Thực trạng pháp luật về điện ảnh Việt Nam và giải pháp hoàn thiện

Luật Điện ảnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý hoạt động điện ảnh Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa và nâng cao thị trường điện ảnh Việt Nam về cả lượng và chất; góp phần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam; từng bước hội nhập với nền công nghiệp điện ảnh thế giới. Trong quá trình triển khai thi hành, một số quy định trong Luật Điện ảnh và văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để phát triển điện ảnh.

1. Thực trạng hệ thống pháp luật về điện ảnh

Hệ thống văn bản pháp luật về điện ảnh tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh

Sau khi Luật Điện ảnh được ban hành, Chính phủ, Bộ VHTTDL, các địa phương trên cả nước đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh. Bên cạnh Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn, hoạt động điện ảnh còn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trong đó, nhiều quy định pháp luật liên quan tác động trực tiếp đến hoạt động điện ảnh, như: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Bộ Luật Lao động; Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Quốc tịch; Luật Phí và lệ phí; Luật Đấu thầu; Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg hướng dẫn tại Điều 26 Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư năm 2020; Nghị định số 31/2021/ND-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư; Luật Quảng cáo; Luật Lưu trữ; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và văn bản hướng dẫn; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi, bổ sung 2013 và văn bản hướng dẫn; Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6-5-2013 sửa đổi Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống văn bản pháp quy đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cơ bản đảm bảo công tác quản lý và điều chỉnh các hoạt động điện ảnh.

Những bất cập, hạn chế trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điện ảnh và bất cập của hệ thống pháp luật, chính sách về điện ảnh

Sau 15 năm triển khai và thi hành Luật Điện ảnh, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống văn bản pháp luật về điện ảnh đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế:

Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn luật, kể cả văn bản quan trọng còn chưa kịp thời: Nghị định 96/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh 2006 và Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện ảnh năm 2009 (sau đây gọi là Nghị định 54) ra đời sau khi Luật được ban hành 1 năm. Kể từ khi Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2007, 2 năm sau, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 48/2008/QĐ-BVHTTDL về quy chế thẩm định kịch bản văn học đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước và Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL về quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim; 5 năm sau, Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản quan trọng quy định về quy chuẩn rạp chiếu phim; hoạt động của đội chiếu phim lưu động; hoạt động phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem; hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh; về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động điện ảnh; về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành điện ảnh đến 7 năm sau khi Luật ra đời mới được ban hành. Tương tự, chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh là hai văn bản định hướng quan trọng đối với hoạt động điện ảnh lần lượt được ban hành vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. 15 năm sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, vẫn còn một số văn bản chưa được ban hành. Đó là các nội dung về Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 8, Nghị định 54) và phát sóng phim Việt Nam trong các đợt phim kỷ niệm ngày lễ của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại trên truyền hình cả nước (Khoản 1, Điều 17 Nghị định 54).

Tại các địa phương, việc ban hành văn bản triển khai Luật Điện ảnh, Chiến lược phát triển điện ảnh chưa được chú trọng. Hầu hết các địa phương thiếu các văn bản quy định cơ chế, chính sách phát triển điện ảnh cụ thể. Hà Nội và TP.HCM là 2 trung tâm điện ảnh lớn nhất cả nước, nhưng cũng thiếu hụt các chính sách phát triển điện ảnh một cách quy mô, mang tính chiến lược.

Một số quy định của Luật Điện ảnh không thống nhất, còn chồng chéo, chưa tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, gây khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện: Quy định về bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh chưa thống nhất giữa Luật Điện ảnh và Luật Sở hữu trí tuệ. Điều 7, Luật Điện ảnh quy định “Nhà nước bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu tác phẩm của chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ không quy định cụ thể về bảo vệ bản quyền phim trên không gian mạng. Do vậy, vi phạm về bản quyền trong hoạt động điện ảnh diễn ra khá phổ biến, nhưng cơ quan chức năng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý.

Quy định về khiếu nại, tố cáo, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh (Điều 10, Luật Điện ảnh: Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điện ảnh), Chương VII (Thanh tra và xử lý vi phạm) không tương thích với quy định của Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020); các thuật ngữ “liên doanh”, “vốn pháp định” tại Khoản 2, Điều 13, Luật Điện ảnh không còn phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 do đã được sửa đổi.

Một số quy định chồng chéo với quy định của Luật Báo chí, không khả thi. Khoản 2, Điều 38, Luật Điện ảnh quy định, Bộ VHTTDL có quyền thu hồi quyết định phát sóng phim truyền hình; Điều 30, Luật Điện ảnh quy định phim xuất khẩu do đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được cấp giấy phép hoạt động báo chí sản xuất phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh. Trong khi Khoản 1, Điều 24, Luật Báo chí quy định nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Trên thực tế, các nội dung này được thực hiện theo quy định của Luật Báo chí.

