Hát xoan trong không gian văn hóa làng Phù Đức (Phú Thọ)

1. Sự ra đời của hát xoan làng Phù Đức

Trước đây, làng Phù Đức, xã Kim Đức là một ngôi làng cổ của huyện Phù Ninh, nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Người ta biết đến Phù Đức là một trong bốn phường xoan gốc, nơi lưu giữ những câu xoan mang dấu ấn cội nguồn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tục hát xoan ở Phù Đức có vị trí, vai trò nhất định trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây.

Nói về sự ra đời của hát xoan, nghệ nhân Lê Xuân Ngũ kể lại rằng: ngày xưa, có ba anh em vua Hùng đi tìm đất, qua thôn Phù Đức vào một buổi trưa; khi dừng chân nghỉ lại một khu rừng gần thôn, các vị vua nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy có đám trẻ chăn trâu vừa chơi, vừa hát, vừa đánh vật, kéo co. Thấy vậy, đức thánh Cả liền bảo những người đi theo gọi bọn trẻ đến dạy thêm một số điệu hát mà họ biết. Sau này, tại nơi các vua Hùng nghỉ chân, người dân có dựng lên một ngôi miếu lấy tên là miếu Lãi Lèn. Cứ 30 tháng Chạp, dân làng phải làm bánh nẳng để cúng tưởng nhớ đến các vị vua Hùng đã có công dạy dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Hằng năm, người dân Phù Đức lại mở hội cầu mong mọi điều tốt lành vào ngày mồng 2, 3 tháng Giêng. Trong ngày hội, họ diễn lại cảnh hát xướng, kéo co, đánh vật ở bãi đất trước cửa miếu. Hát xướng được xem là khởi nguồn của hát xoan hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, hát xoan xuất hiện vào thời gian nào, vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh luận.

2. Hát xoan - Một loại hình dân ca nghi lễ

Chức năng ban đầu và xuyên suốt của hát xoan là phục vụ nghi thức tế lễ, trên cơ sở đó kết hợp với sinh hoạt văn hóa, giải trí… Hát xoan còn gọi là hát cửa đình, nên chỉ hát vào những ngày làng vào đám. Đây là hình thức diễn xướng được thực hiện theo đúng nghi thức tại đình trung, thư­ ờng diễn ra vào chiều tối. Nó có những quy định riêng về thời gian, không gian, đối tượng và cách thức hát.

Mở đầu cuộc sinh hoạt dân gian, trùm phường xoan bắt đầu một điệu hát chúc ở trư­ ớc hư­ ơng án, sau đó một kép khoảng 16 - 18 tuổi ra giáo trống và giáo pháo. Kép hát thường quấn khăn lư­ ợt hoặc đội khăn xếp, áo dài the thâm, quần trắng, cổ quàng khăn dải nhiễu điều, đeo tr­ ước bụng một chiếc trống, vừa hát vừa múa. Tiếp đó, 4 cô đào trẻ thực hiện nghi lễ hát thơ nhang. Họ đội khăn nhung, quần láng, thắt l­ ưng nhiều màu, đứng thành hàng ngang trước ban thờ, tay cầm quạt xòe trư­ ớc mặt nh­ ư dâng       hư­ ơng, vừa hát, vừa múa, chân b­ ước theo nhịp trống, đội hình tiến lên, lùi xuống nhịp nhàng. Các phần tiếp theo là hát đóng đám, rồi đến hát cách (những bài thơ dài do đào và kép hát xen kẽ nhau) theo trình tự đã quy định, sau đó vào cuộc hát thi. Nếu năm đó, dân làng không mở cuộc thi hát thì có thể chuyển sang hát đúm, chơi đúm, rồi hát các giọng vặt.

Hát xoan nói lên cảm xúc của con người trước thần linh, sau đó là ngợi ca thánh thần. Đào và kép hát xen kẽ, lúc phụ họa, lúc hát đuổi nhau. Phần múa hát các giọng vặt kèm trò chơi tạo nên không khí đông vui, rộn ràng mỗi dịp lễ hội.

3. Tổ chức của hát xoan

Hát xoan là một loại hình dân ca nghi lễ, phục vụ nhu cầu, tín ngưỡng trong lễ hội, nên có tính tổ chức chặt chẽ. Khác với một số loại hình dân ca khác, hát xoan có tổ chức phường họ, có những quy định về tổ chức, những tục lệ riêng. Khúc hát Gài huê có câu:

Tam Thanh một cảnh huê hò

Lòng anh muốn lấy nhà trò họ Xoan.

