tạo cảm hứng trải nghiệm, khám phá cho du khách trong và ngoài nước.
Với di sản văn hóa, cơ hội trước hết, đó là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, thông qua Hiến pháp, thông qua những Văn kiện Đại hội Đảng, được luật hóa bằng những điều luật, nghị quyết và thông tư, toát lên một tầm nhìn chiến lược về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng của Đảng và Nhà nước, đặt văn hóa như một nguồn lực để phát triển đất nước. Đây là quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây nền, đắp móng, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam mới, tháng 8-1945, qua Sắc lệnh số 65/SL, trong đó, xác định rõ “Việc bảo tồn di tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (2). Kho tàng di sản văn hóa dân tộc, có được như hôm nay, tạo được nguồn lực khai thác, phát huy như hôm nay có công lao to lớn của Bác Hồ.
Ngày 23-11-2024, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, trong đó, những định hướng bổ sung, sửa đổi đã bám sát vào sự tương thích với những bộ luật khác của Việt Nam, đồng thời, hướng tới những công ước quốc tế, như một phương cách hội nhập với cộng đồng thế giới một cách sâu và rộng hơn, qua đó, đã, đang và sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế - điều mà tôi đã thấy không ít những hồ sơ, dự án về di sản văn hóa ở các địa phương gặp phải những vướng mắc, đã được các quốc gia chia sẻ, UNESCO tháo gỡ. Đây là một cơ hội tốt để di sản văn hóa Việt Nam hội nhập và cất cánh.
Di sản văn hóa, dưới con mắt của người Việt Nam gần đây đã được cải thiện đáng kể, do nhận thức được nâng cao, do đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện và do di sản văn hóa đã đem lại lợi ích cho cộng đồng những hiệu quả thiết thực. Những thế hệ ông, bà, cha, chú, con cháu, thanh, thiếu niên tham gia vào công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy di sản một cách tích cực và chủ động hơn, với biết bao những dự án lớn nhỏ, hướng tới một tầm nhìn toàn diện để chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới, từ vốn liếng của cha ông để lại.
Đầu tư cho di sản, gần đây đã được quan tâm hơn từ Trung ương đến địa phương, từ tập đoàn kinh tế lớn đến doanh nghiệp nhỏ, từ người Việt Nam ở trong nước, đến Việt kiều trên khắp thế giới… Nguồn đầu tư kinh phí thông qua những chương trình quốc gia, chương trình cấp tỉnh và thành phố, được người dân đón nhận với sự tự hào và phấn khích, hiện rõ trên những nét mặt, nụ cười mà tôi đã được chứng kiến. Những dự án tu bổ, tôn tạo di tích gần đây đã được thực hiện một cách bài bản, chỉnh chu hơn, với sự giám sát chặt chẽ từ những cơ quan chuyên môn, mà chỉ vài chục năm trước, tiếng kêu than về một tình trạng càng đầu tư nhiều, di tích càng thêm sai lệch, thì nay, tình trạng ấy đã được giảm bớt, tạo cơ hội tốt cho di sản bước vào kỷ nguyên mới, hội nhập với thế giới.
Có thể nói, Đảng và Nhà nước quan tâm, nhân dân ủng hộ, cộng đồng quốc tế chia sẻ và tiềm năng đã hé lộ, bởi thế, không còn có lý do để di sản văn hóa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển một cách tự tin, phấn khích.
