Tổng quan nghiên cứu và thực trạng biến đổi của lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng hiện nay

Bát Tràng (Hà Nội), một làng nghề có lịch sử lâu đời, đã được nhiều tài liệu và công trình đề cập, nghiên cứu trên phương diện lịch sử, văn hóa, quy trình sản xuất gốm, sứ… Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh Tổ nghề và thể hiện ước vọng của dân làng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy đã trải qua nhiều thay đổi về thời gian, không gian và hình thức tổ chức, nhưng lễ hội vẫn giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện qua cách tổ chức và quản lý của cộng đồng, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.

Làng gốm Bát Tràng - Ảnh: Nguyên Trường

1. Tình hình nghiên cứu về lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng

Bát Tràng là một làng (xã) có từ lâu đời với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa được các nhà nghiên cứu đề cập, giới thiệu. Qua các bộ sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên cùng các sử gia triều Lê), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn), Thượng Kinh ký sự (Lê Hữu Trác); các sách địa chí như Dư địa chí (Nguyễn Trãi), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú)… đã nhắc đến làng gốm Bát Tràng với các sản phẩm gốm sứ, cảnh vật và các vị danh nhân khoa bảng của làng.

Dưới thời Pháp thuộc, học giả người Pháp Madrolle trong công trình L’Indochine du Nord (Miền Bắc Đông Dương) có đề cập vài nét về nguồn gốc của làng Bát Tràng. Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu, luận văn, luận án, bài viết về làng cổ Bát Tràng. Không khó để có thể tìm kiếm được thông tin của làng nghề gốm sứ Bát Tràng trên các phương tiện truyền thông như internet, báo đài… Tuy nhiên, các bài viết đa phần mô tả sự hình thành, phát triển của làng nghề, hay đi sâu vào nghiên cứu quy trình sản xuất gốm sứ, hoạt động du lịch tại làng nghề Bát Tràng. Có thể kể đến công trình Quê gốm Bát Tràng (Đỗ Thị Hảo - 1989) đã giới thiệu, tổng quát về làng nghề gốm Bát Tràng qua lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán xa xưa của làng. Nghiên cứu về gốm Bát Tràng từ TK XIV-XIX có công trình Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV-XIX (Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc - 1995), giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành, phát triển làng nghề, quy trình sản xuất gốm và những đặc điểm của đồ gốm men Bát Tràng. Bài viết Làng Bát Tràng trong Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội (Bùi Xuân Đính, Nguyễn Viết Chức chủ biên - 2010), giới thiệu làng Bát Tràng với tư cách là một làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, hàng trăm hương cống - cử nhân, sinh đồ - tú tài, bên cạnh những nét tiêu biểu của một làng nghề, làng buôn bán; các đặc điểm riêng của Bát Tràng với tư cách là một làng nghề, làng khoa bảng, ngoài những đặc điểm chung của làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ được phác họa bước đầu. Một số công trình nghiên cứu về gốm Bát Tràng dưới góc độ làng nghề như Làng nghề thủ công mỹ nghệ miền Bắc (Trương Minh Hằng - 2006), Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội (Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo - 2009)… Năm 2012, tác giả Nguyễn Mỹ Thanh với Luận án tiến sĩ Văn hóa học Nghệ thuật tạo hình và trang trí gốm Bát Tràng ngày nay đã tổng hợp, hệ thống các hình thức tạo hình, trang trí trên sản phẩm gốm Bát Tràng từ năm 1986, đồng thời làm rõ những biến đổi và hiệu quả thẩm mỹ của chúng trong đời sống xã hội.

