Trầm hương trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt

Ngày nay, trầm hương và kỳ nam (loại trầm hương tốt nhất, đã dần chuyển tính chất từ gỗ sang đá) của Việt Nam rất được ưa chuộng và nổi tiếng trên toàn thế giới. Nghệ thuật thưởng trầm (nghệ thuật thưởng thức trầm hương) của người Việt cũng có lịch sử hàng nghìn năm như các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… nhưng còn nhiều người Việt chưa biết tới. Bao quanh giá trị vật thể của trầm hương còn là một không gian văn hóa rất rộng lớn và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, ẩm thực, y học, nghệ thuật, kiến trúc… Tuy nhiên, trong tất cả các yếu tố ấy thì công dụng quan trọng nhất, dễ nhận ra nhất, được trân trọng nhất của trầm hương đối với người Việt từ xưa tới nay (và nhiều dân tộc khác trên thế giới) chính là sử dụng trong các tôn giáo, tín ngưỡng từ cấp quốc gia cho tới tế tự trong từng gia đình người Việt.

1. Mùi hương trầm trong các tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt

Trầm hương trước hết được dùng để làm hương (nhang), bởi vậy người ta thường đồng nhất hương trầm và trầm hương là vì thế. Tuy nhiên, hương trầm tức là trong hương có trầm là chính (làm hương truyền thống đều lấy từ thảo mộc, có khoảng 36 vị) còn trầm hương tức là nói tới hương 100% là trầm. Không ai rõ là hương trầm có từ bao giờ, cũng không ai có thể biết tường tận là loài người (bao gồm cả người Việt) biết dùng trầm, biết làm hương từ bao giờ; chỉ biết được rằng ít nhất cũng cách ngày nay khoảng 4.000-5.000 năm. Trầm hương chỉ tỏa hương khi được đốt cháy (do tính chất quý hiếm của kỳ nam thì nên rất ít khi dùng để đốt mà có các công dụng khác). Làn khói trắng và mùi hương trầm chắc chắn cũng có liên hệ với quan niệm về con người, về lửa, về linh hồn, về cuộc sống sau cái chết… Ngày nay, không còn nhiều khó khăn trong việc thưởng thức mùi hương trầm và thực sự rất khó để mô tả mùi hương bằng con chữ nhưng phủ lên trên mùi hương này là sự thiêng liêng, cao quý, một mùi hương “chân thật” và không bị pha tạp hay bị lẫn lộn với mùi hương nào khác.

Đối với các tôn giáo, tín ngưỡng của loài người thì những vấn đề như: thiên đường - địa ngục, cuộc sống sau cái chết, linh hồn, nghiệp báo, luân hồi, niết bàn, trường sinh bất lão, thiện - ác… đều là những vấn đề lớn mà khoa học chưa giải thích được tường tận. Bởi vậy, con người cho rằng tồn tại những thế lực siêu nhiên có quyền định đoạt số phận của con người, số phận của loài người. Con người e sợ những gì mà họ chưa biết nên thờ phụng, tế tự… để mong được sự chở che của thế giới siêu nhiên. Đa phần mọi tôn giáo lớn, tín ngưỡng đều khuyên con người hướng thiện thì sẽ được hưởng phúc, đều thờ cúng những vị Phật, Chúa, Tiên, Thánh, anh hùng dân tộc, người có công… Trước những thế lực siêu nhiên này, con người đều cho rằng, họ có thể hiểu mọi suy nghĩ, biết trước tương lai nên khi cầu xin những điều tốt đẹp con người luôn thành thật, không dám nói dối. Vậy mà điểm tương đồng của loài người nói chung là sử dụng trầm hương với mùi thơm thanh khiết cùng làn khói trắng linh thiêng, trầm hương sẽ kết nối con người trần thế với thế giới bên trên. Trầm hương như một chất dẫn, kết nối được ý thức của loài người theo làn khói trắng, mùi hương thơm đến vũ trụ, đến các bậc tiền hiền. Trong các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… với nhiều tín đồ trên khắp thế giới, tại sao lại đều dùng trầm hương trong nghi lễ là điều khó giải thích, nhưng có lẽ mùi hương và làn khói trầm hương là một mẫu số chung của loài người đối với các nghi lễ mang tính tôn giáo, tâm linh.

 Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng cùng tồn tại, từ những tôn giáo, tín ngưỡng sơ khai đến hiện đại, từ phương Đông đến phương Tây đều có ở Việt Nam. Ba tôn giáo thế giới: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và một số tôn giáo của khu vực (Khổng giáo, Lão giáo) đã và đang tồn tại, tiếp biến, hòa nhập vào các tôn giáo nội sinh và tín ngưỡng bản địa. Nhưng dù đời sống tôn giáo, tín ngưỡng có phong phú, đa dạng như thế nào thì “trong tâm thức người Việt Nam vẫn coi trọng nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên” (1). Hương trầm đã gắn bó với văn hóa dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Trước hết là trong các nghi lễ vòng đời của người Việt từ lễ đầy tháng, lễ đầy năm của trẻ em, lễ trưởng thành, lễ kết hôn và nghi lễ tang ma thì nén hương trầm là bắt buộc phải có để dâng lên tổ tiên và các vị thần linh. Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên tồn tại ở ba cấp độ: “gia đình - họ tộc, làng xã, quốc gia với nhiều khâu, nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Nhưng cả ba đã trở thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ, nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau. Nó phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân với cộng đồng, gia đình với Tổ quốc” (2). Hằng tháng, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dù giản dị nhưng cũng không thể thiếu được nén hương trầm. Dù người nghèo hay người giàu thì bàn thờ tổ luôn được chăm sóc đặc biệt và đặt ở vị trí tốt nhất trong ngôi nhà. Trên ngai thờ đều có “lư hương, cây nến, bình hoa và ống hương…” (3). Ở đền, chùa, miếu, nhà thờ… (các cơ sở tâm linh) cũng đều có hương án. Đối với một quốc gia có chế độ phong kiến hàng nghìn năm, chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo cũng có những tế đàn (đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao), nơi thờ tự (Thái Miếu, Lăng Tẩm…) từ cấp quốc gia, cấp địa phương tới gia tộc, gia đình. Vào những dịp lễ, Tết các cơ sở tâm linh ở Việt Nam đón tiếp hàng chục triệu lượt người đến thăm viếng. Có lẽ đến một thời điểm nào đó, cũng cần phải tiêu chuẩn hóa các loại hương, nhang ở Việt Nam, bởi vì ngay cả chúng ta cũng không hiếm gặp các loại hương, nhang kém chất lượng, được làm từ mùn cưa, hóa chất độc hại. Ngay cả những loại hương có “lộc” dùng tại gia đình cũng sử dụng nhiều loại axit không tốt cho sức khỏe. Những loại hương, nhang kém chất lượng không có giá trị cả về mặt tâm linh (những loại hương đến con người còn không ngửi được thì liệu có “khả năng” kết nối với thế giới tâm linh hay không?) và sức khỏe (khi ngửi mùi hương toàn là hóa chất, axit… sẽ gây ra nhiều bệnh tật cho con người).

