Những “báu vật sống” của văn hóa Nam Bộ

Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, đất và người Nam Bộ ghi dấu ấn trên bản đồ văn hóa nước ta bằng bản sắc riêng. Tuy nhiên, dưới tác động của thời gian và nhịp sống hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng vùng đất này đang đứng trước nguy cơ mai một. Điều đáng mừng là Nam Bộ vẫn có không ít nghệ nhân đang nỗ lực “gìn vàng giữ ngọc”, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Họ chính là những “báu vật sống” của đất chín rồng…

Lão nghệ nhân Tám Lăng bên con tơ, máy suốt - những vật dụng theo ông gần trọn một đời

Huyền thoại núi nổi Tân Châu

Là “ngọn núi” trong tín ngưỡng của người dân, núi Nổi thuộc xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang rất nổi tiếng về sự linh thiêng cùng những huyền thoại ly kỳ, thu hút nhiều khách hành hương.

Về Tân Châu, thẳng hướng miệt biên giới Vĩnh Xương, qua xã Tân Thạnh hỏi thăm đường đến núi Nổi, chúng tôi được hướng dẫn khá nhiệt tình. Theo lời người dân, chúng tôi tìm đến núi Nổi khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu.

Cái nắng tháng Tư hâm hấp buổi ban trưa cùng những cơn gió khô nóng miền biên giới khiến cổ họng chúng tôi khát cháy. Chúng tôi tạt vào quán võng bên đường nghỉ ngơi và lắng nghe những câu chuyện về núi Nổi.

“Chẳng biết tự bao giờ ngọn núi đã ở đây. Đời ông, đời cha chúng tôi đến đất này khai hoang thì đã thấy núi sờ sờ ra đấy. Tính ra thì dòng họ tôi định cư ở vùng đất này cũng đã ngót trăm năm. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, ngọn núi vẫn là nơi linh thiêng đối với dân địa phương” - ông Ba Sứa, người dân ở gần núi Nổi cho biết.

Gọi là “núi” nhưng độ cao thực chất của núi Nổi chỉ tầm khoảng một gò đất. Tọa lạc ở vị trí trung tâm của núi Nổi là Phù Sơn tự được xây dựng từ năm 1938. Vì giữa đồng bằng mênh mông bỗng xuất hiện một gò đất có độ cao tự nhiên hơn mặt ruộng chừng dăm bảy mét nên “ngọn núi” này được dân trong vùng sùng bái, thường xuyên đến hành hương khi có dịp thuận tiện.

Có hai giả thuyết dân gian giải thích về tên gọi và cả hai đều gắn liền với những huyền thoại. Có người cho rằng, núi đã hình thành từ buổi bình minh của vùng Nam Bộ, khi nơi đây còn là biển cả mênh mông. Khi ấy, núi chỉ là một rặng đá ngầm và một chiếc tàu buôn đi qua vùng biển này đã va chạm đá ngầm rồi chìm xuống. Nhằm tưởng niệm những nạn nhân của “vụ đắm tàu” trong huyền thoại, người dân đã tạo hình một mũi tàu nhô ra ngay trước thềm lên núi Nổi.

Giả thuyết thứ hai cũng khá ly kỳ. “Gọi là núi Nổi vì những tháng nước tràn đồng, khắp nơi đều ngập nhưng ngọn núi vẫn cứ trơ trơ. Nhiều người tin rằng núi “nổi” lên theo mực nước. Còn nhớ, cơn lũ lịch sử năm 2000 đã nhấn chìm rất nhiều địa phương, riêng chỗ này vẫn “nổi” lên như không có chuyện gì” - ông Hai Phiến, một người bản xứ kể lại.

Với những giả thuyết như thế, núi Nổi thu hút khá nhiều khách hành hương. “Bà con đến chiêm bái rất đông. Họ đến với Phật để cầu mong cho quốc thái dân an, gia đình yên vui, hạnh phúc. Vào những dịp rằm lớn, việc cúng bái trong chùa được mọi người quan tâm. Ai cũng đến đây với lòng hướng thiện, mong muốn mọi điều tốt lành sẽ đến trong cuộc sống” - thầy Thích Thiện Phước, người trông coi Phù Sơn tự, cho biết. Chính vì núi Nổi được gọi là “núi” nên ngoài Phù Sơn tự, người dân địa phương còn dựng lên miếu Sơn Thần và tổ chức cúng bái khá trang trọng vào tháng 8 âm lịch hằng năm.

Ngoài những câu chuyện ly kỳ trong dân gian, núi Nổi từng là căn cứ cách mạng thời kì kháng chiến chống Mỹ. Theo lời kể của thầy Thiện Phước, ngày trước, xung quanh núi Nổi là một rừng tre chằng chịt, dày đặc như bức tường thành kéo dài xuống tận Giồng Trà Dên.

Tận dụng sự thuận lợi về mặt địa hình, nhiều tổ chức cách mạng của ta đã về đây hoạt động làm cho địch rất hoang mang. Phù Sơn tự là nơi gắn liền với nhiều tên tuổi, như: Thu Ba, Bảy Thế, đại đội anh Danh, đại đội 1035. Năm 2001, núi Nổi - Phù Sơn tự đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là di tích lịch sử - cách mạng, thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước.

