Vấn đề bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương từ góc nhìn quá khứ

Cải lương là loại hình nghệ thuật kết tinh từ những tinh hoa của nhiều loại hình nghệ thuật khác, đã phát triển theo thời gian, vượt mọi không gian để trở thành một nền sân khấu ca kịch truyền thống của dân tộc. Mặc dù mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cải lương cũng luôn dung nạp những hơi thở mới của thời đại, từ nội dung cho đến hình thức nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu của công chúng. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại là điều làm nên thành công của nghệ thuật cải lương trong quá khứ. Cải lương hôm nay muốn tồn tại và phát triển được cũng cần phải phát huy được những thành tựu của mình trong quá khứ.

     Sự thành công của nghệ thuật cải lương trong quá khứ

     Cải lương chính thức ra đời tại Mỹ Tho, do thày Năm Tú (pièrre Châu Văn Tú) khởi xướng trên cơ sở của hình thức ca ra bộ và hát chặp. Ngày 15-8-1918, thày Năm Tú khai trương bảng hiệu “Gánh hát thày Năm Tú Mỹ Tho”, ra mắt vở diễn cải lương đầu tiên là Kim Vân Kiều, khai trương vở diễn tại rạp Cinéma Théátra, sau đó rạp đổi tên thành rạp thày Năm Tú Mỹ Tho, nay là rạp hát Tiền Giang. Đến nay, cải lương đã có 100 năm phát triển với nhiều bước thăng trầm, nhiều khó khăn nhưng cũng lắm vinh quang. Đặc biệt, những bước vinh quang, thời kỳ hoàng kim của cải lương đều diễn ra khi cải lương biết thu nhận cái đẹp của người, kết hợp với cái gốc của mình, để sáng tạo ra cái mới cho riêng mình, đó là bài học về sự thành công của nghệ thuật cải lương. Quy luật phát triển của cải lương đúng nghĩa: cải cách - đổi mới - làm đẹp theo hướng khép - mở. Khép kín sự định hình, giữ gìn bản sắc dân tộc từ cái gốc nhạc tài tử - ca ra bộ. Mở là tự thân vận động, đổi mới chính mình, tiếp thu văn minh của nhân loại, biến đổi theo nhịp sống của thời đại. Đây là hành trang cần thiết, là nền tảng để sân khấu cải lương phát triển.

     Cải lương là loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm: kịch bản văn học, nghệ thuật biểu diễn, công tác dàn dựng, thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, trang trí… nhưng nền tảng, linh hồn của cải lương là ca - nhạc - kịch. Ca nhạc của cải lương có gốc từ nhạc ngũ cung của dân tộc. Từ thời Đinh - Lê - Lý Trần, nhạc ngũ cung Việt Nam đã được định hình và gọi đó là dòng nhạc cung đình. Âm nhạc của cải lương và sân khấu cải lương dựa trên nguyên lý của thang âm ngũ công, là nền tảng của âm nhạc ngũ cung - nhị ván, tức là Hò - Xự - Xang - Xê - Cống và Y - Phan. Nguồn gốc của nó từ nhạc lễ, phát triển đến nhạc tài tử Nam Bộ rồi biến tấu thành cải lương. Dù có nhiều biến đổi, cách tân, song cái nền âm nhạc truyền thống của dân tộc vẫn được giữ gìn như một bản sắc của cải lương.

     Cải lương là loại hình ca kịch nên phát triển từ những đặc trưng sân khấu truyền thống của dân tộc mà trực tiếp là hát bội. Sân khấu cải lương vẫn mang đặc trưng của sân khấu truyền thống dân tộc, đó là tính ước lệ và đa âm điệu. Đặc trưng của sân khấu cải lương là tính ước lệ cao, đa chiều, đa dạng. Thời gian, không gian, các vật thể được diễn tả bằng nghệ thuật. Đặc trưng của sân khấu truyền thống Việt Nam là đa âm điệu, ở mỗi vở luôn có 7 mùi tình cảm, chỗ này mang tính chất bi, chỗ kia lại mang tính chất hài. Vì mang đặc trưng của sân khấu Việt Nam nên cải lương không chỉ mang tính chất kịch tính mà còn mang tính tự sự.

