Có một “Bảo tàng di sản - thiên nhiên” ở xứ Thanh: Điểm Du lịch - Văn hóa hấp dẫn!

“Bảo tàng di sản - thiên nhiên” này mang tên Không gian văn hóa Việt có diện tích khoảng 16.000m2, tọa lạc tại địa chỉ số 01 Cù Chính Lan, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Không gian Văn hóa Việt hội tụ những sản phẩm văn hóa đặc sắc: nhà vườn, cây cảnh, đá ngọc, cổ vật… được sưu tầm từ khắp mọi miền đất nước, tổ chức trong một không gian xanh hết sức gần gũi.

“Tiền thân” của Không gian Văn hóa Việt là một khu đất giãn dân phía Bắc thành phố, nơi có các ao bèo, ruộng rau muống, rau cần được san lấp. San lấp xong, nơi này lại ngợp trong cỏ dại, đồ phế thải vứt bừa bãi. Ấy thế nhưng, chỉ sau chưa đầy hai thập niên, một Không gian Văn hóa Việt đã hiện lên hoàn bị với đầy đủ các thành tố văn hóa truyền thống: Nhà Việt cổ truyền, nghệ thuật Bon-sai, đá cảnh, các bức chạm khắc cầu kỳ, công phu bằng gỗ quý, cẩm thạch… Đáng nói hơn, từ tâm huyết của một người luôn đau đáu, trăn trở trước việc văn hóa Việt bị đe dọa bởi các yếu tố ngoại lai cũng như vấn nạn “chảy máu cổ vật” đã và đang diễn ra nhức nhối hàng ngày, hàng giờ mà một “Bảo tàng di sản - thiên nhiên” đã được kiến thiết và không ngừng điều chỉnh sao cho đậm đà “hương nước, hồn quê”.

Điểm độc đáo đầu tiên và nổi bật của Không gian Văn hóa Việt là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố: Đá quý và phong thủy Thanh Hóa. Nổi bật là một số kiệt tác về cổ ngọc như chiếc bàn đá ngọc tạo hình Tam long tranh châu; bộ ba bức chạm khắc đá Ngư long hí thủy tinh xảo: Huyết long, Kim long, Ngân long; hai chiếc phản bích ngọc nguyên khối nặng chừng 20 tấn hoặc bức “thạch họa” đồ sộ bằng mã não hình cá dài tới gần 2m… Ngoài ra, còn nhiều hiện vật đá quý khác, vừa phong phú về chủng loại, vừa đa dạng về màu sắc, hoặc được chế tác công phu, tỉ mỉ, hoặc vẫn giữ lại dạng thức ban đầu khiến người xem không thể tránh khỏi cảm giác choáng ngợp.

Góp phần biểu trưng cho sự đa sắc của một “Bảo tàng di sản - thiên nhiên” còn là hệ thống các hiện vật chất liệu gỗ quý hiếm. Những “báu vật”, “linh khí” của nhiều cánh rừng già đã “vượt đại ngàn”, hội tụ tại đây để du khách có thể thực mục sở thị. Các gốc nu hương nghìn tuổi đứng “nghiêm trang” tạo cảm giác vừa gần gũi vừa bí ẩn. Tính chất “quý”, “hiếm” của hiện vật là một sự khẳng định: Nếu không có kỳ công, nỗ lực của chủ nhân thì những thuật ngữ “gỗ mun sọc”, “nu nghiến” vẫn chỉ là những gì “được nghe nói” chứ không phải “trăm nghe không bằng một thấy” đối với rất nhiều người. Điều quan trọng hơn là, các tác phẩm gỗ đã qua chế tác cầu kỳ không chỉ có ý nghĩa “vật phẩm” mà còn làm sống dậy một nghề thủ công truyền thống của người Việt có tuổi đời lên tới cả nghìn năm và rất thịnh hành trong giai đoạn Hậu Lê: nghề chạm khắc gỗ truyền thống.