Phường xoan là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Họ chỉ nhận người làng mà không thu nạp người ở nơi khác. Mỗi phường xoan giữ một số cửa đình nhất định, phường xoan Phù Đức thường giữ cửa đình Phù Ninh, Đức Bác, Y Kỳ, Tây Cốc... Tục lệ này mang ý nghĩa tránh sự tranh chấp và chồng chéo khi sinh hoạt của các phường xoan. Phường xoan Phù Đức gắn bó với làng Đức Bác, Tây Cốc bằng tục kết nghĩa. Trong mối quan hệ này, dân địa phương bao giờ cũng đóng vai anh và người dân hai bên không được kết hôn với nhau. Về sau, mối quan hệ này chỉ còn là biểu hiện về mặt tín ngưỡng và văn hóa như: thờ chung một thành hoàng làng, đi thăm viếng, vui chơi ca hát mỗi dịp hội hè...

Hát xoan, Phú Thọ - Ảnh: Phạm Lự

Đứng đầu phường xoan Phù Đức là một người đứng tuổi, có kinh nghiệm về nghề nghiệp, gọi là ông trùm. Ông thuộc và đọc được các bản xoan bằng chữ Nôm, hướng dẫn các đào, kép học các làn điệu hát, múa; quản lý phường và giao dịch với các địa phương mà phường đến hát. Kép có thể là người đứng tuổi đã có vợ con. Hầu như phường xoan nào cũng có 1-2 kép con từ 10-15 tuổi để múa hát các điệu mở đầu như: giáo trống, giáo pháo. Còn đào xoan đều là những cô gái trẻ xinh đẹp, có giọng hát hay, tuổi từ 15-20. Khi đã có chồng thường không theo phường nữa. Đối với những cô đào mới, ông trùm hoặc bạn cũ sẽ dạy hát theo lối truyền khẩu, tập và uốn nắn từng động tác múa.

Cứ độ xuân sang, phường xoan Phù Đức bắt đầu cuộc hành trình ca hát ở các cửa đình làng bạn. Họ thường chuẩn bị: trống đế, hai đôi phách, quần áo, khăn giọt đen (mỏ quạ)… Sau mỗi lần hát, họ thường được thưởng tiền hoặc gạo thóc.

Trình diễn quả cách

Các quả cách có nội dung mô tả đời sống sinh hoạt của nhân dân thuộc nhiều tầng lớp, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên hoặc kể truyện cổ tích xa xưa. Mỗi quả cách thường có cấu trúc 3 phần: giáo cách (mở đầu), đưa cách (phần giữa), kết cách (phần cuối).

Về diễn xướng, cơ bản gồm lối hát nói và ngâm đọc. Một kép ngồi giữa cầm đôi dùi trống, vừa đánh trống vừa dẫn cách. Các cô đào hát phụ họa bằng cách nhắc lại nguyên nhạc điệu của một câu hát hoặc đoạn hát của người dẫn cách, hoặc chỉ xen vào phần đệm, hoặc xen vào một câu hát dùng tiếng đưa hơi. Nối tiếp các quả cách, thường có láy câu: “Các bạn họ ta lấy qua làn dậm là hỡi dậm nào dậm ấy cho qua” hoặc “Cách ấy cho qua, hỡi bạn chèo ta, giờ sang cách khác, giã tiệc này, ta là Đại vương”.

Phường xoan Phù Đức được bắt đầu bằng 12 quả cách: Kiều Giang cách, Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Ngư tiều canh mục cách, Đối rẫy cách, Hồi liên cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách, Tứ mùa cách, Thuyền chèo cách. Quả cách thứ 13 (Tứ dân) được ra đời và hát khi đã viết thành sách, do một vị quan triều Lê ghi lại. Đây là quả cách tóm tắt quả xuân, hạ, thu, đông. Nội dung của hát xoan đã phản ánh được tình cảm của con người với con người, đạo lý vua tôi, tình cảm của con cái đối với đấng sinh thành, tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa. Nó còn là ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, là cầu nối cho tình làng, nghĩa xóm...

Với quả cách thứ 14 (Chơi Dâu cách), phường xoan Phù Đức hát duy nhất một lần khi sang chùa Dâu vùng Kinh Bắc, sau không còn hát lại nữa. Nhiều nhà nghiên cứu muốn sưu tầm quả cách này nhưng gặp nhiều khó khăn, bởi nó không được ghi chép lại.

Phần hát hội

 Phần hát hội mang mang tính chất trữ tình, phản ánh những nội dung yêu đương, giao duyên giữa trai gái. Đây là giai đoạn ứng tác, như hát ví, trống quân, bao gồm các tiết mục múa, hát, dựng các hoạt cảnh, trò chơi… Các tiết mục trong giai đoạn này thường được tiến hành theo thứ tự sau:

Bợm gái, là một lối hát trao tình do các cô đào diễn xướng có kèm theo một vài động tác nhảy múa đơn giản. Đây là một liên khúc dài gồm nhiều đoạn hát có tính chất độc lập về cấu trúc.