Những năm gần đây, nghiên cứu về làng nghề Bát Tràng với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng được các luận án, luận văn đề cập đến, trong đó tiêu biểu là Luận án Tiến sĩ Văn hóa học Nguồn lực văn hóa với sự phát triển kinh tế ở Hà Nội (Qua nghiên cứu tại làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm và làng Mông Phụ, thị xã Sơn Tây) của Đặng Thị Hồng Hạnh (2017). Tác giả đã nhận diện sự tác động của nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển kinh tế ở làng Bát Tràng. Trong đó, nguồn lực văn hóa được nhắc đến gồm có nguồn lực về con người, về quan hệ xã hội - văn hóa, sản phẩm văn hóa để phát triển kinh tế du lịch…

Không chỉ làm rõ về mặt khảo cổ học, sử học, các nhà khoa học còn đi sâu nghiên cứu nhiều khía cạnh khác về văn hóa làng nghề. Những câu chuyện huyền thoại kể về những ông Tổ nghề gốm đã từng lưu truyền. Đó là câu chuyện kể về ba vị đỗ Thái học (1) thời nhà Trần được triều đình cử đi sứ phương Bắc, trong số đó có vị tên là Hứa Vĩnh Kiều (hay Cảo, vì 2 chữ này giống nhau) người làng Bát Tràng cùng với Đào Trí Tiến (người làng Thổ Hà) và Lưu Phương Tú (người làng Phù Lãng). Sau khi hoàn tất công việc ngoại giao, trên đường về nước qua vùng Triều Châu gặp bão lớn, phải dừng lại nghỉ. Nơi đó có xưởng Khai Phong. Ba ông bèn học lấy nghề gốm rồi đem về nước truyền bảo cho dân quê mình. Do vậy mà làng Bát Tràng chuyên chế các loại gốm men có sắc trắng, làng Thổ Hà chuyên chế các loại gốm men có sắc đỏ, còn làng Phù Lãng chuyên chế các loại gốm men có sắc vàng thẫm… Thực tế là tới nay, không có ai ở Bát Tràng thừa nhận Hứa Vĩnh Cảo là ông Tổ nghề mình (2).

Trong Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam (3) (2002), tác giả Bùi Văn Vượng đã ghi như sau: Theo các thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian thì nghề gốm xuất hiện ở Bát Tràng từ TK XV, dưới thời Trần. Lúc bấy giờ, ở vùng đất ven sông Hồng phía dưới kinh thành Thăng Long này bắt đầu trở thành nơi định cư của những thợ gốm từ làng Bồ Bát, tỉnh Thanh Hóa tới. Làng Bồ Bát trước đó còn có tên là Bạch Bát. Cho nên khi mới đến lập nghiệp ở vùng này, dân Bồ Bát đặt tên cho quê mới của mình là Bạch Thổ Phường, tức Phường đất trắng. Đất trắng là một thứ đất sét màu trắng dùng làm đồ sành (gốm sành hay gốm đàn) rất tốt. Một thời gian sau, chắc hẳn công việc sản xuất gốm đã đi vào thế ổn định (?), bà con ở đây lại đổi tên Bạch Thổ Phường thành Bát Tràng Phường, ý nói là Phường có trăm lò bát. Rồi cuối cùng họ mới đổi tên thành Bát Tràng (tức nơi làm bát). Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đã cho biết: Bát Tràng có tên là xã Bát, làng Bát từ đời nhà Trần. Và thế là suốt 500 năm nay, làng nghề này vẫn giữ tên làng Bát Tràng.

Đáng chú ý là những bài viết về lễ hội ở Bát Tràng cũng được các tác giả đề cập đến như Hội làng Bát Tràng (Đỗ Thị Hảo - 2011) đã giới thiệu những nét cơ bản về ngày hội truyền thống của làng Bát Tràng. Cùng với đó, tác giả Bùi Xuân Đính (2013) với công trình Bát Tràng - Làng nghề, làng văn đã trình bày có hệ thống những nét lớn về lịch sử hình thành và phát triển, những đặc điểm về kinh tế, xã hội và văn hóa của làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Trong đó, tác giả dành một chương (chương 7) để giới thiệu, mô tả về Lễ tiết, hội làng và phong tục tập quán của Bát Tràng. Làng có tục Lý trưởng làm lễ ngày giỗ các vị tiến sĩ, quận công với ngụ ý tỏ lòng tôn kính, nêu những gương sáng để hậu thế noi theo; tục kết nghĩa giữa làng Bát Tràng và làng Nam Dư Hạ.

