Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá: tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; về sự hy sinh cao cả của 10 cô thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi. Đây là dải đất nằm trong một thung lũng hẹp, hiện thuộc địa phận ba xã: Đồng Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ngày trước, vùng đất này còn hoang sơ, cư dân thưa thớt thuộc làng Khiêm Ích, xã Nga Khê.

Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) hôm nay - Ảnh: Thanh Hải

 

Đồng Lộc là vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng từ lâu đời. Dưới thời thuộc Pháp, nhiều chiến sĩ cộng sản đã sinh ra và lớn lên ở đây. Họ đã không ngừng đấu tranh chống chế độ thuộc địa phong kiến hà khắc. Trong những năm 1930-1931, nhân dân Đồng Lộc cùng nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An phất cao ngọn cờ đấu tranh cách mạng làm nên phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lẫy lừng, lập nên chính quyền công nông. Kháng chiến chống Pháp kết thúc chưa được bao lâu thì cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bắt đầu.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Khu vực này nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lǎn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Đây được xem như “yết hầu”, các đoàn xe vượt qua được sẽ phân tán, toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam.

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà con đường độc đạo này đã trở thành vị trí chiến lược, nơi đấu trí, đấu lực giữa ta và địch. Với dã tâm muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại. Ước tính, mỗi mét vuông diện tích ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.

Trong khói lửa đạn bom ác liệt, sự sống và cái chết cận kề nhưng đã có trên 16.000 người thuộc các lực lượng ngày đêm vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, chiến đấu dũng cảm trên đất lửa Đồng Lộc. Nhân dân Đồng Lộc đã góp 185.450 ngày công, 12.620 lượt người tham gia, cùng bộ đội bắn máy bay Mỹ với quyết tâm sắt đá: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường phải thông”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu”, địch phá một ta làm mười”… Những đơn vị tiêu biểu thực hiện nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc gồm:

1 - Tổ quan sát và cắm tiêu đánh dấu bom của La Thị Tám có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của máy bay địch, gồm ba người thay nhau đứng ở núi Mòi xác nhận chính xác vị trí bom rơi, sau đó chạy bộ cắm tiêu báo hiệu cho xe biết nơi có bom để phòng tránh. Chị La Thị Tám đã tham dự hàng trăm trận đánh, cắm tiêu được 500 quả bom một cách an toàn. Năm 1968, chị La Thị Tám được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2 - Tổ rà phá bom của Vương Đinh Nhỏ có nhiệm vụ phối hợp với tổ La Thị Tám vừa cảnh giới vừa tìm cách phá bom nổ chậm. Trong bốn năm phục vụ ở mặt trận Đồng Lộc, tổ của Vương Đình Nhỏ đã rà soát được hơn 1000 quả bom các loại. Tinh thần chiến đấu và hy sinh của Vương Đình Nhỏ đã góp phần vào việc bảo vệ tuyến đường giao thông an toàn. Năm 1972, tổ anh được tuyên dương là đơn vị anh hùng.

3 - Tổ máy gạt Uông Xuân Lý có nhiệm vụ bảo dưỡng, san ủi đất đá, hố bom để xây dựng các đoạn đường bị đánh hư hỏng. Ban ngày, tổ có nhiệm vụ phối hợp với tiểu đội Võ Thị Tần đảm bảo mặt đường. Ban đêm, họ lợi dụng ánh trăng, đèn dù để khẩn trương san ủi. Phục vụ ở Đồng Lộc nhiều năm, tổ Uông Xuân Lý đã đổ nhiều mồ hôi, xương máu, lập nên nhiều chiến công.

4 - Tổ cảnh sát giao thông Nguyễn Tiến Tuẫn làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh, đảm bảo trật tự giao thông trên Quốc lộ 15B. Dũng cảm xông xáo làm nhiệm vụ, tổ Nguyễn Tiến Tuẫn đã xây dựng được mạng lưới an ninh tốt trong nhân dân. Năm 1970, đơn vị Nguyễn Tiến Tuẫn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

5 - Đơn vị X pháo cao xạ làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ tuyến đường Ngã ba Đồng Lộc. Đơn vị đã phối hợp với dân quân địa phương các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc tổ chức một hệ thống hỏa lực liên hoàn đập tan nhiều trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Đơn vị đã bắn rơi 7 máy bay địch và làm nhiều máy bay khác bị thương.

6 - Trong các đơn vị kể trên, thì tiêu biểu là Tiểu đội nữ TNXP thuộc tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55-P18 Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử cách mạng oai hùng không chỉ riêng của nhân dân Hà Tĩnh mà đã trở thành biểu tượng anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam, là kết tinh rạng ngời của khí phách dân tộc Việt Nam.

