Giá trị thẩm mỹ và văn hóa của trang phục liền chị quan họ xưa và nay

Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009. Các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: Dân ca quan họ không chỉ đặc biệt ở lối hát, cách biểu diễn mà còn đặc biệt cả ở trang phục hát quan họ nữa, tất cả đã làm nên giá trị của dân ca quan họ. Trong quá trình hội nhập và phát triển, việc chuyển dịch nền văn hóa theo những góc độ khác nhau, trong đó yếu tố văn hóa mặc là điều dễ thay đổi. Bảo tồn, gìn giữ những giá trị thẩm mỹ vững bền của dân tộc trong văn hóa mặc là điều cần thiết. Không những thế cần phải góp phần khẳng định và phát triển những giá trị cốt lõi ấy trong đời sống thời trang Việt Nam ngày nay.

1. Nguồn gốc trang phục quan họ

Trang phục quan họ và nguồn gốc của quan họ Bắc Ninh xuất hiện từ bao giờ thì cho tới nay chưa có đủ cơ sở cụ thể để khẳng định. Theo tài liệu của các tác giả GS Hoàng Chương và nhóm nghiên cứu: Quan họ phát sinh từ thời Lý, xuất xứ từ một số làng thuộc các huyện Tiên Du, Võ Giàng (nay là huyện Quế Võ, Yên Phong), nằm ở phía Bắc tỉnh Bắc Ninh, kế thừa từ những tổ chức hát đúm ở địa phương. Dù lẻ tẻ đã có những tìm hiểu về hát đúm, nhưng tuyệt nhiên không ai nói về trang phục hát đúm và trang phục quan họ từ khởi thủy ra sao (1).

Như vậy, việc xác định nguồn gốc về trang phục quan họ khá mông lung, song, quan sát từ những tư liệu có thể thấy rằng, trang phục quan họ nay về cơ bản không có sự khác biệt nhiều so với trang phục quan họ xưa. Sự khác nhau có chăng là về chất liệu và màu sắc bởi trang phục quan họ ngày nay được làm từ chất liệu dệt công nghiệp. Về màu sắc, khác bởi sắc độ vải nhuộm xưa và nay trên những kỹ thuật nhuộm khác nhau. Về bố cục cấu trúc cũng có sự thay đổi ít nhiều. Qua quan sát có thể nhận thấy, miếng đáp được may vào phần cổ bẻ ra ở trước ngực, có màu sắc đối lập với màu của yếm là sự cách tân từ phần bẻ cổ vốn có màu do các lớp áo trong lật ra khi bẻ cổ áo. Trong chương trình Nẻo về nguồn cội, tác giả phỏng vấn cụ Lê Duy Thu (Trưởng đoàn Văn công quan họ tỉnh Bắc Ninh) và cụ Nguyễn Thị Nhã, thị trấn Lim, đều nói đến cách mặc trang phục quan họ xưa và nay.

 Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, trang phục quan họ được hình thành bắt nguồn từ các kiểu dáng trang phục truyền thống dân tộc. Màu sắc cũng thường được khai thác từ màu sắc dân gian quen thuộc, chủ yếu là mô phỏng từ các hiện vật, hiện tượng thiên nhiên (như màu son, màu cánh sen, màu hoa hiên, màu hồng đào, màu hoa lý, màu hồ thủy, màu thanh thiên, màu cánh gián...). Về chất liệu, đều dùng hàng tấm nội địa do các làng thủ công quanh vùng sản xuất hay mua từ nơi khác về, như vải trúc bâu, lụa, the, sồi, kể cả gấm vóc trong trang phục liền anh. Không chỉ tôn vinh sự thanh lịch của liền anh, vẻ đẹp duyên dáng của liền chị, trang phục quan họ còn góp phần làm đẹp thêm những giá trị đặc sắc của dân ca quan họ.

2. Tổng thể của trang phục quan họ

Trang phục liền chị xưa

Áo tứ thân gồm hai vạt, bốn tà, không có khuy, dài và có hai tay áo để xỏ vào khi mặc. Cấu trúc áo tứ thân gồm: lớp ngoài cùng là chiếc áo tứ thân, lớp tiếp theo là chiếc áo cánh màu trắng. Chiếc thắt lưng, kết hợp giữa áo cánh ngắn với cạp váy hoặc quần đen, lớp trong cùng là yếm, có thể là yếm cổ xây hoặc yếm cánh nhạn xẻ sâu xuống tận dưới. Yếm có màu nâu dành cho các bà đứng tuổi hoặc màu trắng ngà, nâu non dành cho các cô gái trẻ.

