TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA THỂ DỤC THỂ THAO

Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới mọi hoạt động của đất nước vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, vì sự tiến bộ của nhân dân. Người nhận định: “Thể dục thể thao là một công tác cách mạng”, tức là đã đặt thể dục thể thao (TDTT) ngang hàng với các công tác khác như chính trị tư tưởng, tổ chức, văn hóa, giáo dục... Công tác TDTT có nhiệm vụ nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam.


Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nhưng dân tộc ta vẫn đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Thù trong giặc ngoài, cùng với 3 thứ giặc: đói, dốt, lụt luôn đe dọa chính quyền cách mạng non trẻ. Giữa lúc công việc bộn bề, nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng chỉ gần 5 tháng sau Lễ tuyên ngôn độc lập, ngày 30 - 1 - 1946, Người đã ký Sắc lệnh số 14 về việc lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên. Sắc lệnh quy định Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ cùng Bộ Y tế và Bộ Quốc gia Giáo dục nghiên cứu phương pháp, thực hành thể dục trong toàn quốc. Bộ Thanh niên sẽ ấn định những việc về tổ chức và ngân sách của Nha Thể dục Trung ương (1). Sau đó ít ngày, Trường thể dục ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội), nơi trước đó là một khu trại học tập của sĩ quan Pháp. Đây là sự kiện, dấu mốc khai sinh ngành TDTT cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27 - 3 - 1946, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương (2). Cũng trong ngày này, Người viết bài Sức khỏe và thể dục đăng trên báo Cứu quốc. Đây là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục đầu tiên của Người dưới chế độ mới. Tối ngày 26 - 5 - 1946, Hồ Chí Minh đã dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội. Tại đây, Lễ hội thanh niên vận động đã được phát động và Ban tổ chức đã mời Người châm ngọn lửa phát động phong trào Khỏe vì nước. Từ Hà Nội, phong trào này đã lan tỏa ra cả nước. Qua những sự kiện trên đây, có thể khẳng định, Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra ngành TDTT cách mạng Việt Nam, mà còn là người khởi xướng phong trào thể dục quần chúng với khẩu hiệu cách mạng khỏe vì nước.

Hầu hết các mặt quan trọng về TDTT đối với lợi ích con người về sức khỏe  và tinh thần đều được Hồ Chí Minh đề cập với các quan điểm đúng đắn, sáng tạo. Các quan điểm đó toát lên sự hiện hữu tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT. Tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT bao hàm các quan điểm cơ bản và có vị trí, vai trò to lớn trong nền văn hóa thể chất Việt Nam.

Quan điểm dân cường thì nước thịnh

Dân cường và nước thịnh là hai mục tiêu cao quý của chế độ mới, không chỉ có quan hệ với nhau, mà còn có quan hệ bản chất với mục tiêu dân giàu nước mạnh, đều đem lại hạnh phúc cho con người, cho dân tộc. Quan điểm này quy định tất cả các quan điểm khác của Hồ Chí Minh, hướng TDTT phục vụ đắc lực cho mục tiêu dân cường, nước thịnh.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9 - 1960) khẳng định: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là mục tiêu cao quý của các ngành y tế và TDTT dưới chế độ ta” (3).

Dân cường làm nên nước thịnh, có nghĩa sức khỏe của nhân dân là một trong những nhân tố to lớn quyết định sự phát triển đất nước. Do đó, TDTT phục vụ đắc lực sức khỏe nhân dân, cũng đồng thời là góp phần phục vụ công cuộc chấn hưng đất nước.

Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ cũng gắn liền với quan điểm yêu nước của nhân dân ta. Người nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước” (4). Rèn luyện sức khỏe ở đây hàm chứa cả về mặt thể chất cũng như tinh thần: “Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khỏe”. Với mong muốn đồng bào ai cũng gắng tập thể dục, Bác Hồ còn trở thành tấm gương sáng về rèn luyện: “Tự tôi ngày nào cũng tập”.

Hồ Chí Minh mong muốn nhân dân ta ai cũng đều khỏe mạnh. Con người có sức khỏe thì năng suất lao động sẽ cao hơn; năng động, hoạt bát hơn trong mọi hoạt động của đời sống xã hội; trí tuệ có điều kiện phát triển phong phú hơn. Người nhận định: “Muốn lao động, sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần phải có sức khỏe”. Sức khỏe của con người có ảnh hưởng lớn đến tinh thần và lực lượng của toàn dân: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.

