Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích và di sản văn hóa

Di sản văn hóa vật thể của các dân tộc Việt Nam hiện hữu ở dạng di tích - những thực thể lịch sử, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, được công nhận bởi Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung năm 2009, văn bản hợp nhất Luật Di sản văn hóa năm 2013. Sự tồn vong của di tích trong cuộc sống đương đại phụ thuộc vào vai trò quản lý toàn diện của Nhà nước, kết hợp với sự tham gia không thể thiếu từ phía cộng đồng xã hội.

Di tích, nhìn từ phương diện tham gia của cộng đồng, có thể phân chia thành hai nhóm:

Nhóm thứ nhất gồm các di tích là những công trình vốn do cộng đồng dân cư sở tại tạo tác nên, nhằm đáp ứng các nhu cầu cư trú, sinh hoạt, sản xuất, tín ngưỡng và tâm linh. Nhóm này bao gồm nhà ở, cầu cống, đình, chùa, đền, miếu... Tuy được công nhận là di tích song hầu hết vẫn đảm nhiệm những chức năng ban đầu. Những chủ nhân thừa kế và sử dụng các công trình này cần đến và cần hơn ở chúng chưa hẳn là với tư cách di tích. Người dân và cộng đồng dân cư vẫn tiếp tục ứng xử với chúng như xưa, sử dụng, chăm sóc, tu bổ để đảm bảo cho việc sinh hoạt cũng như các nhu cầu tinh thần thường nhật của họ trước tiên.

Chính vì vậy, lâu nay, đã nảy sinh một vấn đề đặc biệt hệ trọng: làm thế nào để cộng đồng xã hội, nhất là cộng đồng sở tại, nhận thức được những sự khác biệt giữa việc sử dụng và duy trì một công trình kiến trúc truyền thống và việc bảo tồn, tu bổ chính công trình ấy khi nó đã trở thành di tích?

Nhóm thứ hai gồm những vết tích và công trình do lịch sử để lại, được công nhận là di tích: các di chỉ và di tích khảo cổ học, những địa điểm và những công trình là chứng nhân, dấu tích của những sự kiện lịch sử. Giá trị lịch sử và khoa học của nhóm di tích này khó có thể được nhận biết một cách đầy đủ ở thời hiện tại; nhiều công trình hiện chỉ còn tồn tại ở dạng phế tích kiến trúc. Bên cạnh đó, di tích lịch sử có vai trò quan trọng đặc biệt không thể thay thế trong công tác giáo dục truyền thống và tinh thần yêu nước. Tuy vậy, chúng ít gắn bó với đời sống của cộng đồng xã hội, ít dành được sự quan tâm của cộng đồng. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để tích cực hóa sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị của nhóm di tích này trong đời sống hôm nay. Các danh lam thắng cảnh và các di sản thiên nhiên cũng có thể quy nạp vào nhóm di tích này. Chúng đòi hỏi sự tham gia bảo vệ của cộng đồng từ những yêu cầu chuyên biệt, đặc biệt từ phương diện duy trì tính nguyên vẹn của tài nguyên thiên nhiên - nhân văn vốn rất dễ bị suy chuyển bởi sự can thiệp của con người.

Các di tích và di sản văn hóa, dù thuộc thể loại nào đi chăng nữa, đều là tài sản vật chất và tinh thần của quốc gia, dân tộc. Nghĩa vụ và trách nhiệm bảo tồn chúng, nguyên vẹn và lâu dài, thuộc về Nhà nước và thuộc về cộng đồng xã hội, trong sự phân định rạch ròi bởi Luật Di sản văn hóa.

Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và toàn diện của đất nước ta hiện nay, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa đang có những biến chuyển chưa từng thấy, thể hiện ở sự nâng cao nhận thức, sự tăng cường các hoạt động bảo tồn và phát huy tác dụng, dẫn tới sự khẳng định vai trò lớn lao và chuyên biệt của di sản văn hóa trong đời sống xã hội đương đại. Đặc biệt, ở giai đoạn hiện nay, cần nhấn mạnh vai trò tham gia của cộng đồng xã hội ngày càng sâu rộng, hiệu quả vào sự nghiệp này. Có thể đưa ra những lý giải sau:

Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao rõ rệt, dân trí nói chung và sự hiểu biết của người dân về giá trị của di sản và truyền thống lịch sử - văn hóa nói riêng cũng được nâng cao.