     Sự ra đời của cải lương thực chất chính là sự đổi mới truyền thống cho phù hợp với thời đại. Âm nhạc của cải lương có gốc gác từ nhạc truyền thống của dân tộc là lễ nhạc cung đình Huế. Lễ nhạc cung đình Huế truyền vào Nam Bộ, do tính chất bác học nên các nghệ nhân đã cải biến, bình dân hóa lễ nhạc và cải tiến cả những nhạc cụ. Các nghệ nhân đã kết hợp âm điệu ca dao, hò, lý... trên cơ sở thang âm của nhạc lễ (ngũ âm) mà sáng chế ra dòng âm nhạc tài tử, rồi đặt lời ca. Vì dòng nhạc lễ không có lời ca, còn nhạc tài tử thì bất cứ bài bản, giai điệu nào cũng có lời ca. Từ đó, nhạc tài tử xuất hiện trên nền tảng của nhạc lễ và phát triển thêm một bước có lời ca. Lễ nhạc cung đình Huế khi cải tiến, bổ sung đã nhanh chóng phát triển ở Nam Bộ và trở thành phong trào với tên gọi: đờn ca tài tử.

     Khi đờn ca tài tử phát triển, người ta nhận thấy nếu ngồi một chỗ để hát thì người ca sẽ bị “tù hơi”, “chiết bộ”, không khí cuộc chơi sẽ trầm lắng. Vì thế, một số ban tài tử đã mạnh dạn cho nghệ nhân đứng lên vừa ca, vừa ra điệu bộ, diễn tả tâm trạng cho phù hợp với lời bài hát. Hát kết hợp với điệu bộ nên gọi là ca ra bộ. Lúc đầu, ca ra bộ chỉ có 1 người, sau đó phát triển thêm phân vai cho 2 đến 3 người. Hình thức này người ta gọi là hát chặp. Từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, hát chặp loại hình nghệ thuật này đã chuyển sang một giai đoạn mới, thu hút được đông đảo người xem hơn. Khi đờn ca tài tử được đưa lên sâu khấu hát thành tuồng tích, có sự kiện, có nhân vật, có phông màn, âm thanh, ánh sáng thì nhạc cổ Nam Bộ đã chuyển sang một loại hình nghệ thuật mới, đó là cải lương.

     Đầu TK XX, khi khán giả quay lưng với hát bội vì không còn đáp ứng được yêu cầu về nội dung tư tưởng cũng như thị hiếu của lớp người mới, nhất là những người tiểu tư sản. Cải lương đã đổi mới sân khấu truyền thống hát bội cho phù hợp với bối cảnh của thời đại. Nhu cầu tình cảm của người dân thời bấy giờ là được giải phóng cá nhân, thoát khỏi những lễ giáo phong kiến đã trói chặt con người ta hàng nghìn năm, để được sống với những cảm xúc, suy nghĩ thật của mình. Đó là yêu cầu của thời đại mà cải lương đã đổi mới truyền thống cho phù hợp. Do nhu cầu giải phóng cá nhân nên chủ đề chính của cải lương lúc này là tình yêu lứa đôi, hạnh phúc đích thực, một tình yêu say đắm đến mù quáng chứ không phải là tình yêu thấp hơn nghĩa vụ, tình yêu luôn gặp trắc trở đòi giải phóng cá nhân, tố cáo và lên án đạo đức phong kiến và xã hội kim tiền. Nhân vật bước ra sân khấu để sống hết mình, bất chấp mọi ràng buộc của đạo đức phong kiến. Nhân vật trong cải lương là những con người đời thường trong cuộc sống thực.

