Nâng cao chất lượng dịch vụ tại khu du lịch Pù Luông - tỉnh Thanh Hóa

Với những điều kiện thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, hệ động thực vật phong phú, nét đẹp bản sắc văn hóa của cộng đồng người Mường, Thái... Pù Luông những năm gần đây được đầu tư xây dựng phục vụ cho phát triển du lịch với nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những ấn tượng tốt mà du khách cảm nhận được, vẫn còn tồn tại những vấn đề khiến chất lượng dịch vụ nơi đây chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến giá trị chuyến đi của du khách. Để khắc phục tình trạng này, góp phần đưa Pù Luông trở thành điểm đến lý tưởng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, bài viết chỉ ra thực trạng tồn tại trong chất lượng dịch vụ du lịch tại khu du lịch này và đề xuất những phương hướng giải quyết.

1. Thực trạng phát triển du lịch và chất lượng dịch vụ tại Khu du lịch Pù Luông, Thanh Hóa

Khu du lịch Pù Luông thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tọa lạc tại điểm cực Bắc của huyện Bá Thước. Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan đặc trưng là các làng bản dân tộc thiểu số ven suối, dãy núi đá vôi hùng vĩ, nhiều hang động kỳ bí, hoang sơ, hấp dẫn… Gần các khu vực có rừng nguyên sinh, nơi có quần thể voọc mông trắng đã trở thành điểm du lịch của du khách quốc tế (các bản Thành Công, Pốn, Cao Hoong, Kịt, Son, Bá, Mười xã Lũng Cao; bản Khuyên, Hiêu xã Cổ Lũng. Hầu hết các bản còn giữ nguyên hiện trạng nét văn hóa Mường, Thái, nhà sàn cổ...).

Sức hút của Pù Luông đến từ các giá trị tự thân, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của vùng đất này. Pù Luông được bao bọc bởi vô số dãy núi cao, mật độ bao phủ rừng tự nhiên khá dày và khí hậu ôn hòa. Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng. Đặc biệt, Pù Luông có những thửa ruộng bậc thang trải dài khắp thung lũng, vẽ nên bức tranh cuộc sống yên bình nơi các bản làng người Thái, người Mường. Điều đó không chỉ mang lại ấn tượng đẹp cho du khách, mà còn là yếu tố căn bản tạo nên tính ổn định và là lợi thế trong kinh doanh du lịch khi không phụ thuộc vào tính mùa vụ. ​​Ở độ cao 1.700m nên Pù Luông mang trong mình luồng không khí mát mẻ, trong lành, thoáng đãng… thu hút đông đảo du khách mỗi năm tìm đến.

Dịch vụ vận chuyển đưa khách đến Pù Luông

Trong Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Bá Thước nằm trong tuyến, điểm du lịch quan trọng của tỉnh. Sự định hướng này là cơ sở quan trọng để huyện Bá Thước đầu tư và kêu gọi các nguồn lực hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối các điểm đến nội huyện và giữa Bá Thước với các điểm đến trong tỉnh. Trong đó, quốc lộ 217 dài 43km và quốc lộ 15A dài 18km là 2 trục giao thông chính nối liền Bá Thước với các huyện miền núi phía Tây và các huyện đồng bằng. Bên cạnh đó, các tuyến đường 15C (dài 30km) nối Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (xã Thành Sơn) với xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa) và huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã được hoàn thành và đi vào sử dụng. Đường vành đai phía Bắc sông Mã đã thông suốt, từ trung tâm huyện chạy tới các xã Ban Công, Tân Lập, Hạ Trung (Di tích khảo cổ Mái Đá Điều), Lương Nội, Cẩm Quý và suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy). Từ Pù Luông có thể kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội (khoảng 180km), quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình (khoảng 100km), thành phố Thanh Hóa và thành phố biển Sầm Sơn (khoảng 120km), các điểm du lịch Mai Châu và Mộc Châu (khoảng 40-100km). Đây là cơ sở để các công ty lữ hành xây dựng các tour mang tính liên kết, vừa giúp tiết kiệm quãng đường và thời gian di chuyển giữa các địa điểm; vừa giảm chi phí và gia tăng thời gian lưu trú, trải nghiệm cho du khách.