2. Nghề làm hương trầm truyền thống của người Việt

Nghề làm hương truyền thống cũng là một nghề thủ công đặc biệt, đã và đang tồn tại lâu dài cùng văn hóa Việt Nam. Dù sử sách không ghi lại rõ nhưng tập tục đốt hương bày tỏ lòng tôn kính trong dịp giỗ, Tết, ước tính đã có từ thời kỳ người Việt cổ. Hương được chia thành nhiều loại theo thành phần nguyên liệu như: hương trầm, hương xạ, hương bài… và theo hình thức như: hương nén, hương thẻ, hương vòng. Để làm ra hương phải có bột để se hương lấy từ thảo mộc, trong đó “hương liệu làm hương tốt nhất là trầm” (4). Sau khi bột được se thì cần có chất keo kết dính và chất tăng độ cháy. Chất keo để liên kết bột se hương lấy từ vỏ cây rè-rớt có nhiều ở rừng núi Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh hoặc lấy từ cây bời lời có nhiều ở Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum. Keo bời lời tương truyền được người Chăm sử dụng trong xây dựng các đền thờ, cung điện, lăng tẩm. Cây bời lời được trồng từ 5-7 năm, lột lấy vỏ, phơi khô rồi nghiền nhỏ mịn như cám rồi lấy nước trộn với bột trầm đã nghiền để làm nhang. Tăm hương thường được làm từ nứa, được phơi khô và nhuộm màu đỏ, hồng hoặc xanh lục để làm tăng vẻ đẹp của nén hương. Hương được se thông qua cách lăn trên bàn bột hương rồi mang đi phơi khô. Mùa mưa không phơi được sẽ phải dùng lò để sấy. Hương trầm đắt tiền, quý giá nên phù hợp với cung son, điện ngọc, lầu son, gác tía, chốn thị thành; còn ở vùng nông thôn ưa dùng hương nhựa trám. Còn có loại hương đặc biệt là hương tăm, hương thanh. Hương tăm, hương thanh “được làm nhỏ và ngắn, đóng vào trong hộp. Hương thanh, hương tăm không có tăm hương, được làm ra chủ yếu từ bột trầm. Có người gọi là hương trầm” (5). Hương này không dùng cách cắm vào bát hương mà được đặt trong các lư đồng, lư gốm, lư đá, lư gỗ, có mùi hương rất đặc sắc. Những nơi làm hương nổi tiếng là xã Bảo Khê, Hưng Yên; Hà Nội; Thanh Hóa; Huế; TP. HCM. Một cách nghiêm túc mà nói, những nghề thủ công mỹ nghệ của người Việt tuy giản dị, đơn sơ nhưng không đơn giản. Tuy nhiên, vẫn cần cực lực phản đối việc dùng hóa chất để làm hương, vừa có hại cho sức khỏe, vừa hạ thấp giá trị cao đẹp của phong tục dùng hương, nhang của người Việt.

Con người thiếu thức ăn có thể sống được nhiều ngày, thiếu nước uống có thể chịu được khoảng 3 ngày nhưng không thể thiếu được không khí được quá 5 phút. Do đó, không khí sạch rất quan trọng. Ngoài giá trị tâm linh, khi được đốt lên trầm hương còn có tác dụng làm sạch không khí, viên thông diệu giác, tăng cường sức khỏe. Khi phân lập mùi hương của trầm hương Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy hàng trăm hoạt chất tự nhiên. Trong đó chủ yếu là 5 chất hóa học thiên nhiên chính, có lợi cho sức khỏe, cho hơi thở của con người là: Jinko - eremol (mùi trầm hương, có tác dụng thư giãn đầu óc, làm sạch), Delta - guaien (gây hưng phấn, tăng cường sự tập trung), Beta - seline, Alpha - bulnesen, Curcubitacin. Bởi vậy, trầm hương còn là một nguồn dược liệu quý giá (6).

