“Màu ký ức” - Tọa đàm tưởng nhớ, tri ân các nhà báo liệt sĩ

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), sáng ngày 19-7-2024, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức chương trình “Màu ký ức” - Giao lưu, tọa đàm, tri ân các nhà báo liệt sĩ.

Quang cảnh buổi Tọa đàm - Ảnh: BTC

Tham dự Giao lưu, Tọa đàm có: Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải; nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Lê Quốc Trung, Hồ Quang Lợi; Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa.

Về phía Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL có: Chủ tịch Liên Chi hội, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa Phan Thanh Nam; Phó Chủ tịch Liên Chi hội, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà; Phó Chủ tịch Liên Chi hội, Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ quốc Nguyễn Thị Hoàng Lan cùng đông đảo đại biểu, hội viên tham dự.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân, tưởng nhớ đến các nhà báo anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung, cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.

Ông Phan Thanh Nam - Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm - Ảnh: Tuấn Minh

Phát biểu tại buổi tọa đàm ông Phan Thanh Nam - Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Với vai trò là những thư ký của thời đại, trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo Việt Nam đã cùng nhau viết nên những trang sử đầy tự hào của nền báo chí cách mạng nước nhà. Bảo tàng Báo chí Việt Nam - ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ và trưng bày trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ của nền báo chí Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay, đã trở thành điểm đến có sức thu hút với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, của đông đảo các thế hệ người làm báo nước nhà.

Tưởng nhớ những nhà báo - liệt sĩ, chương trình Giao lưu, Tọa đàm, tri ân với chủ đề “Màu ký ức” là một hoạt động ý nghĩa do các cán bộ, nhà báo đến từ Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL và Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp tổ chức.

Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu - Ảnh: Tuấn Minh

Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An chia sẻ về hành trình 15 năm đi tìm 511 đồng nghiệp là liệt sĩ - Ảnh: Tuấn Minh

PGS, TS Phan Tam Đồng, anh trai của nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ kể về quá trình hoạt động cách mạng và hoạt động báo chí của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Ảnh: Tuấn Minh

Trong chương trình, những câu chuyện mang màu ký ức đẹp và tự hào đã được các diễn giả, khách mời chia sẻ. Đó là những trao đổi về nghề từ nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam. Ông Lợi cho rằng các nhà báo trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là những chiến sĩ. Trải qua những cuộc kháng chiến trường chinh của đất nước, đã có hơn 500 nhà báo hy sinh trong quá trình tác nghiệp và cầm súng chiến đấu. Nói về việc làm báo ngày hôm nay ông chia sẻ: “Điều kiện làm báo ngày nay rất khác với trước đây và cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, song, tôi cho rằng lý tưởng, đạo đức, tâm thế làm nghề của báo chí cách mạng Việt Nam thì không bao giờ thay đổi. Các nhà báo thế hệ trước đã hy sinh thân mình cho dân tộc, nay chúng ta cần tiếp tục con đường vẻ vang đó…”.

Tại buổi Tọa đàm, những câu chuyện xúc động từ nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, người đã mất đi 2 người bạn học cùng khóa, 2 nhà báo đã hy sinh trong khi tác nghiệp ở biên giới phía Bắc và biên giới phía Nam, điều khiến từ đó ông ngày đêm miệt mài, dành 15 năm đi tìm danh tính hơn 500 đồng nghiệp là liệt sĩ. Ông chia sẻ thêm: Những day dứt, đau đáu về họ đã thôi thúc tôi phải viết về những nhà báo - liệt sĩ đã tận hiến, hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc thân yêu.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các khách mời, đại biểu và các phóng viên, nhà báo  cùng giao lưu, trò chuyện với gia đình nhà báo Luật sư Phan Tứ Kỳ - liệt sĩ hy sinh năm 1972 ở Quảng Trị.

Ông Hoàng Hà – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam những ấn phẩm của Tạp chí- Ảnh: BTC

Các đại biểu giao lưu và ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: BTC

Với chủ đề “Màu ký ức”, chương trình là lời tri ân sâu sắc của thế hệ những người cầm bút hôm nay với những nhà báo - liệt sĩ nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Lãnh đạo các cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam những ấn phẩm, hiện vật có ý nghĩa.

Trước đó, các hội viên, nhà báo Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL đã tham quan không gian trưng bày của Bảo tàng và dâng hoa tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ.

Các đại biểu dâng hoa tưởng niệm 512 nhà báo liệt sĩ - Ảnh: BTC

Các đại biểu tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ảnh: Tuấn Minh

Ảnh: BTC

HÙNG MẠNH

 

;