Người Cor với tiếng kèn amáp mùa Xuân

Hằng năm, mỗi độ Tết đến Xuân về, những âm thanh của amáp lại rung lên. Thứ âm thanh ấy rất đặc trưng, nghe réo vang, như trải lòng mình, tươi sáng và giản dị như tâm hồn của người Cor huyện vùng cao Bắc Trà My (Quảng Nam).

 Bà Hồ Thị Lương (81 tuổi) và Hồ Thị Ca (78 tuổi) là hai phụ nữ dân tộc Cor lớn tuổi ở thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) với kèn làm từ cây a máp.

Được biết, amáp là tên do người Cor định danh và là loại cây mọc khắp nơi trên các sườn đồi, dưới những thung lũng nhỏ, nơi đồng bào Cor huyện Bắc Trà My định cư lâu đời. Còn người Kinh (Việt) gọi  amáp là cây dương xỉ. Để làm một chiếc kèn amáp không phải quá cầu kỳ nên không một phụ nữ dân tộc Cor nào không biết làm loại nhạc cụ này. Những thân cây amáp già, thẳng được chọn để làm kèn. Nhiều khi làm cả trên mười cái, mới chọn được một cái kèn amáp tương đối vừa ý. Thân cây amáp được chọn làm kèn, sẽ được người Cor hơ qua lửa để bỏ phần lõi bên trong. Kèn amáp dài gần 2 gang tay (30-35cm), được bịt kín một đầu, dùng dao sắc bén khứa mỏng ở phía đầu bịt kín, tạo lưỡi gà dài khoảng 1 đốt ngón tay (2 cm), để khi thổi, hơi sẽ làm lưỡi gà rung lên, tạo nên những âm thanh rất đặc trưng của loại nhạc cụ này.

Ngoài cây amáp, ở vùng người Cor còn có cây lông bông chỉ lớn bằng đầu chiếc đũa ăn cơm, cũng được phụ nữ Cor chế tác thành amáp để thổi. Cây lông bông, có dáng gần giống cây amáp nhưng ống của nó nhỏ hơn. Người Cor thường dùng cây này cắt ra, làm ống uống rượu cần, người Cor gọi là ống triêng. Phía đầu (gốc) cây lông bông được bịt kín bằng sáp ong, có lưỡi gà, còn đầu kia để trống. Amáp loại nhỏ này, dài khoảng hơn gang tay (25-30cm) thường dành cho các em gái Cor mới lớn. Tuy cách làm kèn amáp tương đối đơn giản nhưng để làm được một cái kèn amáp hay, hội đủ các yếu tố về cung bậc, âm thanh trầm, trung, cao và trên hết là trong đến độ chuẩn rất khó, không phải người phụ nữ dân tộc Cor nào nơi đây cũng làm được. Hiện nay, ở huyện vùng cao Bắc Trà My, ít người biết làm nhạc cụ này.

Những thiếu nữ Cor huyện vùng cao Bắc Trà My với chiếc kèn amáp làm từ cây lông bông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ lâu tiếng amáp là người bạn đồng hành với người phụ nữ Cor để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và xua tan mọi nỗi ưu tư, phiền muộn, bỏ lại sau lưng những vất vả, tạm quên đi những bon chen, khó nhọc của cuộc sống thường ngày. Chẳng thế mà kèn amáp chỉ dành riêng cho phụ nữ Cor, có thể một hoặc hai người cùng thổi. Nếu một người sử dụng thì lấy hai tay úp vào nhau ở lỗ thoát hơi làm hộp cộng hưởng, sau đó hai tay mở ra, úp lại tạo thành các âm thanh khác nhau. Nếu hai người sử dụng thì người này thổi một đầu kèn, người kia ngậm vào đầu kèn còn lại, dùng miệng làm hộp cộng hưởng. Người làm hộp cộng hưởng là người hát. Song khi tiếng amáp phát ra, không phải ai cũng hiểu vì âm thanh có sự hòa trộn giữa tiếng người thổi, tạo nên âm điệu hết sức đặc biệt chỉ người trong cuộc và người có kinh nghiệm mới thấu hiểu tiếng kèn amáp muốn biểu đạt điều gì...

Theo quan niệm của người Cor, khi mùa Xuân về, tiếng amáp là tiếng lòng của người phụ nữ Cor. Tiếng kèn amáp cất lên hòa với tiếng vi vu của gió ngàn giữa núi rừng hoang sơ, giữa thiên nhiên mơn mởn căng tràn sức sống mang lại cho người Cor sự thanh thản trong tâm hồn, bỏ lại sau lưng những vất vả và tạm quên đi những bon chen, khó nhọc của cuộc sống thường ngày... Tuy nhiên, muốn học được loại nhạc cụ này phải tính bằng năm. Dù chỉ một ống nhỏ làm từ cây đót nhưng để sử dụng thành thạo nó không dễ chút nào. Cần có tình yêu, sự kiên trì và sự tinh tế mới hiểu được lòng người qua hơi thổi.

Mùa Xuân, giữa rừng núi thâm u của huyện Bắc Trà My, amáp gửi gắm muôn ngàn tình thương là dù xa xôi. Âm thanh của amáp như tiếng gió rì rào xuyên qua kẽ lá, có lúc lảnh lót, lúc dịu êm như tiếng suối ngàn, lúc vút cao như đuổi theo cánh chim chèo bẻo trên đỉnh núi Răng Cưa, nơi phân chia gianh giới vùng người Cor Quảng Nam và vùng người Cor (huyện Trà Bồng). Vùng sơn cước Bắc Trà My, từ lâu vẫn còn đó những nét hoang sơ với những ngôi nhà sàn ẩn mình trong sương sớm. Người Cor nơi đây vẫn đi rẫy, làm nương, đi rừng săn bắn, hái măng, khai thác mật ong rừng,...

Hiện nay, nhạc cụ amáp có nguy cơ bị thất truyền, khi những nghệ nhân dân tộc Cor lớn tuổi lần lượt qua đời. Nhưng khi Tết đến Xuân về, vẫn còn những người phụ nữ Cor, vì yêu quá tiếng  amáp, thỉnh thoảng lại tự chế tác  cho mình một cái kèn, như để cố níu giữ những hoài niệm về một thời xa xưa. Âm thanh của amáp tươi sáng và giản dị như tâm hồn của người Cor nơi đây. Amáp tuy đơn sơ mà hết sức độc đáo, góp thêm sắc thái văn hóa của đồng bào vùng cao Bắc Trà My (Quảng Nam).

Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;