Một số vấn đề đặt ra trong việc xây dựng văn hóa trên không gian mạng

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của internet, mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, hình thành một không gian mạng sống động, đã và đang tác động không nhỏ tới đời sống nhân loại. Đặc biệt, những năm gần đây, mạng xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, chi phối ngày càng lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội đối với đời sống xã hội nói chung và văn hóa nói riêng, song, cũng phải nhận thấy, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái, những tiêu cực và những hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước, cộng đồng, nhóm xã hội và từng cá nhân. Vì vậy, xây dựng văn hóa trên không gian mạng hiện nay đã trở thành một vấn đề hết sức bức thiết

1. Mạng xã hội và khả năng gia tăng ngày càng lớn của không gian mạng

Trước hết, nhìn khái quát về mạng xã hội và khả năng gia tăng ngày càng lớn của không gian mạng trên thế giới và ở nước ta, có thể thấy, đây là một xu thế không thể đảo ngược. “Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Nhìn từ góc độ văn hóa - xã hội, mạng xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, mạng xã hội có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo, trong đó bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người. Một số cộng đồng như Facebook, YouTube, Zalo… thu hút một số lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội” (1).

Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm gần đây, cộng đồng mạng và không gian mạng ở Việt Nam cũng phát triển mạnh. “Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, Việt Nam là 1 trong 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển (86,7%), nhưng cao hơn các nước đang phát triển (44,4%) và vượt qua nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%)” (2). “Tính đến tháng 1-2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97,8 triệu dân. Trong đó, có khoảng 68,17 triệu người đang sử dụng internet (chiếm 70,3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày” (3). Như vậy, có thể nói, mạng xã hội ở nước ta đang bùng nổ trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 về cả số lượng, chất lượng lẫn không gian. Sự gia tăng của mạng xã hội và khả năng gia tăng ngày càng lớn của không gian mạng đang theo chiều hướng ngày càng lớn, ngày càng liên tục.

Chính vì thế, nhu cầu về: quản lý các loại hình mạng, thị trường mạng, sự sẻ chia và sử dụng thông tin trên không gian mạng, đặc biệt là việc xây dựng nếp sống văn hóa trên không gian mạng... trong bối cảnh sống hiện nay đang đặt ra cho chúng ta những yêu cầu bức thiết.

2. Xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng

Môi trường văn hóa là một khái niệm rộng, chỉ toàn bộ không gian, chất lượng hoạt động văn hóa của xã hội để tạo nên các giá trị văn hóa (vật thể, phi vật thể, ứng xử...), cùng với hệ thống thiết chế văn hóa đảm bảo cho quá trình sáng tạo, phổ biến tiếp nhận, đánh giá và thưởng thức các giá trị văn hóa của con người. Có môi trường văn hóa mang tính nhân loại, tính quốc gia, đồng thời cũng có những môi trường văn hóa mang tính vùng, khu vực, địa phương... được quy định bởi những điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, tâm lý, truyền thống, phong tục tập quán, lối sống... của từng vùng, miền, địa phương. Có môi trường văn hóa trên không gian địa lý và có môi trường văn hóa trên không gian mạng... Ở Việt Nam, môi trường văn hóa trên không gian mạng là một vấn đề mới cần quan tâm.

Thực trạng của văn hóa ứng xử trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Một sự việc khi phát sinh sẽ có nhiều chiều hướng dư luận khác nhau, nhiều cách ứng xử khác nhau, chưa kể mạng xã hội tác động lớn đến sự việc, hiện tượng, cộng đồng hay cá nhân nào đó.

Một ví dụ điển hình: gần đây, sau một số trận bóng đá, các cổ động viên đã tấn công vào tài khoản facebook của trọng tài khi cho rằng bắt lỗi chưa chuẩn khác, kéo theo nhiều bình luận mà trong đó có không ít bình luận thiếu chuẩn mực. Dù chưa biết sự việc đúng hay sai nhưng xu hướng đám đông có tác động rất lớn. Nhất là những màn bóc phốt, sự việc ăn mặc phản cảm… được đưa lên mạng xã hội bình phẩm và bắt trend (xu hướng). Một bộ phận người dùng mạng xã hội từ vô tình đến hữu ý biến thành “anh hùng bàn phím” để đi công kích và bình luận với những lời lẽ tiêu cực...