3. Trầm hương trong các nghi lễ tín ngưỡng quan trọng của người Việt

Trầm hương trong tín ngưỡng thờ trời, đất của người Việt

Trong hàng nghìn năm phong kiến ở Việt Nam, thì lễ tế Nam Giao và lễ Tịch Điền là những lễ tế quan trọng nhất, lớn nhất ở tầm quốc gia, đặc biệt là với một nền văn hóa gắn với nông nghiệp như Việt Nam. Theo chế độ quân chủ thì vua (hoàng đế, thiên tử), vua thay trời cai trị dân. Vua cũng phải thờ cúng tổ tiên của mình mà “tổ tiên cao nhất của vua là trời nên vua phải tế lễ trời trọng thể, tế Nam Giao” (7). Đây chính là yếu tố tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ trời của người Việt, ngay cả khi tiếp xúc với tam giáo: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo thì tín ngưỡng thờ trời của người Việt vẫn là nền tảng và không xung đột với các tôn giáo kia. Ở Việt Nam trước kia, vương triều nào cũng có đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc để làm tế lễ trời, đất nhưng hiện nay chỉ còn đàn Nam Giao của triều Nguyễn là còn nguyên vẹn. Trước khi tế trời, vua phải trai giới cùng các quan đại thần. Lễ tế đàn Nam Giao nhằm cầu mong cho đất nước mưa thuận, gió hòa, ổn định và phát triển, ban cho triều đại và thần dân của vua hạnh phúc, thịnh vượng và thái bình. Lễ tế Nam Giao diễn ra ba năm một lần vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu hoặc khi đất nước gặp nạn: hạn hán, mất mùa, giặc ngoại xâm…; các buổi tế lễ đều “dâng trầm hương, rượu, ngọc, lụa, thức ăn đều có đi kèm các điệu vũ và âm nhạc” (8). Đối với người Việt, bước đầu tiên trong các nghi lễ là dâng hương, đặc biệt là trầm hương. Trong bài tụng Điềm Lành lễ Nam Giao có đoạn: “Chúng tôi dâng lên các ngài theo tục lệ cổ xưa/ Chúng tôi tẩm hương thơm để dâng lên các ngài/ Với tấm lòng thành kính” (9). Bài tụng Sự Trường Tồn có đoạn mở đầu: “Trong hương khói thơm lừng các ngài hiển hiện/ Chúng tôi chỉ kinh thán chiêm ngưỡng không hiểu được lẽ huyền bí” (10)… Trong tín ngưỡng thờ trời của người Việt còn có một giai thoại rất hay và liên quan chặt chẽ đến trầm hương, đó là truyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt được ghi lại trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và sau này được nhà văn Lưu Quang Vũ biên kịch lại.

“Xã Liêu Hạ, huyện Đường Hào có đền thờ Đế Thích, do Mạc Ngọc Liễn, Đà quốc công nhà Mạc sửa chữa lại. Bản triều, năm Hoằng Định thứ 6 (1605)... Trong văn bia nói: Đời vua thứ 3 triều nhà Lý, năm Long Thụy thứ 2, hương cổ Liêu có người tên là Trương Ba, 3 đời làm điều lành, hay uống rượu, đánh cờ rất cao, khắp nước không ai có thể đối địch được, bèn sang Trung Quốc, gặp ông già tên là Kỵ Như, cũng nổi tiếng cao cờ. Hai người kết bạn, dắt nhau về hương Cổ Liêu... Một hôm Trương Ba bảo Kỵ Như rằng cùng tìm Đế Thích để đánh cờ… Được mấy hôm, hai người đương đánh cờ, thấy một ông già gầy còm, áo rách, nón nan chống gậy đi đến, bảo hai người rằng: “Tôi từ phương xa, nghe nói ở đây đánh cờ vui lắm, cũng muốn thử tài một ván chơi”. Kỵ Như đẩy bàn cờ, bảo Trương Ba đấu cờ với ông già ấy, mới đi được năm ba nước, Trương Ba không thể nào đối địch được, liền chắp tay hỏi rằng: “Tiên ông ở đâu đến đây? Nước cờ rất cao, xin tiên ông cho biết rõ họ tên, để chúng tôi được vâng lời dạy bảo”. Ông già cũng chắp tay hồi lâu nói: “Nhà tôi ở thượng giới, cung trời thứ 33, tôi là Đế Thích đây”. Hai người nghe nói rất sợ hãi, đều sụp lạy năm lạy, rồi dâng mía ngọt và chuối tiêu. Đế Thích tiên vương cảm lòng thành, lấy ba thứ hương trong tay áo là trầm hương, đàn hương và giáng chân hương trao cho và dặn bảo rằng: “Sau này nếu có tai nạn gì, nên đốt hương này, tôi sẽ đên cứu… Sau khi hai người đều bị bệnh mất, người nhà nhớ lại việc này, bèn lấy hương đốt, được chốc lát thì Đế Thích giáng lâm... Hai người được sống lại, bèn lập đền miếu phụng thờ Đế Thích cùng các quan tam phủ, trấn giữ phương càn hương Gỗ Liêu, người trong hương hàng năm theo thời tiết đem hương hoa trai khiết phụng thờ, cầu đảo có phần linh ứng” (11). Đế Thích chính là Ngọc Hoàng Thượng Đế trong Đạo giáo, hay ông trời trong tín ngưỡng thờ trời của người Việt. Qua truyện cổ này, chúng ta thấy được rằng, về mặt lịch sử, đến triều Lý, người Việt ta đã sử dụng trầm hương phổ biến hơn. Về mặt tín ngưỡng, trầm hương được ông trời ban cho Trương Ba (người trần) và Trương Ba cũng chỉ kết nối được với các vị thần linh thông qua việc đốt những loại hương quý. Truyện cổ này gắn với sự tích Đền Thiên Đế tại Yên Mỹ, Hưng Yên ngày nay. Đạo giáo ở Việt Nam cũng có những điểm khác biệt với Đạo giáo ở Trung Quốc, dù đều thờ phụng các vị thần tiên nhưng các vị thần tiên đấy lại khác nhau. Đạo giáo Việt Nam cũng có những bùa chú, phép thuật, gọi hồn… nhưng hệ thống thần tiên đều là người Việt, ít thờ các vị thần Trung Quốc. Đó là những vị như: Chử Đồng Tử, Áp lãng chân nhân, Thông huyền chân nhân, Na Sơn chân nhân, Giáng Hương tiên tử, Giáng Kiều tiên tử, Từ Thức, Tú Uyên… (12).