2. Những số liệu lạc quan
Một con số khái quát, được trích ra từ những di tích tiêu biểu và đại diện ở Việt Nam: cách đây 8 năm, Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, số khách tham quan là 2,5 triệu, thu vé tham quan khoảng 540 tỷ đồng, theo đó là hàng loạt những dịch vụ đi kèm, mà con số không thể thống kê, nhưng cũng đã làm cho Hạ Long thức dậy, vươn mình như rồng bay. Với Tràng An - một di sản tương đồng với Hạ Long, dù “sinh sau, đẻ muộn” trong hệ thống di sản đất nước, nhưng số khách đến thắng cảnh này lên tới 5 triệu, thu phí tham quan và khách đi đò, cùng các dịch vụ khác khoảng 675 tỷ đồng. Trung tâm Di tích Cố đô Huế - một kinh đô hoang tàn và đổ nát sau chiến tranh, đã được phục hồi, tôn tạo và tu bổ, dẫu chưa thực sự hoàn thiện, nhưng cũng đã đón 2 triệu lượt khách, thu vé tham quan là 200 tỷ đồng. Với cố đô, đây chỉ là con số định lượng, vừa phải và khiêm nhường, nhưng ẩn mình đằng sau những con số ấy là cả một thành phố êm đềm và tĩnh lặng, cả một địa phương chịu nhiều thiên tai, vươn mình. Định hướng trên đây đã trở thành hiện thực với Phong Nha - Kẻ Bàng, vào thời điểm 2015, số khách tham quan là 740.000 lượt khách, doanh thu từ phí tham quan và dịch vụ đạt khoảng 140 tỷ. Một khúc ruột miền Trung “chang chang cồn cát”, đầy bão gió và hậu quả chiến tranh phá hoại, nay được thức dậy từ những hang động thẳm sâu. Một phố cổ Hội An, khi tôi đến đây vào những năm 1982-1983, để chuẩn bị cho cuộc Hội thảo lần đầu, đề cử thành phố này trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới, dân sở tại ly hương, phiêu bạt, giữa trưa hè chỉ nghe văng vẳng bên tai tiếng khung cửi lách cách... Nay, đô thị Hội An vươn mình trở thành điểm tham quan hấp dẫn, ấn tượng nằm trong top 10 thành phố châu Á được ghi danh. Năm 2015, số khách đến tham quan thành phố đã có 1,1 triệu lượt, vé tham quan thu được 125 tỷ đồng (3).
Năm 2024, cả nước ước đón 17,5 triệu lượt khách nước ngoài tới tham quan, trong đó, nguồn thu hút chủ yếu từ những giá trị của di sản mà có.
Những con số biết nói, nếu đem ra so sánh, sẽ thấy ngay sự tự tin vào tương lai cất cánh của di sản đất nước. Ví như Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012, chỉ có trên 1 triệu lượt khách, nhưng chỉ sau 7 năm, năm 2019, con số đã lên tới 6,5 triệu (4). Bây giờ, con số ấy hẳn nâng lên nhiều, với một mô hình hợp tác công tư có hiệu quả, khi người dân có trách nhiệm với di sản mình đang được thụ hưởng. Với Hội An, từ gần 879.000 lượt khách năm 2006, tăng lên 2,5 triệu năm 2019. Và, như đã nói, điều quan trọng đối với thành phố này, so với GDP, nguồn khách và nguồn thu từ dịch vụ chiếm tới 70% (5).
Tôi nghĩ rằng, những con số thống kê trên đây được thực hiện trên cả nước, ở tất cả các lĩnh vực di sản, cùng với những đánh giá về kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi địa phương, dưới sự tác động do hiệu quả từ di sản đem lại, sự lạc quan sẽ càng được củng cố, cho dù, cảm nhận khởi sắc là không thể phủ định trong một thập niên gần đây, qua con mắt của cả trăm triệu dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Để lạc quan hơn từ những con số thống kê, theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, được công bố năm 2023, cả nước có 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.614 di tích được công nhận cấp quốc gia; 128 di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, trên 40.000 di tích được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 468 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, trong số những di sản văn hóa ở nước ta, UNESCO đã công nhận ghi danh 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (13 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp); 10 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới; 6 tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Bảo tàng đã trở thành một hệ thống gồm 195 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập). Con số này sẽ còn tăng lên, với nhiều dự án xây dựng mới có quy mô hoành tráng. Điều nổi bật và ấn tượng, chúng ta đã có 3 bảo tàng được thế giới đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được ghi nhận như một thành tựu đáng tự hào của hệ thống bảo tàng non trẻ của Việt Nam. Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật có giá trị, mang đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền, quốc gia đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại bảo tàng, với tổng số lên tới 4 triệu hiện vật, trong đó có 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia (6).