Các tài liệu nghiên cứu về lịch sử, xã hội, văn hóa của Bát Tràng được các tác giả đi trước trình bày khá phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, các tài liệu đề cập đến lễ hội làng nghề truyền thống ở Bát Tràng vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu là miêu thuật, khảo tả lễ hội và khai thác di sản văn hóa làng gốm Bát Tràng vào phát triển nghề thủ công, du lịch, chưa đi sâu vào nghiên cứu cụ thể về sự biến đổi trong lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng hiện nay.

2. Sự thay đổi của lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng trong đời sống cộng đồng

Về thời gian, không gian lễ hội

Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh nghề truyền thống và thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Trước năm 1945, người dân tổ chức lễ hội vào tháng Hai (âm lịch), kéo dài 15 ngày. Ngày nay, do ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường, việc tổ chức lễ hội kéo dài làm cho việc sản xuất, buôn bán gốm sứ của người dân bị ngưng trệ, cho nên thời gian tổ chức lễ hội ở Bát Tràng được rút ngắn còn 3 ngày (ngày 14-16 tháng Hai âm lịch).

Không gian thiêng là một đặc điểm chung của lễ hội truyền thống, đó là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của lễ hội. Không gian thiêng sẽ tạo ra sức lan tỏa của lễ hội và quyết định đến quy mô, phạm vi của lễ hội. Nói cách khác, nhận thức, niềm tin và sự ngưỡng mộ của người dân đối với những vị thần linh được thờ tại không gian thiêng sẽ quyết định quy mô, phạm vi của lễ hội. Hiện nay, ở Bát Tràng, lễ hội truyền thống được tổ chức tại các di tích như: chùa Kim Trúc, đền Mẫu Bản Hương, văn từ, đặc biệt là đình Bát Tràng - nơi diễn ra các nghi lễ chính. Đình Bát Tràng thờ 6 vị thần thánh có công lao to lớn trong việc giúp nhân dân giữ nước, gồm: Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng, Tràng Thuận Nghi Dung, Cao Minh Đại Vương, Lưu Thiên Tử Đại Vương, Hồ Quốc Thần Đại Vương. Những năm gần đây, ngoài việc dâng hương tại chùa Kim Trúc và đền Mẫu Bản Hương, chính quyền và người dân địa phương còn tổ chức nghi thức dâng hương tại nhà thờ Bác Hồ.

Không gian thiêng trong lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng không chỉ tập trung ở các địa điểm linh thiêng trong không gian hẹp như: đình Bát Tràng, chùa Kim Trúc, đền Mẫu Bản Hương, văn từ, nhà thờ Bác Hồ, mà còn ở một không gian rộng lớn hơn với khúc/ đoạn sông Hồng (nơi đoàn rước tổ chức chèo thuyền ra lấy nước cho vào bình để thờ cúng quanh năm và nơi thả hoa đăng, đốt pháo bông vào lúc lễ tạ).

Trước đây, người tham dự lễ hội thường là người dân địa phương và các xã, huyện lân cận như: xã Đa Tốn, Đông Dư, Kim Lan… (huyện Gia Lâm, Hà Nội); các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng… (huyện Văn Giang, Hưng Yên); Nam Dư (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày nay, lễ hội còn thu hút được sự tham gia của người dân ở cả vùng, liên vùng và du khách nước ngoài, vì vậy, vào dịp lễ hội diễn ra lượng người đến tham dự nhiều đã gây ra tình trạng quá tải, thể hiện ở việc trông giữ xe, phân luồng xe và vệ sinh môi trường. Với nền khoa học công nghệ phát triển, người dân tham dự lễ hội ngoài việc quan sát, chiêm bái, cầu nguyện… còn sử dụng các phương tiện công nghệ như điện thoại thông minh, máy quay, máy ảnh kỹ thuật số để chia sẻ những hình ảnh, video trực tiếp từ hoạt động lễ hội qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Viber… để những người không tham gia trực tiếp đến lễ hội vẫn có thể quan sát, tham dự được. Như vậy, không gian lễ hội truyền thống ở làng nghề Bát Tràng không chỉ giới hạn ở phạm vi làng, mà còn được mở rộng hơn thành “siêu không gian”.

