Uy thiêng vùng biên viễn

Con đường từ tỉnh lộ 955 B vào Khu di tích lịch sử cấp quốc gia (gọi tắt là KDT) Ô Tà Sóc tọa lạc tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nắng chang chang giữa những ngày đầu tháng 5/2021 nóng bỏng. Rất nhiều đoàn du khách đến thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường ác liệt này.

Một góc Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ô Tà Sóc
 

Chiến khu vững vàng trong mưa bom bão đạn

Ông Kim Sơn, ngụ xã Lương Phi kể rằng: “ Ô Tà Sóc và đồi Ma Thiên Lãnh thuộc núi Ngọa Long Sơn (còn gọi là núi Dài), 1 trong 7 ngọn núi lớn hợp thành quần thể Bảy Núi của tỉnh An Giang. Đây là căn cứ kháng chiến quan trọng của lực lượng vũ trang tỉnh và đã chịu rất nhiều bom đạn đánh phá”.

Theo nhiều tư liệu thì núi Dài cao trên 560m, dốc thẳng đứng, vách đá, địa hình hiểm trở, có nhiều hang thuộc địa bàn 4 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Núi có nhiều loại gỗ quý như dầu, căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, nính... tạo thành rừng rậm, là nơi trú ngụ của một số loài chim muông và thú rừng như: nai, mang, heo rừng, trăn, rắn, gà rừng... Trên núi có một địa danh gọi là Ô Tà Sóc (nghĩa là dòng suối của ông Sóc).

Nhà trưng bày hiện vật KDT

Nhiều cán bộ chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu tại đây kể thêm: Ô Tà Sóc, Ma Thiên Lãnh có rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc liền kề nhau, có nơi không thấy ánh sáng mặt trời. Mỹ - ngụy sau nhiều lần tấn công bằng bộ binh không thành đã chuyển sang phương án pháo kích ngày đêm vào núi cùng với việc dùng máy bay ném bom để cô lập lực lượng cách mạng nhiều tháng liền... song đều thất bại. Dã man hơn, chúng còn dùng hàng trăm phuy xăng đổ xuống núi và đốt cháy nhiều lần nhưng các chiến sĩ vẫn vững vàng bám chắc trận địa.

Ông Nguyễn Minh Đào, người từng chiến đấu tại Ô Tà Sóc - Ma Thiên Lãnh kể lại: “Trận địa này ác liệt lắm, hy sinh cũng nhiều lắm. Ngoài việc đốt cháy quả núi, chúng còn rải hóa chất độc hại xuống để gây sức ép cho cơ thể người; chúng phóng hỏa tiễn với tầm sát thương cao, dội bom lấp các miệng hang... nên đã có 7 chiến sĩ ta hy sinh trong hang núi mà sau ngày miền Nam giải phóng, chúng ta mới đào hang quy tập hài cốt. Đau lòng lắm”.

Ông Đào kể tiếp: Chúng còn tấn công ta bằng nhiều loại vũ khí khác như bom “ lá” (chỉ sát thương đôi bàn chân khi dẫm phải); bom “bươm bướm”; tuyên truyền trên trực thăng kêu gọi lực lượng cách mạng ra đầu hàng; phong tỏa các nguồn tiếp vận của ta từ Long Xuyên, Rạch Giá, Campuchia... nhưng không đạt được ý đồ nên rút lui.

Ô Tà Sóc hôm nay

Ông Chau Công, ngụ xã Lương Phi hăng hái hướng dẫn chúng tôi tham quan những con đường thẳng tắp. Hai bên đường là những cánh rừng tre, trúc, tầm vông tuyệt đẹp như tranh. Những cánh rừng xoài cát Hòa Lộc đang vào mùa thu hoạch rộ; những con đường rộng thênh thang bên cạnh hồ Ô Tà Sóc vừa mới hoàn thành. Bên cạnh đó là nhiều ngôi nhà mới xây rất khang trang, minh chứng cho một sức sống mới tại chiến khu xưa.

Căn cứ Ô Tà Sóc

 

Ông Công nói: “Chiến tranh đã qua rồi, mình phải biết khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Ấp Ô Tà Sóc bây giờ không còn hộ nghèo, nhà nào cũng có điện, nước sinh hoạt; trường học, trạm xá đầy đủ hết, đó là chưa kể mạng internet phủ sóng khắp nơi. Bà con miền biên giới này còn làm giàu bằng thế mạnh chăn nuôi bò, trồng tre, trúc, tầm vông, xoài cát, bưởi, mít, đào lộn hột... và phát triển thế mạnh du lịch vùng đồi núi”.

Chúng tôi đến thắp hương trước tượng đài và bia tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh tại căn cứ đầy gian lao trong tâm trạng bồi hồi tưởng nhớ. Nhà trưng bày hiện vật hình ảnh chiến tranh Ô Tà Sóc, sạch đẹp, trang nghiêm. Men theo triền đồi, chúng tôi tìm đến tận chiếc hang bị pháo địch đánh sập khiến 7 chiến sĩ ta hy sinh trong lòng núi. Đường lên núi thơm phức mùi xoài tháng 5 đang xanh mượt núi đồi. Nhiều đoàn khách tần ngần dừng lại thật lâu bên từng con suối, từng chiếc hang đã đi vào huyền thoại. Nhiều người đã không ngăn được dòng nước mắt vì xúc động dâng trào.

Bà Neáng Liên, ngụ xã Lê Trì đề xuất: Nên có sự quan tâm nhiều hơn với những ai đã từng sống, chiến đấu, tiếp lương, tải đạn tại chiến khu này, đặc biệt là thân nhân 7 liệt sĩ hy sinh trong lòng núi. Ngoài ra, cần phát triển tiềm năng du lịch gắn với việc quảng bá, giới thiệu về KDTLS tâm linh này để người dân cả nước biết đến nhiều hơn một địa chỉ đỏ bi hùng đã được công nhận KDTLS cấp quốc gia năm 2001. 

Tác giả: Song Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

;