Những con số trên đây không chỉ là tĩnh, mà luôn luôn động theo thời gian, theo quan điểm và nhận thức, theo sự đầu tư nghiên cứu bài bản, chuyên sâu. Kho tàng Di sản văn hóa Việt Nam chất chứa hàng trăm triệu năm kiến tạo từ thiên nhiên, hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, của 53 dân tộc, không có lý do gì để không thể hướng tới một kỷ nguyên mới tự tin và phát triển, như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cùng bạn bè quốc tế, đã ngợi ca về một con rồng châu Á đang vươn mình.
3. Để kỷ nguyên mới thành công
Thành công, có lẽ ai cũng đã thấy, ai cũng đã có thể nhận ra, nhưng thành công như kỳ vọng, với một tiềm năng và cơ hội, với một kho tàng di sản khổng lồ, như đã có đôi dòng phác dựng trên đây, hẳn còn phải vượt qua nhiều thách thức, mà dưới đây, xin có đôi điều gợi nghĩ, trong miên man những gợi ý của cả trăm triệu đồng bào, của những người nước ngoài, yêu di sản Việt Nam, cần được khai thác thấu đáo cho một tương lai di sản Việt Nam cất cánh vươn cao, bay xa.
Trước hết, đó phải là những định hướng nhằm hoàn thiện chính sách để thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và điều ước quốc tế liên quan, để hoàn thiện hành lang pháp lý về di sản, đảm bảo yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và yêu cầu mới phát sinh trong việc hoàn thiện chính sách về di sản văn hóa.
Như đã có đôi dòng nhắc tới ở phần đầu, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024, đã quán triệt được những ý nêu trên, nhằm khắc phục những độ chênh giữa Luật Di sản văn hóa năm 2009, với những văn bản và công ước quốc tế, với thực tiễn vô cùng sống động, mà chưa thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và công ước quốc tế.
Chỉ lấy một ví dụ rất cụ thể, pho tượng đồng Durga thuộc nghệ thuật Chămpa, có niên đại thế TK VIII được Bộ VHTTDL ủy quyền cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cục Di sản văn hóa đi nhận về từ Vương quốc Anh. Đây là hiện vật do buôn bán trái phép, được trao trả cho Việt Nam, theo công ước, thế nhưng, đến cửa khẩu, Hải quan giữ lại trong kho, yêu cầu phải nộp thuế mới được nhập cảnh. Một mức thuế khổng lồ, do mức giá khổng lồ được người Anh định giá trị theo quy định. Cổ vật, lẽ đương nhiên, sẽ thuộc sở hữu của bảo tàng nhà nước, theo đó, thiết nghĩ, bất cứ một thứ thuế, phí nào đối với hiện vật này cũng chỉ là “từ túi nọ sang túi kia”, khi “cá đã vào ao ta”, đã không được tận dụng, khiến cho pho tượng bị “nhốt” trong kho Hải quan sân bay gần một năm. Sau những cuộc họp và nỗ lực cá nhân, cổ vật này đã được miễn thuế, phí. Rõ ràng Luật Di sản văn hóa năm 2009, Luật Thuế và Hải quan, công ước quốc tế năm 1972, có những độ chênh, cần được khắc phục, trong quá nhiều những độ chênh khác, cần được sửa đổi.
