Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Sinh động và hấp dẫn

Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hà Nội diễn ra đúng Rằm Tháng Giêng (tức 5-2-2023) tại Hoàng thành Thăng Long - Di tích quốc gia đặc biệt (19 C Hoàng Diệu), Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh. Ngay từ sáng sớm, công chúng yêu thơ và giới thi ca đã náo nức tụ hội, giao lưu và trải nghiệm không gian thơ đặc sắc. Đây là lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam được Hội Nhà văn VN tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, bởi vậy cũng mang nhiều sự kiện, cách làm mới rất đáng mong chờ.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 do Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức, kịch bản sự kiện được chắp bút bởi nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam), tổng đạo diễn Lê Quý Dương cùng sự tham gia sáng tạo mỹ thuật của các họa sĩ Phạm Hà Hải, Lê Đình Nguyên.

Không gian Đường thơ

Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 mang ước vọng về một cuộc sống bình thường mới, với niềm tin và hy vọng tốt đẹp. Dù ngày hội chính vào Rằm tháng Giêng nhưng giới thi ca và người yêu thơ đã tụ hội từ ngày 14 tháng Giêng.

Công chúng yêu thơ và sách có mặt  từ sớm tham dự Ngày thơ Việt Nam 2023

Năm nay, không gian Ngày Thơ bao gồm toàn bộ khu vực sân Đoan Môn của Hoàng Thành. Theo đó, người yêu thơ được chào đón tại Cổng thơ - một thiết kế cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải để bước vào Cõi thơ.

Qua Cổng thơ, khán giả được bước trên Đường thơ để thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam, được viết trên giấy dó, tạo hình những chiếc quạt - cánh bướm. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những câu thơ được giới thiệu tại đây là những câu thơ chứa đựng lý tưởng sống, sự khao khát của tình yêu. Những câu thơ không chỉ hay khi đặt trong bài thơ, khi tách riêng cũng có vẻ đẹp cuốn hút.

Cuối Đường thơ, khán giả sẽ đến Nhà ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Bên cạnh Nhà ký ức là Quán thơ, nơi các nhà thơ nhiều thế hệ  giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam.

Trong ngày thơ năm nay diễn ra Tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay" trong Hội trường khu di tích với sự tham gia của nhiều nhà thơ tên tuổi: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Quần Phương, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến...

Song song với Đường thơ, phía phố Nguyễn Tri Phương,  có Đường sách, với khoảng 40 ki-ốt dành cho các Nhà xuất bản, Công ty Văn hóa, phát hành sách; công chúng tham quan và mua các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại. 

Vị trí trung tâm, trước cửa Đoan Môn là sân khấu diện tích khoảng 350m2 sàn, trong đó có 100m2 sàn bằng kính, được gọi là Đàn thơ - nơi sẽ diễn ra Đêm Thơ Nguyên tiêu. Từ trên tường thành, hai tấm pano lớn được thả xuống. Mỗi tấm pano chép bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Bên trái sân khấu là hai Cây thơ, từ trên cành cao sẽ thả xuống những phong thơ, bên trong có những câu hỏi thú vị, đố vui kiến thức thơ dành cho bạn yêu thơ, người chiến thắng sẽ nhận được những phần quà thú vị từ Ban Tổ chức.

Ông đồ viết thư pháp tại không gian Ngày thơ 2023

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho biết, Ngày Thơ Việt Nam năm nay mới về không gian, thời gian, với nội dung hấp dẫn. Điều đó cho thấy ý thức đổi mới, cải tiến, đa dạng hóa, nâng cao hoạt động tôn vinh thơ ca nhằm tạo sự cuốn hút hơn đối với công chúng, góp phần lan tỏa thơ ca sâu rộng vào đời sống, thu hẹp khoảng cách giữa người cầm bút với bạn đọc.

Bạn Mai Ngọc Anh (Sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Khác với những Ngày thơ trước đây đều được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ngày thơ năm nay được tổ chức tại Hoàng thành đã cho thấy BTC rất chịu khó làm mới mình để có thể tạo ra một không gian sách và thơ rộng rãi, đặc sắc hơn bao giờ hết. Không những vậy, được gặp và nghe những chia sẻ của các nhà thơ gạo cội quả là niềm vinh dự đối với em”.

Sự kiện năm nay còn có hoạt động “Đường sách”, gồm nhiều gian hàng của các nhà xuất bản, đơn vị hoạt động xuất bản, thu hút độc giả với những ấn phẩm thơ được yêu mến.

Không gian Đường sách

Bên cạnh đó là nhiều hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ tại “Quán thơ”. Sự kiện quan trọng nhất của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 là “Đêm thơ Nguyên tiêu”, bắt đầu lúc 19 giờ tại sân khấu trung tâm trước cổng Đoan Môn. Ở đó, khán giả được thưởng thức những màn trình diễn, diễn xướng thơ và tác phẩm âm nhạc phổ thơ vô cùng đặc sắc.

Tin, ảnh: NGÔ HUYỀN

;