Lễ Tịch Điền diễn ra một năm một lần, đầu năm chọn ngày lành tháng tốt “đích thân nhà vua phải tiến hành lễ Tịch Điền, bầy hương án ra ruộng cùng các quan và hoàng tử bái tạ trời đất, sau đó ngài sẽ cày những đường cày đầu tiên” (13). Lễ Tịch Điền có ý nghĩa rất quan trọng với xã hội nông nghiệp, cầu cho mùa màng bội thu, thể hiện sự quan tâm của nhà vua với nông nghiệp, đây cũng là một hình thức thờ đất. Ngày nay, lễ Tịch Điền được khôi phục, vào dịp đầu năm Chủ tịch nước thường là người cử hành lễ Tịch Điền.

Trầm hương trong nghi lễ thờ các vị thần thánh, nghi lễ vòng đời của người Việt

Ngoài tín ngưỡng thờ trời, thờ đất, người Việt còn có tín ngưỡng thờ mẫu, tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, tín ngưỡng thờ các vị anh hùng dân tộc, tín ngưỡng thờ thành hoàng… cùng với các tôn giáo như: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo… thì trong phần lễ nào đi nữa cũng đều có dâng hương, mà tốt nhất là loại hương trầm. Như vậy, trầm hương gắn bó mật thiết đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Phải chăng vì quá đỗi quen thuộc nên trầm hương chưa trở thành đối tượng nghiên cứu sâu của các ngành văn hóa học, sử học…?

Tại các cơ sở tôn giáo như chùa, đình, đền, miếu, hương trầm - trầm hương được sử dụng hằng ngày mang tính chất trang nghiêm, thành kính. Trong cung điện của vua, chúa trước kia đều có vườn thượng uyển, là nơi sưu tầm các loại kỳ hoa, dị thảo, cổ mộc, quái thạch (hoa thơm, cỏ lạ, cây cổ, đá quái), những người thợ chăm sóc đều được học nghề tại Trung Quốc hoặc nghệ nhân Trung Quốc được thuê sang chăm sóc vườn. Quan lại ở địa phương có nhiệm vụ cống nạp những cống vật này thường niên. Thật lạ nếu như không có các khối trầm hương, kỳ nam trong vườn thượng uyển ở chốn cung đình. Ở Hà Nội, hiện nay vẫn còn có địa danh là núi Trầm (Tử Trầm Sơn) ở huyện Chương Mỹ. Xưa kia là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Về tên gọi của núi Trầm, chùa Trầm còn nhiều tranh cãi nhưng đều liên quan tới trầm hương. Có thể là hành cung của vua, chúa nên trầm hương được sử dụng hằng ngày, vì vậy được gọi là núi trầm, hoặc do mùi trầm hương tỏa ra từ ngôi chùa Vô Vi cổ kính được xây dựng từ năm 1515, hoặc do nơi đây có nhiều người Chăm sinh sống với nghề làm hương trầm nổi tiếng nên ngọn núi này có tính thiêng liêng, do vậy được đặt tên là núi Trầm.

