Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam có 54 cộng đồng dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều trình độ phát triển kinh tế, xã hội và sắc thái văn hóa khác nhau đã tạo nên tính đa dạng, thống nhất. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có những chính sách cụ thể nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa đồng thời gắn với sự phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Bài viết đề cập đến kết quả thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp phát huy hiệu quả phát triển kinh tế gắn liền với vấn đề bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa DTTS.

“Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV năm 2024 - Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16-7-1998 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định nền văn hóa Việt Nam có tính thống nhất và đa dạng bởi các sắc thái văn hóa của cộng đồng DTTS. Đồng thời, khẳng định văn hóa chính là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” (1), đồng thời “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số... Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số” (2). Quán triệt quan điểm chỉ đạo trên, hiện nay việc bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, gắn với việc phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS bền vững.

1. Một số chính sách về bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS gắn với phát triển kinh tế, xã hội

Hiện nay, các DTTS đang đối mặt với những nguy cơ “một số bản sắc tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc thiểu số đang bị mai một” (3). Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX tại Hội nghị lần thứ 7, đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 về công tác dân tộc, đã rất quan tâm đến vấn đề văn hóa các dân tộc: “Làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc” (4). Nhiệm vụ này tiếp tục được khẳng định xuyên suốt thống nhất trong các kỳ Đại hội, mới nhất là Đại hội XIII. Từ quan điểm, chủ trương của Đảng, đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013, Nghị định số 5/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc và hệ thống các chính sách, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS như là “nội lực” để thúc đẩy sinh kế cho đồng bào.

Một số chính sách chung về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS

Với nguyên tắc tôn trọng các giá trị văn hóa của các DTTS, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã xây dựng nhiều chính sách liên quan như: Quyết định số 1270/QĐ-TTg, ngày 27-7-2011 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 2493/QĐ-TTg, ngày 22-12-2016 về Phê duyệt Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017-2020 hay Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó có Dự án về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Một số chính sách cụ thể về bảo tồn và phát huy văn hóa DTTS ở các lĩnh vực như bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống; ngôn ngữ, chữ viết; dân ca, dân vũ; lễ hội truyền thống; giá trị tri thức cộng đồng trong thiết chế xã hội…

Ở Việt Nam hiện có 27/53 DTTS có bộ chữ viết riêng của dân tộc mình nhưng hiện có một số dân tộc đang có nguy cơ mất chữ viết. Do đó, Chính phủ và một số bộ, ban, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách nhằm gìn giữ, giáo dục ngôn ngữ đối với vùng đồng bào DTTS. Chẳng hạn như Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 9-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; Quyết định Số 44/2006/QĐ-BGDĐT ngày 23-10-2006 về việc ban hành Chương trình dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; Quyết định số 29/2006/QĐ/BGDĐT ban hành chương trình tiếng Chăm dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Chăm cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi… Về việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, có Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7-7-2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18-1-2019, về việc Phê duyệt Đề án Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Quyết định số 1558/QĐ-TTg, ngày 5-8-2016, Phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Quyết định số 4686/QĐ-BVHTTDL, ngày 31-12-2013, Phê duyệt Đề án tổ chức định kỳ Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013-2020 hay Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 3965/QĐ-BVHTTDL, ngày 16-11-2015 phê duyệt Dự án Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2015-2020