Bỏ bộ, phần lớn mang nội dung giao duyên, do các cô đào diễn xướng. Những động tác múa minh họa có phần phong phú hơn. Đây là một chuỗi những bài hát được diễn xướng kế tiếp nhau. Mỗi bài hát có tính chất độc lập tương đối về mặt cấu trúc, đồng thời lại có chung một số đường nét giai điệu, đặc biệt, chúng có chung một câu nhạc bắc cầu: “Tềnh là tềnh tang tềnh”. Câu này đặt trước mỗi bài hát tạo thành sợi dây liên kết toàn bộ tiết mục lại với nhau.

Xin hoa đố chữ, là cảnh hát đối đáp giữa trai làng sở tại với các cô đào phường xoan. Cảnh này gồm phần xin hoa, được coi là phần mở đầu và phần đố hoa, đố chữ được coi như phần chính.

Hát đúm, cũng là một hoạt cảnh đối đáp giữa trai làng sở tại với các đào xoan. Đây là lối chơi hấp dẫn, say mê nhất trong hát xoan. Người ta còn gọi phường xoan là phường đúm.

Lối chơi này rõ ràng đã thoát ra khỏi không khí trang nghiêm của dân ca phong tục lễ nghi. Nó gần với những làn điệu dân ca khác như: hát ví, hát trống quân. Thời điểm này, các làn điệu xoan không còn bị ràng buộc trong những quy tắc chặt chẽ của phần lễ nghi ứng xử với các bậc thần linh. Mà nó trở thành hình thức hát trữ tình giao duyên thuần túy. Trai địa phương và gái đào phường xoan ném quả đúm cho nhau. Cứ mỗi cặp hát là một quả đúm. Mỗi đêm hát có bao nhiêu quả đúm là do ông trùm phường xoan đã trao đổi trước với địa phương.

Đào ơi, đào dích lại đây, đào dịch lại đây

Anh cầm quả đúm trao tay cho đào

Quả đúm là một chiếc khăn tay thêu “cành hồng con bướm” bọc một miếng trầu cau và đôi ba đồng tiền. Tiền bọc trong đúm sẽ dành cho các đào xoan. Khi bắt đầu, một cô đào trong phường xoan ra giữa chiếu, tay cầm một quả đúm đưa mắt nhìn khắp mặt “đàn anh” trong làng rồi cất cao giọng hát:

Phải đôi phải lứa thì xe

Đúm tìm cho tới áo the đúm vào

Đúm vào người hỏi làm sao?

Em là quả đúm em vào kết duyên

Dứt câu hát, cô đào ném quả đúm vào một quan viên nào đó. Người nhận quả đúm sẽ mở ra lấy trầu cau để ăn, rồi gói trả lại miếng trầu khác rồi trao quả đúm cho trai làng hoặc cũng có thể vị quan viên sẽ đứng lên hát đáp lại một câu đúm. Khi hát xong, lại tung quả đúm cho cô đào. Hết đôi này đến đôi khác, quả đúm bay qua ném lại cùng những câu hát tình tứ làm say đắm lòng người và tạo ra không khí vui tươi.

Cài huê - mó cá, được coi là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của hát xoan. Ông trùm và chủ tế trong làng lại đứng trước ban thờ để hát giã hội, đây là một bài đọc nôm mang nội dung khấn nguyện.

4. Âm nhạc trong hát xoan

Hát xoan có đủ dạng thức nhạc hát gồm: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc, có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái, âm nhạc xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả, vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng điệu duyên dáng trữ tình. Đặc biệt, trong hát xoan, nam hát là chính, nữ phần nhiều chỉ hát họa theo, hát đệm và hát những khúc ngắn. Bởi lẽ, nữ còn nhiệm vụ khác quan trọng không kém, đó chính là múa.

Múa xoan là múa nghi lễ, múa “mừng Đại vương”, “mừng làng nước thịnh đời đời”... được trình diễn trước bàn thờ thần linh. Ở xoan, người múa dùng tay là chính, không có những động tác chân giơ cao, nhún nhảy. Chủ yếu múa bằng bàn tay, khi đưa cánh tay ra trước thì xòe các ngón tay ra, khi co tay về thì lòng bàn tay quay vào ngực, ngón tay nắm lại. Nguyên tắc cơ bản của múa xoan là người múa phải hướng vào bàn thờ, không được quay lưng lại. Múa xoan hội tụ đủ những yếu tố như: vũ nhạc, ca hát và ngôn từ. Trong đó, chủ yếu sử dụng thang năm âm với 4 điệu thức cung, thương, giốc, chủy, vũ.

Có thể nói, hát xoan là hình thức sinh hoạt văn hóa đầy sáng tạo và hội nhập, tích hợp trong đó những giá trị đặc sắc của nhiều thể loại dân ca. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các làn điệu dân ca đã được mài giũa, chắt lọc, phát triển và chuyển tải trong mình những giá trị truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương.

Tác giả: Bùi Thị Mai Lan - Phạm Thị Lộc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

;