Nhu cầu về tín ngưỡng và tâm linh, nhu cầu đến với các di tích và danh lam thắng cảnh có ở mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt, gắn với nhu cầu tham quan - du lịch ngày càng phát triển.

Những cuộc vận động trong xã hội về giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng và yêu nước, uống nước nhớ nguồn, xu hướng đề cao và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và từng địa phương nói riêng, trở thành yếu tố nổi trội trong đời sống văn hóa của toàn xã hội.

Nhà nước ngày càng chú trọng đến việc huy động vai trò của xã hội trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, trao và trả lại vai trò của xã hội trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, dưới tên gọi chung là xã hội hóa. Nội hàm của khái niệm xã hội hóa, về sâu xa, phù hợp một cách hữu cơ với di sản văn hóa vốn do cộng đồng xã hội cùng tạo nên, chăm sóc và sử dụng. Trong hoàn cảnh đặc thù của sự tồn tại, di sản văn hóa ở nước ta có sự gắn bó mật thiết, không tách lìa khỏi vòng tay của cộng đồng, nhất là cộng đồng sở tại. Đây là sự khác biệt dễ nhận ra, khi so sánh với sự tách biệt di tích bởi sự đề cao tính hàn lâm khoa học của chúng, thường thấy ở một số nước.

Đền thờ chùa Dạm sau khi tu sửa - Ảnh: Nhật Nam

Trong xã hội hiện nay, sự tham gia của cộng đồng xã hội không còn hạn chế bởi bảo vệ và chăm sóc di tích, sự đóng góp công sức nữa. Đã xuất hiện những cá nhân, những tổ chức kinh tế có khả năng đóng góp tiền của, thậm chí nguồn tài chính lớn, cho việc tu bổ, tôn tạo, mở mang di tích. Đây là những sự đóng góp thực sự cần thiết, khi nguồn kinh phí từ Nhà nước hạn hẹp.

Trước khi các thiết chế kiến trúc, mà đa phần là công trình tín ngưỡng, được tách ra thành di tích, chúng vốn được cộng đồng chăm sóc và duy tu một cách tự nhiên. Ở một vài giai đoạn lịch sử, đã xảy ra sự suy giảm, thậm chí, sự dị nghị đối với những thiết chế tín ngưỡng và tâm linh, dẫn đến sự suy tàn hoặc mất mát, không dễ bề bù đắp cho di sản văn hóa dân tộc. Ở giai đoạn hiện nay, xã hội đã và đang nhận rõ sự ý thức lại về những thiết chế tín ngưỡng - tâm linh, cùng với nhận thức, ngày càng bám rễ sâu về chúng như là những thành tố của tài sản và di sản văn hóa truyền thống.

Có thể nhận rõ sự tương đồng nào đó giữa cộng đồng truyền thống duy trì - tu tạo công trình trong lịch sử và cộng đồng bảo vệ - phát huy giá trị di tích thời nay. Cả hai dạng cộng đồng ấy luôn cấu thành bởi ít nhất bốn nhóm: cộng đồng dân cư thôn xóm hoặc đường phố (tại chỗ hoặc sở tại); cộng đồng những người bên ngoài (gồm những người thoát ly và những người có mối quan tâm); cộng đồng tín đồ tại chỗ và thập phương; cộng đồng hoặc cá nhân những người đóng góp cho việc tu tạo và xây dựng (những người phát tâm công đức).

Sự tham gia của cộng đồng thường diễn ra dưới những hình thức, như: được phân công chuyên trách trong một thời gian nhất định; tham gia thường xuyên bằng việc phụ giúp chăm sóc và duy trì các hoạt động tại di tích; tham gia trong các dịp lễ hội, hoặc theo sự huy động nào đó; phát tâm bằng việc quyên tiền, đóng góp vật liệu hoặc tiền.

