Vị “lưỡng quốc trạng nguyên” tài đức vẹn toàn

Áo thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực tại văn chỉ Thế Trụ, xã Nghĩa Hương, Quốc Oai, Hà Nội.

Nguyễn Trực (1417-1474) người làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng - cả ông (Nguyễn Bính) và cha (Nguyễn Thì Trung) đều đỗ Tiến sĩ nên phát huy “nết nhà”, từ thuở bé, Nguyễn Trực nổi tiếng thông minh, ham đọc sách. Hơn 10 tuổi, Nguyễn Trực đã nức danh văn hay. Năm 17 tuổi (1434), ông đỗ đầu kỳ thi Hương ở Sơn Tây. Năm 25 tuổi, ông thi đỗ Trạng nguyên (khoa thi năm 1442 do Nguyễn Trãi làm chủ khảo): “Tháng 3, thi hội các nhân sĩ trong nước, cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc ba người đỗ Tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân. Lại sai dựng bia làm văn đề tên. Tiến sĩ được dựng bia ghi tên bắt đầu từ đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư, nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr 577).

Đương thời, Nguyễn Trực được bổ làm Trực học sĩ viện Hàn lâm kiêm Võ kỵ úy, rồi An phủ sứ Nam Sách; về triều nhận chức Thị giảng kiêm Ngự tiền học sinh cục thứ hai viện Hàn lâm trước khi làm Trung thư thị lang ở sảnh Trung thư.

Nguyễn Trực từng vâng mệnh vua đi sứ nhà Minh, gặp khoa thi trên đất Bắc cũng thử sức, lại đỗ Trạng nguyên nên được gọi “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Năm 1445, nhà có việc tang, Nguyễn Trực xin về làng. Sau khi hết tang, ông được giao bút đàm với sứ nhà Minh là Hoàng Gián lúc bấy giờ đang ở Đại Việt. Ông họa thư lưu biệt sứ nhà Minh 50 vần, rất được khen ngợi.

Nguyễn Trực được vua Lê Nhân Tông quý trọng đến mức nhà vua đã sai thợ vẽ về nhà ông rồi vẽ truyền thần rồi để họa phẩm này cạnh ngai vàng tỏ ý lúc nào cũng nhớ đến ông. Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi (1460), ông càng được trọng vọng, được bổ Tuyên phụng đại sư, Trung thư lệnh, coi việc ba quán. Ông có đến mấy lần xin cáo quan về quê nhưng không được chấp thuận.

Có thể nói, “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Nguyễn Trực là vị quan tài đức vẹn toàn. Và nói về vị Trạng nguyên đầu tiên của nhà Lê Sơ, thiết tưởng không thể không nhắc tới lời văn trong bài thi Đình năm 1442 gắn với tên tuổi ông vẫn còn vang vọng hậu thế: “Thần nghe nói: Xưa nay, bậc Thánh nhân trị nước, dẫu sự nghiệp có khác nhau nhưng tấm lòng của họ trước sau vẫn là một. Tiến cử người quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc Thánh nhân trị nước. Còn như người quân tử bị lui bỏ mà kẻ tiểu nhân được tiến cử thì đâu phải là nguyện vọng của Thánh nhân. Xem như đời Đường Ngu, đức sáng lớn lao mà không khinh suất trong việc dùng người: Đặt quan chỉ dùng người giỏi, trao việc chỉ chọn tài năng cũng như mục đích tìm người giỏi, dùng người tài của triều ta đều là phép dùng người quân tử, trừ bỏ tiểu nhân vậy? (…) Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sĩ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường, đặt vua vào chỗ không lầm lỗi. Cho nên, Mạnh Tử nói: Không thể chỉ trách cứ người mình dùng, không thể chỉ chê bai việc chính sự. Duy bậc Đại nhân mới biết sửa lỗi lầm của vua. Vua có nhân, không ai không có nhân; vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên” (Hoàng Hưng dịch)…

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

;