     Cải lương đã đổi mới cách thức thể hiện của sân khấu truyền thống hát bội để trở nên gần gũi và thực hơn đối với khán giả. Cải lương tuồng tích có nội dung quen thuộc với quần chúng, lời trò dễ hiểu, được chuyển tải bằng bài ca phổ biến trong nhân dân. Nghệ thuật hóa trang hát của diễn viên hát bội mang tính tượng trưng ước lệ, diễn viên hát bội hóa trang theo kiểu mặt nạ, màu sắc của mặt nạ biểu hiện nhân cách, tính tình của nhân vật. Diễn viên cải lương không đi theo lối hóa trang kiểu mô thức của hát bội, tiết chế sự tô vẽ màu sắc, thiên về nghệ thuật tả thực. Diễn viên bộc lộ cảm xúc, thân phận bằng gương mặt thực. Diễn viên cải lương chỉ thoa son, dồi phấn, vẽ mày trên gương mặt thật phù hợp với vở diễn từ con người, tính cách, lứa tuổi đến thân phận. So với hát bội, trang phục trên sân khấu cải lương không mang nặng tính nguyên tắc của sân khấu ước lệ mà thiên về tả thực. Với những chủ đề về tâm lý xã hội, diễn viên cải lương có thể ăn mặc như trong đời thực.

     Cải lương hình thành trên cơ sở cải cách sân khấu hát bội truyền thống, phát triển lối ca ra bộ và tiếp thu nền kịch nghệ phương Tây. Trên cơ sở nền tảng truyền thống dân tộc là âm nhạc ngũ cung và sân khấu hát bội, cải lương ngay từ khi ra đời đã tiếp thu yếu tố mới của thời đại, đó là kịch phương Tây. Đặc trưng của kịch là hành động, hành động mang tính xung đột, xung đột tác phẩm kịch thường bộc lô trong hành động. Điều này đã được cải lương tiếp thu, tạo ra kịch tích, hấp dẫn người xem. Vở diễn cải lương xây dựng trên cơ sở diễn trình của hành động, hành động của vở cải lương triển khai qua ba bước: khai đề - thắt nút - mở nút, xây dựng hành động kịch của cải lương rất gần với kịch cổ điển phương Tây. Tuy nhiên, cải lương tiếp thu, dung nạp yếu tố mới của thời đại trên nền tảng dân tộc, tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang lại yếu tố mới cho khán giả nhưng không quá xa lạ. Cải lương là hình thức sân khấu tự sự trữ tình, được sản sinh trong sự kết hợp giữa nghệ thuật kịch tính Arixtot với tính chất đa âm điệu của sân khấu dân tộc. Sân khấu truyền thống miêu tả theo phương thức tự sự, miêu tả cuộc sống bằng những thủ pháp ước lệ, không nhằm tạo ra những ảo giác thật trên sân khấu. Cải lương miêu tả theo phương thức kịch tính, kết hợp nhuần nhuyễn với phương thức tự sự dân tộc, tạo ra ảo giác thật về cuộc sống trên sân khấu ở mức độ nhất định. Cải lương kết hợp chặt chẽ tính hiện thực và tính ước lệ, cách điệu, kết hợp chặt chẽ giữa dân tộc và tính phổ biến, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của khán giả hôm nay.

     Trong quá trình phát triển, cải lương cũng luôn đổi mới, tiếp thu những yếu tố mới của thời đại, cả nội dung tư tưởng lẫn cách thức thể hiện để đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Về nội dung, tư tưởng, cải lương luôn bám sát bước đường phát triển của dân tộc để phản ánh cuộc sống và con người thời đại đó. Thời kỳ chiến tranh, cải lương tái hiện tinh thần hào hùng của dân tộc qua những hình tượng mang tính sử thi, đến hòa bình, cải lương thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, phản ánh đời sống xã hội, phê phán những hiện tượng tiêu cực, góp phần nâng cao đời sống thẩm mỹ, văn hóa tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