Như vậy, có thể thấy văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang phơi bày không ít những yếu tố tiêu cực, nhất là tác động lớn đến giới trẻ hiện nay.

Để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng trên, trước hết cần xác định được những nguyên nhân dẫn tới sự lệch lạc trong văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Trong đó, ít nhất có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, không ít người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt một bộ phận giới trẻ có nhận thức sai lệch khi sử dụng mạng xã hội, họ sẵn sàng bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa để được nổi tiếng hay gây sự chú ý. Đồng thời, thiếu nhận thức về những hậu quả khôn lường của việc tương tác nội dung xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Thứ hai, do sự đa dạng, tính đặc thù về ngôn ngữ nên việc sử dụng công cụ kỹ thuật để nhận diện và phát hiện các nội dung vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, hình ảnh hở hang, phản cảm… còn chung chung, mang định tính nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ (4). Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến cho rằng: xây dựng văn hóa trên không gian mạng không phải là việc của riêng ai. “Phải xem việc xây dựng văn hóa trên không gian mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. Các bộ, ngành đều cần có những quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo những giá trị chuẩn mực chung (như an toàn, tôn trọng, trách nhiệm và lành mạnh)” (5).

Để xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng, với tư cách một quốc gia mới tiếp cận với mạng xã hội, Việt Nam có nhiều việc cần làm. “Trước hết, cần tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản dưới Luật liên quan đến mạng như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ Thông tin… Bên cạnh đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến môi trường mạng trong các lĩnh vực như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Nghị định về hoạt động Nghệ thuật biểu diễn… Đồng thời, tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt, cấp phép, thanh tra... Cần có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng” (6). Cùng với một hệ thống các văn bản tạo hành lang pháp lý phù hợp ấy, trong thực tiễn, chúng ta không thể không chú trọng đến hàng loạt vấn đề khác. “Đó là, rất cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng khoa học - kỹ thuật, dùng công nghệ để quản lý công nghệ như dùng tường lửa, phần mềm lọc thông tin, cảnh báo các ứng xử phản văn hóa, xây dựng mạng xã hội nội địa...

3. Tăng cường sức đề kháng trước thông tin và sản phẩm xấu độc trên không gian mạng

Trong thời đại công nghệ số, bùng nổ thông tin hiện nay, tin giả, tin xấu độc phát tán, lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt, rộng khắp trên không gian mạng đã tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng. Càng ngày, hiện tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc chế biến thông tin, vu cáo, bôi nhọ, lừa đảo... xuất hiện càng nhiều gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tình cảm, nhân cách, tư tưởng, chính trị, khả năng miễn dịch trước các thông tin xấu, độc mà chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc và xử lý. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức, kỹ năng bảo vệ cái đúng, phản bác cái sai, nâng cao ý thức sử dụng, sức đề kháng trước các thông tin xấu, độc; xây dựng, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tin giả, tin xấu độc và các sản phẩm văn hóa độc hại là nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, các ngành triển khai thực hiện thường xuyên; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, tạo ra sức đề kháng cho thế hệ trẻ khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng hiện nay.

Trên các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Zalo, YouTube, Twiter, Instagram... có nhiều thông tin khác nhau, bên cạnh những thông tin tích cực, đúng đắn vẫn có nhiều thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, thù địch, phản động, kích động bạo lực... được viết và đăng tải dưới nhiều hình thức để tiếp cận với hàng triệu người đọc, gây ra những luồng thông tin trái chiều làm nhiễu loạn xã hội. Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận, làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn. Từ đó, những người tiếp nhận sẽ có những hành động gây bất lợi cho cộng đồng hoặc cá nhân ở các phương diện mà họ tiếp cận. Khi tham gia vào mạng xã hội, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú ý gia tăng sự tiếp cận nhiều hơn với các thông tin chính thống, rõ nguồn.