2. Kết quả thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS

Trước hết, ý thức của người dân về việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc mình đã được nâng lên. Cộng đồng xã hội có thái độ tôn trọng trước những giá trị độc đáo bản sắc của từng dân tộc. Đối với lĩnh vực bảo tồn phát huy tiếng nói chữ viết, việc tổ chức dạy, học ngôn ngữ DTTS cũng được triển khai ở các trường học vùng đồng bào DTTS và hiện cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng DTTS. Một số ngôn ngữ được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương. Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi do Thông tấn xã Việt Nam phát hành cũng đã in bằng chữ dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Khmer và Chăm (5). Có thể khẳng định rằng, tiếng nói, chữ viết là linh hồn, là cốt cách của mỗi dân tộc, chứa đựng tri thức, tình cảm, sự nối kết cộng đồng, bảo tồn các giá trị lễ hội, dân ca, dân vũ, tri thức dân gian… Tuy không trực tiếp tạo nên lợi nhuận rõ ràng trước mắt, nhưng chính ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết là phương thức biểu đạt của văn hóa cộng đồng dân tộc và là hạt nhân cốt lõi của loại hình du lịch cộng đồng ở địa phương hiện nay.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn văn hóa các DTTS phải gắn liền với xây dựng môi trường tồn tại cho các giá trị văn hóa, hay nói cách khác là xây dựng và gìn giữ không gian văn hóa. Hằng năm, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức như Ngày Giao lưu văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Ngày hội văn hóa các dân tộc theo vùng hay theo các tộc người cũng được tổ chức đều đặn… Có nhiều giá trị văn hóa của DTTS đã trở thành các di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2008); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (năm 2019); Nghệ thuật Xòe Thái (năm 2022)… Qua đó, các giá trị văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, lan tỏa, không chỉ thỏa mãn các nhu cầu tinh thần mà còn củng cố niềm tự hào và nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa, đồng thời là điểm thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn của chính sách, nguồn vốn vay tín dụng cũng như hỗ trợ từ chính quyền địa phương và đồng hành của xã hội nên nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư để hình thành những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn, hoạt động khá hiệu quả. Trong những năm gần đây, Hà Giang thành công trong việc phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển sinh kế. Trong danh sách quảng bá các làng du lịch cộng đồng của 21 nước APEC, Hà Giang có tới 18 làng văn hóa du lịch được lựa chọn để quảng bá như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, Lô Lô Chải, Du Già, Thiên Hương, Lũng Cẩm, Ma Lé, Pả Vi Hạ, thôn Khuổi My... Các làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số các điểm du lịch của Việt Nam được giới thiệu trên trang web APEC (6). Ngoài ra, có những điểm du lịch nổi tiếng ở Điện Biên như bản người Thái (Bản Mển, xã Thanh Nưa) hay Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); hay Đắk Lắk đã quy hoạch phát triển 16 thôn, buôn du lịch cộng đồng mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (7). Không những thế, một số nghề truyền thống của dân tộc trực tiếp phục vụ khách tham quan du lịch như: Dược liệu nước tắm và ngâm chân của người Dao; Nghề làm giấy Dó của dân tộc Dao, rượu ngô La Pán Tẩn dân tộc Mông; nghề đan lát, nghề rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải, dệt thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Mường... Ngoài ra, các địa phương đã dựa vào những nét đặc thù của văn hóa để sáng tạo ra những tuyến du lịch ấn tượng như “Qua những miền di sản Việt Bắc”, “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Du lịch vòng cung Tây Bắc” (8)... Việc triển khai chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch khá hiệu quả, góp phần bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của các vùng, miền trên cả nước, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế cũng đã có những mặt hạn chế nhất định. Một số giá trị bản sắc văn hóa dân tộc khi thực hiện mang tính hình thức, trình diễn, không còn tự nhiên, khiên cưỡng. Một số nghi lễ vẫn được tiến hành, nhưng lại mất đi tính chất phác, dần xa lạ so với nguyên bản. Do vậy, có thể dẫn đến sự hiểu biết của du khách về văn hóa của các tộc người sẽ không được đầy đủ. Bên cạnh đó, các nghề thủ công với những nét tinh xảo, sự khéo léo, sáng tạo cũng đã dần bị thay thế những mẫu mã đa dạng mua sẵn, thậm chí là nhập từ thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm dệt, đan lát, thêu thùa làm ra sản phẩm cầu kỳ, tốn nhiều nguyên liệu, mất nhiều thời gian nhưng thu nhập không cao nên dẫn đến người dân không mặn mà. Những loại dược liệu chăm sóc sức khỏe từ các loại cây rừng dùng để chữa bệnh cũng dần bị mai một. Cũng có nơi người dân không mặn mà gắn bảo tồn văn hóa với mô hình du lịch bởi còn hạn chế về nhận thức, thói quen, phong tục và cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Có không ít ngành nghề truyền thống khi được khai thác đưa vào chuỗi sản phẩm du lịch thu lại hiệu quả không cao nên người dân cũng không gắn bó. Ngoài ra, những khó khăn về chính sách thu hút doanh nghiệp, sự đãi ngộ cán bộ công chức, khó khăn địa hình cũng khó thu hút về đầu tư du lịch…

3. Một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả phát triển kinh tế gắn liền với vấn đề bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa DTTS

Thứ nhất, về phương diện chỉ đạo, quản lý

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng phải luôn quán triệt quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước về việc nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào DTTS, đảm bảo nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng giúp đỡ cùng phát triển, gắn nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống với việc phát triển sinh kế và rõ nét nhất đối với kinh tế du lịch. Cần có chính sách, cơ chế phù hợp đặc thù hoặc liên kết vùng để đa dạng sản phẩm; cần chính sách tín dụng ưu đãi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp cũng như người dân trực tiếp vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc mình để phát triển kinh tế du lịch hay các loại hình kinh tế khác. Có đầu tư tương xứng đối với các nghệ nhân, những người có uy tín đối với bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa. Xây dựng quy chuẩn đối với các thiết chế văn hóa, nhưng cũng gắn với đặc trưng văn hóa của từng dân tộc. Chính sách hỗ trợ cho lực lượng cán bộ làm công tác sáng tác, nghiên cứu, kiểm kê, bảo tồn, trùng tu, quản lý văn hóa cần được tăng thêm đúng mức.