Một đặc trưng khiến nghề chạm khắc gỗ đạt đến mức độ nghệ thuật, các tác phẩm trở thành “pho sử bằng gỗ” chính là nội dung truyền tải, đòi hỏi người thợ không chỉ có “đôi tay vàng”, óc sáng tạo mà còn phải am tường về lịch sử - văn hóa nước nhà. Nội dung các bức chạm khắc tại Không gian Văn hóa Việt được lấy cảm hứng từ các tích truyện cổ tích, thần thoại, văn hóa, tín ngưỡng như: Truyền thuyết quả dưa hấu, điêu khắc gỗ đề tài Tứ linh, bức chạm khắc Thanh kỳ khả ái… nên đã lôi cuốn người xem vào những chuyển động văn hóa cổ xưa và bí ẩn, truyền tải những triết lý nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, bộ điêu khắc gỗ liên hoàn “thể khối hóa” một tín ngưỡng ngàn đời của người Việt: Tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử”, bao gồm Thánh Tản Viên (tức Sơn Tinh, biểu đạt cho khả năng sáng tạo to lớn của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân), Thánh Gióng (tức Phù Đổng Thiên Vương, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, chống ngoại xâm), Thánh Chử Đạo Tổ (tức Chử Đồng Tử, tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, sự giàu sang, sung túc) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh (tức Mẫu Thượng Thiên, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, văn thơ). Tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” là một nét sáng tạo độc đáo, riêng biệt thuần túy của người Việt Nam được kết tinh từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, là một bộ phận không thể tách rời trong di sản văn hóa của dân tộc.

Bảo tàng cổ vật Đông Sơn…

Điểm nhấn của Không gian Văn hóa Việt chính là Bảo tàng cổ vật Đông Sơn, giới thiệu hàng nghìn hiện vật của cư dân Đông Sơn cổ, bao gồm công cụ sản xuất (lưỡi rìu, lưỡi cày, lưỡi liềm, đục, lưỡi câu, chì lưới); đồ dùng sinh hoạt (thạp đồng, bình, vò, nồi, ấm, chậu, đỉnh, lư đồng…); đồ gốm với nhiều kiểu dáng (nồi, chậu, bình, vò, chì lưới, chân chạc…); vũ khí bằng đồng đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng (giáo, dao găm, kiếm ngắn, rìu chiến, mũi lao, mũi tên, tấm che ngực, bao tay…). Đặc biệt, bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn rất đa dạng về loại hình, kích cỡ.

Vùng đất Hàm Rồng của xứ Thanh là nơi phát hiện đầu tiên những di vật của nền văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa rực rỡ nhất ở buổi đầu dựng nước của dân tộc thời đại các vua Hùng và tên của nó đã được đặt cho nền văn hóa nổi tiếng này. Đây cũng chính là “vùng lõi” của văn hóa Đông Sơn, là địa bàn phân bố dày đặc đồ đồng cùng các hiện vật văn hóa Đông Sơn khác. Việc phát hiện những hiện vật khảo cổ học tại làng Đông Sơn đã khuyến khích giới khoa học trong và ngoài nước xem xét, nghiên cứu một cách hoàn chỉnh hơn về thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Hệ thống cổ vật tại Không gian văn hóa Việt không chỉ là bằng chứng sinh động, hùng hồn và thuyết phục về văn hóa đồ gốm, đồ đồng thuộc nền Văn minh Đông Sơn huy hoàng cách ngày nay hơn hai nghìn năm mà còn góp phần lưu giữ, bảo tồn các di sản văn hóa quý hiếm, ngăn chặn tình trạng “chảy máu cổ vật” đang ngày càng trở nên nhức nhối.

Không thể không nhắc đến kiến trúc nhà năm gian và hồ bán nguyệt tại Không gian Văn hóa Việt. Trong kiến trúc ngôi nhà truyền thống của người Việt, mô hình: Nhà - sân - vườn - (ao) hồ đã trở thành “công thức vàng” khi dựng nhà làm cửa. Những yếu tố cấu thành mô hình này đều có ý nghĩa, tác dụng riêng và đặt trong tổng thể lại tương tác lẫn nhau, tạo ra tiểu khí hậu hài hòa, môi trường sống trong lành.