Theo tài liệu của tác giả Cung Dương Hằng, áo tứ thân được xuất phát từ khổ vải may còn hẹp, khi may hai khổ được ghép dọc ngay sống lưng và cũng nhờ cách may này, sống lưng và eo thắt đáy lưng ong của người phụ nữ Việt càng được tôn đường cong gợi cảm. Hai thân trước là hai tà mở, khi mặc chị em phụ nữ thường buộc thành dải nơ buông nhẹ trước bụng và tô điểm thêm bằng dải bao hai màu quấn xung quanh eo làm cho dáng người thêm thon thả (2). Áo ngũ thân (từ trong ra ngoài) yếm, váy, áo cánh, áo dài ngũ thân (có thể mặc chồng 2 lớp hoặc hơn) thắt lưng. Phụ trang: khăn bọc tóc, khăn vuông (khăn mỏ quạ), nón quai thao, guốc gỗ.

Đặc trưng về hình dáng: Với đặc trưng hình dáng là hình chữ nhật, tạo cảm giác thống nhất vươn lên. Sự luân chuyển của không gian khối chung của trang phục tập trung trọng tâm vào phần khối tròn trĩnh của bờ vai, cổ và gương mặt liền chị quan họ. Trọng tâm đó lại kết hợp với vành tròn của nón quai thao tạo nên sự tỏa lan của gương mặt với không gian xung quanh. Sự bố cục khối đó mang nét đặc trưng phương Đông, kín đáo và mở “vừa phải” với một phần lật của vạt áo trước ngực, kết hợp với nét nhấn về màu sắc và chất liệu phần cổ áo để tạo sự liên kết ý nhị của bên trong và bên ngoài bộ trang phục.

Tính biểu cảm về đường nét: Trang phục trở nên lịch lãm bởi sự kết hợp của các đường chéo trên cổ. Hình của yếm, của đường bẻ vạt con như một sự gợi mở đi lên, một sự tưởng tượng chưa kết thúc, là nút hững hờ xống xếnh giao tình đung đưa theo nhịp của làn điệu quan họ. Là nét duyên độc đáo mà chỉ có ở trang phục quan họ mà thôi. Các nếp buông rủ, buộc thắt của đường nét thắt lưng như nhấn thêm sự dịu dàng, ý tứ là sinh động theo mỗi bước đi của liền chị quan họ. Đặc biệt là nét phảy của lọn tóc đuôi gà hoặc nét nhọn tam giác của vành khăn “mỏ quạ” làm gương mặt tròn của liền chị sinh động và yêu kiều.

Chất liệu, màu sắc: Chất liệu để may áo đẹp trước kia là the, lụa. Liền chị mặc váy sồi, váy lụa, đôi khi có người mặc váy kép với váy trong bằng lụa, vải màu, lương, the, đoạn; váy ngoài bằng the, lụa. Váy màu đen.

Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thủy, màu vàng chanh, màu vàng cốm... Áo cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà.

Yếm có thể nhuộm màu (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển)... Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Bao của các cô gái quan họ xưa thường sử dụng chất liệu sồi se, màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng. Thắt lưng thường là loại bao nhỏ bằng chừng 1/3 bao, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo. Cũng tương tự yếm, thắt lưng làm bằng lụa nhuộm các màu tươi sáng như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thủy. Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi giải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước người con gái.

Trang phục liền chị hiện nay

Trang phục quan họ ngày nay được hiểu một cách tổng thể những gì mà các liền anh, liền chị sử dụng và hóa trang trong khi sinh hoạt và biểu diễn quan họ. Như vậy, ngoài quần, váy và áo, còn có khăn, thắt lưng, nón, dây xà tích. Cho tới nay, mặc dù dưới tác động của những xu hướng hiện đại hóa trong trang phục nói chung, trang phục của người quan họ đã có những biến đổi ít nhiều, đặc biệt là chất liệu vải, màu sắc và cả sự giản lược trong cấu trúc.

