Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Ngành Văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa

Chiều 27-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi họp

Cùng dự, về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Phan Viết Lượng, Tạ Văn Hạ, Nguyễn Thị Mai Hoa, Đinh Công Sỹ, Triệu Thế Hùng và các ủy viên.

Về phía Bộ VHTTDL có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, buổi làm việc tập trung vào tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ VHTTDL năm 2024, dự kiến kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc thực hiện sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN năm 2025 trong lĩnh vực VHTTDL.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Năm 2024, Bộ VHTTDL tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, các nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ đã giao và các nghị quyết chuyên đề. Theo đó, Bộ VHTTDL đã tập trung vào tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua xây dựng thể chế và pháp luật.

Theo đó Bộ VHTTDL đã tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách; phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện nhiều điểm nghẽn, nhiều vấn đề bất cập cần phải bổ sung để hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Vì thế, năm 2024, Bộ đã hoàn thiện được chỉ tiêu là trình Quốc hội 2 lần Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) để thông qua tại kỳ họp thứ 8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 8; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cũng sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

Trên cơ sở khắc phục điểm nghẽn, Bộ đã thể chế hóa các quan điểm của pháp luật để từ đó đồng bộ hơn về công tác quản lý nhà nước về văn hóa... Đi kèm với luật, Bộ VHTTDL đã chủ động đề xuất trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Thông tư để hướng dẫn thực hiện các thể chế, chính sách, góp phần giúp các địa phương có cơ sở để thực hiện các quy hoạch, xây dựng chính sách, cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã tiếp cận theo hướng coi thể chế chính sách là nguồn lực và nỗ lực cố gắng, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và hiện đã hoàn thành, đạt được các yêu cầu cơ bản.

Về việc triển khai nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ trưởng cho biết, ngành đã có nhiều điểm sáng, như việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, từ địa bàn thôn, ấp, địa bàn khu dân cư… gắn với cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tạo hiệu ứng lớn, lan tỏa rộng khắp, cùng với đó,  các giá trị của di sản văn hóa được quan tâm đúng mức, các giá trị văn hóa dân tộc được đề cao.

Bộ trưởng cũng vui mừng thông báo nhiều tín hiệu vui từ các lĩnh vực khác, như điện ảnh Việt Nam gần đây ngày càng phát triển và có chỗ đứng. Nhiều sự kiện gắn điện ảnh với du lịch để quảng bá, trong đó có sự kiện xúc tiến du lịch qua điện ảnh tại Hollywood – Hoa Kỳ, thông qua điện ảnh, quảng bá về vẻ đẹp đất nước, tiềm năng con người Việt Nam. 

Các cuộc liên hoan, chương trình nghệ thuật, sự kiện phục vụ các ngày lễ lớn cấp khu vực, cấp quốc gia, không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân mà còn tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị. Văn hóa đối ngoại ngày càng phát huy vai trò, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, qua đó giới thiệu thêm về sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế...

Toàn cảnh buổi làm việc

Về Du lịch, 6 tháng đầu năm, Du lịch vẫn là điểm sáng trong tổng thể bức tranh chung của nền kinh tế. Chúng ta ngày càng có nhiều điểm đến hấp dẫn để nhân dân, du khách được trải nghiệm..

Về Thể thao, phong trào thể thao cho mọi người tiếp tục phát triển rộng khắp. Từ thể thao quần chúng đã phát hiện và tập trung đào tạo các tài năng cho thể thao thành tích cao. Từ đó, đưa các vận động viên tham gia những sự kiện thể thao lớn của châu lục và thế giới.

Từ những điểm sáng ấy, ngành cũng đã đề xuất nhiều chủ trương, chính sách kiến tạo cho văn hóa phát triển, trở thành sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm và hệ điều tiết sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, đó là về thể chế chưa được đồng bộ có liên quan đến Luật Thuế, Luật Đầu tư, và vấn đề quản lý tài sản công… Bộ VHTTDL đã đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét. Nguồn lực cho văn hóa, trong đó bao gồm con người và cơ sở vật chất, nhìn tổng thể thì vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là ở các địa phương. Cán bộ làm công tác văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy chưa thu hút được người tài, những người am hiểu văn hóa tự nguyện gắn bó lâu dài…

Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2025 là năm toàn ngành VHTTDL tăng tốc để về đích. Nhiệm vụ trong năm tới sẽ tập trung, về thể chế, sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ sẽ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; sửa đổi một số điều của Nghị định 144 trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; cùng với các bộ ngành xem xét, bổ sung một số luật, trong đó có Luật Đầu tư…

Cùng với đó, Bộ VHTTDL sẽ tiến hành đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đồng thời, sẽ tổ chức một số sự kiện với quy mô cấp khu vực, quốc gia hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có 2 sự kiện chính: kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Gắn với đó là các hoạt động về triển lãm, điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật…

Về thể thao, tâp trung tập luyện cho các vận động viên để hướng tới các đấu trường châu Á và quốc tế, trong đó có tham dự SEA Games 2025 tại Thái Lan.

Về du lịch, tập trung khai thác các thế mạnh, trong đó có các hoạt động liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch, gắn du lịch với điện ảnh, du lịch với văn hóa…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết thúc buổi làm việc

Tại buổi họp, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, hầu hết đồng tình và đánh giá cao những kết quả mà ngành VHTTDL đã đạt được.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản các nội dung làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ VHTTDL đều đạt được nhiều tiếng nói chung khi thảo luận, bởi lẽ hằng năm, hai bên đều phối hợp, làm việc với nhau rất chặt chẽ, các đề nghị của Ủy ban đều được Bộ nghiêm túc tiếp thu và triển khai trong thực tiễn. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục đánh giá cao việc ngành Văn hóa đã chuyển biến tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Chúng tôi vui mừng khi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa những năm trở lại đây đang phát triển đa dạng và dần đi vào nền nếp. Khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được Quốc hội thông qua, năm 2025, Bộ VHTTDL phải tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn để năm 2026 bắt tay ngay vào triển khai thực hiện”.

BÍCH NGỌC - Ảnh: NGHĨA ĐỨC

;