“Vua hiền có Lê Thánh Tông”…

Lê Thánh Tông (1442-1497) tên thật là Lê Tư Thành, con thứ tư của vua Lê Thái Tông và Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao (Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao là con gái Ngô Từ, một công thần khai quốc, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Cuối năm 1442, vua Lê Thái Tông mất, thái tử Lê Bang Cơ lên nối ngôi (tức vua Lê Nhân Tông), nắm giữ ngai vàng trong 17 năm thì Lê Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương (năm 1445).

Cuối năm 1459, Lê Nghi Dân (con trưởng vua Lê Thái Tông) giết mẹ con vua Lê Nhân Tông, giành ngôi báu, phong Lê Tư Thành làm Gia vương. “Nghi Dân cướp ngôi mới được tám tháng, tin dùng kẻ nịnh, giết hại bề tôi cũ, pháp chế của tổ tông thay đổi hết thảy, người oán trời giận” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr.611) nên chỉ chưa đầy một năm sau (giữa năm 1460), các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Khoái… đã phế truất Nghi Dân, đưa Lê Tư Thành lên ngôi vua. “Tháng 6, ngày mồng 6, đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết bọn phản nghịch là Đồn, Bang, giáng Nghi Dân làm tước hầu, đón Gia vương lên ngôi hoàng đế (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 611). Trong gần 40 năm cầm quyền (1460-1497), Lê Thánh Tông đã làm nhiều điều hay, việc tốt để vừa củng cố chính quyền, vừa phát triển đất nước, biến thời đại Lê Thánh Tông thành thời thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền, là đỉnh cao nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam.

Trong các việc làm tốt đẹp của mình, Lê Thánh Tông không bao giờ lơ là chuyện bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, các vùng miền biên viễn. Đương thời, vị vua thứ 5 nhà Hậu Lê từng “dụ bọn Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ, ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần, nếu họ không nghe còn có thể sai quan sang sứ Bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái tổ mà đút mồi cho giặc thì phải tội tru di” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 672).

Trước đó, tháng 5 năm 1467, Lê Thánh Tông “sắc dụ các quan trấn thủ, phó tổng binh và thổ quan ở các xứ Lạng Sơn, Yên Bang, Bắc Bình rằng: Quan coi giữ bờ cõi của triều đình, cố nhiên phải giữ đất yên dân, đánh ngăn giặc ngoài, đó là chức phận của mình. Mới rồi người ngoài lấn vào bờ cõi, cướp bắt người và súc vật, nhiều lần thấy chạy tâu mà công hiệu đánh giữ thì im lìm, không thấy báo gì. Nay muốn nhất nhất chạy tội thì sợ không xiết. Bọn ngươi nên hết lòng hết sức, lo chuộc lỗi trước” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 639).

Năm 1490, mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 5, Lê Thánh Tông “định lại bản đồ trong nước: 13 xứ thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Yên Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa đều đặt đô ty và thủ ngự (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 714). Nhà vua còn cho ban hành bộ luật Hồng Đức gồm 13 chương, 722 điều để giữ gìn kỷ cương phép nước, trật tự trị an… đồng thời bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, trong đó có những người yếu thế và phụ nữ.

Vua Lê Thánh Tông cũng là người hoàn chỉnh chế độ giáo dục - khoa cử, định lệ 3 năm một lần thi để kén chọn nhân tài. Từ thời Lê Thái Tông đã có chủ trương dựng bia Tiến sĩ đặt ở Văn miếu nhưng đến Lê Thánh Tông thì chủ trương này mới được hiện thực hóa. Ở phương diện khác, Lê Thánh Tông luôn coi trọng nông nghiệp, chia ruộng đất công làng xã cho nông dân, khuyến khích dân khai hoang, cho đắp đê ven biển ở Bắc Bộ, cho người dân ở các địa phương được tùy ý họp chợ và gửi lại với thời gian một sự nghiệp văn thơ đồ sộ.

Sử thần Vũ Quỳnh từng có lời bàn: “Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thần thánh cái gì cũng tinh thông. Văn thơ thì hay hơn cả các quan văn học (…) Lại sùng chuộng Nho thuật, gióng giả anh tài. Khoa thi lấy học trò không phải chỉ có một khóa, lệ định 3 năm một lần thi là bắt đầu từ vua. Người hiền tài được nhiều hơn cả đời xưa. Văn võ đều dùng, tùy theo sở trường của từng người. Cho nên có thể sửa dựng chính trị, chế tác lễ nhạc, hiệu lệnh văn chương rõ ràng có thể cho người sau noi theo (…) Quy mô sắp đặt công nghiệp trung hung có thể sánh vai với Thiếu Khang nhà Hạ, nối gót được Tuyên Vương nhà Chu mà khinh hẳn Quang Vũ nhà Hán, Hiến Tôn nhà Đường là hạng dưới vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 725).

Khái quát hơn, trong bài diễn ca Lịch sử nước ta xuất bản năm 1942, Hồ Chí Minh viết: “Vua hiền có Lê Thánh Tôn/ Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành”… 

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

 

;