Vấn đề thứ hai, đó là quy hoạch. Đây là vấn đề còn quá hạn chế ở Việt Nam, không chỉ với di sản, mà ngay cả với những đô thị, công trình xây dựng và khu công nghiệp… khiến cho việc điều chỉnh luôn xảy ra, gây lãng phí lớn cho nền kinh tế đất nước. Tầm nhìn quy hoạch cần phải được quan tâm tới thực tiễn phát triển vùng - miền, quan tâm tới đời sống cộng đồng, với những khả năng sinh kế trong đời sống thường nhật của họ. Quy hoạch phải lưu ý tới quá trình biến đổi khí hậu và sự thích ứng của chúng với hiện tượng ngập lụt, nước biển dâng, nhiệt độ tăng, gió bão và mưa nắng thất thường... Quy hoạch cần phải quan tâm đến mối quan hệ giữa di sản vật thể với sự phát triển trong tương lai của mỗi địa phương, mà một ví dụ gần đây nhất, tại bến phà phía bắc Xuân Sơn (Quảng Bình) đã phải đề nghị điều chỉnh, chỉ còn là một số lẻ của hơn 55.000m2 trước đây. Sự điều chỉnh ấy đã làm mất đi cảnh quan của một bến phà sừng sững là biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ của cả dân tộc, không chỉ với Quảng Bình. Một sự thiếu kết nối giữa các di sản, vốn ở nước ta, mỗi thiết chế di tích đều rất tinh tế và đặc sắc, nhưng khiêm nhường và nhỏ bé, khác hẳn với các nước lớn, cần được liên kết lại, như một con đường di sản miền Trung, như Tam Canh của đình làng Hương Canh (Vĩnh Phúc), hay tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội. Quy hoạch cần hướng tới và được nhìn nhận rộng hơn về môi trường văn hóa và môi trường ấy được coi là một thể, bao gồm toàn bộ cảnh quan, các di sản khảo cổ và môi trường xây dựng (7). Tôi vô cùng ngạc nhiên, khi núi Ba Thê của văn hóa Óc Eo (An Giang) - một ngọn núi là linh hồn, là biểu tượng, là tâm linh của cộng đồng cư dân - chủ nhân một nền văn hóa nổi tiếng, trong quy hoạch trước đây, bị loại ra khỏi tầm ngắm của các nhà quy hoạch, hẳn là một thiếu sót cần được điều chỉnh. Quy hoạch của chúng ta, cần phải lưu ý tới những di sản dưới lòng đất, nhưng việc xây dựng một bản đồ khảo cổ học dường như vẫn chưa được đồng bộ thực hiện ở mỗi địa phương, khiến cho một Vườn Chuối ở Hoài Đức (Hà Nội), nổi tiếng và ấn tượng đã phải xóa sổ, chỉ còn để lại 6.000m2 làm công viên - dù đó có thể là một công viên di sản trong tương lai.
Vấn đề thứ ba, đó là kinh phí đầu tư và phương thức đầu tư cho di sản. Công bằng mà nói, đầu tư cho di sản, mấy năm trở lại đây đã được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, rồi đây sự đầu tư ấy sẽ càng mạnh mẽ hơn, kể cả nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, phương cách đầu tư còn dàn trải, chưa dứt điểm, khiến cho di sản chưa được khai thác kịp thời. Cần có Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Điện Biên, Bảo tàng Quảng Ninh… tạo nên sự cất cánh cho hệ thống bảo tàng, tạo cú hích cho một xu hướng mới của công chúng đến tham quan, vốn trước đây, tâm lý của người dân Việt Nam ít có thói quen. Làm thay đổi thói quen, lẽ đương nhiên là định hướng giáo dục, nhưng cũng cần có những trực quan sinh động, qua những sản phẩm hấp dẫn của bảo tàng đem lại.
Đầu tư cho di sản từ nguồn xã hội hóa, chủ yếu được ưu tiên cho những công trình mới và nhiều trong số những công trình ấy đem lại hiệu quả cho xã hội và cộng đồng, với những Tràng An (Ninh Bình) và Tam Chúc (Hà Nam), nên được coi là một hình mẫu thành công cho sự đầu tư dứt khoát, tập trung, để khai thác kịp thời.
Đầu tư cho công tác đào tạo, theo quan điểm của Đảng ta là “vừa hồng, vừa chuyên”. “Hồng” đã phần nào được coi trọng, nhưng “chuyên” còn để lại một quãng cách xa với các nước phát triển. Dường như, một đội ngũ quy hoạch chưa được chuyên sâu, một đội ngũ làm công tác tu bổ, tôn tạo chủ yếu là những thợ mộc, ngõa dân gian, thiếu vững vàng trong lĩnh vực chuyên môn này. Một đội ngũ thiết kế trưng bày bảo tàng chưa có, một hệ thống cán bộ quản thủ thiếu tinh thông… Khá nhiều người quản lý bảo tàng, di tích được luân chuyển từ nơi khác về, không có chuyên môn, bằng cấp, thiếu đi một tầm nhìn trước mắt cũng như lâu dài cho một thiết chế, có tầm mức không khác gì một cơ quan nghiên cứu khoa học đa ngành. Đầu tư cho chất xám, ít được coi trọng, trong khi chất xám là hồn cốt của mỗi dự án. Tôi đã làm việc với một cán bộ trẻ của Bảo tàng Quốc gia Singapore, anh ấy nói rằng, đất nước tôi không thiếu tiền, chỉ thiếu những ý tưởng hay. Một ý tưởng tốt, thuyết phục, chưa được lượng hóa bằng đơn giá thích đáng. Còn quá nhiều những đơn giá của ngành Di sản văn hóa chưa được quan tâm tháo gỡ, tạo nên một sự lúng túng, chần chừ qua những dự án đầu tư cho bảo tàng nói riêng, di sản nói chung.