     Về cách thức thể hiện, cải lương luôn tiếp thu những yếu tố mới để thu hút người xem. Năm 1945, bầu Tỷ Phượng dàn dựng sân khấu theo lối hiện đại: dùng đèn rọi nhiều màu sắc thay đổi trên sân khấu, áp dụng lối chuyển cảnh hiện đại, cảnh trí phong phú. Trong những năm 1950-1960, các nghệ sĩ đã đưa điện ảnh vào sân khấu cải lương, làm cảnh trí vô cùng sống động. Nghệ sĩ Bảy Cao là người đã làm một cuộc cách mạng này. Gánh hát Hoa Sen của ông một thời nổi tiếng ăn khách nhờ sử dụng các phương tiện của điện ảnh. Nghệ sĩ Bảy Cao có sáng kiến đưa điện ảnh lên sân khấu kết hợp với cải lương, đem lại sự mới lạ cho khán giả. Các vở: Đoàn chim sắt, Mộng hòa bình, Nợ núi sông có điện ảnh chen vào, phim màu quay cảnh ở Đà Lạt đẹp mắt, thu hút khán giả. Đồng thời, các cảnh đường phố, xe tăng, máy bay, núi non, sông biển, cung điện uy nghi, lộng lẫy được mang vào sân khấu cải lương, gây hiệu ứng nghe nhìn mạnh mẽ cho người xem. Như vậy, cải lương với tính mở đã dung nạp những yếu tố mới của văn hóa phương Tây. Điện ảnh phương Tây không chỉ được tiếp thu ở cách miêu tả cảnh vật, phong cách diễn xuất của các diễn viên trong phim ảnh Âu - Mỹ cũng tác động mạnh mẽ đến diễn xuất của các nghệ sĩ cải lương Sài Gòn đương thời vốn rất năng động trong tiếp thu cái mới. Các diễn viên cải lương như: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Bích Sơn, Thanh Tú, Thành Được, Hùng Cường, Ngọc Giàu… đều có lối diễn xuất tả thực, đi sâu vào nội tâm nhân vật giống như lối diễn xuất trong phim ảnh. Giai đoạn 1960 - 1975 cũng là thời kỳ phát triển của cải lương do tiếp thu những yếu tố mới. Trên nền tảng âm nhạc dân tộc, từ năm 1960 - 1975, sân khấu cải lương thu nhận thêm âm nhạc phương Tây, gọi là tân nhạc quãng tám thường sử dụng cho nhạc nền, mở màn vở diễn, chuyển cảnh, ngắt màn lớp… có nhạc trưởng chỉ huy, viết thành tổng phổ hòa âm phối khí. Từ đây, sân khấu cải lương xuất hiện dàn nhạc gồm hai ban: ban tân và ban cổ. Vai trò của ban tân nhạc tham gia vào vở diễn làm cho sân khấu cải lương phong phú hơn và hấp dẫn khán giả hơn. Bằng tính mở, tiếp nhận có chọn lọc âm nhạc phương Tây, góp phần cho cải lương đi sâu vào đời sống của người dân, đồng thời phản ảnh đầy đủ những chuyến biến văn hóa của một xã hội đang tiếp xúc mạnh mẽ với văn hóa Âu - Mỹ. Chính những đổi mới về nội dung và nghệ thuật này, cải lương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân khi đó, trở thành thánh địa nghệ thuật, thu hút rất đông khán giả đến xem, tạo nên thời kỳ hoàng kim của cải lương mà các diễn viên, đào kép được mệnh danh là ông hoàng, bà chúa.