Về việc chỉ đạo, tổ chức lễ hội

Hiện nay, có hai hình thức tổ chức lễ hội, đó là: 1) chính quyền xã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức lễ hội và phân công lực lượng tham gia vào các hoạt động lễ hội. Với hình thức này, vai trò của chính quyền địa phương, trong đó các ban ngành, đoàn thể có vai trò quan trọng trong việc tổ chức lễ hội, cộng đồng thường chỉ tham gia với các công việc tế lễ, chuẩn bị mâm lễ cúng; 2) cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Ở hình thức tổ chức này, cộng đồng tổ chức họp bàn để lựa chọn những người có khả năng, hiểu biết để điều hành. Họ xây dựng nội dung tổ chức lễ hội và phân công nhiệm vụ cho các cá nhân tham gia, sau đó báo cáo đến chính quyền địa phương để điều hành tổ chức.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước năm 1945, cứ mỗi dịp hội làng, vào ngày 25 tháng Chạp, làng Bát Tràng tổ chức đem lễ vật đến làng Đuốc (nay là làng Báo Đáp) để xin chặt cây nêu. Đến ngày 7 tháng Giêng, người dân làm lễ hạ cây nêu để chặt chẻ tăm, vót đũa và họp bàn chương trình tổ chức lễ hội. Thành phần họp bàn gồm có các quan viên, hương lão trong làng. Do làng Bát Tràng là làng nghề, không làm nông nghiệp như cấy lúa, trồng ngô… nên vai trò các giáp (4) suy giảm, nhường chỗ cho thiết chế dòng họ. Từ năm 2007 đến nay, tại lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng, việc chỉ đạo, tổ chức lễ hội do Ban Đại diện nhân dân đảm nhiệm (5) phân công công việc cho từng nhóm, cá nhân thực hiện. Khi được giao công việc, từng nhóm, cá nhân sẽ chịu trách nhiệm với đầu việc của mình, họ có thể nhờ sự giúp đỡ của những người khác để hoàn thành, sau đó báo lại lên Ban Đại diện nhân dân biết. Như vậy, vai trò của chính quyền địa phương chủ yếu là định hướng về chủ trương, đường lối, cách thức thực hiện, còn lại chủ yếu là do cộng đồng tự đứng ra thực hiện. Ngay cả việc kêu gọi, vận động hỗ trợ về mặt kinh tế cũng chủ yếu do cộng đồng tự đứng lên.

Về mục đích của lễ hội

Trước đây, người dân đến dự lễ hội truyền thống là nhằm cầu mong cuộc sống của dân làng được ấm no, hạnh phúc; sản xuất, tiêu dùng được hanh thông với niềm tin về “cái thiêng”. Theo tác giả Trần Hữu Sơn, Trần Thùy Dương (2021), “cái thiêng” là tình cảm tôn giáo, được thể hiện trong lễ hội bằng các biểu tượng đặc trưng là các báu vật thiêng. Những vật thiêng này có giá trị đặc biệt, đem lại sự may mắn cho người dự hội (6). Đối với lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng, người dân địa phương vẫn rất háo hức, sôi nổi trước các lễ thức khấn mời thánh, dâng rượu, dâng hoa, tế và đọc chúc văn, nhất là những lễ thức dâng đồ cúng Tam sinh (trâu, dê, lợn) và các màn rước kiệu, rước nước, phóng sinh, hóa thuyền mã trên sông... Hiện nay, những điều thiêng này vẫn được cộng đồng địa phương duy trì và phát huy, mở rộng hơn về quy mô thông qua các hoạt động như thả đèn hoa đăng ở sông, trang trí khu vực đình, chùa… Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng hiện nay còn tổ chức thêm các hoạt động như trưng bày các sản phẩm gốm sứ, có nơi để du khách trải nghiệm tự tay tạo ra các sản phẩm về gốm, các món ăn đặc sắc của cộng đồng người dân Bát Tràng như canh măng mực, su hào xào mực… Các hoạt động này vừa mang tính giải trí, vừa giúp cho du khách cảm thấy được may mắn, hạnh phúc nhờ những phần quà tặng khi tham gia các trò chơi dân gian, có được sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra để mang về nhà trưng bày hay làm quà biếu tặng…

