Câu cá mập ở vùng biển Trường Sa

Đến xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, tôi hỏi về một ngư dân từng nổi danh là “sát thủ” cá mập. Tình cờ ông cũng đang chuẩn bị cho chuyến đi câu. Tuy tuổi đã 50 nhưng ông vẫn thường xuyên đi săn cá mập ngoài khơi thuộc vùng biển Trường Sa. Đây là nghề biển truyền thống đã có từ hơn 100 năm nay. Cứ vào tầm tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, ông cùng ngư dân xã Hoài Thanh lại chuẩn bị cho chuyến đi săn cá mập để thu hoạch vi cước cá thuộc loại đặc sản “bát trân”...

 

Theo các ngư dân, nghề câu cá mập phải theo nhóm để giúp nhau. Tới ngư trường, các thuyền câu mỗi chiếc cách nhau chừng vài ba hải lý. Ngày trước, chưa có thuyền to, máy lớn nhưng ngư trường gần đất liền. Ngư dân Hoài Nhơn chèo thuyền ra các vùng biển thuộc địa danh Hòn Cân, Hòn Cỏ, Hòn Sẹo... cách bờ không xa là câu được cá mập.

Hiện nay, cá mập ngày càng ít, thuyền câu phải đi xa mới săn được cá. Ban đêm, ngư dân nhìn trời và màu nước để định hướng thả câu. Họ sử dụng phương pháp câu giăng. Mỗi giàn câu giăng thường có sợi dây cước, đường kính 2,2 ly, dài khoảng 4-5km. Đầu giàn câu có gắn phao. Phía trên giàn có lưỡi câu. Mỗi lưỡi câu gồm 3 đoạn: đoạn trên cùng là “dây bill” bằng nhựa PE, đoạn giữa là dây cước 1,8 ly và đoạn cuối là 1,4 ly. Ba đoạn cước đều có móc khóa xoay được để chúng không bị sóng biển làm rối vào nhau. Lưỡi câu được rèn từ thép phi 4, uốn cong, có ngạnh sắc để móc và giữ chặt miếng mồi không bị sóng biển đánh rơi. Dây cước móc thẻo câu dài khoảng 3m, xung quanh thẻo là sợi dây bằng đồng, dài khoảng 1m để bảo vệ cước không bị cá mập cắn đứt. Mỗi giàn câu có khoảng 300 lưỡi.

Tới ngư trường, ngư dân đánh bắt cá làm mồi. Mồi câu cá mập thường là các loại cá hồng, cá ngừ, cá mú bông và cá thu có trọng lượng từ 3 đến 5kg. Đây là loại mồi rất hấp dẫn lũ cá mập. Khi xuống nước, thân các loài cá thường phát ra ánh sáng  lấp lánh, có mùi thơm khiêu khích lũ cá mập lao đến đớp mồi. Đặc biệt là mồi bằng cá heo. Con cá mập sẵn sàng thí mạng để tranh ăn cho được. Thịt cá heo thường rất tanh nồng, hấp dẫn cá mập ở biển khơi.

Một thợ câu cá mập kinh nghiệm cho biết, mồi cá được thường được cắt thành miếng rồi móc vào dàn câu trước khi thả xuống biển. Ngư dân chèo thuyền đi dọc theo giàn, nếu thấy phao nào chìm là biết cá cắn câu. Lúc đó, một cuộc bủa vây, chiến đấu với chú cá mập sẽ diễn ra...

Câu cá mập thường diễn ra vào đêm có trăng. Nước biển lấp lánh ánh trăng khiến cá mập hoa mắt không phát giác được lưỡi câu có ngạnh sắc. Khi thấy phao động đậy là biết cá dính câu - thời điểm căng thẳng nhất, nguy hiểm nhất với các bạn chài. Con cá mập dính câu liên tục lồng lộn, làm tung tóe mặt biển. Trong cơn đau, cá mập rít lên từng hồi. Nó giãy giụa trong tuyệt vọng và con thuyền nhỏ tròng trành theo như muốn lật nhào. Một ngư dân được phân công dùng cây lao có ngạnh sắc phóng trúng con cá mập. Sau một hồi kháng cự, cá mập đuối sức và bị kéo đến gần mạn thuyền. Tiếp đó, một ngư dân khác dùng cây móc dài bằng thép, móc vào quai hàm cá để kéo tới sát mạn thuyền. Con cá nặng hàng trăm cân giương to đôi mắt nhìn những thợ câu như muốn xé xác họ, trước khi dần kiệt sức. Những bạn câu cùng hợp sức kéo cá gác đầu lên be thuyền rồi liên tục dùng vồ đập vào đầu cá cho đến lúc nó chết hẳn mới dám kéo lên thuyền. Kết thúc cuộc quyết chiến, con cá bị cắt vi, mổ bụng, nằm phơi mình trên thuyền. Và cứ thế, các ngư dân tiếp tục săn con thứ hai, thứ ba...