Ngoại trừ đãi ngộ nào đó cho những người được phân công đảm nhiệm chuyên trách, tất cả sự tham gia của các nhóm cộng đồng đều là tình nguyện, không hưởng thù lao. Cộng đồng tham gia vào bảo tồn và phát huy di tích với những hình thức như: chăm sóc di tích thường xuyên (quét dọn, lau chùi, làm vệ sinh môi trường…); khắc phục những tác hại do hỏa hoạn, thiên tai; sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, chống xuống cấp kịp thời; kiện toàn, nâng cấp các đồ thờ; quyên góp hoặc hưng công đúc tượng làm đồ thờ và làm bia…; góp công sức vào các đợt tu bổ, tôn tạo di tích; đứng ra quyên góp hoặc tự bỏ kinh phí và vật liệu để tu bổ, tôn tạo hoặc mở rộng di tích; tổ chức và tham gia các lễ hội; mở rộng các hoạt động dịch vụ, kinh doanh dựa vào việc khai thác di tích.

Thực tiễn sự tham gia của cộng đồng xã hội vào bảo tồn và phát huy di tích hiện nay thể hiện những mặt tích cực, đồng thời cũng bộc lộ những thiên lệch và hạn chế mà nếu không được khắc phục thì sẽ gây những tổn hại cho chính di sản văn hóa.

Hầu hết di tích được giữ gìn chu đáo và phát huy tốt các giá trị là bởi có sự tham gia, sự gắn bó mật thiết của cộng đồng xã hội sở tại và bên ngoài; nhờ đó, tránh được sự xâm phạm về môi trường tồn tại và sự tác động gây hư hại. Chúng được chăm sóc và bảo quản thường xuyên; các biểu hiện hỏng hóc được phát hiện kịp thời và khắc phục; nguồn kinh phí ở dạng bổ sung hoặc là nguồn chính từ cộng đồng, cho phép thực hiện những phần việc nhỏ và lớn về tu bổ và tôn tạo di tích, mà ngân sách Nhà nước không giải quyết được kịp thời và, có lẽ, cũng không nên bao cấp hoàn toàn.

Tuy nhiên, có ba xu hướng gây lo ngại trong hiện tình tham gia từ phía cộng đồng vào bảo tồn và phát huy di tích:

Thứ nhất, thiên về mong muốn, thậm chí là đòi hỏi, làm cho di tích to hơn, lộng lẫy lên, hấp dẫn hơn.

Thứ hai, thiên về yếu tố làm kinh tế từ di tích, với việc đầu tư quá mức cho kinh doanh thu lời, điều báo chí thường mệnh danh là làm kinh tế bằng di sản.

Thứ ba, người có khả năng đầu tư nhiều kinh phí cho tu bổ di tích thường đòi quyền chi phối công tác tu bổ và tôn tạo, mong muốn để lại dấu ấn nổi trội của mình bằng những bổ sung khác biệt với những gì hiện có.

Bảo tồn di tích và di sản một cách khoa học là điều không thể khác được. Cách làm này buộc phải có sự dung hòa với quan niệm, với đòi hỏi từ người sử dụng, từ người góp hoặc bỏ tiền và từ người nắm quyền quyết định, lúc này đang đặt ra những thách thức, nhiều khi gay gắt. Tuy nhiên, dung hòa không thể không dừng trước những giới hạn, hoặc mềm hoặc cứng, mà người làm bổn phận bảo tồn di sản buộc phải đắn đo, để tránh cho di sản chịu những mất mát không bù đắp nổi. Chúng ta phải làm thế nào để khai mở, để phát huy cao độ nguồn lực xã hội nhằm bảo tồn khả thi và bền vững di sản văn hóa?

Từ thực tiễn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và sự tham gia của cộng đồng xã hội vào công cuộc này, chúng ta có thể vạch ra ba hướng chính để trả lời câu hỏi nêu trên.

Trước tiên là phổ cập, nâng cao tri thức và nhận thức về giá trị và vai trò của di sản văn hóa, về Luật Di sản văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.

Tiếp theo, cần phân định rõ vai trò và trách nhiệm của quản lý nhà nước và của cộng đồng xã hội trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đặc biệt về phương diện phân công, phối hợp và phạm vi giới hạn can thiệp.

Cuối cùng, xây dựng và đưa vào cuộc sống xã hội nhận thức mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy; giữa bảo tồn khoa học và khai thác di tích; giữa phát huy giá trị văn hóa - lịch sử và kinh doanh - dịch vụ; giữa đòi hỏi chuyên biệt về bảo tồn và nguyện vọng về sự mở mang di tích… Đặc biệt, cần thiết xây dựng thái độ ứng xử văn hóa với di sản, ngược với thái độ ứng xử thực dụng đang có chiều hướng nảy nở.