Bên cạnh đó, kể từ khi chợ gốm Bát Tràng đi vào hoạt động (khoảng năm 2014), các sản phẩm thủ công từ gốm, sứ đã được người dân trong cả nước và nước ngoài biết đến và tin dùng. Nhờ vậy, người dân Bát Tràng có kinh tế phát triển rất mạnh mẽ. Với quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”, người dân đã ý thức được việc tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Thành Hoàng làng, các vị tổ nghề với mong muốn có được điều thiêng là “cả năm được sức khỏe, an khang thịnh vượng, mọi việc hanh thông”. Đồng thời, việc tổ chức lễ hội truyền thống còn là dịp để người dân Bát Tràng thể hiện được sự nhận thức cao, tính đoàn kết và mức độ giàu có của mình. Điều này có thể thấy được qua các lễ vật dâng cúng, khu vực diễn ra nghi thức tế lễ, rước lễ, khánh tiết, trang trí sân khấu, đốt pháo hoa… đặc biệt là những mâm cỗ mời dân làng và khách tới dự lễ hội (lễ hội năm 2024, có đến 600 mâm cỗ được người dân chuẩn bị và tiếp đón, mỗi mâm cỗ xếp 6 người ngồi). Những hoạt động này đều do cộng đồng địa phương tự kêu gọi, vận động đóng góp để tổ chức lễ hội được tốt đẹp.

Nhìn chung, lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi hơn so với trước đây. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải là sự thay đổi về “chất”, mà lễ hội vẫn được người dân lưu truyền tổ chức thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Cộng đồng người dân địa phương chỉ thay đổi lễ hội ở cấp độ quy mô (hoành tráng hơn), thời gian (rút ngắn hơn), không gian (lan tỏa rộng hơn với các vùng lân cận, đặc biệt là không gian mạng xã hội), mục đích lễ hội (ngoài việc thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ Thành Hoàng làng, các vị tổ nghề, lễ hội còn là hoạt động bổ trợ thu hút du khách đến trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng địa phương, đặc biệt đây còn là dịp để người dân thể hiện được sự nhận thức cao, tính đoàn kết và mức độ giàu có).