Nâng cao năng lực để chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, gia tăng sức đề kháng với thông tin xấu độc sẽ góp phần phát huy những tác động tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Đồng thời, chúng ta có thể tránh những sai lầm không đáng có khi chia sẻ những thông tin xấu, độc chưa được kiểm định trên mạng xã hội.

4. Xây dựng ý thức tuân thủ văn bản pháp luật liên quan đến mạng xã hội và bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Cộng đồng sử dụng mạng xã hội rất cần trang bị tri thức về pháp luật liên quan tới mọi vấn đề thuộc mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, trên không gian mạng. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và năm 2018 tiếp tục ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Sau đó, Luật An ninh mạng ra đời năm 2018 đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trên không gian mạng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và có hiệu lực từ ngày 15-4-2020. Sự ra đời của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP làm cho môi trường không gian mạng trở nên lành mạnh hơn, bởi một lượng lớn thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục… với động cơ, mục đích khác nhau đã và đang được ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả. Có thể coi Nghị định 15/2020/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng để hướng đến mục tiêu làm lành mạnh hóa, phát huy tác dụng tích cực của mạng xã hội. Điều quan trọng cần thiết hơn tất cả, đó là phải có sự chung tay góp sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các cộng đồng và mỗi người dân.

Song song với việc trang bị tri thức là việc tuân thủ nghiêm túc những văn bản pháp luật, những quy ước cộng đồng, quy ước nhóm phù hợp. Trong đó, chú trọng một số vấn đề cơ bản sau: chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về quản lý mạng xã hội; triển khai sâu rộng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội; xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội; cân nhắc, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên mạng xã hội và phải có trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, chia sẻ; chú ý nhận biết rõ nguồn gốc của thông tin, phân biệt tin thật, tin giả; thường xuyên tiếp cận những thông tin chính thống, bổ ích; không để bị sa vào những thông tin thất thiệt, tiêu cực (7).

Đồng thời, các nhà quản lý, nhà cung cấp và người sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ những quy định đề ra trong bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Quyết định số 874/QĐ/BTTTT ngày 17-6-2021 đã nhấn mạnh mục đích: “Tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội Việt Nam… xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam” và đề ra 4 quy tắc ứng xử chung trên không gian mạng, là những quy tắc áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng. Đó là: tôn trọng, tuân thủ pháp luật (tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lành mạnh (hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; an toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật). Bên cạnh đó, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng đã đề ra quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử cho các cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội...

Tóm lại, xây dựng văn hóa trên không gian mạng hiện nay đang trở thành một vấn đề hết sức bức thiết và nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Nội dung của việc xây dựng văn hóa trên không gian mạng ở Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, ngày càng bao gồm nhiều vấn đề gắn bó hữu cơ, tác động và chi phối lẫn nhau cần có nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời và triệt để. Bên cạnh các biện pháp của cơ quan quản lý nhà nước cần thông tin và sản phẩm xấu độc trên không gian mạng; xây dựng ý thức tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến mạng xã hội và bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng...

_______________

1. Dương Thế Công, Mạng xã hội, mặt tích cực và tiêu cực, những vấn đề đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, conganquangbinh.gov.vn, 19-8-2018.

2, 3, 6. Từ Thị Loan, Tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng hiện nay là vấn đề cấp thiết, cntt.gov.vn, 8-10-2021.

4. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Giải pháp phát triển văn hóa, hành vi ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam, nhandan.vn, 17-12-2022.

5. Trần Thành Nam, Xây dựng văn hóa mạng từ cuộc sống thực, sggp.org.vn, 28-11-2021.

7. Thái Hưng, Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, camau.gov.vn, 17-9-2020.

VŨ THỊ HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;