Trang phục của người Mông ở xứ Thanh

Có dịp lên vùng núi phía Tây của xứ Thanh, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ta sẽ bị cuốn hút bởi sự mộc mạc, bình dị của thiên nhiên nơi vùng núi sơn cước và đặc biệt là vẻ đẹp trang phục dân tộc của người Mông. Từ trẻ em đến người già, đàn ông, phụ nữ đều mặc trên mình những bộ trang phục truyền thống do chính đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ làm nên.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông

Dân tộc Mông ở Thanh Hóa có gần 18 ngàn người, sinh sống ở 46 làng bản của 3 huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát. Với các ngành Mông Đen, Mông Trắng, Mông Xanh, Mông Hoa và 10 dòng họ sống đoàn kết bên nhau. Dân tộc Mông di cư vào Thanh Hóa khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX theo hai con đường: Từ Sơn La, Hòa Bình vào Thanh Hóa và một đường từ Điện Biên, Lào Cai sang Lào rồi từ Lào vào Thanh Hóa.

Trong quan niệm thẩm mỹ của người Mông, vẻ đẹp của người phụ nữ được phản ánh một phần qua trang phục: “Muốn biết người tốt xem gác bếp, muốn hay người đẹp xem áo quần”. Vậy nên, một người phụ nữ được xem là đẹp trước hết phải là người khéo tay thêu thùa, dệt vải, may vá... Nói cách khác, giỏi nghề dệt vải thêu hoa là một thước đo giá trị người phụ nữ Mông truyền thống. Có lẽ vì vậy mà so với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên rẻo cao cách trở, trang phục của người phụ nữ Mông tương đối cầu kỳ với những đường nét hoa văn sặc sỡ, với một số màu nổi như màu vàng, đỏ, xanh, trắng; chất liệu trang phục chủ yếu được dệt từ sợi lanh, in hoa văn bằng sáp ong. Đối với một bộ trang phục nữ hoàn chỉnh thường gồm: Áo xẻ ngực, váy xòe xếp ly, thắt lưng, xà cạp và mũ đội đầu… Trong đó, áo được trang trí với kỹ thuật đa dạng. Áo có cổ phía trước hình chữ V, hai bên được nẹp thêm vải màu. Phía sau là bức thêu họa hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất hài hòa, trang nhã. Hai ống tay áo thường được thêu những hoa văn với đường nét vằn ngang có đủ màu sắc từ nách đến cổ tay. Đây là nơi tập trung hoa văn nhiều nhất, làm nổi bật chiếc áo của người phụ nữ. Với nghệ thuật thêu chỉ màu, khâu chắp vải... những mảng màu hoa văn được phân bố hợp lý làm cho chiếc áo tươi sáng, hài hòa hơn. Váy của người phụ nữ Mông là váy kín có nhiều nếp gấp rộng. Khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy chàm, hoa văn được thêu, in và ghép thành từng tấm rất độc đáo. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của váy. Trang phục của người phụ nữ Mông không thể thiếu được lăng, là chiếc thắt lưng quấn ngang bụng nhằm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong bộ trang phục còn có “xế”, là tấm vải che trước váy và xà cạp cuốn chân.

Đối với trang phục của phụ nữ Mông Hoa và Mông Trắng, trên lưng áo có nhiều hoa văn hình học như hình vuông, hình chữ nhật, hình quả trám, xoáy ốc hay hình tròn... Còn trang phục của phụ nữ Mông Đen thì các họa tiết trang trí chỉ tập trung trên hai ống tay áo và phía trước ngực. Các hoa văn thường là hình bông hoa, hình vuông, hình chữ nhật và hình tam giác… Sự kết hợp hài hòa khéo léo trong bộ trang phục của người Mông đã tạo nên cho họ một sắc thái khỏe khoắn, bền bỉ, làm bừng lên sức sống mãnh liệt của những con người nơi núi rừng hoang vu. Mỗi loại trang phục đều mang vẻ đẹp độc đáo và riêng biệt, qua đó thể hiện sự đa dạng trong văn hóa của mỗi nhóm Mông trên địa bàn tỉnh Thanh. Cách bố cục và họa tiết trên trang phục của người Mông còn thể hiện sức sống, bản lĩnh của người Mông trước thiên nhiên.

Trang phục truyền thống của đàn ông người Mông

Trang phục đàn ông dân tộc Mông rất đơn giản với áo cổ tròn có đóng khuy trước ngực. Áo thường được may hai lớp vải để phù hợp khí hậu vùng cao, luôn mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Quần may kiểu chân què, cạp rộng, đũng quần thấp, ống lại rộng nên có nét riêng không pha trộn với dân tộc khác.

Nếu nhìn vào bộ trang phục nữ truyền thống của người Mông, sẽ thấy được những gam màu sặc sỡ. Màu chủ đạo trên nền họa tiết thường là các gam màu nóng biểu trưng cho sự ấm áp, no đủ và hạnh phúc. Còn bộ trang phục nam với ý nghĩa phản ánh cuộc sống thường nhật. Nam giới người Mông đi giày vải, đội mũ nồi. Chiếc mũ nồi là một bộ phận không thể thiếu trong bộ trang phục nam truyền thống của người Mông. Chiếc mũ nồi tạo cho đàn ông người Mông có một sắc thái riêng, không lẫn vào dân tộc khác. Ngoài tính thẩm mỹ thì mũ nồi rất phù hợp với điều kiện trời rét. Mũ  rất gọn nhẹ, linh hoạt khi vui chơi, di chuyển và lao động sản xuất. Khi đội mũ nồi, người ta thường đội hơi lệch về một bên, tôn vẻ phong cách của người đàn ông. Những lúc thổi khèn, chơi quay, phi ngựa, chiếc mũ vẫn bám chắc trên đầu mà không bị rơi ra, vì nó được thiết kế và đội đúng kỹ thuật.

Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử, người Mông dù cư trú ở vùng miền nào, vẫn có sự kế thừa truyền thống và tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa khác, phát triển theo chiều hướng riêng của mình và trở thành một bộ phận không tách rời trong nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Lê Hường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;