Cần bảo tồn và phát huy hơn nữa nghệ thuật Cải lương

Cải lương phải được hiểu theo đúng nghĩa của nó: cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Từ bản tổ với nhịp đôi của Dạ cổ hoài lang, các bản vọng cổ đã phát triển thành nhịp 32, lại kết hợp tân cổ giao duyên, rồi 6 câu rút xuống 4 câu… đã làm cho sân khấu cải lương đầy sức sống. Điều này có nghĩa: Cải lương là tiến bộ, văn minh, là không ngừng cải cách. Do đó, những soạn giả, người viết kịch bản, diễn viên, nghệ sĩ Cải lương cần ý thức được việc không ngừng cải cách, không ngừng phát triển để Cải lương ngày càng mới mẻ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tình hình mới. Nhiều giá trị đổi thay, tư duy đổi thay, cuộc sống đổi thay thì Cải lương cũng phải đổi thay theo.

Theo nghĩa Hán Việt, Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.

Năm 1920, Lư Hoài Nghĩa và Nguyễn Biểu Quốc viết hai câu liễn tặng đoàn Cải lương Tân Thinh:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Từ đó hai chữ đầu của hai câu liễn đã trở thành tên chính thức của loại hình nghệ thuật này.

Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ. Nó xuất phát từ thể loại Đờn ca tài tử. Vào cuối TK XIX, Đờn ca tài tử đã phát triển hoàn chỉnh cả đờn, ca, bài bản. Người ca diễn tả tâm trạng của bài hát bằng những điệu bộ, gọi là lối ca ra bộ, mang tính tự phát theo từng bài bản riêng. Đây là một giai đoạn quá độ, có tính quy luật của sự phát triển hình thức trình diễn ca nhạc dân gian, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, có quá trình, có nhiều thử thách để tiến đến hình thức cao hơn, quy mô hơn.

Từ khi ra đời, Cải lương đã trở thành môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc, bởi vì nó do người Việt Nam sáng tạo ra trên đất nước Việt Nam và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Được lưu truyền qua nhiều thế hệ (nhiều gia đình nghệ sĩ 3, 4 thế hệ đều xuất thân từ nghệ sĩ Cải lương). Hiện nay, Cải lương vẫn tồn tại với diện mạo độc đáo của nó. Hơn thế, Cải lương còn là môn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Nam Bộ nói riêng. Nó có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa đất nước.

Nghệ thuật Cải lương mang đậm tính hiện thực, truyền tải được những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân trong đời sống thường ngày. Trước khi Cải lương xuất hiện, Hát bội luôn chiếm vị thế cao trong đời sống. Tuy nhiên, Hát bội mang đậm tính phong kiến, nội dung thường xoay quanh các vấn đề về vua, quan và chỉ phục vụ trong triều đình hay các tầng lớp trên - người bình dân và dân nghèo ít có điều kiện tiếp xúc, hưởng thụ. Nhạc tế lễ thì lại mang đậm tính tôn giáo, do đó, không được đông đảo người dân yêu thích. Ngược lại, Cải lương gắn bó, gần gũi với quảng đại quần chúng hơn. Ngay cả mục đích xuất phát của loại hình nghệ thuật này: phục vụ cho dân nghèo chứ không phải tầng lớp quý tộc… cũng đã minh chứng điều đó. Quan trọng hơn hết là nội dung Cải lương thể hiện cuộc sống lao động của nhân dân và có khả năng phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ.

Cải lương còn có nhiều ưu thế trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân, nhất là người dân ở những vùng đất xa triều đình, bị quan lại phong kiến bóc lột, sau đó thêm thực dân đày đọa, nhưng luôn luôn mang tinh thần, hào khí, nghĩa hiệp chống áp bức bất công. Cải lương ra đời ở miền Nam và nhanh chóng phát triển rộng khắp các miền đất nước, nơi nào cũng tiếp nhận dễ dàng, được công chúng, báo chí ca ngợi và đánh giá cao. Bởi lẽ, Cải lương đã thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm, từ niềm vui trong lao động, tình yêu (quê hương, đất nước, lứa đôi), hạnh phúc đến nỗi đau khổ khi ly biệt, nhớ nhung, tang tóc hay bị áp bức, bóc lột, đầy ải..., qua đó có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Một số vở tiêu biểu như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lá sầu riêng, Nửa đời hương phấn... được không ít khán giả thuộc nằm lòng. Cải lương còn gần gũi với nhân dân ở góc độ ca từ và nhịp điệu. Không riêng gì nghệ sĩ mà ngay cả những người không am tường về Cải lương cũng có thể ngâm nga vài ba câu vọng cổ những lúc vui buồn.

Nghệ thuật Cải lương còn là nơi để các nghệ sĩ bày tỏ tình yêu nước, thương dân, căm phẫn chế độ phong kiến, áp bức bóc lột, nhất là căm thù bọn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Khi mới hình thành, Cải lương là công cụ để các sĩ phu yêu nước hoạt động cách mạng. Lời ca Cải lương đã góp phần phản ánh hiện thực đương thời và nhiều vở có nội dung yêu nước, tiến bộ, nhất là khi phong trào Duy Tân bị thực dân Pháp đàn áp, một số chí sĩ bị Pháp bắt đi đày hay quản thúc, đã tham gia soạn lời ca thì những vở Cải lương mang ẩn ý chống Pháp, đồng thời phản ánh tâm sự của người yêu nước muốn vùng lên chống Pháp đòi lại đất nước lại càng nhiều. Điều đó được thể hiện qua nhiều tác phẩm tiêu biểu như San hậu, Tiếng hò sông Hậu...

