Tuần phim ASEAN 2022 tại Việt Nam

Tuần phim ASEAN 2022 tại Việt Nam được tổ chức từ ngày 27-5 đến 1-6 tại Thủ đô Hà Nội và từ ngày 28-5 đến hết 2-6 tại TP.HCM. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 55 năm thành lập tổ chức ASEAN, trong đó Việt Nam là một quốc gia thành viên. Tuần phim do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với TP Hà Nội, TP.HCM và các cơ quan liên quan tổ chức.

Tuần phim là hoạt động văn hóa nhằm kết nối các nền văn hóa của các các quốc gia ASEAN, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, năng động và ổn định. Ban Tổ chức đã tuyển chọn được 7 bộ phim của 7 nước quốc gia thành viên ASEAN gồm: Ám ảnh (Campuchia), Filosofi Kopi 2: Ben và Jody (Indonesia), Em gái yêu quái (Lào), Một chuyến đi (Malaysia), Truyền thuyết về vàng (Myanmar), Pad Thái: Công thức bí truyền (Thái Lan) và Mắt biếc (Việt Nam). Đây là những tác phẩm đặc sắc của nền điện ảnh các quốc gia thành viên ASEAN, thể hiện bản sắc văn hóa, đặc trưng và nét đẹp thiên nhiên, con người. Các phim trong khuôn khổ Tuần phim ASEAN 2022 tại Việt Nam được tổ chức chiếu giới thiệu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội và Cụm rạp CineStar 135 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.

Poster Tuần phim ASEAN 2022

Lễ Khai mạc Tuần phim ASEAN 2022 sẽ được tổ chức vào lúc 19 giờ 30, ngày 27-5 (Thứ Sáu) tại Phòng chiếu số 1, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội.

Bộ phim Mắt biếc (đạo diễn: Victor Vũ) của Việt Nam được lựa chọn chiếu Khai mạc Tuần phim. Mắt biếc  là phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim xoay quanh mối tình đơn phương của Ngạn với Hà Lan, cô bạn gái có cặp mắt hút hồn nhưng cá tính bướng bỉnh. Một chuyện tình nhiều cung bậc, từ ngộ nghĩnh trẻ con, rồi tình yêu thuở học trò trong sáng, trải qua bao biến cố, trở thành một cuộc “đuổi hình bắt bóng” buồn da diết. Câu chuyện càng trở nên éo le hơn khi Trà Long - con gái của Hà Lan lớn lên lại nhen nhóm một tình yêu như thế với Ngạn…

Bộ phim "Mắt biếc" (đạo diễn: Victor Vũ) của Việt Nam được lựa chọn chiếu Khai mạc Tuần phim

Phim Ám ảnh của Campuchia  nói về Meala, một cô gái xinh đẹp 22 tuổi. Cô nhận việc đầu tiên của mình là dạy học tại một ngôi làng vắng vẻ tại Campuchia. Cô thấy những người sống ở đó đều mang một vẻ lo âu sợ hãi. Có một kẻ nào đó đã sát hại một số phụ nữ trẻ trong vùng trong hai tháng qua. Nhưng thay vì quay trở lại Phnom Penh cho an toàn, Meala quyết định ở lại làng để tìm ra kẻ sát nhân là ai. Rất nhanh sau đó Meala cảm thấy mình có thể bị hãm hại...

Phim Filosofi Kopi 2: Ben và Jody của Indonesia kể câu chuyện về Ben và Jody. Hai năm sau khi Ben & Jody quyết định bán cửa hàng và đi vòng quanh Indonesia để phân phối loại “cà phê tuyệt nhất” thì cuộc phiêu lưu của họ đã đi vào bế tắc. Ben và Jody phải bắt tay vào việc xây lại một giấc mơ mới. Cho đến khi mỗi người gặp một người có thể mang lại một cơ hội khác để đạt được mục tiêu của riêng họ.

Phim Em gái yêu quái của Lào  là câu chuyện về Nok. Cô được đưa lên thành phố để giúp đỡ chị họ Anna trong lúc chờ phẫu thuật đôi mắt. Trong khi sống chung, Nok phát hiện ra Anna có thể giao tiếp với người cõi âm, biết trước các sự việc sẽ xảy ra thông qua các con số, nhờ vậy, Nok liên tiếp trúng xổ số và bắt đầu lối sống như người thành thị. Bi kịch xảy ra khi Ana phát hiện việc Nok đã lừa dối cô, lợi dụng cô để kiếm tiền, cuối cùng, cả hai đều phải trả nghiệp của mình...

