VẤN ĐỀ SINH KẾ VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI MƯỜNG Ở CẨM LƯƠNG

Người Mường ở Thanh Hóa hiện có khoảng 306.867 người, cư trú chủ yếu tại 11 huyện miền núi; trong đó huyện Cẩm Thủy chiếm số lượng khá lớn. Người Mường Thanh Hóa có 2 nhóm chính: Mường trong, Mường ngoài. Người Mường ở xã Cẩm Lương là nhóm Mường trong. Dù cho thuộc nhóm nào thì tộc người Mường đều có đời sống vật chất, văn hóa khá phong phú. Phương thức mưu sinh không tách rời 2 nhân tố văn hóa, sinh kế. Con người cần sống với nhau cũng như cần tài nguyên của môi trường đề sinh tồn, tuy vậy không có mô hình tổ chức xã hội cố định cho tất cả mọi xã hội. Với môi trường sống nhất định, bằng tài nguyên, nguồn nhân lực, con người đã sáng tạo ra những phương thức mưu sinh thích ứng để tồn tại, phát triển. Cách con người sử dụng nguồn tài nguyên là do văn hóa quy định.


Mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa, sinh kế

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay thì phát triển văn hóa đang được xem là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. “Văn hóa truyền thống đóng vai trò rất to lớn, thậm chí trong những điều kiện nhất định còn đóng vai trò quyết định sự phát triển nói chung, phát triển bền vững nói riêng”(1). Có thể thấy ở bất kỳ dân tộc nào, nền văn hóa truyền thống bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố có thể tác động cả tích cực, tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế xã hội. Với sinh kế, văn hóa có thể là động lực nhưng cũng có thể là rào cản trên con đường phát triển. Tương tự, sinh kế có thể tác động trở lại đối với văn hóa. Sinh kế của mỗi dân tộc có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa nếu nó phát triển bền vững. Ngược lại, “với nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, không có tính bền vững thì nền văn hóa sẽ bị đồng hóa, mai một, luôn là nguy cơ tiềm ẩn” (2).

Như vậy, trải qua quá trình sinh tồn, người Mường ở Cẩm Lương cũng đã tích lũy, học hỏi được những tri thức, kinh nghiệm quý báu trong các hoạt động mưu sinh, làm phong phú vốn văn hóa tộc người. Rất nhiều tri thức địa phương có ảnh hưởng tích cực đối với sinh kế đã được chứng minh trên thực tế như: tri thức trong nghề thủ công (lựa chọn nguồn nguyên liệu, kỹ thuật chế biến bảo quản sản phẩm...); tri thức trong trồng trọt (hệ thống nông lịch, ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, kỹ thuật đa canh, xen canh…). Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế người Mường ở đây đang làm nảy sinh những tác động tiêu cực đối với phát triển bền vững về văn hóa. Thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ trong ngành du lịch tại suối cá thần, nền kinh tế của các dân tộc ở Cẩm Lương chuyển sang cơ chế thị trường, dẫn đến sự biến động mạnh trong đời sống văn hóa tộc người, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến đơn giản hóa đời sống tâm linh. Khi nền kinh tế chủ yếu tập trung vào quá trình buôn bán, phục vụ du lịch thì các lễ thức trong canh tác nông nghiệp cũng bị mai một theo. Một số nghi lễ vẫn được tiến hành trong hội khai hạ như lễ hội gắn với suối cá thần, truyền thuyết dựng bản lập mường, nhưng nó đã khá xa so với nguyên bản. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống vốn là cơ sở gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng nay đã mất dần, không gian xã hội để tiếp tục tồn tại. Sự mai một các yếu tố văn hóa truyền thống trong khi những yếu tố văn hóa hiện đại chưa kịp ăn sâu, bám rễ đang làm cho đời sống tinh thần của người Mường ở đây không tránh khỏi đơn điệu, hụt hẫng.

Nền kinh tế thị trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mai một các nghề thủ công truyền thống. Các sản phẩm thổ cẩm công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, vì vậy công việc trồng bông, dệt vải vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức không còn giữ vai trò quan trọng đối với người phụ nữ Mường như trước đây, nhất là đối với lớp trẻ. Hầu như các loại trang phục hiện nay của họ được mua sẵn ngoài chợ với mẫu mã đa dạng, hiện đại, đẹp mắt. Các sản phẩm dệt của người Mường bây giờ chỉ còn được sử dụng bởi một số ít người cao tuổi trong một số gia đình. Nghề đan lát của người Mường tại Cẩm Lương vẫn được duy trì đến tận bây giờ nhờ quá trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất, làm hàng lưu niệm cho khách du lịch tham quan tại khu vực suối cá. Tuy nhiên do nguồn nguyên liệu từ rừng ngày một khan hiếm nên một số sản phẩm cầu kỳ, tốn nhiều nguyên liệu đang dần bị vắng bóng.

