Tri thức và kinh nghiệm trong khai thác thực vật của người Mạ tại Vườn quốc gia Cát Tiên ở Việt Nam

Khai thác các tri thức và kinh nghiệm của người dân trong phát triển kinh tế, xã hội của các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở các địa phương trên cả nước ở Việt Nam hiện nay góp phần nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững là vấn đề hết sức quan trọng. Bài viết này tập trung phân tích tri thức và kinh nghiệm khai thác thực vật trong chế biến thức ăn và chăm sóc sức khỏe của người Mạ ở Vườn quốc gia Cát Tiên góp phần phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống của người dân ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Người Mạ ở Tà Lài - Ảnh: nongthon.vietnamtourism.gov.vn

Đặt vấn đề

Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai được thành lập năm 1992. Diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên (vùng trung tâm) gồm 71.350 ha. Năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới - một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống dự trữ sinh quyển toàn cầu. Năm 2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận, ghi danh các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Gắn với môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia Cát Tiên, cư dân Mạ sinh sống lâu đời. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, người Mạ sinh sống tập trung tại ấp 4 xã Tà Lài, huyện Tân Phú từ chính sách định canh, định cư vào thập niên 80 TK XX, là vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên. Tài nguyên rừng tương đối lớn, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn và nhiều động thực vật quý hiếm.

Môi trường, cảnh quan Vườn quốc gia Cát Tiên phong phú, bảo tồn những loài thực vật đa dạng, quý hiếm. Danh lục thực vật của Vườn quốc gia Cát Tiên có 1.615 loài thực vật, thuộc 710 chi, 162 họ, 94 bộ, 10 lớp thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Tùy vào loại rừng, có sự phân bố tự nhiên và cả dạng rừng trồng được che phủ với tỷ lệ lớn. Thực vật của Vườn quốc gia Cát Tiên phong phú về thành phần loài, nhiều loại, dạng sống, công dụng và quý hiếm; đặc biệt số lượng lớn các danh mộc (gõ đỏ, gõ mật, trắc, cẩm lai, giáng hương, sao, dâu, bằng lăng…). Nhiều loài thực vật là nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (1). Người Mạ là một trong những tộc người sinh sống lâu đời, sinh kế gắn liền với môi trường Vườn quốc gia Cát Tiên. Môi trường tự nhiên ở Cát Tiên trước đây có vai trò quan trọng, là nguồn tài nguyên phong phú trong các hoạt động bảo đảm đời sống của người Mạ. Quá trình tụ cư và sinh kế gắn với rừng ở khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên, song hành với việc sử dụng tài nguyên đất đai, lâm sản phục vụ cho nhu cầu hằng ngày, người Mạ khai thác thực vật để chăm sóc sức khỏe.

1. Kinh nghiệm khai thác thực vật của người Mạ tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

Kinh nghiệm chế biến thức ăn và đồ uống

Nguồn thực vật của rừng trở thành tài nguyên, người Mạ sử dụng để chế biến phục vụ cho những nhu cầu của cuộc sống. Trong chế biến thức ăn, người Mạ khai thác nhiều loại thực vật trong sử dụng như dụng cụ hoặc chế biến trực tiếp. Trước hết, là loại cơm ống và lồ ô sử dụng như một vật dụng. Đây là một cách nấu tiện lợi khi làm rẫy hoặc đi rừng thời gian dài. Người Mạ cho gạo vào ống lồ ô, dùng nước suối tự nhiên để nấu. Cơm ống cũng là một trong những lễ vật trình cúng thần linh trong nhiều nghi thức. Cách nấu cơm ống ngon đòi hỏi kinh nghiệm chọn lồ ô, đốt lửa phù hợp. Về chế biến rau trực tiếp, người Mạ truyền kinh nghiệm với nhau những loại ăn được, tránh độc tính. Các món rau chế biến đơn giản, chủ yếu luộc, xào, nấu canh. Một số loại rau được chế biến thành canh, trong đó lá nhíp (lá bép) vừa có thể nướng (xếp trong lá chuối tươi đốt trên than đỏ) hoặc nấu với nước. Lá nhíp có đọt non xanh, tím nhạt, có vị thanh mát, ngọt dịu. Hiện nay, rau nhíp được xem là đặc sản của khu vực miền núi ở Đông Nam Bộ. Mây rừng có nhiều loại, chất vị (đắng, ngọt, béo) được chế biến cùng với rau, thịt, cá. Ngoài nấu canh, đọt mây nón có thể nướng để ăn. Món canh thụt mang tính chất hỗn hợp từ nhiều loại rau kết hợp với thịt rừng, cá, tôm. Cách thức chế biến độc đáo ở chỗ nấu trong ống tre, khi chín, lấy cây thụt cho nhuyễn. Canh bồi nấu từ rau rừng, thịt thú, bột gạo rang, nước lá nhao và một số gia vị. Người Mạ có chế biến món cháo đía be với nguyên liệu hỗn hợp (gạo, đọt mây, cây sả, xương đầu và ruột non dê) nấu nhừ và gia vị. Trong những lời khuyên trong khai thác rau rừng ở Tà Lài, lưu truyền trong bài ca đối đáp có lời khuyên: Khi hái rau nhíp nhớ đừng làm cho gãy cọng, khi chặt đọt mây nhớ đừng chặt luôn gốc; khi bẻ măng nhớ đừng đào luôn cả rễ (2). Có 2 loại củ người Mạ khai thác sử dụng trong điều kiện thiếu lương thực: củ nần, củ mài. Những loại dây cho củ mọc trong rừng sâu, nhiều tinh bột. Người Mạ đào đem về ngâm lấy bột làm bánh hoặc luộc. Vào mùa mưa, người Mạ khai thác nấm mối trong rừng để chế biến thức ăn (chủ yếu là bọc lá chuối nướng hoặc xào).