Cắt vi cá mập cũng phải có nghề, động tác phải chính xác, nhanh gọn. Bộ vi cá được bảo quản rất cẩn thận. Cá mập nặng từ hai ba trăm ký trở xuống thì để nguyên con ướp đá. Con cá mập nào nặng từ 4-5 trăm kg thì phải mổ bỏ ruột rồi mới ướp đá để thịt khỏi hư hỏng. Đội thuyền câu ngày trước ở Hoài Thanh, mỗi chuyến ra khơi gặp may thường câu được vài chục con. Khi câu nhiều cá, thuyền chở không hết thì ngư phủ chỉ còn cách cắt lấy vi cá rồi vứt bỏ cả con cá xuống biển.

Ở Việt Nam, cá mập có 27 loài, trong đó nhiều nhất là cá nhám tre, cá mập Mã Lai. Những loài cá mập ngư dân thường đánh bắt là cá mập mắt méo, cá mập lắc nặng khoảng 50kg. Cá mập đầu tà thường ở độ sâu khoảng 200m, cá mập nhám đuôi bè có đến 3 hàm răng sắc nhọn xếp thành lớp, khi cắn là con mồi khó thoát; cá mập cào có 2 sừng phía trên đầu giống sừng trâu. Loại cá này mỗi lần sinh hàng trăm con nhưng lại là loại ít giá trị kinh tế. Cá mập khơi rất to, giá trị kinh tế cao, có con trọng lượng lên đến cả tấn - cá này có chiếc đầu dài, nhọn, thường sống ở độ sâu khoảng 400m, rất hiếm gặp.

Theo các ngư dân có kinh nghiệm, cá mập tập trung nhiều ở Ghềnh Bà - Cù Lao Xanh thuộc đảo Nhơn Châu - thành phố Quy Nhơn và các vùng biển Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận… Trong đó, hung dữ nhất là cá mập xà. Thân hình nó như loài rắn, thường giả chết, nổi lềnh bềnh trên mặt biển để nhử mồi. Những loài  nhạn biển hoặc chim hải âu cứ tưởng là khúc gỗ trôi nên đáp xuống để nghỉ chân. Cá mập xà giả bộ chìm từ từ phần thân sau xuống nước, đàn chim theo quán tính chạy lên phía đầu cá, vậy là chú cá láu lĩnh chỉ việc há miệng mà đớp. Cá mập xà thích ăn tạp, thịt rất tanh, giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, ngư dân nước ta ít đánh bắt.

Thịt cá mập trở thành món ăn đặc sản khá phổ biến ở các nước châu Á. Riêng món vi cá mập là đặc sản biển cao cấp đắt tiền. Theo giá thị trường hiện nay, vi cá mập khơi loại một có giá từ 1 đến 2 triệu đồng/kg. Thịt cá mập vài chục ngàn đồng/kg. Khi câu trúng mẻ cá mập thì ngư dân bán chia nhau từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi chuyển đi biển. Các làng câu cá truyền thống ở Hoài Nhơn hiện nay đã trang bị thuyền có công suất lớn, phương tiện đánh bắt hiện đại như máy định vị, la bàn, hệ thống kéo cá dính câu bằng dây cáp, bộ đàm liên lạc Icom ...

Tuy vậy, hiện nay, cá mập đang ít dần. Ngư dân tìm ngư trường câu ngày càng xa đất liền hơn. Cá mập đánh bắt được thường thu hoạch vi cước cá và xuất sang Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Mỹ, EU...

Tác giả: Nguyễn Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

;