Đây là Tiểu đội nữ gồm 16 chiến sĩ nữ TNXP, đều quê ở Hà Tĩnh do Võ Thị Tần, đảng viên, làm tiểu đội trưởng. Tiểu đội có nhiệm vụ sửa đường khi bị bom hay bị thời tiết làm hư hỏng. Nhiệm vụ của Tiểu đội giai đoạn tháng 11/1967 đến tháng 6/1968 là bảo vệ và giữ sự thông suốt cho tuyến đường 13A, đoạn trên tuyến Can Lộc và Đức Thọ và cống 19 thuộc xã Phú lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Mặc dù sống và làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn nhưng tiểu đội đã biết vượt qua, khắc phục mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Khi máy bay địch đến đánh phá, tiểu đội đã chia thành từng tốp nhỏ để phối hợp với tổ La Thị Tám đếm bom, cùng tổ Vương Đình Nhỏ rà phá bom, phối hợp với tổ Uông Xuân Lý san lấp hố bom...

Đầu tháng 7 năm 1968, Tiểu đội được lệnh điều về công tác tại Ngã Ba Đồng Lộc. Trong ngày 24/7/1968, Tiểu đội phân làm 2 nhóm đi làm nhiệm vụ. Trong đó, có 6 người đi làm nhiệm vụ ở nơi khác, 10 chiến sĩ còn lại, dưới sự chỉ đạo của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc làm việc tại Ngã ba Đồng Lộc, với nhiệm vụ san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Họ làm việc không ngơi tay, đã 3 lần các cô bị vùi lấp song đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Nhưng đúng 16 giờ 30 phút, ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả 10 người của tiểu đội làm việc tại Ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh trong độ tuổi 18, đôi mươi, đó là: Võ Thị Tần (sinh năm 1944), Hồ Thị Cúc (1944), Nguyễn Thị Xuân (1948), Võ Thị Hợi (1948), Nguyễn Thị Nhỏ (1944), Dương Thị Xuân (1947), Hà Thị Xanh (1949), Trần Thị Hường (1949), Trần Thị Rạng (1950), Võ Thị Hà (1951).

Các chị đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ với rất nhiều ước mơ, hoài bão. Trong số 10 nữ chiến sĩ này, chỉ có Hồ Thị Cúc đã xây dựng gia đình, còn phần nhiều chưa có gia đình, có cô mới có người yêu, có cô tình yêu mới chớm nở. 

Sự hy sinh của các chị đã làm cho Tổ quốc ta trường tồn. Máu đào của các chị đã góp phần tô thắm lá cờ đỏ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Sự hy sinh anh dũng của các chị đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc và thắng lợi chung của cả dân tộc trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để ghi nhớ chiến công anh hùng của 10 cô tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 10 cô. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại; được xây dựng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho nhân dân và tuổi trẻ cả nước; là nơi trở về, viếng thăm đồng đội của những cựu chiến binh, những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu nơi đây; là địa chỉ du lịch tâm linh của đông đảo các tầng lớp xã hội, cả trong và ngoài nước.

Con đường từ huyện lỵ Can Lộc đến ngã ba Đồng Lộc được sửa sang nâng cấp đường nhựa. Tại ngã ba, một biểu tượng cao 19,5m có phù điêu ba mặt ghi hình vành tay lái ôtô giữa bông lúa và vòng hoa chiến thắng, khẩu súng trường và cuốc chim trong cảnh mây trời Đồng Lộc. Mặt còn lại ghi chiến tích lịch sử của quân và dân ta trong cuộc đụng đầu lịch sử quyết liệt với giặc Mỹ. Từ ngã ba theo Quốc lộ 15A đi về hướng Đông Nam khoảng vài trăm mét sẽ tới nhà khách và nhà trưng bày bảo tàng. Khu mộ 10 cô ở gần nhà khách. Bên phải đường vào ngôi mộ là hố bom được lát đá trong lòng để giữ lại dấu tích những ngày ác liệt và tội ác tày trời của kẻ thù, cạnh đó là tấm bia chung cao 1,85m có hình nổi huy hiệu thanh niên xung phong và dòng chữ “Tên tuổi 10 cô đã được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Sau bia là khu mộ 10 cô TNXP đều được ốp đá granit màu trắng. Mỗi mộ đều có bia ghi họ tên, quê quán, năm sinh, năm mất của các cô. Trong khuôn viên khu mộ nhiều cây cảnh, hoa lá xanh tốt bốn mùa.

 Ngã ba Đồng Lộc còn bảo tồn được ba di tích gốc tiêu biểu chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước giai đoạn từ 1965 - 1972, đó là đồi quan sát của nữ Anh hùng lực lượng vũ trang La Thị Tám (núi Mòi), Khu mộ và hố bom nơi 10 nữ TNXP hy sinh.

Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô thanh niên xung phong, Anh hùng lực lượng vũ trang La Thị Tám và những người con ưu tú của Hà Tĩnh trên Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ như các chiến sĩ thuộc Đơn vị X pháo cao xạ, Tổ rà phá bom Vương Đình Nhỏ, Tổ máy gạt Uông Xuân Lý, Tổ cảnh sát giao thông Nguyễn Tiến Tuẫn đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

 

TRẦN HỒNG NGUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

;