Về chế biến đồ uống, cùng với các dân tộc bản địa trên vùng miền Đông Nam Bộ, người Mạ chế biến rượu cần làm thức uống để thưởng thức, sử dụng khi gia đình hay cộng đồng có lễ tiết quan trọng. Rượu cần cũng là lễ vật không thể thiếu trong các buổi lễ cúng thần linh. Để chế biến rượu cần, người Mạ hiểu biết rõ những đặc tính thực vật làm men từ lá, vỏ, rễ cây: lá cây gàng (chủ yếu), lá cây dung, lá cây vlân (một loại cà), lá mít… nhưng phổ biến nhất là lá gàng; vỏ hoặc lá cây ktờram. Các loại lá, rễ, vỏ cây phơi khô, giã nhuyễn trộn đều với bột gạo vo thành viên, ủ lên men, phơi khô, sấy. Quy trình làm rượu cần có nhiều bước (làm men, giã bột gạo, ủ rượu) được thực hiện cẩn thận, có những kiêng kỵ. Rượu cần có độ nồng vừa, mùi thơm, vị ngon, dễ uống. Đây cũng là sản phẩm độc đáo của người Mạ. Ngoài ra, người Mạ sử dụng một số lá cây để nấu nước uống giải nhiệt (lá sả, chè), khai thác trái tươi có tính chất ngọt mát để pha chế uống, thêm chất bổ dưỡng. Việc khai thác trái tươi rất khó, phải trèo lên ngọn cây cao hoặc cưa, đốn cả thân cây. Sâm đất (dạng cây thấp) và mật nhân (cây to vừa) được người Mạ dùng chữa một số bệnh về đau xương, bồi bổ sức khỏe. Củ (sâm), vỏ, thân cây (mật nhân) dùng ngâm với rượu hoặc nấu lên để uống.

Kinh nghiệm khai thác thực vật phục vụ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe

Về dùng thực vật chữa bệnh, trong xã hội truyền thống, làng người Mạ ngoài thày cúng có chức năng chữa bệnh mang yếu tố tâm linh, có những người phụ nữ có kinh nghiệm dùng các loại thực vật để chữa bệnh. Người phụ nữ chuyên đỡ đẻ cho phụ nữ trong bon (bà mụ) được dân làng kính trọng vì sự giúp đỡ trong việc sinh nở và dùng lá cây để chăm sóc (nấu nước xông, tắm), bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng (nấu uống) cho người mẹ, đứa trẻ. Bà Ka Bào cho biết, trước đây, khi sinh nở, bà mụ thường dùng các loại lá cúc cu, chân chim, vú bò, hồng quân, sương sáo, cù đèn, mắc xà cau… để sắc lấy nước cho người mẹ uống. Những loại cây, rễ, lá khác sử dụng chế thuốc chỉ có bà mụ biết và không truyền cho ai biết (3).