Trầm hương khi đốt lên sẽ cháy hết, chỉ còn lại tàn nhang nhưng người Việt, văn hóa Việt và trầm hương có mối quan hệ khăng khít. Tính ra trong một năm, người Việt Nam bình thường dùng hương trầm trong rất nhiều dịp, bao phủ lên những “nghi lễ vòng đời” của người Việt từ khi sinh ra cho đến khi mất đi nhưng đều thể hiện tính chân, thiện, mĩ trong đời sống tâm linh khi dâng hương, dâng hoa lên trời, đất, các vị thần linh và tổ tiên của mình. Tại mỗi gia đình, hương trầm - trầm hương, được thắp hằng ngày nếu có thờ thần tài, thắp vào dịp cuối tháng và giữa tháng theo âm lịch, các dịp lễ, Tết như Tết Nguyên đán, tiết thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, lễ xá tội vong nhân hoặc các dịp có ý nghĩa khác. Rồi hương trầm còn được sử dụng trong lễ đầy tháng bé, các sự kiện quan trọng trong đời người như dựng vợ gả chồng, xây nhà, tậu xe… và khi mất đi, trong tang ma và giỗ chạp. Nghi lễ tang ma của người Việt cũng được quan tâm rất lớn vì người Việt cho rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”. Các nghi lễ trong lễ tang thường được quy định theo như cuốn Thọ mai gia lễ, học tập các nghi lễ của người Trung Quốc với những quy định rất phức tạp và phiền toái. Sau dần mới được lược bỏ bớt đi nhưng không bao giờ thiếu được hương trầm trong việc cúng tuần đầu, 50 ngày, 100 ngày và các dịp giỗ. Đối với những người bình dân, sau khi chết những ngôi mộ cũng không to lớn, xương được xếp trong những tiểu sành. Tuy nhiên với vua, chúa, quan lại cao cấp thì họ thường có những lăng, mộ lớn với nhà cửa, cung điện, tượng quân hầu, ngựa, voi theo quan điểm “trần sao âm vậy” như lăng Vua Minh Mạng, Vua Tự Đức, Vua Khải Định…

Trầm hương không thể thiếu khi ướp thi hài các vị đế vương, hoàng tộc, công hầu, được ghi chép lại như sau: “Năm 1958, Bộ Văn hóa cũng đã khai quật được ba ngôi mộ cổ ở Thanh Hóa và ở Thái Bình. Qua các di vật trong mộ, người ta biết đây là ba bà chúa đã sống thời vua Lê, chúa Trịnh cách đây khoảng 200-300 năm… Trong một xác chết người ta ngửi thấy mùi thơm của nhựa thông, mùi trầm… Sau khi cho tẩm lại xác năm lần, mùi thơm vẫn chưa hết” (14).