Du khách có thể tới Pù Luông bằng xe máy, ô tô tự lái hoặc xe khách. Do đường dẫn lên Pù Luông là đường dân sinh được xây dựng cách đây khá lâu, từ khi du lịch Pù Luông phát triển, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có dự án cải tạo đường sá mới để thuận lợi cho du khách đến nghỉ dưỡng cũng như làm tăng mỹ quan cho khu du lịch. Đường sá dốc và nhỏ, xuất hiện tình trạng ổ voi, ổ gà, nhiều khúc cua bị khuất tầm nhìn gây khó khăn trong việc di chuyển. Ngoài ra, một bên đường là vách núi, một bên là thung lũng nhỏ, đường khá vòng vèo nên nguy hiểm cho người lái xe hoặc các phương tiện di chuyển khi trời mưa. Nhiều đoạn đường buổi tối vẫn chưa có đèn đường gây trở ngại cho khách du lịch. Do đường nhỏ và dốc nên các xe 45 chỗ không thể lên được Pù Luông, khách du lịch chủ yếu chọn xe 16 chỗ để di chuyển phù hợp với cung đường. Hiện nay, nhiều điểm lưu trú bán combo gồm xe di chuyển khứ hồi Hà Nội - Pù Luông và phòng nghỉ giá từ 800.000 đồng/ người/ đêm. Ngoài ra, khách đi theo nhóm có thể thuê xe riêng trọn gói hoặc đón ôtô khách giá 300.000 đồng/ người vé khứ hồi, xe chất lượng cao hơn giá khoảng 500.000 đồng.

Dịch vụ lưu trú tại Pù Luông

Về dịch vụ lưu trú, hiện nay tại Pù Luông phát triển các hình thức homestay, khách sạn và resort.

Homestay là loại nhà sàn kiểu dân tộc, phong cách nội thất đơn giản, không có nhiều dịch vụ nhưng nhìn chung đáp ứng đủ tiện nghi cơ bản. Homestay phù hợp với du khách muốn sống gần người dân, gần bản làng với mức giá tiết kiệm chỉ khoảng 150.000 đồng - 500.000 đồng/ đêm. Pù Luông khá rộng, tùy thuộc vào hành trình của du khách để có thể chọn một trong các bản của người dân ở đây làm địa điểm lưu trú chính. Hầu hết du khách chia sẻ về kinh nghiệm du lịch Pù Luông thì hình thức homestay được mọi người lựa chọn nhiều nhất do mức giá rẻ, chất lượng ổn. Nghỉ ngơi ở những homestay mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, du khách có cơ hội tham gia nhiều hoạt động cùng người dân vùng đồng bào dân tộc Thái, như được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, thưởng thức các món ăn đặc sản...

Khách sạn thì có thiết kế nhà sàn dân tộc, có cả loại phòng đơn và phòng tập thể, giá phòng khoảng 270.000 đồng đến 1 triệu đồng/ đêm.

Gần đây ở Pù Luông đã có những khu resort được xây dựng để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ lưu trú chuyên nghiệp với chất lượng được đánh giá cao như Pù Luông Retreat, Pu Luong Eco Garden, Pù Luông Natura, Ciel del Puluong, Pu Luong Tree House, Pu Luong Hillside Lodge... Những nơi này có phòng nghỉ rộng rãi, bể bơi vô cực, tiểu cảnh xinh xắn, không gian ngắm cảnh đẹp và tổ chức nhiều dịch vụ cho du khách trải nghiệm như đạp xe khám phá khu bảo tồn thiên nhiêu Pù Luông, tắm suối Hiêu, khám phá các làng bản của người Thái, chiêm ngưỡng ruộng bậc thang lúa chín vàng, câu cá và tham gia các hoạt động dã ngoại... Do gắn với du lịch sinh thái, thường các resort không có tivi, điều hòa; tuy nhiên phòng ốc luôn sạch sẽ, thoáng mát, đủ tiện nghi cơ bản. Ở những khu resort này giá phòng khá cao, khoảng từ 1-3 triệu đồng/ đêm tùy từng hạng phòng.