Trang phục áo dài ngũ thân nhiều lớp: Trong cấu trúc trang phục liền chị quan họ có sự thay đổi là biến áo mớ ba thành áo hai lớp. Ông Lê Duy Thu (phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh), người đã cải tiến cho trang phục quan họ hiện nay, chia sẻ: Áo các cụ ngày xưa chủ yếu mặc mớ ba, mớ bảy. Bên trong là màu hoa thiên lý hoặc màu lá mạ, ở giữa là màu đỏ và ngoài cùng phủ một lớp màu đen để tạo nên một màu nâu cánh gián mang dáng dấp đồng quê... Nhưng bây giờ nếu mặc ba mớ áo đó lên người thì lại quá rộng, tạo cho người mặc một cảm giác bùng nhùng, lộm cộm, không gọn gàng nhưng chỉ cần cải tiến lại một chút là bộ trang phục sẽ khác hẳn đi.

Trên cơ sở bộ phục trang quan họ cổ ba lớp, cải tiến lại còn hai lớp: lớp trong may bằng vải lụa nhung màu đỏ, lớp ngoài vẫn dùng lụa the đen hoặc the tím than. Hai màu này lồng vào nhau vẫn tạo nên màu nâu cánh gián đặc trưng. Những đường may không còn rộng quá khổ người như trước mà vòng vào ôm sát eo, bỏ đi đường can sống lưng sau và đường can giữa thân trước để chiếc áo mềm mại và thanh thoát hơn, hai bên hông hơi để lộ ra một chút để những đường cong trên cơ thể người phụ nữ nổi bật hơn.

Lớp áo trong cùng đã được thay bằng một miếng lá lật màu xanh tươi hoặc xanh đậm ở cổ như một đường viền duyên dáng khiến trang phục quan họ mang một màu sắc riêng. Dù chỉ còn hai lớp nhưng khi nhìn vào người ta vẫn cảm thấy như là ba lớp vì các lớp vải được sắp xếp chồng lên nhau một cách hài hòa và khéo léo.

Thực ra, miếng lá lật của các bà, các cụ ngày xưa được cách tân nhỏ gọn hơn. Khi mặc trang phục quan họ mà không có lá lật hay yếm đào thì coi như chưa thành bộ. Chiếc yếm ban đầu chỉ được may đơn giản nhưng về sau đính thêm các hạt kim xa, kim tuyến quanh vòng cổ để tạo nên vẻ lung linh, lấp lánh cho người mặc khi biểu diễn trên sân khấu vào ban đêm.

Ngoài hai lớp áo và chiếc lá lật, trang phục của chị hai quan họ cầu kỳ hơn vì còn có thêm chiếc váy, cặp dây thắt lưng và cặp khăn. Bên trong hai lớp áo là một chiếc váy màu đen dài quá chân, gấu váy hơi vòng lên như lưỡi trai. Bên ngoài áo được thắt hai sợi dây thắt lưng, một thắt lưng màu xanh thiên lý và một thắt lưng màu đỏ hoặc màu vàng. Đặc biệt, chiếc khăn vấn trên đầu được chỉnh sửa cả làm vành khăn cao, to và vành sau thấp, nhỏ dần để khi chít khăn mỏ quạ không bị gãy góc.

Cái “lá lật” màu xanh chính là thay cho chiếc áo màu bên trong, giữa vẫn là áo màu đỏ, bên ngoài là lớp the đen tạo gam màu cánh gián - màu sắc chủ đạo của trang phục liền chị quan họ không thể thay thế. Riêng “lá lật” màu xanh trước ngực kết hợp màu đỏ thẫm của cổ yếm tạo điểm nhấn nổi bật trong bộ trang phục của liền chị ngày nay.

Với sự kết hợp giữa kiểu dáng áo dài truyền thống và áo dài tân thời hiện nay, trang phục của liền chị quan họ càng toát lên vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ. Đường may vẫn có khâu tay để chiếc áo được mềm mại. Khéo mặc, khéo chít khăn, liền chị càng nổi bật hơn trong cái nền nã, lịch lãm đặc trưng của người quan họ. Chiếc khăn vấn đầu của liền chị quấn đằng trước to, đằng sau nhỏ lại, khi đội lên tạo khuôn mặt trái xoan và khi đội thêm khăn vuông mỏ quạ sẽ tạo hình khuôn mặt búp sen.

Bên cạnh áo dài ngũ thân Kinh Bắc, thì trong hát quan họ vẫn tồn tại các liền chị mặc áo dài tứ thân, trước vẫn theo tông màu nâu, yếm trắng, áo cánh, thắt lưng nhiều màu sắc như vàng, xanh. Ngày nay, áo dài tứ thân cũng như áo dài ngũ thân liền chị quan họ cũng được sân khấu hóa. Các cụ già vẫn mặc áo tứ thân bằng vải thô, đồng màu (màu nâu trầm), các thanh nữ mặc trang phục áo dài ngũ thân cách điệu với chất liệu lụa, màu nâu non, kết hợp với màu hồng, xanh, đỏ.

