Tiềm năng du lịch của tranh dân gian làng Sình

Trong dòng chảy chung của nền văn hóa đất Việt, tranh dân gian làng Sình xứ Huế từ lâu đã hiện diện như một bức tranh sống động, đầy thi vị, góp phần làm phong phú truyền thống văn hóa tín ngưỡng của vùng đất cố đô, in đậm bản sắc văn hóa dân gian trong đời sống tinh thần của người dân xứ Huế và một số tỉnh thành lân cận.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người duy nhất còn khắc được mộc bản

 

Đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào đáng tin cậy, có cơ sở khoa học ghi chép lại xuất xứ, sự ra đời của dòng tranh dân gian làng Sình (tức làng Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, theo truyền thuyết kể lại, thời Trịnh - Nguyễn, trong đoàn người tìm vào vùng đất Thuận Hóa định cư, có ông Kỳ Hữu Hòa mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản của làng quê mình để mưu sinh, tranh làng Sình ra đời từ đó. Theo sử sách ghi lại, từ giữa thế kỷ XVI, tranh làng Sình đã được Dương Văn An nhắc đến trong ô châu cận lục như một điểm giao thương tấp nập, nhộn nhịp: “Cầu Bao Vinh ngựa xe tấp nập/Làng Lại Ân tiếng gà gáy sáng giục khách thương tài lợi cạnh tranh”, hoặc là “Xóm Lại Ân canh gà xào xạc/Giục khách thương mua một bán mười”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biến cố của thời gian, rồi chiến tranh, thiên tai địch họa, tranh dân gian làng Sình có những lúc tưởng chừng sắp bị xóa sổ, cái nghề truyền thống có gần 500 năm của cha ông sắp bị mai một, lụi tàn. Thế rồi, điều may mắn đã đến với người dân làng Sình là một người cuối cùng còn nắm giữ bí kíp làm tranh làng Sình. Đó là nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Du khách đến xem tranh làng Sình - Ảnh: Internet

 