Nhiều quy định của Luật Điện ảnh và văn bản hướng dẫn không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, làm hạn chế hiệu quả hoạt động điện ảnh: Một số quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh trong Luật Điện ảnh và Nghị định 54/2010/NĐ-CP (Điều 5, Luật Điện ảnh và Điều 2, 3, Nghị định 54/2010/NĐ-CP quy định ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai cho các cơ sở điện ảnh; chính sách ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim) thiếu khả thi do đang áp dụng theo một số luật liên quan: Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đã được sửa đổi.

Một số quy định không thực hiện được như: chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ, tài trợ cho phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, phục vụ nhiệm vụ chính trị; chính sách đặc thù đối với các đội chiếu phim lưu động (Điều 5, Luật Điện ảnh và Điều 4, 5, 6, Nghị định 54/2010/NĐ-CP).

Quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 6, Luật Điện ảnh) thiếu khả thi. Sau nhiều năm Luật ban hành, đến nay Quỹ vẫn chưa được thành lập, mặc dù từ năm 2010 đến nay Bộ VHTTDL đã 2 lần trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Quỹ. Nguyên nhân chủ yếu do chưa làm rõ mô hình hoạt động, nguồn thu và phương thức quản lý, sử dụng Quỹ.

Quy định doanh nghiệp sản xuất phim phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ VHTTDL cấp (Điều 14, Luật Điện ảnh) là không cần thiết và không phù hợp với chủ trương của Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động điện ảnh, mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp.

Quy định phải có rạp chiếu phim mới được đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim (Điều 30, Luật Điện ảnh) đã hạn chế quyền xuất, nhập khẩu phim của các doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, ít doanh nghiệp Việt Nam có vốn lớn để xây dựng hệ thống rạp, làm hạn chế khả năng tham gia xuất nhập khẩu phim của các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh, sở hữu hệ thống rạp lớn, sẽ chi phối thị trường xuất nhập khẩu phim, phổ biến phim.

Quy định băng phim, đĩa phim xuất khẩu phải được dán nhãn kiểm soát của Bộ VHTTDL (Điều 30, Luật Điện ảnh) không hợp lý, phát sinh thủ tục, chi phí, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu phim của các đài truyền hình. Mặt khác, lưu trữ phim hiện đã chuyển sang công nghệ số nên quy định này đã trở nên lạc hậu.

Một số quy định của Luật Điện ảnh chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim, cần được sửa đổi, thay thế. Trong khi, điện ảnh đã phát triển, chuyển đổi sang công nghệ số, một số quy định của Luật Điện ảnh vẫn đang điều chỉnh việc sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu chiểu, lưu trữ phim theo công nghệ phim nhựa 35mm hoặc video (Điều 4, 28, 29, 45). Tương tự, quy định một số hành vi vi phạm về sản xuất, phát hành phim, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản và tàng trữ phim (Chương VII) không còn phù hợp với loại hình phim kỹ thuật số hiện nay.

Quy định “Tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim” tại Điều 17, Nghị định 54/2010/NĐ-CP không phù hợp với thực tiễn năng lực sản xuất phim của hầu hết đài truyền hình địa phương.

Quy định về hoạt động nhập khẩu phim của đơn vị sự nghiệp không phù hợp với thực tiễn. Khoản 6, Điều 30, Luật Điện ảnh quy định “Đơn vị sự nghiệp được nhập khẩu phim, lưu hành nội bộ để phục vụ yêu cầu công tác của mình”. Quy định này dẫn đến hoạt động của các cơ sở điện ảnh, như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ VHTTDL) đang duy trì tốt hoạt động phổ biến phim, nhưng không được trực tiếp thực hiện việc nhập khẩu phim để phổ biến rộng rãi tới khán giả.

