Văn hóa ẩm thực trong nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu

Phù điêu Uống rượu cần tại nhà gươl thôn Ka Noonh, xã A Xan, huyện Tây Giang

Trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc nói chung, dân tộc Cơ Tu nói riêng, yếu tố thẩm mỹ luôn được coi trọng. Họ chế tác nhiều vật dụng dùng để ăn uống hằng ngày và sử dụng trong các dịp lễ hội cộng đồng đều có kiểu dáng, hoa văn độc đáo. Đặc biệt, nhà làng truyền thống, được xem là một bảo tàng mỹ thuật dân gian, là không gian sáng tạo và lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ, tranh vẽ, hoa văn trang trí mang nhiều giá trị nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đó ta luôn tìm thấy vô số tác phẩm tạo hình liên quan đến đời sống ẩm thực của dân tộc. 

Vật dụng ẩm thực là thành phần tạo ra tính thẩm mỹ trong quá trình ẩm thực, từ khâu bảo quản, chế biến, dọn bàn/mâm cỗ đến thưởng thức món ăn, đồ uống. Chiếc mâm ăn đan bằng mây tre, cái nia hình giọt nước là đồ vật hữu dụng có giá trị thẩm mỹ. Người Cơ Tu gọi mâm là apợ kazơ, là một vật dụng được sáng tạo và gia công mang hình thức thẩm mỹ rất độc đáo và biểu đạt ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống gia đình và cộng đồng. Mâm thường 3 phần chính: mặt mâm, thành mâm và đế mâm. Thành mâm để giữ thức ăn không bị đổ khi vận chuyển bằng cách đội mâm hay bưng bê. Mặt mâm làm bằng mây được trang trí những đường nét hoa văn nhẹ nhàng, tinh tế. Đồng bào Cơ Tu trang trí hoa văn trên mặt mâm với một số mô típ quen thuộc như lá atút (h’la atut), hoa plơm (pô plơm), đó là những hoa văn thường xuất hiện trên trang phục với bố cục hoàn chỉnh và mang ý nghĩa sung túc, no đủ. Phần chân đế cũng được chăm chút với nhiều kiểu trang trí bằng những vòng song mây to đều nhau, chắc chắn theo kỹ thuật buộc, bện, nối, uốn... Mâm đẹp nhất người Cơ Tu thường dùng để tiếp khách quý, là sản phẩm có giá trị để trao đổi, mua bán trong nội bộ cộng đồng. Mâm làm ra còn để biếu tặng bà con, sui gia…Mâm đẹp, quý nhất còn dùng để dâng lễ vật lên những vị thần linh thiêng nhất. Chiếc khay uống trà đan bằng mây tre cũng mang nhiều nét đẹp tinh tế. Nó là vật dụng đẹp nhất trong bộ sưu tập công cụ đan lát của dân tộc Cơ Tu. Trong các lễ hội lớn, đồng bào thường làm một cái giàn cúng (pa ra), trên dưới và xung quanh được lót và che bằng những tấm vải thổ cẩm có hoa văn đẹp mắt để đặt mâm cỗ, lễ vật cúng thần linh. Nơi đây các già làng tiến hành các nghi lễ thiêng liêng, khấn nguyện, xin phép và mời các vị thần linh về dự lễ và thụ hưởng các lễ vật của làng dâng hiến. Những vật dụng để đựng rượu, uống rượu cần, rượu tà vạc được làm bằng ống nứa có vài nét chạm khắc hoặc bao quanh những viền hoa văn thổ cẩm xinh xắn.

Phù điêu cặp đôi trai gái uống rượu cần

Điêu khắc gỗ là một trong những loại hình nghệ thuật nổi trội của dân tộc Cơ Tu. Trong nghệ thuật điêu khắc gỗ, đề tài về ẩm thực khá phong phú. Thú vui ẩm thực như uống rượu cần, uống rượu tà vạc, tr’đin; hoạt động phục vụ đời sống ẩm thực như khai thác, bảo quản và chế biến lương thực, thực phẩm như săn bắt, xúc cá, giã lúa, sảy gạo…được thể hiện khá sinh động, làm đẹp cho nhà làng truyền thống, nhà mồ. Nơi đây, ta dễ dàng tìm thấy những bức tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ với chủ đề nổi trội và xuyên suốt về “văn hóa rượu cần”, lễ hội ở buôn làng với “mùa ăn năm uống tháng”, dân làng vui mừng mùa màng bội thu, săn bắt được thú lớn… Điều thú vị là những điêu khắc phẩm của các nghệ sĩ dân gian gửi gắm nơi nhà làng thì chủ đề về rượu cần lại chiếm một ưu thế về số lượng tác phẩm và phong cách thể hiện. Chiếc ché cổ quý giá và văn hóa rượu cần là chất men gây xúc cảm nghệ thuật để hình thành nên những tác phẩm khá độc đáo. 