Một số kinh nghiệm dân gian được lưu truyền để chữa các bệnh thông thường trong cuộc sống của người Mạ: bệnh cảm cúm dùng 7 loại lá, rễ cây (thân xả, lá cây đốt, lá b’lời, lá sur nình, lá tre lồ ô (dơr), lá ổi (ui) và dây dâng priêng (có mùi thơm) nấu xông; bệnh sốt rét, dùng một số lá các loại dây đốt thành tro và bôi lên người (lá dây ngai crông dùng cho người sốt nặng, ói nước màu vàng, dây rơ yah, dây cu tợp, dây pàng măng cho người sốt nhẹ). Người Mạ có câu hát nhắc đến hai loại cây lung lang, cứt trâu có tác dụng chữa bệnh: “Kiơt ti, Kiơt jơng ai chi lung glang, Xut đang, xut klang ai ê r’pu” (Chữa chứng ngứa, phải tìm cây lung lang, chữa vết thương, cần tìm cứt trâu) (4). Người Mạ còn khai thác một số loại củ rừng để ngâm rượu, làm thuốc chữa bệnh. Một dạng củ có tên jăl còi (củ cừng) mọc ở rừng già (màu trắng, chặt lát, phơi khô và đem ngâm rượu, chữa các bệnh đau lưng, đau bụng). Trước đây, trong chữa bệnh, bà mụ hay thày cúng thường tổ chức cúng.

Tại Tà Lài, người dân còn lưu truyền những bài thuốc dân gian chữa bệnh. Theo ông K’Yểu, dùng vỏ thân cây chuối rừng tước thành một cái dây dùng để đeo vào cổ, bên cạnh đó, lấy thân cây chuối rừng nấu nước tắm để hạ sốt; cạo vỏ cây lồ ô thành bột mịn đắp lên vết thương; lấy lá sơ pam bơs nhai đắp vào vết thương hoặc hạt mã tiền tách làm đôi chà lên vết rắn cắn để hút độc; dùng lá n’ha rệp (lá rồng) nhai nhuyễn đắp vào vết thương; dùng lá xi păng nhai chà lên bụng hoặc ngọn bằng lăng tím (rà pạ), lá rờ vờl nhai với muối đế uống; lấy lá giấm chua hoặc các loại trái chua cho người trúng độc ăn để đẩy chất độc ra ngoài; bệnh sốt rét dùng gốc đốt chấm tro ở trán, vành tai, vai gáy, ngực, khuỷu tay, chân (5). Việc nhận biết các loại cây dùng để chữa bệnh, bà Ka Rỉn. cho biết: Ngày xưa chưa có thuốc, muốn trị bệnh gì chủ yếu nhờ vào các loại cây trong rừng. Mẹ của bà hay sử dụng các loại thực vật làm thuốc là rau dừa (trị bệnh huyết trắng), dây gùi (trị bệnh gai cột sống), hoàng liên (trị bệnh đau nhức), huyết rồng (dùng bổ máu). Nhiều loại cây là phải vào rừng sâu mới có và theo mùa sinh trưởng. Nhận biết các loại cây này có thể dựa vào màu sắc, hình dạng theo kinh nghiệm. Hiện nay, tại Tà Lài, ông K’Hoài có những kinh nghiệm trong việc sử dụng cây rừng để chế thuốc chữa bệnh thông thường, chủ yếu là đau nhức thân thể. Ông thu thập lá cây, rễ, vỏ cây một số cây cho dược liệu phơi khô, ngâm với rượu dùng để xoa bóp, chữa thấp khớp, đau xương và bấm huyệt (6).

2. Những biến đổi về tri thức và kinh nghiệm trong khai thác thực vật của người Mạ nhằm thích ứng trong bối cảnh hiện nay

Hiện nay, có những yếu tố tác động đến sinh kế và văn hóa ứng xử; trong đó, có tri thức dân gian về khai thác thực vật của người Mạ tại Tà Lài. Trước hết, từ thể chế quản lý, chính sách bảo vệ tài nguyên, môi trường của Nhà nước, của Vườn quốc gia Cát Tiên. Những quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng được tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến với người Mạ. Bên cạnh đó, tại Tà Lài có trạm kiểm lâm thực hiện tuần tra, kiểm soát bảo vệ vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên chặt chẽ. Việc khai thác thực vật của người Mạ không còn được tự do như trước đây.

Khác với môi trường cư trú truyền thống, người Mạ xen cư và hoạt động trong đời sống với các tộc người khác (Kinh, Tày, Nùng…) trong thời gian dài từ sau năm 1975. Bối cảnh xã hội và sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tác động đến đời sống người Mạ. Về thức ăn, thực vật rừng vẫn được khai thác ở mức độ hạn chế, nhưng không còn là nguồn tài nguyên quan trọng đối với người Mạ. Trong điều kiện y tế hiện đại về chăm sóc sức khỏe, việc sinh đẻ, nuôi dưỡng con cái của người Mạ không còn lệ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm chữa bệnh truyền thống. Trạm y tế ở địa phương đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Người Mạ nhận thức được việc chăm sóc thai sản, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trên cơ sở y tế hiện đại (bác sĩ, y tế, hộ sinh, trang thiết bị y tế, thuốc men) đảm bảo an toàn hơn. Việc khai thác thực vật chế biến thuốc hiện nay hạn chế trong cộng đồng, chỉ chữa những bệnh thông thường.

