Sáng 23-7 tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim Người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” giới thiệu và trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam di ảnh phục dựng chân dung của “10 cô gái Lam Hạ”. Đây là các hoạt động hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).
Phục dựng di ảnh chân dung của "10 cô gái Lam Hạ"
Những năm 1965 – 1967, địa bàn phường Lam Hạ (TP Phủ Lý - tỉnh Hà Nam hiện nay) là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, vì có tuyến đường sắt và đường bộ tiếp tế cho chiến trường miền Nam, với mục tiêu chính là 2 cây cầu bắc qua sông Châu dành cho ô tô, xe lửa và cống 7 cửa đập Lạc Tràng giữ nước cho 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Lam Hạ được coi như “Đồng Lộc” thứ 2 ở Việt Nam. Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17 đến 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh trong những năm 1966 - 1967…
Để tưởng nhớ và tri ân 10 nữ dân quân, từ năm 2016, nhà văn Đặng Vương Hưng và Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đã có những đề xuất: Tổ chức Hội thảo khoa học và đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Tiểu đội nữ dân quân Lam Hạ; phát động Cuộc vận động sáng tác văn - thơ - ca khúc và tượng đài “10 cô gái Lam Hạ”; tổ chức giao Giao lưu văn nghệ “10 cô gái Lam Hạ” với các nhân chứng lịch sử, cùng Lễ hội Tiếp lửa truyền thống thường niên; và nhiều hoạt động độc đáo vào dịp ngày giỗ chung của “10 cô gái Lam Hạ”. Các hoạt động nhằm xây dựng nơi đây trở thành địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Hà Nam… đến nay, nhiều nội dung của đề xuất nêu trên đã trở thành hiện thực.
Tổ chức “Trái tim Người lính”, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam di ảnh phục dựng chân dung của “10 cô gái Lam Hạ”
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), nhóm họa sĩ trẻ của “Trái tim Người lính Việt Nam” phối hợp với CLB “Mãi mãi tuổi 20” phục dựng màu cho di ảnh chân dung của “10 cô gái Lam Hạ” và một số liệt sĩ của CLB “Mãi mãi tuổi 20” để giới thiệu và trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Cũng trong sáng 23-7, Ban Tổ chức đã giới thiệu cuốn sách “Trở về trong giấc mơ” được Nxb Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 2. Cuốn sách được Nxb Hội Nhà văn xuất bản lần đầu năm 2005; tác phẩm tiếp tục được Nxb Công an nhân dân tái bản năm 2010.
Cuốn sách là câu chuyện cảm động về mối tình đẫm nước mắt của đôi trai tài - gái sắc một thời Hà Đông. Trước khi ra trận hy sinh, anh (Trần Minh Tiến) là một cầu thủ bóng đá của đội tuyển trẻ Hà Tây và Đội bóng Sư đoàn 308; còn chị (Lưu Liên) là một thiếu nữ xinh đẹp, diễn viên của Đoàn Văn công xung kích tỉnh Hà Tây. Hai người đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng, nhưng đứng trước sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc họ đã lựa chọn chia xa…
Bìa cuốn sách “Trở về trong giấc mơ” được Nxb Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 2
Điều đặc biệt là trong lần tái bản năm 2024, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật đã làm mới “Trở về trong giấc mơ” bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in các mã QR. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên được Nhà xuất bản ứng dụng chuyển đổi số phục vụ bạn đọc. Ngoài phần nhật ký, sách còn cung cấp thêm cho độc giả nội dung đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu là Vũ Thị Lưu Liên. Đó cũng chính là tác phẩm "Những lá thư tình đi qua chiến tranh", đã được Nxb Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2021.
Ban Tổ chức trao tặng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” cho Trường THCS Lương Văn Nắm, tỉnh Bắc Giang
Cũng trong dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Hội đồng họ Đặng Việt Nam trao tặng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” cho Trường THCS Lương Văn Nắm, tỉnh Bắc Giang với giá trị 100 triệu đồng. Đây là tủ sách thứ 3 được trao tại tỉnh Bắc Giang, đồng thời là Tủ sách thứ 14 được trao trên toàn quốc (kể từ tháng 11-2023).
THÁI AN – Ảnh: TRUNG KIÊN