“Thương người như thể thương thân”

Từ ngàn xưa đến nay dân tộc Việt Nam có truyền thống đạo lý vô cùng tốt đẹp, được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo là sống nhân ái và giàu lòng vị tha.

Những người có một tấm lòng nhân ái cao cả và độ lương khoan dung là những người có một trái tim nhân hậu và giàu đức hy sinh, biết thương người như thể thương thân, đau nỗi đau của người khác cũng như nỗi đau của chính mình. Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng lo cho chính bản thân mình, đó là một lẽ thường tình. Nhưng nếu vun vén cho bản thân mình một cách thái quá sẽ dẫn đến tính hẹp hòi đôi khi trở nên ích kỷ, không quan tâm đến sự buồn, vui, sướng khổ của người khác, sống theo kiểu “sống chết mặc bay...” đó là lối sống đáng bị lên án. Ông bà ta xưa thường khuyên dạy con cháu phải biết giúp đỡ người khác, đó là triết lý nhân nghĩa ở đời “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”(Tục ngữ). Thật đơn giản vì trong cuộc đời, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc được cả, ngoài gia đình người thân còn có cả mối quan hệ cộng đồng, xã hội. Chính vì thế mới có câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Trước tiên, trong gia đình phải biết kính trọng, yêu thương, quan tâm giúp đỡ ông bà, cha mẹ, anh chị em… kế đến là tình thương yêu đồng loại. Nếu một xã hội thiếu đi tình yêu thương, sự đùm bọc, chia sẻ thì cuộc sống không còn ý nghĩa. Đã là con người thì ai cũng mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, đầy đủ, không cực khổ, không bệnh tật, không bị thiên tai địch họa… nhưng không phải cứ muốn là được. Có những người dù đã hết sức cố gắng nhưng họ vẫn gặp phải hết khó khăn này đến thiên tai khác, ít khi đạt được điều mà họ mong muốn. Những lúc khó khăn, hoạn nạn như vậy mà họ nhận được tình yêu thương, sự giúp đỡ, dù chỉ là mấy gói mì tôm, một vài chai nước đóng chai… giúp đỡ chân tình thì họ sẽ vơi đi bao nỗi ưu tư, phiền muộn và như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Tục ngữ có câu: “Không ai nắm tay suốt ngày tới tối” hay: “Sông có khúc, người có lúc” là muốn nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống, khó ai có thể thuận lợi, vuông tròn mọi lẽ cả. Cho nên trước hết mình phải sống tốt với mọi người thì mọi người mới đối xử tốt lại. Những việc làm nhân đạo như vậy sẽ góp phần xây dựng một cuộc sống văn minh, tiến bộ và tươi đẹp, một xã hội giàu tính nhân văn, tạo dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Chúng ta cùng đang sống trên dải đất hình chữ S thiêng liêng, chung một tổ tiên con Lạc cháu Hồng, có cùng trang lịch sử đau thương nhưng rất đỗi hào hùng... Ta đều tự hào bởi 2 tiếng Việt Nam, cùng máu đỏ da vàng, mang trong mình tinh thần nồng nàn yêu nước. Thực tế cuộc sống cho thấy, nhân dân ta có lòng nhân ái từ lâu đời. Ở đâu có người gặp hoạn nạn, thiên tai là lập tức có hàng triệu tấm lòng hướng về an ủi, động viên, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất. Phong trào người người, nhà nhà làm việc thiện hiện nay đã lan rộng trên khắp đất nước. Từ những nhà lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp hảo tâm đến bộ đội, cán bộ, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên...tất cả đều sẵn sàng đóng góp để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, những mái ấm cho trẻ mồ côi bất hạnh, những trại dưỡng lão cho người già cô đơn... Rồi chiến dịch đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, đem lại niềm vui cho những trẻ em tật nguyền, bất hạnh... Những các hoạt động ấy đã chứng minh cho sức mạnh của tình yêu thương con người của dân tộc Việt Nam.

Câu: “Thương người như thể thương thân” đã đúc kết lại một trong những phẩm chất đáng quý của dân tộc Việt Nam. Trong thời đại mới, với xu thế hội nhập toàn cầu thì tình giai cấp, tình dân tộc đã mở rộng thành tình yêu thương nhân loại. Tin rằng lòng nhân ái sẽ thay cho sự hận thù, đẩy lùi cái ác, để đất nước ta mãi mãi một màu xanh nhân ái, yêu thương và hạnh phúc.

Tác giả: Võ Hoàng Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

;