Kết luận

Thông qua các công trình nghiên cứu của những tác giả đi trước và thực trạng lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng hiện nay, có thể thấy rằng, sự thay đổi của lễ hội là yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay cùng với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Không giống như hầu hết các lễ hội truyền thống ở Việt Nam hiện nay, lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng chủ yếu thay đổi về thời gian, không gian, đối tượng tham gia, mục đích lễ hội… ở cấp độ quy mô tổ chức rộng lớn hơn, hoành tráng hơn, mà vẫn giữ được giá trị văn hóa đặc sắc vốn có, chứ không biến đổi làm mai một, thậm chí là mất dần giá trị văn hóa như những lễ hội truyền thống khác. Sở dĩ như vậy là do cách thức quản lý, tổ chức xã hội của cộng đồng người dân địa phương. Hầu hết các hoạt động của cộng đồng, trong đó bao gồm cả việc tổ chức lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm đều phải thông qua Ban Đại diện nhân dân. Điều đáng nói là đại diện chính quyền địa phương không tách rời mà nằm ở trong Ban này cùng với các vị đại diện cho mỗi dòng họ, nghệ nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ. Khi được sự đồng ý thống nhất của Ban thì chương trình, kế hoạch hoạt động sẽ được triển khai đến những nhóm, cá nhân được giao nhiệm vụ. Với cách thức làm việc theo kiểu “cây vấn đề” (phân công công việc theo người chịu trách nhiệm, ai nhận làm việc gì thì phải đảm bảo hoàn thành công việc, nếu có vấn đề gì phát sinh thì báo lại cho Ban Đại diện nhân dân để cùng xử lý). Nhờ cách thức tổ chức, phân công công việc như vậy, cho nên người dân luôn hãnh diện, tự hào về nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội của địa phương, đồng thời trong tâm thức của họ sẽ luôn lưu truyền những giá trị đó về sau. Không những vậy, lễ hội còn là dịp để cộng đồng địa phương giới thiệu giá trị văn hóa, thể hiện sự nhận thức, tính đoàn kết và mức độ giàu có của người dân làng nghề Bát Tràng.

Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng với sự chủ động tham gia của cộng đồng địa phương sẽ giúp các nhà quản lý văn hóa có thể nghiên cứu xây dựng thành mô hình để áp dụng cho các địa phương khác học tập kinh nghiệm nhằm giúp cho lễ hội truyền thống không bị “biến tướng”, mai một, mất dần bản sắc văn hóa.

____________________

1. Thái học tương đương với đỗ Tiến sĩ hay trong dân gian gọi là ông Nghè, xuất hiện về sau này.

2. Đỗ Thị Hảo, Quê gốm Bát Tràng, Nxb Hà Nội, 1989, tr.51-53.

3. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.79.

4. Giáp là một tổ chức, một môi trường đặc biệt dành cho nam giới mà trong đó họ sẽ “tiến thân” và khẳng định vị thế bằng chính tuổi tác của mình; là một biểu hiện của truyền thống “trọng xỉ” (trọng người già, người nhiều kinh nghiệm sống và lao động, sản xuất) của làng xưa.

5. Ban Đại diện nhân dân được thành lập từ năm 2007 do 19 dòng họ của làng Bát Tràng cử người đại diện (số người cụ thể tùy từng dòng họ). Đến nay, Ban gồm: trưởng làng, đại diện các dòng họ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị tại địa phương, nghệ nhân, thế hệ trẻ, Hội Phụ nữ.

6. Trần Hữu Sơn, Trần Thùy Dương, Xu hướng biến đổi của lễ hội truyền thống hiện nay, tapchicongsan.org.vn, 30-5-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền, Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, 2015.

2. Nguyễn Thị Phương Châm, Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, 2009.

3. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.HCM, 1999.

4. Bùi Xuân Đính, Nguyễn Viết Chức (chủ biên), Làng Bát Tràng, trong Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội, tái bản có bổ sung, sửa chữa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010.

5. Bùi Xuân Đính, Bát Tràng - Làng nghề, làng văn, Nxb Hà Nội, 2013.

6. Đặng Thị Hồng Hạnh, Nguồn lực văn hóa với sự phát triển kinh tế ở Hà Nội (Qua nghiên cứu tại làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm và làng Mông Phụ, thị xã Sơn Tây), Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2017.

7. Đỗ Thị Hảo, Quê gốm Bát Tràng, Nxb Hà Nội, 1989.

8. Đỗ Thị Hảo, Hội làng Bát Tràng, trong Hội làng Thăng Long - Hà Nội do Lê Trung Vũ chủ biên, Nxb Thanh niên, 2011.

9. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

10. Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc, Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV-XIX, Nxb Thế giới, 1995.

11. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, 2008.

12. Lê Hồng Lý, Tìm hiểu lễ hội Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010.

13. Lê Hồng Lý (chủ biên), Nguyễn Thị Hương Liên, Lễ hội lịch sử ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, 2011.

Ths MAN KHÁNH QUỲNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;