Nghệ thuật Cải lương đã góp phần tạo nên những đặc trưng rất Việt Nam, làm giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc và xác định bản sắc văn hóa Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển của sân khấu Cải lương không dài (khoảng hơn 80 năm) nhưng loại hình nghệ thuật này đã khẳng định được mình, không những phát triển trong nước mà còn cả nước ngoài. Ngày nay, khi nói đến Cải lương, người ta nghĩ ngay đến Việt Nam, bởi lẽ Việt Nam là cái nôi sinh ra nó. Hơn nữa, nhiều đồng bào Việt Nam đang định cư ở nước ngoài vẫn còn rất nghiền Cải lương và mong muốn thưởng thức nó mỗi khi nhớ về quê hương.

Xu thế hội nhập hiện nay đã tạo những cơ hội cũng như thách thức đối với loại hình nghệ thuật này. Là cơ hội, bởi vì Việt Nam sẽ có điều kiện để quảng bá, giới thiệu Cải lương với bạn bè thế giới, cũng như có thêm mảnh đất mới cho Cải lương phát triển. Nhưng đồng thời, đây cũng là những thách thức rất lớn mà Cải lương, cũng như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, cần phải vượt qua, nếu không thì nguy cơ suy yếu và có thể sẽ không tồn tại được. Bởi vì, khi nhiều dòng văn hóa tràn vào Việt Nam mang theo nhiều loại hình giải trí mới, lạ, hấp dẫn như: nhạc trẻ, nhạc nước ngoài, phim, internet... chia sẻ khán giả với Cải lương thì Cải lương bắt buộc phải tìm cách thu hút lại công chúng của mình, nhất là giới trẻ ngày nay, dường như không còn thiết tha với Cải lương, quay lưng với Cải lương. Thực tế cho thấy, Cải lương ngày nay đang gặp những khó khăn và nguy cơ bị lãng quên là rất cao nếu như chúng ta không biết cách bảo tồn và phát huy chúng. Nếu như trước đây, hầu hết các tỉnh đều có đoàn Cải lương chuyên nghiệp, có tỉnh có rất nhiều đoàn, riêng tỉnh Hậu Giang nhiều năm có tới 4 đoàn thì ngày nay cả đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 8 đoàn, thậm chí có tỉnh không còn đoàn nào. Ví dụ Đoàn Cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng) từ Đoàn Cải lương Sông Hậu 1 ra đời năm 1961, cách đây 3 năm đã giải thể. Sóc Trăng hiện là một trong 5 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long không còn đoàn Cải lương chuyên nghiệp. Từ thực tiễn trên, chúng tôi hy vọng rằng, loại hình nghệ thuật đặc sắc này cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong bối cảnh hội nhập. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự chung sức của nhiều người, nhiều giai tầng xã hội khác nhau.

Ở đây, với suy nghĩ chủ quan, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp với mong muốn góp phần bảo tồn nghệ thuật Cải lương trong bối cảnh hiện nay.

Cải lương phải được cải tiến cả về mặt nội dung lẫn hình thức, sao cho có ngày càng nhiều vở Cải lương đi vào lòng người như nó đã từng làm được khi mới ra đời. Về nội dung, nên khai thác nhiều khía cạnh mới của đời sống như: tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến, những thay đổi của cuộc sống từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, những gương anh hùng lao động, những chuyển động mạnh mẽ thời kỳ đổi mới làm đổi thay toàn diện đất nước, những giá trị đạo đức trong thời kỳ hội nhập,... Về hình thức, phải cải tiến hình thức thể hiện như: trang phục, cảnh trí sân khấu... Ví dụ: vở Kim Vân Kiều được cải tiến lại gần đây trên nền tảng nội dung cũ nhưng mới về hình thức đã thu hút được sự chú ý của khán giả nhất là những khán giả yêu thích Cải lương và làm sáng lên niềm tin về sự phát triển Cải lương ngày mai. Chính vì thế, trong xu thế hội nhập hiện nay, muốn Cải lương sống lại thì bản thân Cải lương phải thay đổi để khẳng định mình và phát triển.

Bên cạnh việc cải tiến nội dung và hình thức, Cải lương cũng cần được giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức, biện pháp hữu hiệu nhằm thu hút, khơi dậy, đánh thức sự đam mê của quần chúng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.

Cần phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ diễn viên kế cận, dự bị. Như mọi môn nghệ thuật khác, Cải lương cần năng khiếu và phải phát hiện sớm, thu hút được năng khiếu trẻ. Việc phát hiện người có năng khiếu có thể thông qua đơn vị đào tạo như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, các trường trung cấp, cao đẳng tại các tỉnh thành, các cuộc thi hát do đài truyền hình, đài truyền thanh tổ chức. Hiện nay, một số địa phương đã làm tốt công tác này như Đài truyền hình TP.HCM có giải Trần Hữu Trang nay là giải Thanh Tâm, hay giải Tuyển chọn giọng ca Cải lương hằng tuần; Đài truyền hình Cần Thơ có giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, Truyền hình Vĩnh Long có giải Út Trà Ôn... Mặt khác, Nhà nước đứng ra tổ chức và quản lý các đoàn Cải lương, nghệ sĩ được đào tạo quy củ có tính chuyên nghiệp, cải thiện đời sống của nghệ sĩ là vấn đề hết sức cần thiết. Là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xã hội; văn hóa cũng là nền tảng tinh thần, nhân tố quan trọng tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc. Điều này đã được Đảng ta khẳng định và được sự hưởng ứng, ủng hộ của toàn dân. Trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Cải lương là loại hình nghệ thuật độc đáo, thể hiện bản sắc của văn hóa Nam Bộ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Cải lương không chỉ là của những người làm nghề mà còn là nhiệm vụ của mọi công dân nhằm nung nấu chí khí quật cường bất khuất của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, tình thương dân tộc, đồng thời, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Tác giả: Lê Nguyên Đạt

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

;