Quy định về điều kiện thành lập Hội đồng phim ở địa phương không phù hợp với thực tế, thiếu tính khả thi. Khoản 1, Điều 39, Luật Điện ảnh quy định phân cấp thành lập Hội đồng thẩm định phim cho địa phương, tuy nhiên Khoản 3, Điều 18, Nghị định 54 quy định điều kiện để địa phương được quyền cấp giấy phép phổ biến phim truyện là phải sản xuất được ít nhất 10 bộ phim truyện nhựa và nhập khẩu ít nhất 40 phim truyện nhựa được phép phổ biến trong năm liền kề trước đó. Điều kiện nêu trên không dễ gì đạt được ngay cả đối với những trung tâm điện ảnh lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Quy định về thẩm quyền tổ chức liên hoan phim quốc gia, quốc tế không còn phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh. Theo quy định, Bộ VHTTDL là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm tổ chức Liên hoan Phim quốc gia và Liên hoan Phim quốc tế tại Việt Nam; kinh phí tổ chức hoạt động này do ngân sách Nhà nước chi trả. Quy định này chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, làm mất cơ hội thu hút các nguồn lực, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, đủ năng lực đăng cai tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá điện ảnh chuyên nghiệp, mang tầm cỡ quốc tế. Trong khi đó, về phía Bộ VHTTDL, nhân lực mỏng, việc tổ chức liên hoan phim mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, quy định việc tổ chức các Liên hoan phim, Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài phải được sự đồng ý của Bộ VHTTDL (Khoản 1, Điều 41, Luật Điện ảnh), đã hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động tổ chức sự kiện điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài, trong khi trên thực tế, hoạt động liên hoan phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài phần lớn được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Một số vấn đề chưa được quy định hoặc quy định thiếu cụ thể: Thiếu quy định về áp dụng công nghệ số trong hoạt động điện ảnh và quản lý hoạt động điện ảnh thời kỳ mới. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin tác động lớn, làm thay đổi toàn bộ hoạt động điện ảnh trong khi Luật được ban hành hơn 10 năm.

Luật Điện ảnh quy định về phát hành và phổ biến phim trên internet và các nền tảng số khác chưa cụ thể (Điều 36, Luật Điện ảnh quy định “Việc phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan). Nội dung này hiện được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình cũng chưa cụ thể và hiệu lực pháp lý thấp. Trong khi đó, các hình thức phát hành, phổ biến phim này đang gia tăng về số lượng, lại không bị yêu cầu kiểm duyệt nội dung nên thường vi phạm pháp luật nhưng thiếu chế tài xử lý nghiêm và triệt để.

Thiếu quy định về thu hút đầu tư, hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam. Một số quốc gia đã áp dụng các chính sách giảm thuế, hoàn thuế, trích lại phần trăm doanh thu, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu tiên thủ tục hải quan, nhập cảnh, miễn phí thuê địa điểm quay… nhằm thu hút các đoàn làm phim nước ngoài. Tại Việt Nam, chưa có cơ chế, chính sách thu hút, trong khi đó còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, thiếu thông tin hướng dẫn về các thủ tục thực hiện quay phim tại Việt Nam, khiến một số hãng phim lớn trên thế giới mặc dù có mong muốn nhưng lại lựa chọn hợp tác sản xuất với các quốc gia khác.

Thiếu cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh tham gia đóng góp phát triển điện ảnh Việt Nam. Hiện nay, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam là 3 tổ chức của người làm công tác điện ảnh đang hoạt động. Các Hội, Hiệp hội đã tập hợp, huy động được sự đóng góp tích cực của nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, kỹ thuật, mỹ thuật về điện ảnh các thế hệ… hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam; đồng thời, tích cực bảo vệ quyền lợi hội viên. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành thiếu cơ chế hỗ trợ hoạt động, huy động sự đóng góp của các tổ chức nghề nghiệp đối với hoạt động điện ảnh.

 2. Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về điện ảnh

 Khắc phục tồn tại, hạn chế trong một số quy định của Luật Điện ảnh

 Thực tiễn thi hành Luật Điện ảnh trong 15 năm qua cho thấy một số quy định của Luật còn tồn tại, hạn chế, chưa phù hợp với điều kiện thực tế phát triển, dẫn đến việc thực thi các quy định của Luật gặp nhiều khó khăn, cần khắc phục như: Các quy định của Luật Điện ảnh chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim; một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh quy định tại Điều 5 chưa có tính khả thi cao, chưa được thực thi nghiêm túc; chính sách ưu đãi đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù đối với các đội chiếu phim lưu động; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh (quy định tại Khoản 3, Điều 5); chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị (quy định tại Khoản 6, Điều 5) chưa được thực hiện, trong khi đó nhiều rạp chiếu phim của các cơ sở điện ảnh tại địa phương bị sáp nhập hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng; việc soạn thảo đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định tại Điều 6) để hỗ trợ phát triển điện ảnh dân tộc đã được tiến hành từ năm 2010 nhưng chưa được phê duyệt, ban hành; chưa quy định cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam cũng như thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực điện ảnh; chưa quy định chặt chẽ cơ chế phối hợp giữa ngành Điện ảnh với các ngành khác như Truyền hình, Du lịch, Tài chính, Thông tin truyền thông nên trong quá trình thực thi còn gặp khó khăn lúng túng; so với hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, một số hành vi vi phạm về phát hành phim, nhân bản và tàng trữ phim... một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; mô hình tổ chức đối với đơn vị điện ảnh do Nhà nước quản lý đã có sự biến động, cơ chế, chính sách thay đổi khiến các nhà hoạt động làm công tác điện ảnh chưa thích ứng ngay được với môi trường mới, vì vậy công tác sản xuất và phổ biến phim của các đơn vị gặp nhiều khó khăn...