Có lẽ phù hợp hơn về tính chất nếu chúng ta nói: các cơ quan quản lý và chuyên môn của Nhà nước thực thi công tác bảo tồn di tích (nhấn mạnh yếu tố khoa học), còn cộng đồng xã hội thực thi việc bảo vệ di tích. Khái niệm bảo vệ mềm hơn, sát với bản chất của thực tiễn cộng đồng xã hội góp phần vào việc chống lấn chiếm di tích từ dân cư sở tại và từ ngoài vào; chống mọi sự gây tổn hại cho di tích; phát hiện kịp thời và khắc phục những hư hại nhỏ, nếu không, sẽ dẫn tới hư hại lớn, cần tu bổ quy mô lớn; phát huy giá trị di tích ngay từ việc sử dụng nó theo cách phù hợp; ngăn ngừa và ứng phó kịp thời những biến cố làm di tích hủy hoại… Việc nhấn mạnh vai trò và tác dụng của “bảo vệ” sẽ phân định rạch ròi hơn sự phân vai giữa quản lý nhà nước và sự đóng góp từ cộng đồng.

Những nội dung nêu ở trên, nằm trong nội hàm của khái niệm bảo vệ, chính là những ưu tiên mà Nhà nước nên giao cho, nên nhờ cậy vào cộng đồng xã hội. Hệ thống quản lý của Nhà nước, dù có tiệm cận di tích đến chừng nào đi nữa, cũng không thể đảm nhiệm hết được những phần việc ấy.

Song, khi đề cập đến nội dung đặc biệt hệ trọng như tu bổ và tôn tạo di tích, chúng ta cần đề cao cục diện bảo tồn, tức là duy trì tình trạng không suy chuyển di tích - chứng nhân lịch sử, nguồn tư liệu lịch sử, những sản phẩm không bao giờ có thể lặp lại của văn minh và của lịch sử, mà nói theo thuật ngữ bảo tồn là yếu tố nguyên gốc. Điều này ám chỉ việc không phụ thuộc ở nguồn kinh phí, ưu tiên số một, nhất thiết phải là bảo tồn theo các nguyên tắc khoa học (1).

Hiện nay, tu bổ và tôn tạo di tích một phần đáng kể dựa vào nguồn xã hội hóa, từ quyên góp đặc biệt từ những doanh nhân và doanh nghiệp, thường có những đóng góp, quyết định trong đầu tư cho di tích. Ở khá nhiều trường hợp, việc đầu tư cho tu bổ - duy trì là thứ yếu, trọng tâm lại là cho nâng cấp làm mới di tích, tôn tạo là chính.

Đi theo xu hướng kinh tế hóa và du lịch hóa di tích, những đầu tư từ cộng đồng, nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ, sẽ nghiêng hẳn về phía xây cất những thiết chế thương mại dịch vụ, dễ làm lu mờ và tổn hại môi trường vốn có của di tích.

Do Luật Di sản văn hóa ra đời gần hai thập niên trước, nên chưa cập nhật khái niệm cộng đồng và vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ di sản. Không thừa, nếu ta khẳng định thêm một lần nữa: di tích và di sản tồn tại giữa cộng đồng, gắn bó mật thiết với nhu cầu cuộc sống của cộng đồng và chỉ có thể giữ gìn lâu bền bởi chính cộng đồng.

Trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, các cụm từ và khái niệm cộng đồng, cộng đồng dân cư hay cộng đồng xã hội, khi được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, sẽ thể hiện sự gắn kết những người dân, tầng lớp dân cư bởi truyền thống, bởi địa bàn cư trú, đặc biệt hơn, sự gắn kết chung bởi những mối quan tâm, bởi nhu cầu chung về đời sống tâm linh, những gì hợp thành cộng đồng.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội về mọi phương diện hiện nay, với sự tham gia ngày càng tăng cường của cộng đồng xã hội vào công cuộc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, nhận ra sự cần thiết phải thiết lập một công cụ pháp lý, một văn bản dưới luật vừa đảm bảo sự tham gia tích cực và đúng hướng của cộng đồng vào công tác bảo vệ di tích, vừa hạn chế được những hệ lụy phát sinh từ xã hội hóa, tác hại đến di sản văn hóa của dân tộc.

______________

1. Điều 34, Luật Di sản văn hóa, quy định: “Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích”.

Tác giả: Hoàng Đạo Cương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

 

;