Dân cường chính là sức khỏe của nhân dân cả về thể chất lẫn tinh thần. Nước thịnh là phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người Việt Nam ta ai cũng muốn có sức khỏe để làm việc, cống hiến, hưởng thụ; ai cũng muốn đất nước thịnh vượng, giàu có, nhân dân được sống yên ổn, để có điều kiện phát triển một cách toàn diện. Bởi vậy, các quan điểm khác của Hồ Chí Minh đều nhất quán sự định hướng TDTT phát triển mạnh vì sức khỏe của nhân dân. Thông qua đó, TDTT góp phần phục vụ tất cả các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục…, cũng tức là phục vụ sự nghiệp phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Ngày 27 - 3 - 1946, trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Người viết: “Mỗi người dân khỏe mạnh làm cho cả nước khỏe mạnh, mỗi người dân yếu ớt làm cho cả nước yếu ớt một phần”. Lời kêu gọi của Người từ ngày công bố cho đến nay đã nhận được sự hưởng ứng rộng khắp của quần chúng nhân dân trong nước. Hiện nay, cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại vừa trùng hợp với ý tưởng của Người, vừa đang biến ý tưởng đó thành hiện thực.

 
 
 
Bác Hồ bơi ở biển Đồ Sơn, Hải Phòng cùng các chiến sỹ cảnh vệ. Ảnh tư liệu 
 

Với tư tưởng dân cường nước thịnh, Hồ Chí Minh đã dành cho ngành TDTT tình cảm cùng sự chăm lo to lớn, từ tổ chức bộ máy tới các phong trào, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ TDTT. Người ân cần căn dặn: “Cán bộ TDTT thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác”. Tháng 3 - 1960, tại hội nghị cán bộ TDTT, Người đã xác định và nhấn mạnh TDTT là một công tác cách mạng. Tư tưởng lớn đó mang tính chỉ đạo chiến lược. Là một công tác cách mạng, TDTT có vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Việc quan tâm đến sự phát triển TDTT nước nhà là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, toàn dân, toàn xã hội.

Tư tưởng của Người về TDTT bao gồm những quan điểm về các vấn đề cơ bản của TDTT Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thể chất của nhân loại, kế thừa biện chứng các giá trị văn hóa thể chất truyền thống của dân tộc. Tư tưởng này luôn định hướng và cổ vũ sự nghiệp phát triển nền TDTT nước nhà.

Với ý nghĩa lớn lao, tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân cường thì nước thịnh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 65 năm đồng hành cùng đất nước của ngành TDTT. Sự nghiệp TDTT vì dân cường, nước thịnh là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta để tiếp tục hướng tới những tầm cao mới.

Quan điểm về phát triển TDTT quần chúng

Quần chúng là mọi người trong xã hội. Như vậy TDTT quần chúng chính là TDTT cho mọi người, mọi nguồn nhân lực. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: “Dưới chế độ dân chủ, thể thao và thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích làm tăng cường sức khỏe của nhân dân. Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều làm được tốt”. Người khuyến khích: “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Từ đó, Người chủ trương: “Chúng ta nên phát triển phong trào TDTT rộng khắp”. Đó là những quan điểm chung của Hồ Chí Minh về TDTT quần chúng, thể thao cho mọi người.

Ngoài việc tăng cường sức đề kháng và năng lực thích ứng của cơ thể, TDTT có vai trò to lớn trong việc nâng cao sức khỏe toàn diện cho con người. Sức khỏe toàn diện là sự phát triển đầy đủ các tố chất thể lực như: nhanh, mạnh, bền bỉ, dẻo dai và khéo léo. Những yếu tố này chỉ có thể đạt được nhờ luyện tập TDTT thường xuyên. Khi con người có sức khỏe toàn diện thì sẽ nâng cao được năng lực thể chất. Năng lực thể chất có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống, lao động, học tập, công tác. Năng lực thể chất tốt sẽ giúp cho con người vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi công việc. Muốn có năng lực thể chất tốt đòi hỏi con người phải có lòng kiên trì, quyết tâm cao trong rèn luyện thân thể. Bản thân Người tuy có những lúc bị yếu mệt, nhưng vẫn cố gắng dậy vận động thân thể, tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng, hoặc đi bộ, tập leo núi...

