Đây là sự kiện nổi bật nằm trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 diễn ra sáng 5-2, tức Rằm tháng Giêng năm Quý Mão, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Cuộc tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã nói lên tiếng lòng, sự trăn trở về thơ Việt của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình… trong đời sống hôm nay.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Đoàn chủ tịch điều hành tọa đàm gồm: Từ trái qua phải: nhà thơ Trần Anh Thái, nhà phê bình Văn Giá, nhà văn Nguyễn Bình Phương
Trong báo cáo đề dẫn, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, cuộc tọa đàm là sự kiện mang tính chuyên môn, chuyên sâu của ngành thơ Việt Nam. Các nhà thơ, nhà phê bình và độc giả đến với tọa đàm để bàn về ngọn nguồn, hình dáng, diện mạo, hướng đi của thơ ca.
Trong đó, nhà thơ gợi mở câu hỏi: "Thơ là gì, thơ có giá trị gì đối với con người?". Theo nhà thơ Nguyễn Bỉnh Phương, đây là hai câu hỏi song sinh, thậm chí là cộng sinh với nhau để chúng khuếch tán và bổ trợ cho nhau. Một thế giới mà tình thân ái và tính hướng thiện đánh nhịp cho sự phát triển của xã hội nhưng sự cạnh tranh và bản năng hoang dã cũng chưa mất đi, thậm chí phát sinh còn gia tăng. Một thế giới sự sống được tôn sùng, nâng niu nhưng súng đạn vẫn được sản xuất... Thơ ca phải nghiêng về ánh sáng và cái thiện nhiều hơn.
Đối với người dân Việt Nam, thơ đã trở thành lời ăn, tiếng nói rất quan trọng. Thơ góp phần vào sự hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Văn học nghệ thuật là diện mạo của một dân tộc, thơ ca là cái lõi của vấn đề. Xã hội chuyển biến thì tâm hồn con người cũng chuyển biến, tâm hồn con người chuyển biến thì thơ ca cũng cuốn theo. Thời đại sang trang thì thơ ca cũng sang trang.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu đề dẫn tọa đàm
“Thơ hiện nay đang đại chúng, quần chúng hóa, câu lạc bộ hóa hay đang khu biệt hóa, thần bí hóa, hay cả 2 xu hướng đang phát triển, điều ấy tốt hay không tốt cho nền thơ ca Việt Nam? Thơ hôm nay khác hôm qua như thế nào, đi lên hay đi xuống?”, là câu hỏi nhà thơ Nguyễn Bình Phương mong muốn nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của những nhà thơ, nhà phê bình và độc giả tham dự tọa đàm ý nghĩa này.
Nhà thơ Trần Anh Thái phát biểu tại tọa đàm
Nhà thơ Trần Anh Thái nhận định thơ nay mang hơi thở mới, nhiều cách thể hiện lạ, không giống ai, vừa khám phá bản thân, vừa phản ánh xã hội.
“Có lẽ không một nhà thơ nào không viết hoặc chí ít nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, thậm chí cả những vấn đề lớn lao của đất nước trong đời sống hôm nay. Đó là thành tựu và cũng là sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của các nhà thơ”, nhà thơ Trần Anh Thái nhận định. Và ông vẫn bày tỏ lo lắng khi thơ chất lượng thấp tràn lan, cái non yếu chiếm lĩnh, cái đích thực bị khuất lấp.
Nhà phê bình Văn Giá thì cho rằng thơ hiện nay rất đa dạng nhưng cũng có sự phân hóa cao, dẫu rằng các tác giả đều cố hướng đến giá trị lớn và những cái cao quý của thơ ca, nhưng chất lượng mặt bằng thơ đương đại gây nhiều tranh cãi.
Nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu tham luận tại tọa đàm
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng hiện nay có một nghịch lý, "ấy là những người làm thơ ngày một tăng. Hiện nay, số lượng các nhà thơ nước ta phải tính bằng đơn vị vạn và các tập thơ xuất bản hằng năm cũng phải dùng tới đơn vị nghìn. Tỉ lệ nhà thơ bình quân trên số dân ở ta bây giờ hẳn là nhất thế giới lên đến đơn vị hàng vạn, nhưng người đọc lại giảm đi, giảm chưa từng có". “Tài năng ở đâu ra mà nước ta lại may mắn hơn thiên hạ đến thế?”, ông Vũ Quần Phương đặt câu hỏi.