     2. Bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương hôm nay từ cái nhìn quá khứ

     Từ những năm 90 của TK XX trở lại đây, cải lương bước vào thời kỳ khó khăn. Sân khấu cải lương thưa vắng, đìu hiu khách. Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, song nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ do cải lương không phát huy được truyền thống, đó là đổi mới để theo kịp thời đại. Một thời gian dài cải lương trì trệ trong việc đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, “thiếu tính nhạy bén với cuộc sống đang trên đà phát triển công nghiệp, tiết tấu cải lương có phần chậm chạp, rề rà, không đáp ứng được thị hiếu ngày càng đa dạng của khán giả (1). Thời đại đã thay đổi, đất nước chuyển mình mạnh mẽ sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế nhưng cải lương thiếu những kịch bản hay, những bài ca hay, tuồng tích tốt, bắt đúng mạch cảm xúc của con người đương đại, có tầm vóc tư tưởng và sức lay động cao. Hình thức cũng chậm trễ trong việc tiếp nhận những tiến bộ mới của các loại hình nghệ thuật hiện đại, trong khi người xem ngày nay là những người đã quen với nhiều loại hình nghệ thuật nghe nhìn hiện đại, cách cảm thụ của họ ngày càng tinh tế với những đòi hỏi cao về mặt nội dung và cách thể hiện. Nếu như ở giai đoạn mới hình thành, sáng tạo là đổi mới tuồng tích, đổi mới nghệ thuật hát ca thì trong xã hội hiện đại, yêu cầu đầu tiên là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật... sao cho đáp ứng được nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ ngày càng cao càng đa dạng của công chúng khán giả. 

     Khán giả ngày nay khác xa khán giả hồi đầu thế kỷ. Họ đã quá quen với các hình ảnh sinh động, hấp dẫn, ảo như thực. Nếu cải lương cứ phản ánh cuộc sống theo kiểu xưa cũ, vừa lan man, vừa xa lạ với nhận thức hiện đại thì khán giả sẽ quay lưng. Các phương tiện hiện đại và hình thức trình bày sân khấu ngày càng hiện đại, mới lạ; các kiểu hình cấu trúc nhà hát, các hình thức và chất liệu dùng trong bối cảnh, trang trí hấp dẫn cần được đưa vào nghệ thuật cải lương. Cố nhiên, người nghệ sĩ cải lương cần tính toán, du nhập các yếu tố mới trong hình thức thể hiện vào sân khấu cải lương đúng với tư cách là phương tiện. Nhiệm vụ của người làm sân khấu là tuyển lựa hình thức phù hợp với sức chở cao nhất, cần “đo chân mà đóng giầy chứ không nên gọt chân cho vừa giầy”. Việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ để tăng tính hấp dẫn và sự thuyết phục của nội dung chứ không nhằm khơi gợi tính hiếu kỳ của khán giả. Cải lương cần nắm bắt được nhu cầu của khán giả về hình thức thể hiện để đáp ứng thị hiếu. Khi đất nước phát triển, người dân được tiếp xúc và sở hữu nhiều phương tiện nghe nhìn hiện đại, do vậy cải lương cần có sản phẩm đáp ứng loại hình này. Các sản phẩm video cải lương, ca vọng cổ được sản xuất ngày càng nhiều, đa dạng về loại hình. Phim video cải lương không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, do thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ, người dân sử dụng internet ngày một nhiều, thưởng thức các loại hình nghệ thuật qua internet. Vì vậy, người làm cải lương cũng phải tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ số, đưa nghệ thuật cải lương lên internet để phổ biến, tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn với khán giả.

     Có thể nói, để bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương hôm nay, cải lương cần học từ bài học trong quá khứ đó là giữ vững bản sắc, không ngừng đổi mới và mang tính mở, đổi mới nội dung và cách thể hiện, tiếp thu những thành tựu mới nhất của thời đại để đáp ứng nhu cầu tinh thần và thị hiếu của con người thời đại.

_______________

1. Cao Tự Thanh, Hồng Duệ, Hoàng Mai, Sân khấu cải lương ở TP.HCM, Nxb Tổng hợp, TP.HCM, 2007, tr.304.

 

Tác giả: Nguyễn Tiến Thư - Hà Thị Thùy Dương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

;