Thứ hai, về phương diện nhận thức

Tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp cơ sở về sự cần thiết bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc với thay đổi sinh kế của người đồng bào DTTS. Thông qua các lớp bồi dưỡng, khóa đào tạo và việc tự học, sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ hiểu rõ những giá trị văn hóa của dân tộc ở địa phương. Từ đó, không chỉ làm thay đổi thái độ tôn trọng những nét đẹp độc đáo mà còn nhận thấy cơ hội để phát huy nguồn lực văn hóa với phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền các chính sách cũng cần trực tiếp đến người dân, để họ nắm rõ tầm quan trọng của bảo tồn văn hóa, đồng thời hiểu được lợi ích của việc khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế. Trong quá trình vận hành các homestay, người dân cần hiểu rõ sự kết hợp hiện đại, tiện lợi, nhưng cốt lõi chính vẫn là những nét văn hóa đậm đà bản sắc thu hút du khách muốn trải nghiệm. Vận động tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cần phải đa dạng, qua hình thức gián tiếp như internet, kênh truyền thông đại chúng, đài phát thanh, tờ rơi, áp phích, học tập kinh nghiệm… cũng như hình thức trực tiếp từ hội nghị, các cuộc gặp gỡ trực tiếp với người dân, thông qua những người có uy tín, thậm chí là cầm tay chỉ việc. Qua đó, sẽ giúp đồng bào nắm được thông tin, hiểu rõ ý nghĩa của các chính sách cũng như nắm bắt được các kỹ năng nên họ sẽ tích cực, chủ động, tự nguyện trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ ba, phát huy vai trò của những nghệ nhân, những người có uy tín

Đó là những người có tâm, có tài, có tâm huyết, trách nhiệm như già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ, chủ gia đình, các nghệ nhân. Những nghệ nhân, người có uy tín phần lớn nắm giữ được nhiều tri thức kinh nghiệm về thế giới quan, vũ trụ quan cũng như văn hóa cộng đồng, chẳng hạn như làn điệu dân ca, dân vũ, thơ ca, nghệ thuật trình diễn dân gian; luật tục, tập quán, tín ngưỡng; tiếng nói, chữ viết; lễ hội truyền thống… Đội ngũ này có một vai trò quan trọng tác động đến ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS. Bản thân những người có uy tín nhanh chóng nắm bắt được những chính sách của Đảng và Nhà nước, gương mẫu đi đầu trong việc làm kinh tế du lịch gắn với bảo tồn văn hóa cộng đồng. Nếu thành công, những người có uy tín sẽ chia sẻ kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc cho những người dân thôn bản cũng nhau làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Thứ tư, chú trọng công tác tuyển dụng công chức, viên chức được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức trong tình hình mới đối với đội ngũ làm công tác dân tộc và quản lý văn hóa DTTS

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân không phải là đơn giản, dễ dàng. Do đó, bản thân những cán bộ được giao chủ trì liên quan không chỉ có trình độ hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn rất cần đến các kỹ năng, dám nghĩ dám làm, vượt khó, kiên nhẫn với bà con. Bởi, làm kinh tế du lịch gắn với văn hóa cộng đồng là điều hết sức mới mẻ với đồng bào và sự thành công không phải trước mắt nên không phải lúc nào cũng thuận lợi.

4. Kết luận

Văn hóa của mỗi dân tộc tạo nên tính đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc. Do đó, một trong những nguyên tắc giải quyết mối quan hệ dân tộc là vừa tôn trọng, bảo tồn văn hóa, vừa gắn với phát triển sinh kế cần đem lại lợi ích cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Để đạt được hiệu quả bền vững, cần có sự phối hợp nhiều giải pháp về nâng cao nhận thức làm thay đổi thói quen, phong tục trong sinh kế; hoàn thiện các chính sách trong đó lưu ý về việc đãi ngộ các nghệ nhân, hỗ trợ đối với những cán bộ công chức thực hiện trực tiếp; nâng cao định mức vay vốn cho đồng bào; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa thật bài bản. Tăng cường công tác tuyên truyền, tăng tính hiện đại đối với việc truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa ở trong nước và quốc tế. Phát huy vai trò của những nghệ nhân và những người có uy tín đi đầu gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội. Số hóa các thông tin, lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống… để đến được với nhiều du khách quốc tế. Bảo tồn gắn liền với phát huy một cách có hiệu quả là một mặt đảm bảo tính bản sắc tộc người, nhưng cũng có những yếu tố hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đồng thời, cũng chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các dòng văn hóa ngoại lai không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, đi ngược lại văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

________________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.215-216, 144-145.

3, 4. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 về công tác dân tộc.

5. Văn Bắc, Nỗ lực bảo tồn, phát huy ngôn ngữ nói và viết của các dân tộc thiểu số, vietnam.net.vn, 19-9-2021.

6. Lê Hải, Hà Giang có 18 làng văn hóa du lịch cộng đồng được quảng bá trên website APEC, baohagiang.vn, 18-5-2021.

7. Hxíu, Để du lịch cộng đồng Đắk Lắk ngày càng thu hút du khách, vov.vn, 28-3-2024.

8. Nguyễn Thị Song Hà, Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tapchicongsan.org.vn, 12-8-2023.

TS TRẦN THỊ THÚY VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;