Ngày nay, núi Nổi trở thành điểm hành hương thu hút khá nhiều dân địa phương đến chiêm bái, lễ cúng. Với những huyền thoại mang đậm màu sắc dân gian cùng giá trị lịch sử to lớn, núi Nổi - Phù Sơn tự cần được đầu tư tốt hơn để trở thành điểm du lịch thu hút khách của thị xã Tân Châu.

Lãnh Mỹ A một thuở hoàng kim

“Bên nàng mặc Lãnh Mỹ A/Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần”

Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Long, tên thường gọi Tám Lăng, vừa nâng niu xấp lụa đen huyền trên tay, đọc cho tôi nghe mấy câu ca dao về một thời hoàng kim của làng lụa Tân Châu. Làng nghề giờ chỉ còn mình ông đeo nghề bám nghiệp với tâm niệm “Một đời mang nghiệp tằm tang, giờ bỏ sao đành…” và với hy vọng Lãnh Mỹ A sẽ lại sống những tháng ngày huy hoàng.

Làng lụa Tân Châu xưa gồm các phường Long Châu, Long Hưng và Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang giờ nằm ven đầu nguồn sông Tiền. Năm nay đã hơn 88 tuổi, nghệ nhân Tám Lăng được xem là người cố cựu của vùng đất này nhưng ông cũng không biết chính xác làng nghề có từ bao giờ. Ông chỉ nhớ khi lớn lên, ông đã thấy bà, mẹ và các chị quay tơ dệt lụa, còn cha ông nhuộm lụa bằng trái mặc nưa. Hình ảnh các cô gái mặc bộ đồ bà ba bằng lụa Lãnh Mỹ A đen huyền trong nắng ban mai đến giờ vẫn là ấn tượng khó phai trong tâm trí ông. Ông Tám Lăng cho biết, khoảng giữa thế kỷ XX, làng lụa Tân Châu được sánh ngang với 3 làng lụa nổi tiếng khác là Hà Đông (Hà Nội), Hội An (Quảng Nam) và Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Thợ nhuộm Lãnh Mỹ A

Lụa Tân Châu nổi tiếng với tên gọi Lãnh Mỹ A được dệt bằng sợi tơ xuyên, chỉ có duy nhất màu đen huyền, không bao giờ phai màu, dù khi lụa đã rách. Những xấp lụa bóng loáng, dày dặn nhưng mặc mềm rũ, mát lạnh, không co giãn, từng là ước mơ của bao phụ nữ thời bấy giờ. Nhắc đến lụa Lãnh Mỹ A, phải nói đến kỷ thuật nhuộm màu rất đặc biệt bằng trái mặc nưa. Ông Tám Lăng dẫn tôi ra bãi đất trống hàng chục công phía sau nhà, nơi có những thợ nhuộm và những dãy lụa trắng. Lụa Lãnh Mỹ A khi dệt ra có màu trắng của tơ, được nhúng vào dung dịch pha từ trái mặc nưa giã nát với nước sạch. Dung dịch mủ trái mặc nưa màu trắng đục nhưng khi nhúng lụa vào lại cho ra màu đen huyền. Để có một tấm lụa Lãnh Mỹ A, các thợ nhuộm phải mất hơn một tháng trời chỉ với công việc: nhúng lụa vào nước trái mặc nưa, vắt rồi đem phơi khô, sau đó lại tiếp tục…

Cầm xấp lụa trên tay, ông Tám Lăng kể rằng hồi trước, do khung dệt còn thô sơ nên lụa Lãnh Mỹ A chỉ có khổ 4 tấc, gọi là Cẩm Tự, người may đồ phải nối, ráp nhiều đường may nên không đẹp lắm. Sau nhiều lần cải tiến, hơn 40 năm qua, lụa Lãnh Mỹ A đã có khổ 9 tấc. Trong tâm trí của lão nghệ nhân đầy tâm huyết với nghề này, khoảng những năm 1930-1970, hầu hết người dân Tân Châu ở đoạn từ trung tâm thị xã Tân Châu đến Vịnh Đồn ngày nay đều sống bằng nghề ươm tơ dệt lụa. Đi đâu người ta cũng thấy những vườn dâu xanh ngắt, những gốc mặc nưa đầy trái và làng xóm suốt ngày rộn ràng tiếng lách cách của thoi đưa, nện hàng, dệt lụa. Sân nhà ai cũng đầy những dãy lụa đen huyền lấp lánh dưới ánh ban mai. Lụa Lãnh Mỹ A không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu qua Campuchia, Pháp và một số nước châu Á.

Năm 1987, làng lụa Tân Châu có hẳn một công ty tơ lụa hoành tráng nhưng chỉ chưa tròn 2 năm sau đã giải thể do sức cạnh tranh của các loại vải sợi tổng hợp, thị trường tiêu thụ giảm dần. Làng lụa Tân Châu cũng tiêu điều từ đó. Người thì bỏ nghề, người chuyển sang dệt vải bằng sợi ni lông, gấm… nhưng ông Tám Lăng vẫn bị sắc đen huyền của lụa Lãnh Mỹ A lôi cuốn...