Ban đầu, mộ của người Việt có hình thức mộ thuyền phổ biến từ thời văn hóa Đông Sơn, là những thân cây khoét rỗng. Mộ thuyền phân bố ở “Việt Nam, Nam Trung Hoa và một số khu vực ở Đông Nam Á… Cách thức mai táng này thể hiện thế ứng xử với điều kiện môi trường tự nhiên khu biệt và mối quan hệ nhiều chiều với văn hóa khu vực Đông Nam Á” (15). Sau hình thức mộ thuyền là hình thức mộ quách hình cũi, được coi là sự tiếp nối kỹ thuật chế tác quan tài mộ thuyền Đông Sơn, có niên đại thời Đông Hán. Dựa vào cấu trúc nhiều khoang giống như: “mộ gạch của quách gỗ và bộ đồ tùy táng di vật Hán chôn theo như gương, âu, đỉnh đồng, hũ… cũng như niên đại xuất hiện của loại mộ này là từ đầu Công nguyên đến thế kỷ II - III” (16) nên chủ nhân của loại hình mộ này có thể là người Hán bị Việt hóa hoặc một số quý tộc người Việt bị Hán hóa. Sự xuất hiện của lư đồng cho thấy có thể người Việt khi đó đã sử dụng trầm hương. Trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, mộ táng của người Việt bắt đầu bị ảnh hưởng bởi người Hán. Mộ gạch (còn gọi là mộ Hán) “phân bố tập trung ở những vùng vốn là trung tâm các lỵ, sở, quận cai trị của chính quyền phong kiến phương Bắc và nằm trên các trục giao thông thủy bộ chính lúc bấy giờ. Bắc Ninh, Bắc Giang là nơi tập trung mộ gạch đậm đặc nhất… Mộ gạch xa nhất về phía nam hiện nay được ghi nhận ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình” (17). Chủ nhân của mộ gạch (điển hình của văn hóa Hán) là những quan lại người Hán hoặc dân Hán sang cư trú ở đây, hoặc quan lại, quý tộc Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Mộ gạch xuất hiện từ thời Đông Hán đến khoảng TK X thì ít xuất hiện trên mảnh đất Việt Nam. Các đồ tùy táng gồm (khoảng TK II SCN): “vật tùy thân, quần áo, đồ trang sức, bát đĩa, gương, lược, gươm, đào; đồ đựng - bình, vò, nồi, chậu bằng gốm và đồng; tế khí - đèn, bình hương, cốc đốt trầm” (18). Như vậy, trong giai đoạn này, những năm đầu công nguyên, trầm hương đã được người Việt và người Hán đến đô hộ sử dụng rộng rãi.

4. Kết luận

Trầm hương ngoài giá trị về vật chất còn có những giá trị về văn hóa phi vật thể bao quanh trên nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng… Đối với người Việt từ xưa tới nay, công dụng quan trọng nhất của trầm hương là để làm hương (nhang) trong những dịp lễ lạt quan trọng từ cấp độ quốc gia đến tế tự trong từng gia đình. Bởi vậy, trầm hương gắn bó với tất cả các “nghi lễ vòng đời” của người Việt từ khi sinh ra cho tới khi mất đi và còn gửi gắm cả ước vọng của con người đối với cuộc sống sau cái chết. Từ đó chúng ta thấy được, trầm hương có những yếu tố rất độc đáo, đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, vì rất đỗi quen thuộc nên từng có lúc bị lãng quên trong những nghiên cứu khoa học và văn hóa.

Văn hóa trầm hương Việt Nam không chỉ giới hạn trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt (đây chỉ là hình thức dễ nhận thấy nhất và phổ biến nhất), mà còn xuất hiện trong nhiều thành tố văn hóa khác như sinh kế, lễ hội, điêu khắc đồ tế tự, nghề cổ truyền thống, ngoại giao… cần được công bố tiếp trong những nghiên cứu sau.

________________

1, 2. Lương Thị Thoa, Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.171, 174.

3, 7. Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, 2020, tr.70, 123.

4, 5. Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2020, tr.559, 565.

6. Tư liệu hợp tác của Công ty Trầm Hương Khánh Hòa và Công ty Humancel Hàn Quốc.

8, 9, 10. Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ Tết của người Việt, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.168, 173, 173.

11. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.518.

12. Đọc thêm Thanh Hòa Tử - Quế Hiền Tử, Hội Chân biên, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2021.

13, 18. Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2018, tr.195, 617.

14. Vũ Ngọc Lộ, Những cây tinh dầu quý, Nxb Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội, 1977, tr.36.

15, 16, 17. Hán Văn Khẩn, Cơ sở khảo cổ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008, tr.270, 271, 272.

 NGUYỄN DUY THÁI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;