Hiện homestay, nhà nghỉ, resort ở Pù Luông ngày một nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan môi trường khu bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái. Phù hợp với đối tượng khách yêu thiên nhiên và thích tìm hiểu văn hóa bản địa. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở lưu trú tại Pù Luông chưa đáp ứng được nhu cầu với những đoàn đông (khoảng trên 100 người), phải chia khách ở các khu khác nhau và cách xa nhau rất bất tiện. Pù Luông không có nhiều chỗ nghỉ, vào mùa cao điểm chỗ nghỉ ở Pù Luông thường hết phòng, du khách phải đặt phòng sớm mới có nhiều lựa chọn và giá tốt. Ngoài khu vực vùng lõi du khách có thể lưu trú ở Mai Châu, từ Mai Châu đi đến Pù Luông khá gần. Ở Mai Châu có nhiều khách sạn và resort cho khách nghỉ, từ đây có thể đi xe máy hoặc ô tô đến Pù Luông để tham quan rồi quay lại Mai Châu nghỉ ngơi.

Dịch vụ ăn uống và mua sắm tại Pù Luông

Ở Pù Luông, dịch vụ du lịch chưa phát triển nên không có nhiều quán ăn, khách du lịch ở Pù Luông chủ yếu đặt cơm ngay tại chỗ nghỉ, các nhà nghỉ ở Pù Luông đều cung cấp đầy đủ dịch vụ ăn uống. Người dân sẽ chuẩn bị tất cả những món ăn theo số lượng đoàn của du khách, các loại thịt cá được bày ra mâm trên những khay lá (cỗ lá), ăn kèm với là cơm hoặc xôi nếp. Ẩm thực Pù Luông mang những đặc trưng rõ nét của ẩm thực Thái với các món nướng, món đồ, với các loại gia vị mang nhiều hương vị núi rừng, với các món ăn nổi tiếng như: vịt quay Cổ Lũng, cá suối nướng chấm muối ớt ăn cùng với xôi ngũ sắc, cơm lam, gà đồi, măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khén, lợn cỏ nướng chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ, uống với rượu cần cay nồng…

Du khách cũng có thể lựa chọn các nhà hàng bên trong resort. Các nhà hàng này có bàn ghế được bày biện sang trọng hơn. Tại đây, du khách được lựa chọn dùng bữa theo thực đơn (set menu) hoặc tùy chọn món (buffet) với đa dạng các món ăn truyền thống của người Thái và các món ăn phương Tây. Du khách có thể lựa chọn dùng bữa tối trong nhà hàng dưới ánh đèn ấm áp hoặc dùng bữa ngoài trời nhìn ngắm bầu trời đầy sao. Các nhà hàng tuy dùng thực phẩm tại địa phương, các món ăn dân dã và đậm chất dân tộc nhưng giá thành còn cao so với mặt bằng chung, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách hàng.

Khu du lịch Pù Luông không có các quán tạp hóa, cửa hàng tiện lợi. Điều này đòi hỏi du khách khi đến đây phải chuẩn bị trước những đồ dùng. Đồ mua về làm quà cũng bị hạn chế, chỉ có một số đặc sản địa phương như cơm lam, măng đắng, đồ thổ cẩm… được bán ở chợ phiên hay các cửa hàng đồ lưu niệm trong khu du lịch.

Dịch vụ tổ chức tham quan du lịch

Lợi thế về cảnh quan với những tán rừng xanh và hệ thống hang động, suối, thác… Pù Luông phù hợp với các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên hoang dã như đi bộ, đạp xe, leo núi, chèo thuyền, tắm thác. Hiện nay, tại Pù Luông, du khách có thể lựa chọn một số hình thức tham quan du lịch:

Những chuyến đi bộ ngắn (hoặc đạp xe) khoảng 5km đến những ngôi làng gần các khu resort hoặc một chuyến trekking đầy thử thách, chinh phục đỉnh cao nhất của Pù Luông và kết hợp cắm trại ngoài trời với một số cung đường trekking hấp dẫn để du khách có thể ngắm nhìn ruộng bậc thang, ngắm cảnh từ trên núi nhìn xuống hay tìm hiểu cuộc sống bình dị hằng ngày của người dân nơi đây.

