Tiếng Khèn Bè gọi Xuân ở Nghĩa Lộ

Từ lâu, tiếng Khèn bè đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là giá trị văn hóa gắn kết tình yêu trong các lễ hội văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt thường nhật của người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Bất kể đêm ngày, mưa nắng hay trong gió rét, nhất là những ngày Tết đến Xuân về, tiếng Khèn bè nơi đây cứ luôn hối thúc, mời gọi du khách thập phương về hội ngộ, khám phá, trải nghiệm...

Nghệ nhân Lò Văn Biến đang thổi chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam, làm nhạc nền cho các điệu xòe ngày xuân

 

Cẩn thận chọn từng ống tre, sửa từng thanh âm cho những chiếc Khèn bè để tặng các thôn bản và khách quý khi đến chơi nhà trong dịp Tết đến Xuân về là công việc mà ông Cầm Ngọc Hoa – thôn Mường Chà, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ thực hiện nhiều năm nay. Là người duy nhất ở thị xã Nghĩa Lộ còn chế tác được Khèn bè, việc làm nhỏ bé và thầm lặng của ông đang góp phần giữ những đêm Xoè thêm rộn rã, các lễ hội thêm say đắm lòng người và tạo điểm nhấn cho du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu.

“Ngay từ nhỏ, tôi đã có một tình yêu sâu sắc với Khèn bè. Mỗi khi tiếng Khèn bè cất lên trái tim tôi xao xuyến, nghe mãi mà không biết chán nên tôi đã tự mày mò, tìm hiểu và học hỏi cách làm Khèn bè, thổi sao cho hay rồi cứ thế là biết làm thôi”, ông Hoa chia sẻ.

Khèn bè được cấu tạo bởi 14 ống nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống xếp từ thấp đến cao; độ dài của ống Khèn tùy thuộc vào nghệ nhân, nhưng để cây Khèn có âm thanh hay còn phụ thuộc vào những "lưỡi Khèn” (lưỡi Khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, đánh mỏng như tờ giấy để gắn vào trong các ống Khèn); bầu Khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá…

Ông Cầm Ngọc Hoa - Thôn Mường Chà, xã Hạnh Sơn, Thị xã Nghĩa Lộ đang chế tác Khèn bè

 

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến – phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: hệ thống nhạc cụ của người Thái rất đa dạng và phong phú, gồm bộ gõ, các loại pí… đặc biệt là Khèn bè. Chiếc Khèn bè của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò từ bao đời nay đã gắn liền với những điệu Xòe cổ. Nó được ví như một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân, cũng là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc Thái. Chẳng phải ngẫu nhiên chiếc Khèn bè lại giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái ở Mường Lò, nhất là trong những điệu Xòe cổ, những điệu dân vũ đắm say đất trời, hay là nhạc cụ để người con trai bày tỏ tình cảm với người con gái mình thầm thương. Tiếng Khèn bè dặt dìu, huyền hoặc, mê mị lòng người bắt nguồn bởi một truyền tích cổ xưa của người Thái.

Chuyện kể rằng, có một chàng trai nghèo họ Lò, vốn nhân hậu và có tài thổi sáo. Tiếng sáo của chàng phát ra một thứ âm thanh kỳ lạ, làm xao xuyến lòng người. Âm thanh đó bay qua các bản làng, lay động mỗi nhành hoa, ngọn cỏ, làm xuyến xao nỗi lòng một thiếu nữ xinh đẹp là con gái của Tạo bản trong vùng. Mê cái tài của người thổi sáo, cô gái thầm đem lòng yêu chàng trai từ lúc nào không hay. Ngày ngày, họ hẹn hò nhau dưới chân nhà sàn hay bên dòng suối mát. Biết tin con gái bén duyên chàng trai nghèo họ Lò, Tạo bản chọn gả cô cho một người giàu có ở làng bên. Không cưỡng lại được ý cha, vào một đêm trăng, cô gái trốn ra ngoài để từ biệt người yêu. Cô đưa cho chàng miếng sáp ong thường ngày kéo sợi để làm kỷ vật. Nhận kỷ vật của người yêu, chàng trai buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang hết ngày này tháng khác, cuối cùng chàng dừng lại bên một con suối nhỏ. Buồn nhớ người yêu, chàng chặt nứa tép, bó lại với nhau, lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa các ống sáo rồi đem thổi. Càng thổi càng buồn. Chàng chặt thêm các gióng nứa, lấy dao vạt chéo hết phần đầu các ống sáo, lạ thay âm thanh phát ra nhỏ to, cao thấp, nỉ non, dìu dặt... Chàng cứ mải miết thổi, thổi mãi cho tới khi lịm đi. Người ta vẫn thấy đôi tay chàng trai ôm chặt lấy cây Khèn bè không rời. Câu chuyện về cây Khèn của chàng trai họ Lò và người con gái được lưu truyền chín bản, mười mường của người Thái từ đời này qua đời khác...

Ông Lương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Để bảo tồn, gìn giữ và tạo sức sống cho Khèn bè, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã quan tâm mở các lớp truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ Khèn bè cho những người yêu nhạc cụ này, để các học viên có thể sử dụng và chế tác được hoàn chỉnh một chiếc Khèn bè sau khi học; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Thái, câu lạc bộ chế tác và sử dụng Khèn bè; khuyến khích các nghệ nhân, người trẻ am hiểu, đam mê Khèn bè truyền dạy, chế tác và sử dụng Khèn bè cho thế hệ trẻ; đưa việc truyền dạy, chế tác, sử dụng Khèn bè đến với các em học sinh có năng khiếu. Ngoài ra, thị xã cũng quy hoạch và bố trí nhà trưng bày nhạc cụ dân tộc Thái, trong đó chủ đạo là nhạc cụ Khèn bè nhằm vinh danh chiếc Khèn bè đã xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2017… Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc và quà lưu niệm cho du khách.

Đến với Mường Lò - Nghĩa Lộ hôm nay, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về, chúng ta dễ dàng hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ với giai điệu trầm bổng, cuốn hút từ chiếc Khèn bè của người Thái tại các điểm du lịch cộng đồng, Nhà văn hóa thôn bản; như gọi một mùa xuân mới về với nhiều hy vọng, cùng với sự đoàn kết vươn lên, hướng tới một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, ấm no hơn./. 

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến thổi Khèn để dân bản tập múa Xòe

 

XUÂN THẮNG - THÙY HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

 

;