Tại làng Tà Lài hiện nay, ông K’Hoài vẫn còn chữa bệnh giúp đỡ nhiều người trong các bệnh thông thường, chủ yếu là xương khớp. Làng Tà Lài không còn bà mụ hay thày cúng như trước đây. Ông K’Hoài cho biết: Tôi cũng học hỏi từ người nhà thôi để làm các loại thuốc chữa bệnh đau xương khớp. Trước đây, tôi làm kiểm lâm nên có nhận biết được nhiều loại cây lá trong rừng và khu vực nào có. Sau này, tôi cũng có đọc thêm tài liệu về thuốc từ cây cối nên bổ sung thêm cho sự hiểu biết của mình. Những loại lá, lễ, vỏ cây trong rừng được tôi đem về chế biến sắc uống hay ngâm rượu để chữa các bệnh thông thường. Còn người Mạ ở đây bây giờ, có bệnh gì thì ra trạm xá, bệnh viện khám. Bây giờ, người Mạ họ có đạo (Tin Lành, Công giáo), họ không còn cúng chữa bệnh như xưa (7).

Kết luận

Người Mạ ở Tà Lài đã hình thành hệ thống tri thức dân gian đa dạng thể hiện sự thích nghi và ứng xử với môi trường rừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên, được đúc kết qua nhiều thế hệ. Những tri thức ứng xử với tự nhiên, trong đó việc khai thác thực vật có giá trị trong cộng đồng. Thời gian qua, có những yếu tố làm ảnh hưởng, tác động đến hệ thống tri thức dân gian của người Mạ. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tri thức dân gian của người Mạ tại Tà Lài vẫn lưu tồn những giá trị về chế biến thức ăn, chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng dù có những biến đổi. Những giá trị của tri thức ứng xử với môi trường tự nhiên nói chung, khai thác tài nguyên rừng của người Mạ cần được quan tâm nghiên cứu để vận dụng hiệu quả là cần thiết cho việc bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên, góp phần bảo đảm đời sống, sinh kế của người dân. Đó là những giá trị từ di sản tri thức dân gian trong việc bảo vệ, khai thác theo mùa đối với thực vật để duy trì sự phát triển. Những giá trị trong chế biến thức ăn từ thực vật không chỉ đáp ứng nhu cầu hằng ngày mà còn phát huy trong khai thác ẩm thực phục vụ du lịch từ môi trường sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên gắn với văn hóa tộc người. Tri thức dân gian trong chế biến thuốc từ thực vật cần nghiên cứu để phát huy kho tàng văn hóa của cộng đồng cư dân trong y học dân tộc.

—————————————

1. Nguyễn Đăng Hiệp Phố, Sinh kế của người Mạ ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2023, tr.70.

2. Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng, Văn hóa người Mạ, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.586.

3. Phỏng vấn bà Ka Bào (nghệ nhân dân gian, 88 tuổi), ấp 4, xã Tà Lài, năm 2023.

4. Jean Boulbet, Vài mặt phong tục tập quán của người Mạ (Quesques Aspects du coutumier N’dri des Chau Maa’) (Nguyễn Yên Tri dịch), Bảo tàng Đồng Nai, 1957, tr.56.

5. Phỏng vấn ông K’Yểu (64 tuổi), ấp 4, xã Tà Lài, năm 2023.

6. Phỏng vấn bà Ka Rỉn (58 tuổi), ấp 4, xã Tà Lài, năm 2023.

7. Phỏng vấn ông K’Hoài (60 tuổi), ấp 4, xã Tà Lài, năm 2023.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Tuấn Anh, Văn hóa tổ chức đời sống của người Mạ, Nxb Mỹ thuật, 2017.

2. Jean Boulbet, Xứ người Mạ lãnh thổ của thần linh, Nggar Maá, Nggar Yaang (Đỗ Văn Anh dịch), Nxb Đồng Nai, 1999.

3. Jean Boulbet, Vài mặt phong tục tập quán của người Mạ (Quesques Aspects du coutumier N’dri des Chau Maa’) (Nguyễn Yên Tri dịch), Bảo tàng Đồng Nai, 1957.

4. Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng, Văn hóa người Mạ, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013.

5. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Về Văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, Nxb Đồng Nai, 2009.

6. Nhiều tác giả, Địa chí Đồng Nai, tập V, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2001.

7. Nguyễn Đăng Hiệp Phố, Sinh kế của người Mạ ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2023.

Ths NGUYỄN KIỀU LAN THƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;