Đa Nhim, dòng sông đậm dấu văn hóa

Dòng sông ấy là một dòng sông lớn, nước chảy tự nhiên khi hiền hòa, lúc dữ dội, miệt mài bồi đắp phù sa cho đôi bờ. Dòng sông ấy cũng là nơi chứng kiến những cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa, rồi dung nạp chúng để làm nên vùng đất Đơn Dương - Lâm Đồng trù phú, mang đậm nét văn hóa đặc sắc.

Nhà thờ Ka Đơn, nơi in đậm dấu ấn văn hóa Chu Ru, nằm bên bờ Nam sông Đa Nhim

Nói về dòng sông đậm dấu lịch sử và văn hóa Đa Nhim, xin bắt đầu từ ngọn nguồn của nó. Sử liệu xưa ghi rằng, sông Đa Nhim là một trong những phụ lưu chính của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ núi Gia Rích ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cao hơn 1.920m so với mực nước biển. Trước khi đổ nước xuống thác Pongour, nằm phía Tây Nam của huyện Đức Trọng, để hợp lưu với sông Đạ Dâng rồi xuôi về vùng Đông Nam Bộ thành sông Đồng Nai, sông Đa Nhim trôi trọn trong lòng bồn địa Đơn Dương. Trải qua quá trình dài tích bồi, phù sa của sông Đa Nhim đã tạo nên một bồn địa hết sức màu mỡ ở chính giữa. Bao bọc bồn địa là hai dãy núi cao chạy gần như song song theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Dọc dài đôi bờ sông Đa Nhim là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng các dân tộc K’Ho, Chu Ru, Raglai... “Cứ theo nghĩa của từ Chu Ru (xâm đất) mà suy luận thì rất có thể, tổ tiên người Chu Ru chúng tôi là một bộ phận của người Chăm ở miệt biển Nam Trung Bộ?! Nhưng vì một lý do nào đó, họ đã phải rời bỏ quê hương di cư lên vùng đất Tây Nguyên rồi trở thành một dân tộc độc lập”, bà Touneh Nai Chanh, một trí thức người Chu Ru chia sẻ.

K’boắt âm vọng nơi miền xanh Đơn Dương

Bấy giờ, sông Đa Nhim giữ vai trò như một biên giới tự nhiên, chia bồn địa Đơn Dương thành hai địa bàn dân cư khác nhau, bờ Nam và bờ Bắc. Sự phân chia đã trở thành một mặc định văn hóa, vì mãi cho đến ngày nay, cư dân huyện Đơn Dương vẫn không quên gọi các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, thị trấn Thạnh Mỹ... là vùng Bắc, còn các xã Ka Đơn, Quảng Lập, Ka Đô... là vùng Nam. Theo ông Ya Tứ, cán bộ văn hóa xã Próh, có một điều thú vị là trừ xã Próh ra thì tất cả các xã và thị trấn của huyện Đơn Dương đều được tưới tắm bởi thủy lưu sông Đa Nhim. Chiều dài của sông Đa Nhim, tính từ đập thủy điện Đa Nhim (thị trấn D’ran) đến sông Đạ Dâng (huyện Đức Trọng), khoảng 50 cây số. Trên hành trình của mình, sông Đa Nhim không những tạo nên những thác nước rất đẹp như Liên Khương, Gougah, Pongour mà còn góp phần xây đắp nên những giá trị tập truyền đặc sắc của các cư dân nơi đây. Bà Touneh Nai Chanh cho biết thêm: “Trải qua nhiều thế kỷ giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em khác, người Chu Ru vẫn giữ được tín ngưỡng, phong tục, lễ hội của dân tộc mình, cũng như duy trì các nghề thủ công truyền thống: nặn gốm, dệt vải, đan lát, chế tác nhẫn bạc, đánh bắt cá, trồng lúa nước... Bên cạnh đó, các điệu dân vũ, dân nhạc cũng biểu đạt một vẻ đẹp riêng có, đầy huyền bí của người Chu Ru”.

Cuộc hành trình của sông Đa Nhim đã dừng lại khi nó hòa nước với sông Đạ Dâng. Nhưng dòng chảy của con sông ấy không hề mất đi mà òa vỡ niềm hân hoan. Bởi suốt hành trình của mình, sông Đa Nhim đã tự lọc lắng, thả trôi những giá trị lỗi thời, giữ lại những giá trị lớn, tiếp biến những giá trị mới, rồi làm nên diện mạo một miền xanh Đơn Dương trong dấu ấn văn hóa Chu Ru, trong những giá trị văn hóa Chăm Pa nơi các phế tích đền tháp nghìn năm, trong những âm thanh cồng chiêng K’Ho rạo rực, trong âm điệu kèn bầu dư ba, trong chếnh choáng men rượu cần, cùng những ruộng rau xanh mướt, những vườn cây trái lúc lỉu. 

Tác giả: Trịnh Chu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

 

;