Đi bè ngắm sông Chăm: trên chiếc bè nổi, du khách được đi tham quan dòng sông Chăm yên bình, trải nghiệm cảm giác như một ngư dân và khám phá cuộc sống nông nghiệp địa phương ở hai bên bờ. Người dân ở đây rất thân thiện, có thể ghé thăm một số gia đình để tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Hẹn hò bên hồ cá nhỏ: Pù Luông Retreat có một hồ cá nhỏ nằm giấu mình giữa khung cảnh thiên nhiên xanh mát, nằm cạnh một con chòi nhỏ và được sử dụng như spa mini. Vào buổi tối, bạn có thể đặt một bàn ăn nhỏ dành cho 2 người trong không gian lãng mạn riêng tư.

Băng rừng leo đỉnh Pù Luông: đỉnh Pù Luông cao 1.700m, là điểm leo núi để khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ với chuyến đi bộ đường dài, leo núi, băng qua những cung đường đủ loại địa hình được nhiều người yêu thích. Với loại hình du lịch này, du khách vừa có thể chinh phục được những ngọn núi cao hùng vĩ, lại còn kết hợp các hoạt động săn mây, săn mưa và săn ảnh trong chuyến đi.

Tắm thác Hiêu ở Pù Luông: thác Hiêu được mệnh danh là “thác nước đẹp nhất ở xứ Thanh”, mùa nào cũng đẹp, mỗi thời điểm trong năm là một trải nghiệm thú vị chờ du khách khám phá. Để ngắm nhìn được trọn vẹn vẻ đẹp của dòng thác, du khách phải vừa leo núi, vừa lội thác trong khoảng một giờ đồng hồ.

Trải nghiệm văn hóa bản địa: những điệu múa xòe, hát lượn, nhảy sạp, hay những món ăn truyền thống tươi ngon hấp dẫn... là những nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa cho du khách.

Hiện nay, các công ty du lịch đã xây dựng các tour đưa khách du lịch tới Pù Luông và sắp xếp các hoạt động, điểm đến, phương tiện đến lịch trình, thời gian, cung đường… cho du khách có nhiều lựa chọn.

Khi đến Pù Luông, du khách có thể di chuyển đến các điểm tham quan, các bản làng bằng xe máy, xe đạp hoặc đi bộ. Nhiều điểm lưu trú cung cấp những dịch vụ này kèm hướng dẫn viên người bản địa. Trên các tuyến leo núi dần hình thành các lán nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú qua đêm và nhu cầu ăn, uống của du khách. Tính tới thời điểm hiện tại, huyện Bá Thước có 73 cơ sở lưu trú dạng homestay, hàng chục người chuyên tổ chức các đoàn leo núi và làm nghề porter. Tuy nhiên, người dân chưa thực sự biết làm du lịch đúng cách. Nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học còn ít, tỉ lệ nhân lực biết ngoại ngữ còn hạn chế. Do thiếu trình độ cũng như trải nghiệm thực tế nên họ chưa có phong cách phục vụ chuẩn nghiệp vụ. Lực lượng hướng dẫn viên, lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế để hướng tới chuyên nghiệp, như kém về ngoại ngữ, công nghệ; một số hoạt động tự phát, chẳng hạn như leo núi, tiềm ẩn những rủi ro mà chưa có quy chế quản lý; thông tin chính thống giới thiệu, quảng bá đến du khách còn sơ sài, ít cập nhật...

Việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Pù Luông cũng dẫn tới tình trạng chiếm dụng đất và xây dựng trái phép, đòi hỏi chính quyền địa phương vào cuộc xử lý nghiêm. Cơ sở vật chất lưu trú và dịch vụ ăn, uống tuy được nâng cao về số lượng và chất lượng, nhưng lại chưa có quy hoạch dài hạn về xử lý rác thải, bảo vệ nguồn nước. Mặc dù Pù Luông vẫn đang ghi dấu ấn tốt đẹp nhưng khó có thể khẳng định sức hấp dẫn ấy duy trì được bao lâu. Bởi thế, du lịch Pù Luông cần rất nhiều sự quan tâm và các giải pháp đồng bộ, kịp thời, để tiếp tục là “nam châm” hút khách đến với miền Tây Thanh Hóa.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tại Khu du lịch Pù Luông, Thanh Hóa

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ

Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động du lịch tại Pù Luông đã được các cấp, ngành và các tổ chức xã hội quan tâm, nhìn nhận một cách đúng đắn. Nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được thực hiện như: các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng, thuyết minh viên, hướng dẫn viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp, khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat, các nhà nghỉ du lịch cộng đồng tại các bản đã chủ động tự tìm hiểu, học tập, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm du lịch. Tổng số lao động phục vụ du lịch tại Pù Luông hiện nay khoảng 380 người, trong đó có 76% đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Trong thời gian tới, để công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu trong sự phát triển du lịch, cần có sự phối kết hợp với các cơ sở đào tạo chính quy, chuyên nghiệp trong việc mở các lớp tập huấn, các hội thảo, các chuyên đề phát triển du lịch… sao cho người dân bản địa vẫn giữ được sự chân chất, mộc mạc, hiếu khách, sẵn sàng chia sẻ những nét đẹp của dân tộc mình cho du khách nhưng lại vững vàng về nghiệp vụ trong cung cấp dịch vụ. Điều này khiến cho du khách luôn cảm thấy gần gũi, ấm áp và muốn quay trở lại.

Phát triển sản phẩm dịch vụ mới

Khách đến với Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông phần lớn đều muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa, khám phá cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, do vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo địa phương cần kết nối với Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa tổ chức các hoạt động khảo sát, định hướng xây dựng sản phẩm mới, trong đó, tập trung phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe như tắm lá, trị liệu thảo dược, du lịch chữa lành, du lịch thiền… Đẩy mạnh các sản phẩm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương cũng như tăng cường sự tham gia của du khách như: trải nghiệm ẩm thực cho du khách với các lớp học nấu ăn những món đặc trưng của Pù Luông cùng người dân bản địa ngay tại các khu lưu trú, những hoạt động vẽ tranh, nặn gốm, tham gia cấy lúa, làm nông, làm vườn… sẽ là những trải nghiệm vui vẻ, ấn tượng, khó quên đối với du khách. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, khám phá văn hóa bản địa.

Theo nhận định của một số đơn vị kinh doanh du lịch cộng đồng giàu kinh nghiệm, thì thị trường khách hàng tiềm năng nhất của Pù Luông đến từ các nước châu Âu, Úc, Mỹ, Canada và khách Việt có mức sống khá giả, với khả năng chi trả cho các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp từ 1-2 triệu đồng/ người/ ngày. Do đó, trong định hướng phát triển lâu dài, Pù Luông nên được định hình là điểm đến nghỉ dưỡng dành cho phân khúc khách hàng trung và cao cấp. Đồng thời, cần đa dạng hóa các hình thức nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và văn hóa để hấp dẫn và giữ chân du khách dài ngày.

Tăng cường thanh tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch

Các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và ban quản lý các khu, điểm du lịch cần tập trung kiểm tra, kiểm soát chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn một cách thường xuyên, kiểm tra các điều kiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của những nơi cung ứng dịch vụ ẩm thực, kiểm tra xuất xứ và chất lượng hàng hóa bán cho du khách, kiểm soát phong cách phục vụ của nhân viên phục vụ khách du lịch, kiểm soát giá bán hàng hóa dịch vụ đặc biệt trong mùa cao điểm. Tại Pù Luông nên tổ chức đường dây nóng cho du khách phản ánh những điều không hài lòng trong dịch vụ và xử lý kịp thời các vấn đề từ các cuộc gọi của đường dây nóng sẽ góp phần làm giảm bức xúc, tạo sự an tâm cho du khách khi đến với Khu du lịch Pù Luông.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch

Khu du lịch cần rà soát những vấn đề bất cập về hạ tầng gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản phẩm dịch vụCải tạo đường đi, cần tính toán đến sức chứa và bố trí khu vực bãi đỗ xe đủ quy mô, phân luồng giao thông để tránh tình trạng ùn tắc. Sửa chữa, nâng cấp hệ thống chiếu sáng; tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại các khu, điểm du lịch; nâng cấp và khai thác hiệu quả các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ du khách. Tập trung giải quyết dứt điểm công tác môi trường nhất là tại khu vực thác Hiêu, giữ gìn cảnh quan, góp phần phát triển du lịch Pù Luông trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án du lịch trọng điểm của Khu du lịch Pù Luông là Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông giai đoạn 2022-2030, mục tiêu nhằm phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa bản địa các dân tộc; đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên để thu hút kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng phát triển du lịch kết hợp với khai thác du lịch vùng đệm, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch đa dạng. Trong đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025 thu hút khoảng 12 nghìn lượt khách/ năm và giai đoạn 2026-2030 là trên 25 nghìn lượt khách/ năm. Khi đi vào hoạt động, đề án tạo ra nguồn thu bền vững cho cả vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trở thành khu du lịch hấp dẫn, trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.

Ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng chất lượng dịch vụ

Khu du lịch Pù Luông cũng cần tập trung thực hiện tốt ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thông minh, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, quản lý khách du lịch; thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch; các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch thực hiện chuyển đổi số trong vận hành, quản lý, lựa chọn giải pháp chiếu sáng tiện ích, thông minh và tiết kiệm năng lượng, từ đó tạo nên những giá trị đặc biệt để du khách sử dụng và trải nghiệm dịch vụ du lịch với sự hài lòng, thân thiện; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện của khu du lịch cần được triển khai và thường xuyên cập nhật. Hệ thống thông tin, chỉ dẫn cần được đầu tư bằng ngôn ngữ của các thị trường trọng điểm để khách tiện tra cứu, dễ dàng tìm đường, tự đi tham quan. Các cơ sở dịch vụ phải đầu tư hệ thống công nghệ tốt, mạng wifi, internet không dây nên được cung cấp miễn phí.

3. Kết luận

Để hướng đến các mục tiêu xa hơn, Pù Luông cần liên tục làm mới mình để thu hút du khách, nhưng đồng thời vẫn phải giữ được các giá trị cốt lõi để làm “bệ đỡ” cho du lịch phát triển bền vững. Đó là bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của các điểm tham quan, trải nghiệm gắn với các hoạt động, chinh phục đỉnh cao Pù Luông, trekking, marathon băng rừng, tham quan hang động, lòng hồ, sông suối, cánh đồng. Đồng thời, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa, nếp sống, nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, nhất là các phiên chợ, nghề thủ công và làng nghề truyền thống (chợ phố Đoàn, dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá, dược liệu Son - Bá - Mười...). Ngoài ra, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có các giải pháp bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên để làm cơ sở cho du lịch phát triển bền vững. Và quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thường xuyên để làm du khách hài lòng và quay trở lại.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Pù Luông: Vẻ đẹp núi rừng nguyên sơ, tuoitre.vn, 23-5-2016.

2. Phát triển du lịch sinh thái tại Pù Luông - Hướng đi nhiều triển vọng, truyenhinhthanhhoa.vn, 3-10-2014.

3. Pù Luông dưới góc nhìn bảo vệ môi trường, tapchimoitruong.vn, 12-8-2022.

4. Du lịch sinh thái - cộng đồng Pù Luông: Hướng đến phát triển bền vững, baothanhhoa.vn, 25-1-20221.

5. Nghị quyết số 58, thời cơ mới cho du lịch phát triển, svhttdl.thanhhoa.gov.vn, 7-11-2020.

Ths MA THỊ QUỲNH HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;