Cũng vì cuộc sống mưu sinh, sau một thời gian dài khai thác triệt để các nguồn lợi về rừng, người Mường tại đây đang mất dần những tri thức, hiểu biết về hệ sinh thái rừng đã được tích lũy qua bao thế hệ. Những loại thuốc quý từ các loại cây rừng dùng để chữa bệnh không còn được lưu truyền, dần dần bị quên lãng trong đời sống tộc người.

Văn hóa, nguồn lực trong phát triển sinh kế bền vững

Việc khai thác những yếu tố văn hóa, tri thức bản địa cho phát triển kinh tế chưa được chú trọng nhiều, chưa tìm ra được những giải pháp nhằm ứng dụng những tri thức địa phương có giá trị tích cực trong việc hỗ trợ phát triển sinh kế. Thời gian qua, việc lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình, kiến thức khoa học, cũng như phương pháp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật... trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai một cách thiếu cẩn trọng, không phù hợp với trình độ nhận thức cũng như điều kiện tự nhiên xã hội của người dân nơi đây. Sự thiếu quan tâm trong kế thừa những tri thức địa phương cũng là một trong những lý do dẫn đến hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Cẩm Lương không được như mong đợi.

Cũng chính nền kinh tế hàng hóa, thị trường là nguyên nhân quan trọng làm mất đi những tri thức địa phương trong canh tác nông nghiệp. Khi hiện nay, hầu hết người nông dân đã áp dụng các loại giống lúa, ngô mới trong canh tác để đem lại những sản phẩm hàng hóa, mang lại lợi nhuận cao thì cũng là lúc các tri thức liên quan đến các loại cây trồng bản địa đang dần bị lãng quên. Các loại giống mới hiện nay mặc dù cho năng suất cao vượt trội nhưng cũng bộc lộ những hạn chế so với giống địa phương như chất lượng, khả năng thích nghi kém hơn, chi phí đầu tư lớn hơn, dễ thoái hóa sau vài vụ canh tác. “Tình trạng này có thể dẫn đến sự mất mát to lớn về nguồn gen mà người dân đã mất hàng trăm năm để tạo ra nó”(3). Như vậy, những năm vừa qua, sự tác động của những nhân tố mới trong kinh tế đang làm cho những yếu tố văn hóa truyền thống của người Mường nơi đây không còn giữ nguyên giá trị. Phát triển kinh tế không thể không chú trọng tới sự phát triển bền vững về văn hóa. Biết loại bỏ những yếu tố văn hóa không phù hợp, thừa hưởng, chọn lọc những giá trị văn hóa tích cực để áp dụng trong sinh kế sẽ không chỉ góp phần tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế mà còn làm tăng tính bền vững về văn hóa.

Bảo tồn, phát huy văn hóa gắn với lợi ích cộng đồng

Bảo tồn các loại hình văn hóa song song với phát triển cần đem lại lợi ích cho chính cộng đồng. Trong bảo tồn, phát huy các yếu tố văn hóa, đặc biệt trong giáo dục, một điều dễ nhận thấy là thường thiên về hình thức tuyên truyền mà bỏ quên chất lượng, hiệu quả. Do vậy, cần có biện pháp để khắc phục, tránh giáo điều, sáo rỗng trong giáo dục, tuyên truyền.

