Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện hầu hết các điều, khoản

Chiều 27-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Nhà Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp

Cùng dự còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Phan Viết Lượng, Tạ Văn Hạ, Nguyễn Thị Mai Hoa, Triệu Thế Hùng, Đinh Công Sỹ cùng các Ủy viên Ủy ban.  

Về phía đơn vị soạn thảo, tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng cho biết, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6-2024). Sau Kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8-2024), Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 27-8-2024), gửi xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (từ ngày 5 đến 24-9-2024).

Đến nay, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo Chsinh phủ trình Quốc hội. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện hầu hết các điều, khoản, như các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; về sở hữu di sản văn hóa, nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; về các hành vi bị nghiêm cấm; các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di sản tư liệu; các quy định về bảo tàng, hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa và điều kiện bảo đảm, quản lý nhà nước về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa…

Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tại phiên họp

Dự thảo Luật cũng đã rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung lớn, như: Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đồng thời, cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; quy định bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; bổ sung quy định nhằm hộ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng; quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa…

Các quy định tại dự thảo Luật được sửa đổi trên cơ sở kế thừa nhiều quy định của Luật hiện hành, chỉnh lý và riếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản tán thành các nội dung tại Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Ngay sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban, ý kiến của các Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại phiên làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu và làm việc thêm với ban soạn thảo để chỉnh lý theo hướng tốt nhất.

Bộ trưởng cũng cho biết, ở nhiệm kỳ này, Bộ VHTTDL đã chủ động thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa, chính vì thế đã chủ động trong việc rà soát khuôn khổ pháp lý, tìm ra điểm nghẽn để khắc phục. Vì thế, Bộ VHTTDL đã thông qua các luật như Luật Điện ảnh, qua đó kiến tạo để phát triển điện ảnh trở thành một lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa; tiếp đến Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Luật Dân chủ cơ sở và Luật Thi đua khen thưởng; tiếp theo là Luật phòng chống bạo lực gia đình; sau 2 kỳ họp, có tới 14 buổi làm việc để đi đến thống nhất về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để thống nhất giải trình, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu và làm việc thêm với ban soạn thảo để chỉnh lý theo hướng tốt nhất

Nhắc lại nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Chưa có bộ luật nào mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lại có sự thống nhất cao như hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh trong thời gian qua Bộ VHTTDL và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Luật, đạt được sự thống nhất cao, điều đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần vào sự phát triển đất nước.

BÍCH NGỌC - Ảnh: ĐỨC NGHĨA

 

 

;