Phim Một chuyến đi của Malaysia  kể câu chuyện về Onng Chuan - một ông già cổ hủ và bảo thủ. Niềm hy vọng duy nhất của ông là được đoàn tụ với cô con gái Bee, người sẽ trở về từ nước ngoài sau khi tốt nghiệp và hai bố con được sống trong gia đình truyền thống. Nhưng kế hoạch đã bị phá ngang khi cô con gái trở về với cậu bạn trai người nước ngoài tên Benji và hai người dự định kết hôn với nhau. Ông đã cố hết sức nhưng không thay đổi được quyết định của cô con gái. Theo văn hóa Trung Quốc, cậu con rể Benji phải đi đưa thiệp mời cùng bố vợ. Không thể giao tiếp với nhau, hai người đàn ông buộc phải song hành trong một chuyến đi dài, nhưng nhờ vậy, tình cảm giữa hai bên đã biến đổi không ngờ.

Truyền thuyết về vàng của Myanmar là bộ phim tài liệu bắt đầu bằng câu chuyện của người ông kể lại cho cháu trai mình nghe về lịch sử của lễ hội chùa Phaungtaw-U nằm bên bờ hồ Inlay xinh đẹp. Qua đó, ông muốn giới thiệu cho cậu bé về ý nghĩa của phong tục truyền thống dâng tặng vàng để dát tượng phật, đền, chùa và những công trình Phật giáo tại Myanmar. Một số trong đó là những ngôi chùa nổi tiếng thế giới, được gọi là bảo vật quốc gia như chùa Shwedagon, chùa Kyaikhtiyoe, chùa Maha Myat Muni, chùa Ananda... Qua câu chuyện của người ông, cậu bé phần nào hiểu được một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước dưới triều đại vua Anawrahta và vua Kyansitthar, những người được hậu thế tôn vinh nhờ công lao phát triển Phật giáo Nguyên thủy và xây dựng một đế chế hùng mạnh, khởi nguồn cho đất nước Myanmar ngày nay. Hai vị vua anh minh và đức độ còn được ghi nhận nhờ công lao đóng góp xây dựng những công trình Phật giáo nổi tiếng như hệ thống bảo tháp tại Cố đô Bagan, minh chứng cho đỉnh cao của nền văn minh Bagan (thế kỷ XI-XIII).

Phim Công thức bí truyền của Thái Lan kể về Senchan - một đầu bếp trẻ đam mê nấu ăn. Cậu đã quyết định tham gia cuộc thi nấu ăn với quyết tâm chiến thắng và đặc biệt để chứng minh bản thân. Để chiến thắng cuộc thi, cô ấy chọn món “Pad Thái”, phác họa sinh động được đặc trưng của món Thái. Tuy nhiên, bà Chantana không hài lòng với quyết định của Senchan vì nó ẩn dấu nỗi đau quá khứ. Mặc dù Chantana đã từng rất nổi tiếng với công thức món Pad Thái. Chính vì vậy Senchan quyết định tạo ra công thức món Pad Thái riêng của mình. Cô đã hiểu ra được bản chất của món Thái chính là hương vị của thời gian, là sự trung thực và tính thích ứng giống như món Pad Thái ngày nay. Ở đó, món mỳ được hòa lẫn bởi di sản của quá khứ và món quà của hiện đại tạo thành một món ăn có hương vị tuyệt vời.

Tại Hà Nội, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 18 giờ  và 20 giờ  các ngày từ 27-5 đến 1-6, tại phòng chiếu số 5, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Tại TP.HCM, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 18 giờ 00 và 20 giờ 00 các ngày từ 28-5 đến 2-6 tại phòng chiếu số 5, Cụm rạp CineStar, 135 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.

Các phim được giới thiệu trong Tuần phim ASEAN 2022 sẽ được chiếu miễn phí một lần tại Hà Nội và một lần tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vé xem phim được phát tại địa điểm chiếu phim từ ngày Thứ Tư, 25-5 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội và từ Thứ Sáu ngày 27-5 tại Cụm rạp CineStar 135 Hai Bà Trưng, TP.HCM.

                             NGUYÊN AN

                            

;