Một góc kỳ hoa dị thảo

 

Một ngôi nhà gỗ 5 gian theo quan niệm truyền thống sẽ đem lại cho gia chủ rất nhiều điềm may mắn và tốt lành bởi gỗ chính là đại diện của hành Mộc trong ngũ hành - là biểu tượng của mùa xuân, sức sống và sự đâm chồi nảy lộc. Còn với hồ bán nguyệt thì yếu tố nước không những tạo ra hiệu ứng tích cực về môi trường mà còn có ý nghĩa phong thủy rất lớn. Phong thủy - hiểu theo nghĩ nguyên thủy là hướng gió và nguồn nước, vận hành theo nguyên lý căn bản: “Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng”. Chính vì vậy, nước là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp cho “khí tụ”. Ở những công trình xây dựng nhỏ, nếu không có sẵn nguồn nước, để thích ứng với phong thủy, người ta sẽ tạo nguồn nước nhân tạo bằng cách đào giếng, ao, hồ để “tụ thủy”. Các hồ này rất phong phú về hình dạng và đa dạng về kích thước nhưng hình dạng “bán nguyệt (nửa vầng trăng)” được xem là kết cấu điển hình. Đó là sự mô phỏng hình dạng của khúc sông cong (hồi long) với mục đích “tụ khí”, tạo ra sinh khí. Hồ bán nguyệt với hình dạng cánh cung đang giương, mũi tên hướng ra phía ngoài còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và ngăn chặn sát khí, bảo vệ sự an lành cho ngôi nhà.

Nếu như kiến trúc nhà ngói cổ 5 gian điển hình cho lối kiến trúc phong thủy xưa thì mô hình ngôi nhà Việt cổ truyền “mái tranh vách đất” lại biểu thị cho một nếp văn hóa mang tính truyền thống phổ quát. Đó là không gian mà số đông người Việt ăn đời ở kiếp từ rất xa xưa. Mái tranh vách đất xuất hiện từ khi nào (?) không ai rõ, chỉ biết cùng với cây đa - bến nước - sân đình, mái nhà tranh đã trở thành lối về, là nỗi ngóng đợi chung của rất nhiều thế hệ người Việt sau mỗi bước chân nhọc nhằn mưu sinh.

Một đặc trưng rất nổi bật, khiến nhà tranh vách đất trở nên thông dụng là sự phổ biến của nguyên liệu: Cây tre đầu làng làm thành kèo thành cột, cỏ tranh hoặc rạ lúa nếp làm thành mái; đặc biệt, hệ thống nguyên liệu bắt nguồn từ nên nông nghiệp truyền thống như rơm - rạ, bùn đất… Song để nội hàm văn hóa Việt thấm đẫm trong từng chi tiết, chủ nhân “Bảo tàng di sản - thiên nhiên” này đã tiến hành những việc rất kỳ công để kiến trúc nhà cổ này được hợp thành từ cây luồng Lang Chánh; bùn đất lấy ở những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay vùng hạ lưu sông Mã, thuộc địa phận hai huyện: Hoằng Hóa, Nga Sơn; mái tranh được lớp từ những thân cây lúa nếp vùng đồi trước núi ở hai huyện Thạch Thành - Vĩnh Lộc. Hoa hồng được đưa về làng Đông Tác (thành phố Thanh Hóa), cây mít thì lấy giống từ huyện Như Xuân… Nói cách khác, trong một không gian chưa đầy 1 sào Trung Bộ (500m2), một nếp nhà tranh truyền thống đã hiện diện với đầy đủ sắc thái văn hóa vùng đặc trưng ở Thanh Hóa cũng như Việt Nam: Miền núi, trung du và đồng bằng ven biển.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Không gian Văn hóa Việt không chỉ góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn là một điểm đến văn hóa thú vị, hấp dẫn cho các tour “du lịch xanh”; hấp dẫn những ai vẫn “nặng lòng” với các giá trị truyền thống.

Nhà tranh vách đất truyền thống
 

 

HOÀNG GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;