Vấn đề thứ tư, đó là truyền thông và quảng bá. Công bằng mà nói, gần đây, di sản Việt Nam đã được quảng bá sâu và rộng, trên các kênh truyền hình uy tín ở trong và ngoài nước, nhưng mới tập trung ở những di tích lớn, chủ yếu là những di sản thế giới. Những di sản về ẩm thực, làng nghề, tri thức dân gian… mới chỉ hạn chế ở những kênh truyền hình trong nước, báo hình, báo in, mạng xã hội tự nhiên và tự phát; chưa có sự đầu tư thích đáng cho một chiến lược quảng bá tập trung, sâu rộng, đến những bản làng hẻo lánh, đến những hải đảo xa xôi, đến những món ăn độc đáo, đến những làng nghề đặc sắc… qua một bức tranh toàn cảnh về di sản Việt Nam, qua những chi tiết về vùng miền, ngóc ngách cho những làng, bản ở mỗi địa phương trong cả nước. Hình ảnh quảng bá cần được tận dụng triệt để từ nhiều nguồn sản phẩm, với phim ảnh, hàng hóa, sự kiện, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… tạo nên một ấn tượng Việt Nam với du khách trong và ngoài nước. Quảng bá phải được coi là sự sống còn của mỗi di sản. Tuy nhiên, để quảng bá có được sức mạnh và lòng tin, tính chuyên nghiệp của hoạt động di sản cần được thực hiện một cách bài bản, chuyên sâu, đừng để “treo đầu dê, bán thịt chó”, làm mất lòng tin của khách hàng, được đúc kết qua câu ngạn ngữ Việt “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Người Việt đã vậy, người nước ngoài còn khắt khe và dị ứng với điều này hơn ai hết.
Di sản Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh với nhiều lợi thế, cơ hội và tiềm năng, nhưng cũng không ít những thách thức để vượt qua. Những thách thức nêu trên chỉ là những dẫn dụ trong hàng trăm những điều còn bất cập, cần được tháo gỡ, qua việc hoàn thiện chính sách, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để ngành Di sản hòa chung vào không khí của kỷ nguyên mới, đưa đất nước phát triển toàn diện, như kỳ vọng của Đảng và mong muốn của nhân dân.
______________________
1. Tổng Bí thư Tô Lâm: Chuyển mình chậm là lạc hậu với Thế giới, Báo Hà Nội mới, 1-11-2024.
2. Phạm Mai Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp di sản văn hóa (Một con đường tiếp cận di sản văn hóa), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019, tr.15-28.
3. Lưu Trần Tiêu, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự nghiệp phát triển bền vững (Một con đường tiếp cận văn hóa), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019, tr.38.
4, 5, 6. Lê Thị Thu Hiền, Hoàn thiện chính sách di sản văn hóa để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đặc san Di sản văn hóa, số 1 (13), 2023, tr.4, 2, 2.
7. Nguyễn Viết Cường, Cách tiếp cận mở rộng quản lý di sản văn hóa với xây dựng môi trường văn hóa ở châu Âu và vấn đề của Việt Nam, Đặc san Di sản văn hóa, số 1 (13), 2023, tr.26-34.
Tài liệu tham khảo
1. Xem Hiến pháp năm 1992 và 2013; Văn kiện Đại hội Đảng các khóa; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII; Nghị quyết số 33-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị định số 519/TTg ngày 29-10-1957; Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009...
Ngày Tòa soạn nhận bài: 9-11-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa:16-11-2024; Ngày duyệt đăng: 7-1-2025.
TS PHẠM QUỐC QUÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025