Giải pháp hoàn thiện pháp luật quản lý nhà nước về điện ảnh

 Sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Điện ảnh hiện hành: Sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển điện ảnh Việt Nam: sửa đổi các chính sách về phát triển điện ảnh phù hợp với tình hình mới và bảo đảm tính khả thi; Cần đánh giá kỹ tác động, phân loại các hoạt động điện ảnh thành nhiều nhóm: nhóm cần được đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhóm cần hỗ trợ một phần ngân sách hoặc các ưu đãi cụ thể, nhóm cần khuyến khích xã hội hóa… từ đó có các chính sách phù hợp. Trong đó, chú trọng chính sách nhằm xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Để phát triển điện ảnh phải xác định phát triển công nghiệp điện ảnh. Luật Điện ảnh sửa đổi cần có những quy định điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; tái sản xuất phim, tạo các sản phẩm điện ảnh… Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định như một ngành mũi nhọn. Trên tinh thần đó, việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam là phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới. Mặt khác, cần luật hóa việc gắn kết điện ảnh và du lịch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa hai ngành kinh tế.

Sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động điện ảnh, trong đó có các nội dung liên quan: xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, điện ảnh số; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; chiếu phim lưu động; lưu chiểu, lưu trữ phim; các tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh…

Sửa đổi, bổ sung quy định nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh tham gia hoạt động điện ảnh. Theo đó, giải pháp sửa đổi Luật Điện ảnh cần quy định Bộ VHTTDL cấp phép cho các tổ chức có chuyên môn, năng lực được phép tổ chức, hợp tác tổ chức và giám sát việc tổ chức các sự kiện điện ảnh tuân thủ quy định của Luật Điện ảnh và những luật có liên quan.

Sửa đổi, bổ sung quy định nhằm xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong quản lý, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh hướng tới mục tiêu trở thành một ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, phát triển du lịch và các ngành công nghiệp, dịch vụ

 Trong đó, có các giải pháp như: phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; giải pháp để điện ảnh gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; giải pháp để điện ảnh cộng hưởng với phát triển du lịch và các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan…

Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa hoạt động điện ảnh; đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến

 Trong đó, có các giải pháp như: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; tạo bình đẳng, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

 Một số giải pháp khác

 Hình thành cơ chế có sự tham gia của nhà làm phim, các tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh trong quá trình rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, đặc biệt là ở quy trình phổ biến phim: Xây dựng một cơ chế mở có khả năng gắn kết các chủ thể chịu tác động của Luật Điện ảnh, trong đó có các nhà làm phim để họ trực tiếp và liên tục tham dự vào quá trình rà soát, điều chỉnh và xây dựng luật ở tất cả các khâu, đặc biệt là ở quy trình phổ biến phim và phân loại phim tại Việt Nam. Ngoài ra, giải pháp thúc đẩy việc xã hội hóa điện ảnh phát triển mạnh bên cạnh tổ chức các sự kiện điện ảnh như liên hoan phim quốc gia và quốc tế, liên hoan phim chuyên ngành, ngày phim, tuần phim Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thu hút nguồn lực xã hội hóa. Việc xã hội hóa giúp cơ quan quản lý nhà nước giảm tải, tập trung vào nhiệm vụ quản lý, hơn là phải lo tổ chức liên hoan phim định kỳ. Bên cạnh đó là giải pháp thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh nói riêng.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Luật Điện ảnh,số 62/2006/QH11, ban hành 29-6-2006.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12.

3. Nguyễn Tiến Hưng, Chính sách phát triển điện ảnh của Việt Nam hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 395, 2017.

4. Ngô Phương Lan, Nhìn lại 10 năm ngành điện ảnh thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 420, 2019.

5. Lê Tuấn Phong, Đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (411), 2020.

6. Trần Thanh Hiệp, Điện ảnh Việt Nam trong mối quan hệ với thị trường điện ảnh, Tạp chí Nghiên cứu Sân khấu và Điện ảnh, số 9, 2016.

7. Vũ Ngọc Thanh, Phim Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển, đề tài cấp Bộ, 2019.

8. Hội thảo Khoa học: Các ngành công nghiệp văn hóa ở ViệtNam thực trạng và giải pháp, BộVHTTDL, Hà Nội, 2009.

9. Trần Luân Kim, Điện ảnh Việt Nam trên chặng đường mới, Tạp chí Nghiên cứu Sân khấu và Điện ảnh, số 18, 2018.

10. Trần Thị Phương Lan, Những thách thức trong tiến trình xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 12, 2017.

11. Nhiều tác giả, Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2007.

Ths VŨ MINH ĐẠO - PGS, TS VŨ NGỌC THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;