Phát triển văn hóa du lịch đang là động lực để Na Hang (Tuyên Quang) chuyển mình nhanh chóng, tạo điểm tựa vững chắc trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng của huyện.
Trung tâm thị trấn Na Hang - Ảnh: Trung Thành
Những điểm nhấn trên vùng đất có “Hạ Long trên núi”
Nếu ai lên Na Hang 5 năm trước, giờ trở lại, sẽ thật ngỡ ngàng bởi những thay đổi nhanh chóng của vùng đất này. Đầu tiên là thời gian đến với Na Hang đã được rút ngắn hơn 1 giờ. Điều mà ngay cả những người từng sống ở mảnh đất có “Hạ Long trên núi” này cũng không thể hình dung quãng hơn 5 năm trước.
Ấn tượng rõ nhất là những cung đường đến với Na Hang đã rộng mở. Không chỉ tuyến Hà Nội - Na Hang mà các kết nối với địa phương quanh vùng cũng đang được mở rộng. Điển hình là đoạn tuyến từ huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài khoảng 40km. Tuyến đường này khi kết nối với Na Hang sẽ tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch cho hồ Ba Bể và Na Hang. Nhất là khi Tuyên Quang và Bắc Kạn đang nỗ lực phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới.
Thủy điện Tuyên Quang - Ảnh: Trung Thành
Chủ tịch UBND huyện Na Hang Tô Viết Hiệp cho biết, đến thời điểm này, các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra đang dần thành hiện thực, trong đó mục tiêu phấn đấu từng bước xây dựng Na Hang trở thành trung tâm các huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang; đưa thị trấn Na Hang phát triển lên thành đô thị loại IV vào năm 2025. Đây cũng là cơ sở để thực hiện mục tiêu mũi nhọn đột phá - phát triển du lịch và dịch vụ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội phục vụ nhiệm vụ chính trị, dịp lễ, Tết và hưởng ứng khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang; đặc biệt chương trình nghệ thuật đặc sắc trong buổi khai mạc Lễ hội Hương sắc Na Hang với chủ đề “Lung linh huyền thoại hồ trên núi”, được Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh Tuyên Quang truyền hình trực tiếp tại Quảng trường Na Hang và tiếp sóng đến 20 Đài Phát thanh và Truyền hình trong nước. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo người dân cả nước.
Ảnh: Trung Thành
Những điểm nổi bật về hoạt động du lịch của Na Hang trong 6 tháng vừa qua: Tổ chức công bố Quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Quan làng của người Tày tỉnh Tuyên Quang”, công nhận Cây Di sản Việt Nam (2 cây nghiến 1000 năm Bản Bung, xã Thanh Tương); trải nghiệm, checkin, văn nghệ, thể thao, thưởng trà tại các địa điểm xã Hồng Thái, xã Năng Khả, trung tâm thị trấn Na Hang (chợ đêm, tuyến phố đi bộ, cây hạnh phúc, quảng trường...), khu Di tích quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình gắn với sản phẩm du lịch mới - Về nơi hát Then với dịch vụ du thuyền cao cấp; tổ chức thành công liên hoan dân vũ huyện Na Hang mở rộng năm 2024; hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc huyện Na Hang tại tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam…
Cùng với đó, các hoạt động dịch vụ du lịch cũng phát triển với đa dạng các sản phẩm. Chuẩn hóa các điểm bán hàng OCOP, điểm bán hàng Việt Nam và các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn huyện theo đúng quy định; tiếp tục tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trong việc đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, voso, shopee... tham gia trưng bày các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của địa phương tại chợ đêm Na Hang, tham gia các lễ hội, hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm. Các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bưu chính viễn thông… có bước phát triển; tiếp tục thực hiện dự án cấp điện cho các thôn vùng sâu, vùng xa…
Hoạt động văn hóa du lịch Na Hang - Ảnh: Trung Thành
Na Hang - địa chỉ thân thiện với du khách cả nước
Với những bước đi linh hoạt, toàn diện và chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tập thể lãnh đạo huyện Na Hang cũng xác định mũi nhọn đột phá là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang chia sẻ: Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế.
Đặc biệt, huyện đã xây dựng Quy chế quản lý và Phát triển chỉ dẫn địa lý chè Shan Tuyết Na Hang theo chuỗi giá trị; phát triển chỉ dẫn địa lý “Na Hang” cho sản phẩm rượu ngô men lá của huyện Na Hang; xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận: “Cá hồ Na Hang” và “Tôm hồ Na Hang” cho sản phẩm cá, tôm của huyện Na Hang; triển khai xây dựng dự án Bách khoa thư du lịch của huyện Na Hang; đề xuất thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, thúc đẩy, phát triển các sản phẩm từ cây chè Shan Tuyết và Mật ong trên địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hướng tới sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu”.
Cọc Vài giữa lòng hồ thủy điện Na Hang - Ảnh: Internet
Theo kế hoạch đề ra cho 6 tháng cuối năm 2024, Na Hang sẽ thực hiện 14 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển du lịch năm 2024; xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại Năng Khả, Hồng Thái, Thanh Tương; phát triển sản phẩm du lịch của địa phương đa dạng, độc đáo; hoàn thành xây dựng hình ảnh, mẫu mã sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của huyện... Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch; nâng cao dịch vụ phục vụ đón tiếp khách. Tiếp tục huy động nguồn lực, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch có tiềm năng phát triển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án du lịch trên địa bàn; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; tiếp tục trồng cây xanh, cây hoa, cải tạo, chỉnh trang không gian cảnh quan, đảm bảo xanh, sạch, đẹp hấp dẫn khách du lịch.
Chợ đêm - Ảnh: Internet
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân, cùng những kế hoạch mà Đảng bộ, UBND huyện Na Hang đã đề ra cho chặng đường còn lại của năm 2024, sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch Na Hang nói riêng sớm về đích trọn vẹn.
Minh chứng rõ nhất cho hướng đi đúng đắn mà huyện Na Hang đã lựa chọn là tên huyện Na Hang không còn lạ lẫm với các nhà đầu tư, du khách cả nước. Na Hang đã trở thành điểm đến và hình ảnh gắn với mảnh đất, con người Tuyên Quang, là một điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện.
PHƯƠNG HOA