Nhà thơ chia sẻ, nước ta bây giờ ở đâu cũng có câu lạc bộ thơ. Vào câu lạc bộ rồi thì thành nhà thơ. Phần lớn là các cụ tuổi hưu. Thơ, có thể còn ngây thơ nhưng cuộc đời lại là những người từng trải, giàu vốn sống. Họ không ăn lương thơ. Họ có lương hưu. Hoạt động của họ như hội họp, đọc thơ, in thơ... cũng là tiền riêng. Chả phiền đến ngân sách. Làm thơ, với họ, như một cuộc chơi. Câu lạc bộ thơ cũng chỉ là một sân chơi. Mà chơi trong cõi tinh thần, chơi tình cảm, chơi trí tuệ có ích hơn chơi tổ tôm, xóc đĩa. Viết một bài thơ là sống lại một chặng sống của mình, là nghĩ ngợi lại việc đời mà mình đã trải. Nó như một cuộc tự kiểm điểm về đạo lý, về phép ứng xử.
Theo nhà nhà thơ Vũ Quần Phương, việc ra đời các CLB thơ không hề làm tổn hại thành tựu của nền thơ nước ta. Nhưng số lượng các ấn phẩm thơ xuất hiện trên thị trường sách thì có ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thơ. Hiện nay số tập thơ ấn hành hằng năm gấp từ 30 đến 40 lần các giai đoạn trước. Thơ chưa đạt chuẩn vẫn đưa ra thị trường. Thơ thành mặt hàng bị ế. Các hiệu sách có sáng kiến: không nhập thơ nữa. Hiện nay nhiều hiệu sách đã không bán thơ. Trừ những hiệu sách tự tìm lấy bản thảo, biên tập giới thiệu công phu và liên kết với các nhà xuất bản lớn để in và bán, bán giá cao. Như vậy số người làm thơ tăng lên, sách thơ xuất bản cũng tăng lên. Tăng dữ dội. Nhưng người đọc thơ lại giảm đi. Giảm chưa từng có. Nhiều bạn hẳn đã nghe câu ca dao mới trong giới thơ lúc này "Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ". Nguyên nhân chính được nhà thơ đưa ra là do công tác biên tập quá dễ dãi.
Ông cũng cho rằng, dù thơ ở các CLB có chưa hay hoặc chưa nhiều bài hay thì cũng không hại gì cho nền thơ cả. Chỉ có hại khi thơ được dễ dãi in ra, trộn lẫn thứ phẩm vào chính phẩm để phát hành. Nhưng việc này lại thuộc quyền quản lý của ngành xuất bản và phát hành. Việc ấy cần giải quyết và có thể giải quyết được trên cơ sở đòi hỏi cao hơn chất lượng thẩm định. Nhà thơ cũng gợi ý, nhiều nước kinh tế thị trường đã có nhiều sáng kiến điều chỉnh giá sách theo chất lượng tác phẩm rất uyển chuyển và hữu hiệu, có tác động tích cực tới chất lượng văn chương, rất nên áp dụng.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại tọa đàm
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng cần tôn trọng người làm thơ hiện đại, cổ vũ, tạo điều kiện cho họ sáng tác, bởi lẽ thơ Việt Nam có thành tựu lớn, tác động đến tình cảm, nhân cách con người và có sức thẩm thấu. Thơ được nhạc sĩ chắp cánh còn có thể vươn xa hơn. Việc xuất bản thơ cần có sự thẩm định đặc biệt, cách quản lý khéo léo để vừa tạo điều kiện cho các nhà thơ không chuyên phát triển, vừa bảo đảm được chất lượng các tác phẩm thơ ca.
Trong suốt 2 giờ đồng hồ, tọa đàm đã nhận được rất nhiều những sự chia sẻ, đánh giá, nhận diện tình trạng của nền thơ hiện nay, qua đó giúp công chúng yêu thơ hiểu rõ hơn giá trị đích thực của thơ đối với cuộc sống hiện đại, đồng thời, cũng phần nào nhắc nhở những "nhà thơ" cần tôn trọng vẻ đẹp của thơ một cách đúng nghĩa để những "chính phẩm" thơ ngày càng chiếm lĩnh văn hóa đọc của độc giả.
Tin, ảnh: NGÔ HUYỀN