Gia đình nghệ nhân Tám Lăng đã có 3 đời theo nghiệp ươm tơ, dệt lụa nhưng riêng ông thuở thanh niên sống bằng nghề mua trái mặc nưa từ Campuchia về bán lại cho các cơ sở dệt lụa, thợ nhuộm. Khoảng thập niên 90 của thế kỷ XX, nhìn cảnh làng lụa thưa người dệt, nguy cơ mai một, ông Tám Lăng bàn với các con thu mua máy dệt, con tơ của bà con trong làng về mở xưởng dệt Lãnh Mỹ A.

Lãnh Mỹ A chỉ được phơi bằng ánh nắng mặt trời không được sử lý qua nhiệt

Ông Tám Lăng vẫn nhớ như in cuộc hội ngộ của ông với một người phụ nữ người Pháp tên Rose, là nhà thiết kế thời trang và kinh doanh vải vóc ở Paris. Bà Rose đã đi qua nhiều nơi có kỹ thuật ươm tơ dệt vải phát triển như Thái Lan, Đài Loan (TQ)... cùng nhiều địa phương ở Việt Nam và bà bị lụa Lãnh Mỹ A chinh phục. Bà đã đặt mua lụa Lãnh Mỹ A với số lượng lớn. Duy có điều bà thắc mắc là tại sao lụa Lãnh Mỹ A chỉ có màu đen huyền? Thắc mắc của bà Rose trở thành nỗi trăn trở của cha con ông Tám Lăng. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh Nguyễn Hữu Trí, con trai út ông Tám Lăng đến các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc vùng Nam Bộ, Tây Nguyên và sang tận Campuchia để tìm học bí quyết nhuộm màu. Sau nhiều lần thất bại bởi các chất liệu nhuộm bằng lá, rễ, trái, vỏ cây rừng tạo nên sắc màu thổ cẩm rực rỡ nhưng lụa Lãnh Mỹ A lại không chịu bám thuốc, màu sau đó bị phai, mất độ sáng bóng hoặc thậm chí khiến vải co quắp… cuối cùng, cha con ông Tám Lăng đã đạt được ước mơ tìm màu cho lụa Lãnh Mỹ A. Những dãy lụa Lãnh Mỹ A màu hổ phách, cánh sen, đất, chàm, xám tro… ra đời trong sự ngạc nhiên của cả những người mấy đời theo nghiệp lụa ở Tân Châu.

“Tôi không thể nào quên cái ngày những dãy lụa mình dệt ra được trình diễn trên sàn diễn thời trang thế giới” - ông Tám Lăng xúc động. Đó là năm 2004, khi nhà thiết kế Võ Việt Chung chọn lụa Lãnh Mỹ A làm chất liệu cho bộ sưu tập “Mơ về châu Á” trình diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế tại Kuala Lumpur, Malaysia. Một năm sau, Võ Việt Chung lại dùng lụa Tân Châu để thực hiện bộ sưu tập “Sự hồi sinh” trong Tuần lễ thời trang châu Âu tại Đức và tạo được tiếng vang trong làng thời trang thế giới. Võ Việt Chung vang danh cũng đồng nghĩa với lụa Lãnh Mỹ A được ghi nhận như một chất liệu thời trang tầm cỡ.

Tự hào, vui sướng rồi ông Tám Lăng lại nói với tôi bằng vẻ buồn buồn: “Vậy mà, thời hoàng kim sống lại chút rồi cũng qua. Bây giờ, người ta dệt tơ ni lông, lụa Lãnh Mỹ A ngày càng hiếm hoi”. Sở dĩ ông Tám Lăng giữ được nghề là vì ông có khách hàng cố định ở nước ngoài, mỗi năm ông dệt xuất khẩu khoảng 2.000m lụa Lãnh Mỹ A. Làng lụa Tân Châu được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề năm 2006 nhưng đến giờ, chỉ còn một số ít hộ dệt gấm, vải bằng tơ ni lông. Nghề se tơ gia công, nuôi tằm ươm tơ giờ đã không còn. Những vạt dâu xanh mướt, những kén tơ vàng ươm giờ chỉ còn là hoài niệm và là nỗi niềm của những nghệ nhân tâm huyết như ông Tám Lăng.

Một ngày ở làng lụa Tân Châu, nghe chuyện xưa chuyện nay, tôi mới cảm khái cái nghĩa tình của ông Tám Lăng dành cho dáng lụa quê mình. Câu nói ngùi ngùi của ông khiến tôi nhớ mãi: "Đời con cháu tôi không biết thế nào, chứ đời tôi là đến chết cũng dệt lụa Lãnh Mỹ A. Nó gắn bó với tôi cả một đời người còn gì”. Nói rồi, ông Tám Lăng lấy tay vuốt nhẹ xấp lụa Lãnh Mỹ A...

Tác giả: Trần Trọng Triết

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

 

 

;