Trong khai thác giá trị văn hóa, ngoại trừ chức năng quản lý trực tiếp của Nhà nước, gắn liền những điều kiện thuận lợi trong môi trường nội tại, đặc biệt loại hình di tích lịch sử, danh thắng thì tự thân các giá trị văn hóa đều có điều kiện được khai thác hiệu quả, có thế mạnh, đem lại nguồn lợi kinh tế. Giáo dục, khai thác từ tiềm năng của văn hóa trong quá trình phát triển là hướng đi tích cực cho công tác quản lý các giá trị văn hóa. Trên mọi bình diện, bất kỳ loại hình văn hóa nào khi được khai thác để phát triển hay giáo dục đều phải chú tâm đến hiệu quả, đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân tại chỗ. Nếu người dân tại địa phương không tôn trọng, không thấy được trách nhiệm của mình đối với các giá trị văn hóa thì công tác bảo tồn khó có hiệu quả, công tác giáo dục cũng chỉ là hình thức. Nguồn lợi khai thác từ giá trị văn hóa nếu không đem lại lợi ích thiết thực cho người dân tại chỗ, như tạo được thuận lợi trong sinh kế chính đáng thì giá trị văn hóa đó cũng không thể phát triển bền vững. Sinh kế chính đáng là từ các hoạt động bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa, tạo thuận lợi để người Mường có cơ hội tham gia như: chế tác, bán hàng lưu niệm, các dịch vụ, sản phẩm của làng nghề… Một trong số những vấn đề khi thực hiện khai thác các giá trị văn hóa là thu nguồn lợi lớn nhưng gần như tập trung vào đơn vị tổ chức, cơ quan chủ quản, trong khi người dân không có điều kiện cùng tham gia khai thác chính đáng. Công tác quản lý không chặt chẽ, để xảy ra tình trạng mất trật tự, tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến mỹ quan, đến giá trị của văn hóa.

Một số chương trình bảo tồn, khai thác di sản văn hóa của cộng đồng thiểu số chưa đem lại lợi ích cho người dân tại chỗ. Từ tri thức của người dân tộc, một số sản phẩm mang tính đặc thù được hình thành, được chính họ bán cho du khách qua dịch vụ, nhưng lại không được hưởng lợi một cách hợp lý. Vì vậy, chủ thể của sản phẩm văn hóa đã không hào hứng tham gia khai thác giá trị của di sản bởi không có sự hài hòa trong lợi ích thu được.

Di sản văn hóa phải sống đúng nghĩa trong cộng đồng dân cư tại chỗ. Đây là yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để phát triển bền vững. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, một số loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là lễ hội ở các di tích, khi người dân là chủ thể văn hóa thực sự thì tự thân các sinh hoạt, hoạt động liên quan có sức sống mãnh liệt. Người dân đã sống, hòa mình, làm nên một tinh thần đúng nghĩa trong giá trị văn hóa.

Những bất cập trong quản lý, khai thác, bảo tồn, trùng tu, phân phối lợi ích từ khai thác di tích giữa nhà quản lý, cộng đồng là những vấn đề đang được đặt ra cấp bách, đòi hỏi các cấp quản lý cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, sát hợp với thực tế.

Quá trình phát triển kinh tế của người Mường đã, đang dẫn đến hàng loạt những thay đổi về mặt văn hóa. Trước đây, tính cộng đồng, chia sẻ luôn được xem như một nét văn hóa ứng xử đáng được trân trọng, nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay, tinh thần ấy đã có sự biến đổi, ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn lực xã hội trong hỗ trợ sinh kế. Mọi sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mường đều được gắn chặt với những nghi thức chặt chẽ, nhịp nhàng trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội nhưng giờ đây những lễ thức nông nghiệp truyền thống đang mờ nhạt dần, không còn giữ được nguyên bản của nó. Điều này đã gây nên những tác động không nhỏ tới đời sống tâm linh của tộc người. Tương tự trong văn hóa vật chất, khi phương thức mưu sinh thay đổi, ứng xử với môi trường cũng thay đổi theo, dẫn dến hàng loạt những thay đổi về ẩm thực, trang phục, nhà cửa... Đây là một trong số rất nhiều vấn đề cần đặt ra khi xem xét sự biến đổi văn hóa từ sự biến đổi sinh kế. Thực tế đã chứng minh, kinh tế phải được phát triển trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, bởi văn hóa nếu được phát huy sẽ là nguồn lực trong phát triển sinh kế.

_______________

1. Lương Đình Hải, Phát triển văn hóa là nội dung của phát triển bền vững, Tạp chí Phát triển bền vững, số 1, 2011.

2. Nguyễn Cao Thịnh, Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng một số giải pháp cải thiện sinh kế, phù hợp với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Đắc Lắc và Lai Châu, Báo cáo tổng hợp đề tài, 2011.

3. Hoàng Xuân Tý, Kiến thức bản địa trong các dự án phát triển vùng cao Việt Nam: hiện trạng và tiềm năng, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội,1999.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN THẾ ANH

;