Huế là vùng đất của nhiều loại hình tín ngưỡng văn hóa dân gian như: lễ thờ cúng tổ tiên, thờ thần cửa ngõ, lễ cúng tiên sư bổn mạng, cúng cầu an đầu năm, cúng giải oan bạt độ…Chính vì các nghi lễ khá phong phú này nên dòng tranh dân gian làng Sình có cơ sở để phát triển lâu dài, song hành cùng năm tháng. Kể về những thăng trầm của một làng nghề, ông Phước chia sẻ: “Tôi là đời thứ 9 vẽ tranh của làng. Tranh làng Sình bắt đầu ngấm vào máu thịt tôi từ lâu lắm rồi, từ khi còn tấm bé, tôi đã biết cầm cọ phụ cha tô màu cho những bức tranh đơn giản. Làng tranh hoạt động ổn định nhất là thời điểm trước năm 1945, lúc ấy nhà nhà, người người đều đua nhau làm tranh, vẽ tranh. Ở thời hoàng kim này, làng Sình có hơn nửa các hộ dân trong làng làm nghề tranh, bán tranh, đi đâu trong làng cũng nghe tiếng chày, tiếng hò giã điệp, không khí lao động thật rộn ràng, vui tươi. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tranh làng Sình có 3 nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật, và chủ yếu là phục vụ nhu cầu thờ cúng, tín ngưỡng của một bộ phận không nhỏ người dân xứ Huế và các vùng phụ cận. Từ năm 1990 đến nay, nghề tranh dân gian làng Sình được hồi phục và từng bước phát triển mở rộng. Đến năm 2000, khi ngành Du lịch bắt đầu phát triển người ta lần tìm về các làng nghề của Huế, các trào lưu văn hóa truyền thống được đánh thức, trong đó có lễ hội đô vật làng Sình. Cũng từ năm ấy, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã sáng tạo thêm cho tranh làng Sình thể loại trang trí in trên giấy dó, được quét điệp, phản ánh các sinh hoạt đa dạng, phong phú của đời sống và lao động sản xuất như: cày ruộng, gieo mạ, thu hoạch lúa, các trò chơi dân gian, bộ lịch 12 con giáp…Trong đó, tranh nhân vật gồm 2 bộ thế mạng và bổn mạng, nhưng chủ yếu là tranh tượng bà thường được dùng để dán trên bàn thờ quanh năm. Tranh làng Sình là một loại tranh vẽ đẹp, dùng để thờ cúng, trang trí. Tranh vẽ hình 12 con giáp để thờ cúng ông chuồng, bà chuồng cho nhà ai có chăn nuôi và đương nhiên ai có chăn nuôi thì mua về thờ. Tranh còn vẽ những bà Tổ Cô thì dùng để thờ những bà trong dòng tộc không có con cái, khi mất phải dựa vào cháu chắt, linh hồn vất vưởng đói khát, lạnh lẽo không nơi nương tựa. Tranh vẽ đồ vật mô phỏng vật làng Sình để treo chơi trong nhà. Nói chung, các thể loại tranh làng Sình ngày nay khá phong phú, chất liệu vẽ hoàn toàn được làm bằng lá cây, rễ cây, các loại hoa trái. Tranh vẽ rất công phu. Đầu tiên in bằng khuôn gỗ lên giấy, sau đó mới bắt đầu bồi nét, bồi điệp, phơi khô giấy vẽ, rồi đến tô màu. Tuy in bằng khuôn nhưng không phải tranh nào cũng giống nhau bởi khâu làm nguội đã làm thay đổi sắc thái, hình dạng của mỗi bức tranh. Khuôn chỉ đóng vai trò thảo những nét cơ bản, đại cương nhất. Do cùng khởi phát cùng một gốc nên tranh dân gian làng Sình khá giống với tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh về các công đoạn làm tranh, chỉ khác ở hình tranh và mục đích sử dụng. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết: “Từ thời ông tổ của nghề tranh Đông Hồ, cách làm tranh đã được mang vào Huế, nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, dâng sao giải hạn ở địa phương nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác. Thế nên, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh chuyên thờ cúng”. Tranh làng Sình hoàn toàn được làm thủ công. Để có một bức tranh hoàn chỉnh như ý thì phải trải qua đủ 7 công đoạn: Xén giấy, quét điệp, in tranh lên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu và công đoạn cuối cùng là điểm nhãn. Thuở xưa, tranh làng Sình hoàn toàn sử dụng bằng giấy dó. Ngày nay, để tiện và đỡ tốn kém, người làm đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp và phẩm màu công nghiệp. Chỉ duy nhất gia đình ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và pha chế màu tự nhiên. Ông nói: “Đó là nét đẹp dân dã, là tinh hoa của nghề tranh nên phải giữ lấy”. Ngày nay, tranh làng Sình còn có thêm các nội dung khác: tranh dùng để trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú, rực rỡ thêm cho tranh làng Sình. Dòng sản phẩm này được du khách ưa chuộng: tranh hội vật hay các trò chơi kéo co, bịt mắt bắt dê…Tranh bát âm gồm sáo, trống, đàn bầu, đàn