Về đền Sái tham dự Lễ hội rước vua

Hằng năm, cứ đều đặn vào ngày 11 tháng Giêng, lễ hội Đền Sái lại được người dân làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức một cách long trọng với những nghi thức rước vua và chém tinh gà trắng độc đáo. Lễ hội độc đáo và ý nghĩa này, tái hiện câu chuyện đậm màu huyền thoại: thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa đã thu hút lượng lớn người trẩy hội.

Lễ hội rước Vua đền Sái thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương

Lễ hội Đền Sái có nguồn gốc gắn liền với điển tích Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Tương truyền rằng trong suốt quá trình nhà vua xây thành, cứ đều đặn ngày đắp đêm lại bị đổ nên mãi mà thành vẫn chưa thể xây xong. Nguyên nhân là do yêu ma Bạch Kê Tinh (tinh gà trắng) phá hoại. 

Nhà vua vốn không biết làm thế nào để tiêu diệt yêu tinh, bèn lập đài cầu khẩn thần linh, lúc này liền được Huyền Thiên Chấn Vũ sai thần Kim Quy hiện ra mách kế chém giết tinh gà trắng để việc xây thành có thể được hoàn thành. Nhằm tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên Chấn Vũ năm nào, nhà vua đã xây đền thờ ở đỉnh núi Thất Diệu (chính là Đền Sái ngày nay).

Trước ngày mở hội hàng tháng, dân làng đã có sự chuẩn bị . Tới ngày mồng 5 tháng Giêng, người dân  sửa đường xá, cầu cống để đón vua về. Ngày mồng 6, dân ra đình cắm chỗ, dựng dinh cho vua, chúa và các quan. Ngày mồng 9, dân làng làm bánh chưng, bánh dày tiến vua, với gạo nếp hoa vàng gói trong lá chít, lá mía xanh. Ngày 10 tháng Giêng, làng mổ lợn đô, trâu đô để vua khao dân làng, binh lính tại đình.

Cùng với đó, dân làng còn phải chọn ra những người đóng vua giả, chúa giả và các quan. Người được chọn đóng vua  phải là người khỏe mạnh, tuổi đúng 72 và còn song toàn (còn cụ bà, còn vợ), vua giả phải tự sắm lấy áo thụng, mũ hoàng đế (mũ cánh chuồn), một đôi hia và người đó đã từng làm lễ thượng thính. Theo tục lệ, các lão ông tuổi 55, nhất loạt vào ngày mồng 8 Tết phải sửa hai mâm cỗ, mâm lớn dâng lên đền Sái, mâm nhỏ dâng lên đình cúng thành hoàng sau đó khao dân gọi là lễ thượng thính. Nếu ai không sửa được cỗ thì mua trầu cau, xôi oản và thủ lợn làm lễ. Những người không có lễ thượng thính, theo lệ cũ không được chọn làm vua giả. Người đã qua lễ thượng thính đến tuổi 60 được cử đóng vai chúa hoặc quan trước khi lên làm vua giả. Xưa kia, người được chọn đóng vua giả, làng cấp ba mẫu ruộng để lấy hoa lợi chi phí trong hội, ngoài áo quần, kiệu võng còn phải lo một trâu đô, một lợn đô. Người đóng vai chúa thì ít hơn, chỉ có một mẫu ruộng nhưng phải lo một con bò cho làng. Các vai như quan tán lý, quan trấn thủ, quan thự vệ, quan đề lĩnh... việc chọn đơn giản hơn. Đó thường là các cụ trên 55 tuổi, đã làm lễ thượng thính, họ hàng anh em với vua và chúa.

Cụ Nguyễn Quang Vinh 73 tuổi, người có vinh hạnh nhận vai An Dương Vương (Vua)

Sự khác biệt và dễ nhận thấy là Chúa có khuôn mặt được hóa trang màu đỏ (cụ Trần Văn Tích 73 tuổi đóng vai)

Sau khi trải qua nhiều khâu chuẩn bị từ những ngày trước đó, vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Đền Sái chính thức được diễn ra. Vua, Chúa và các quan được con cháu khênh kiệu rước từ nhà ra khu vực sân đình từ sớm 

Bên cạnh vai vua và chúa, người dân Thụy Lôi còn rước kiệu võng chở 4 vị quan Thự vệ, Tán lý, Đề lĩnh và Trấn thủ (trên 60 tuổi)

Lễ hội rước vua  tái hiện việc vua cùng đoàn tùy tùng bái kiến Đức Thánh Huyền Thiên nên các ngôi thứ, phục trang, võng lọng đều phỏng theo lối của triều đình. Cùng với việc diễn tích vua bái yết đền Sái là tích diệt bạch kê tinh (yêu tinh gà trắng). Các cụ già của làng kể lại, trước kia cứ vào dịp làng làm hội ông Đám, ông Trò thì có dân thập phương, đặc biệt là các liền anh, liền chị, những làng kết nghĩa lân cận đến dự và chúc tụng rất đông. Trong những ngày hội có dọn cỗ thí, cỗ thí được bày trên các mâm từng tầng. Các món ăn của cỗ thí, đặc biệt có bánh tét, chè lam là đặc sản của làng Nhội. Bánh tét làng Nhội được làm bằng gạo nếp hoa vàng, không gói vuông mà gói bằng lá chít hoặc lá mía, khi ăn người ta lấy một sợi chỉ đã dấp nước để cắt thành những khoanh tròn, bày từng tầng lên đĩa hoặc mâm. Ngày nay trong cỗ thí, bánh tét không được làm nữa mà thay vào đó là bánh dày, cũng làm bằng gạo nếp hoa vàng nên bánh mịn, thơm đậm tình người Thụy Lôi.

Bên cạnh hội đền Cổ Loa, hội đền Sái cũng là một hoạt động có quy mô lớn tưởng nhớ đến Vua An Dương Vương và công đức của ngài. Việc tổ chức một cách long trọng, trang nghiêm những hoạt động như lễ rước vua ở đền Sái góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

ĐĂNG NGUYÊN - Ảnh: TUẤN MINH

 

 

;