Những cái mâm mây đẹp đựng bánh sừng trâu dâng cúng thần linh trong lễ hội

Những phù điêu sinh hoạt lễ hội, cảnh uống rượu cần thường là đề tài hấp dẫn nhất mà nghệ nhân dày công khắc họa để làm đẹp cho công trình kiến trúc nhà làng truyền thống ở huyện Tây Giang (Quảng Nam). Nhà gươl thôn Ka Noonh ở xã A Xan là nơi có nhiều tác phẩm điêu khắc ấn tượng nhất bởi nơi đây nghệ nhân Ker Tíc đã dành hết tâm huyết, tài năng của mình để sáng tạo ra những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, trong đó phải kể đến bức phù điêu Uống rượu cần. Bức phù điêu này được khắc trên tấm ván thưng miêu tả 6 người đang vui thú vít cần uống rượu. Những chiếc cần tạo hình cong cong, uyển chuyển đưa chất men say, diễn tả sự hân hoan cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Hai chiếc ché thể hiện trong phù điêu đều trang trí những họa tiết rất bắt mắt. Bức phù điêu được sáng tác trên gỗ nhưng nhìn tựa như bức tranh sơn dầu với gam màu trầm lắng, nét chạm khắc đơn sơ, mộc mạc, nét vẻ bay bổng, nhẹ nhàng mang tính cách điệu rất cao - một thủ pháp nghệ thuật thường thấy ở các tộc người miền núi. Tại các nhà làng ở xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam), bên cạnh các bức phù điêu, tranh vẻ đẹp mắt, nghệ nhân còn sáng tạo bức tượng Chim cú vọ, diều hâu đậu trên ché rượu cần. Độc đáo nhất là bức tượng Rắn thần quấn trên ché rượu cần. Hình tượng ché rượu cần còn được bố trí ở một số vị trí, bộ phận đặc biệt trong kiến trúc nhà gươl. Đó là chân cột cái (zrâm moong), các chân cột phía dưới sàn nhà hay các điểm tiếp giáp giữa các tấm lan can bao quanh ngôi nhà.

 Phù điêu khai thác rượu tà đin

Trong các chủ đề trang trí nhà làng, ta thấy xuất hiện nhiều bức tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ về cây tà vạc, tr’đin diễn tả cảnh người mang ống bương trèo cây lấy rượu, cảnh mời rượu nhau trong lễ hội, người say rượu…Ở nhà làng xuất hiện nhiều tượng tròn miêu tả dân làng thưởng thức rượu tà vạc. Tiêu biểu là bức tượng đặc tả người đàn ông tay cầm ống nứa đựng rượu, vẻ mặt tươi tỉnh, dáng người khỏe mạnh, gân guốc...Tác giả của bức tượng gỗ này muốn nói rằng, nhờ uống rượu tà vạc mà người này có được sức vóc như vậy. Và trên thực tế, đây là thức uống bổ dưỡng, đàn ông nhờ nó mà có năng lượng để đi rừng đi rẫy, phụ nữ có khuôn ngực nở nang, tràn trề sức sống...

Những vật dụng có nét thẩm mỹ trong hoạt động ẩm thực

Ẩm thực không chỉ giải quyết nhu cầu ăn uống mà còn nảy sinh, nâng niu nghệ thuật thị giác, tôn vinh cái đẹp trong đời sống cộng đồng. Bộ sưu tập đồ dùng, hiện vật cùng với những tác phẩm tạo hình có giá trị về nghệ thuật liên quan đến văn hóa ẩm thực của dân tộc Cơ Tu cần được sưu tầm để bảo quản, trưng bày ở các bảo tàng. Một số điểm du lịch cộng đồng, bên cạnh đưa các đặc sản ẩm thực dân tộc còn sử dụng các vật dụng ẩm thực có giá trị thẩm mỹ, thân thiện với môi trường để phục vụ du khách như là một sản phẩm mang hương vị đại ngàn.

 Những ché gỗ trang trí trong nhà làng thôn Tống Cói

 Chiếc khay mây bày món ăn và trà nước trong tiếp đãi khách và lễ hội

Bài & Ảnh: TS TRẦN TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024

;