Chính vì TDTT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe con người, nên Hồ Chí Minh yêu cầu đây phải trở thành phong trào chung của toàn dân. Người kêu gọi toàn dân luyện tập TDTT, rèn luyện thân thể, bởi khỏe mạnh thì mới đủ sức tham gia mọi công tác cách mạng.

Thế hệ trẻ là một bộ phận rất đông đảo của quần chúng nhân dân. Giáo dục thể chất và thể thao là thành phần rất cơ bản, nền tảng của TDTT quần chúng. Hồ Chí Minh rất coi trọng TDTT đối với thế hệ trẻ và xác định giáo dục thể chất học đường là một bộ phận quan trọng trong nền giáo dục quốc dân: “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Từ quan điểm đó, sau này, Người đã chỉ ra một cách cụ thể về giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng. Giáo dục toàn diện là: “Thể dục kết hợp với gìn giữ vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục”. Bốn mặt giáo dục đó có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó thể dục là tiền đề đầu tiên để phát triển các mặt giáo dục khác. Kể cả với học viên trong nhà trường quân đội cũng vậy, Hồ Chí Minh đặt giáo dục thể chất lên trước hết: “Các cháu phải ra sức thi đua: luyện tập thân thể cho mạnh mẽ, nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo, trau dồi tinh thần cho vững chắc, hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng” (5).

Về giáo dục thể chất cho thanh niên đang hoạt động trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, Hồ Chí Minh nói rằng: “Thanh niên phải rèn luyện TDTT vì thanh niên là tương lai của đất nước”. Ngoài các mặt học tập và rèn luyện khác, Người yêu cầu thanh niên phải tích cực rèn luyện thể chất: “Phải giữ vững đạo đức cách mạng. Phải xung phong trong mọi công tác. Phải học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi. Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới đủ sức tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”.

Trong quần chúng, có một bộ phận rất lớn, rất quan trọng, đó là nguồn nhân lực đang và sẽ tham gia thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Nguồn lực con người như nông dân, công nhân, chuyên viên kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ... là trung tâm của sự phát triển. Nguồn nhân lực này không chỉ cần đông đảo mà đòi hỏi phải có chất lượng cao. Một trong những yếu tố cơ bản cấu thành chất lượng cao của nguồn nhân lực là sức khỏe của mỗi con người. Hồ Chí Minh rất coi trọng sức khỏe của nguồn nhân lực này và luôn khuyên bảo họ tích cực tập TDTT. Từ quan điểm này, Người chủ trương phát triển TDTT khắp mọi vùng miền trên đất nước.

Quan điểm về TDTT trong lực lượng vũ trang

Hồ Chí Minh rất quan tâm tới TDTT trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Lực lượng này khá đông đảo, làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, bảo vệ tổ quốc, gìn giữ an ninh xã hội nên đòi hỏi phải có thể lực tốt.

Cả trước và sau khi cách mạng thành công, Hồ Chí Minh đã nhiều lần trực tiếp nói chuyện, chỉ bảo, khuyến khích các cán bộ, chiến sĩ quân đội, tự vệ tập luyện TDTT. Người còn hướng dẫn, sửa chữa những động tác sai trong khi tập thể dục, võ thuật cho nhiều cán bộ chiến sĩ quân đội. Tấm gương rèn luyện thân thể được các đoàn quân trên đường hành quân ra chiến trường noi theo: “Ngọn Tây Phong Lĩnh Bác trèo/ Để nay có núi có đèo con qua”.

Hồ Chí Minh chủ trương: “Đẩy mạnh phong trào TDTT trong quân đội, làm cho quân đội chúng ta có thể chất khỏe, tinh thần khỏe để làm tròn mọi nhiệm vụ”. Chủ trương này thể hiện quan điểm sâu sắc của Hồ Chí Minh về sức khỏe thể chất và tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, coi đây là nhân tố có tính quyết định giúp họ làm tròn mọi nhiệm vụ. Để có được sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, cán bộ chiến sĩ phải tập luyện TDTT.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực TDTT, quan điểm dân cường thì nước thịnh của Người càng có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Tấm gương rèn luyện thân thể của Người là một thực tiễn sinh động, bài học quý báu để mỗi người trong chúng ta có thể góp phần mình vào công cuộc xây dựng đất nước giàu về vật chất, văn minh về văn hóa, mạnh mẽ về tinh thần. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu của công cuộc đổi mới, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

_______________

1, 2. Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.143, 190-191.

3. Văn kiện Đại hội Đảng, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.77.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.212.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr308-309.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : PHẠM THỊ YẾN

;