tranh, tỳ bà…Với sự đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, lại gần gũi, thiết thực với đời sống tín ngưỡng của người dân nên tranh làng Sình không chỉ được ưa chuộng ở Huế mà còn được bán ở các tỉnh khác như: Bình Định, Quảng Trị, Quảng Nam…Do vậy, nghề in tranh, vẽ tranh có sự khởi sắc. Đặc biệt, những năm gần đây, ngôi nhà riêng của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước ở ngã ba Sình thơ mộng và một số hộ dân vẽ tranh làng Sình đã đón tiếp nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch sinh thái, tìm hiểu về nghề in tranh, vẽ tranh dân gian độc đáo này. Đứng trước gian hàng tranh rực rỡ sắc màu như hôm nay, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước không quên một thời gian khó, nghề vẽ tranh làng Sình đã từng đi vào quên lãng hơn 20 năm do chiến tranh, rồi đời sống kinh tế khó khăn nên thử hỏi mấy ai còn theo đuổi với nghề. Từ năm 1996, với chính sách mở cửa kinh tế, nhà nước có chủ trương khôi phục làng nghề, nghệ nhân Hữu Phước phấn khởi mở lớp dạy nghề miễn phí cho con em trong làng, rồi ông còn cung cấp mộc bản, khắc thêm khuôn mới cho bà con, từng bước làm hồi sinh một làng nghề. Từ chỗ cả làng chỉ còn lèo tèo vài hộ làm nghề, bám nghề, đến nay có 58 hộ làm quanh năm. Ngoài dòng tranh phục vụ tín ngưỡng, thờ cúng, nghệ nhân Hữu Phước còn dày công sáng tạo thêm dòng tranh trang trí, phản ảnh sinh động, phong phú sinh hoạt đời sống và lao động sản xuất; hình ảnh những đồ vật, con vật gần gũi, gắn bó bao đời nay với người nông dân cho đến miêu tả chi tiết, tỉ mỉ các trò chơi dân gian.  Tranh làng Sình rộn ràng nhất là vào dịp tết Nguyên Đán, sản phẩm có mặt khắp nơi, đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng và những người yêu thích dòng tranh dân gian. Những nhu cầu của xã hội ngày càng thay đổi, quan điểm thẩm mỹ của người dân ngày càng nâng tầm. Do vậy, nghề tranh nếu cứ bám lấy những đề tài cũ kỹ thì khó mà đứng vững lâu dài. Với nhận thức đó, ông Phước là người tiên phong đổi mới cách nghĩ, cách làm, là người góp phần “thay da đổi thịt” nghề tranh, ông luôn đau đáu tìm mọi cách để phát triển làng nghề. Ngoài dòng tranh thờ truyền thống, hiện nay thị trường cũng rất quan tâm đến loại tranh trang trí, treo tường. Nhớ đến ngày hội vật truyền thống của làng (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) với rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, ông đã ấp ủ ý tưởng sẽ đưa những hình ảnh ấy lên tranh. Ông chăm chú quan sát tỉ mẩn, rồi chụp ảnh từng trò chơi, sau đó cặm cụi ngồi vẽ lại từng hình ảnh, chi tiết rồi bắt đầu phác thảo trên bản khắc gỗ. Những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và dòng tranh bát âm ra đời đã góp phầm tô thắm thêm, làm phong phú hơn cho tranh dân gian làng Sình xứ Huế. Có thể nói, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người duy nhất của làng còn khắc được mộc bản. Từ năm 2011 ông đã cất công tìm kiếm, tuyển chọn học trò để truyền nghề khắc mộc bản. Qua cuộc thi sát hạch của thầy Phước đã có 3 học trò tuổi 18 đôi mươi đầy sinh lực, đủ tố chất thông minh, sáng tạo và niềm đam mê với nghề tranh để ông tin tưởng truyền dạy.

Tranh làng Sình được người dân làm tranh thủ những ngày nông nhàn, đặc biệt là dịp giáp Tết - Ảnh: Internet

 

Nghị quyết số 05 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế , ngày 9/7/2019, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, đã mở ra tầm nhìn chiến lược, mở ra triển vọng mới, càng củng cố thêm cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống của trong tỉnh, trong đó có làng nghề vẽ tranh dân gian làng Sình của xã Phú Mậu. Gần đây, là Nghị quyết số 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/4/2021; xã Phú Mậu đã được sáp nhập với thành phố Huế kể từ ngày 1/7/2021.

Đây là “cơ hội vàng” để xã này được cấp trên tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất có thể, đặc biệt là xây dựng trục giao thông Huế đi Phú Mậu, Phú Mậu đi Huế sẽ dễ dàng thuận tiện hơn, nhằm kích cầu phát triển du lịch làng nghề ở địa phương, trong đó có làng nghề vẽ tranh dân gian làng Sình ngày càng được du khách gần xa biết đến nhiều hơn nữa.

Gian hàng trưng bày tranh làng Sình

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022

 

;