3. Giá trị màu sắc và chất liệu trong trang phục quan họ

Quan sát bộ trang phục liền chị quan họ, ta thấy khá nhiều màu sắc chưa kể màu của phụ trang. Tuy nhiên, màu sắc ấy lại không làm cho bộ trang phục trở nên rối rắm, ngược lại rất nền nã, dịu dàng và đằm thắm, tôn lên độ sáng và vẻ đẹp của gương mặt liền chị quan họ, mang lại vẻ đẹp tự nhiên mà không cần tô điểm. Có những màu sắc rất chói, nhưng lại rất dịu nhờ cách chồng lớp của áo mớ ba mớ bảy, cách mặc chồng màu, khác màu nhau.

Cách chơi màu từ rực rỡ (yếm bên trong) như hồng đào, cánh sen, nâu non, trắng, những gam màu của thiên nhiên của phù sa, nương dâu, đồng lúa… tương phản với thắt lưng như thiên thanh, hồ thuỷ, quan lục, vàng chanh, son, trên nền váy (quần) tía đen… Sự cân bằng trạng thái giữa nặng nhẹ, trên dưới, sự tỏa rạng từ trong ra ngoài của màu sắc được nhuộm từ tự nhiên đem lại sự độc đáo hiếm có của thẩm mỹ màu sắc trang phục liền chị quan họ mà không bắt gặp ở trang phục lễ hội nào khác.

Bên trong cùng là chiếc yếm trắng (hoặc yếm đào), tiếp theo là lớp áo cánh trắng, hoặc nâu non, sau đó đến lớp màu cơ bản đỏ hay hồng của lớp áo kép, rồi đến phủ bên ngoài là chiếc áo the đen hoặc nâu sẫm, mận chín, tam giang, có tác dụng trung hòa tất cả những lớp màu sắc đó, để không quá cách biệt với màu đen của chiếc khăn mỏ quạ đội trên đầu. Tất cả tông màu đó lại trầm xuống bởi màu đen sẫm của chiếc váy mặc phía dưới.

 Cách thức điều sắc đó trong trang phục liền chị quan họ cũng có nghĩa biểu đạt giá trị hài hòa lễ nghĩa của con người Kinh Bắc với cộng đồng và môi trường tự nhiên xung quanh, thể hiện nét văn hóa ý nhị trong giao tiếp của người Kinh Bắc.

Trong không gian văn hóa mùa lễ hội, các liền chị mặc lồng nhiều lớp áo lụa, với sự phong phú của chất liệu lụa như the, sồi tạo nên sự dung cảm, xao xuyến khi các lớp chất liệu như hòa quyện vào nhau trong chuyển động nhẹ như gió, như mây… Sự nhẹ nhàng, duyên dáng ý nhị, môi trường như vậy, không có gì lớn lao cả, vốn là đặc trưng thẩm mỹ của dân cư đồng bằng Bắc Bộ.

Chiếc áo the phủ ngoài có giá trị đặc biệt như để trung hòa màu sắc các lớp áo bên trong. Màu cơ bản của các lớp áo bên trong e ấp, kín đáo khoe thầm, khi gió thổi, tất cả màu sắc ấy hòa quyện với không gian, nét cong của mái đình, mái chùa, hòa vào không khí nảy lộc đâm chồi của mùa xuân hay khi cây cối đâm hoa kết trái vào lễ hội thu…

Hòa sắc của tất cả màu đen, nâu, hồng điều, đen có ánh đỏ của các chất liệu lụa dệt thủ công... Hòa điệu với không gian ấy, khí hậu ấy là thẩm mỹ, sự chơi màu, phối màu tài tình của người Kinh Bắc mà không ở đâu có được, là âm hưởng, hồn cốt dân tộc Việt Nam. Vẻ đẹp hài hòa của trang phục quan họ từ trang phục đến các phụ kiện hoàn thiện như một tác phẩm nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên dân ca quan họ được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có thể nói, một phần quan trọng là có bộ trang phục liền chị quan họ với thẩm mỹ độc đáo và nghệ thuật đến vậy.

Nếu xưa kia, trang phục liền chị quan họ được khâu bằng tay và chất liệu là lụa tự nhiên được nhuộm thủ công từ màu sắc thiên nhiên phù hợp với cơ thể người mặc. Ngày nay, khi chất liệu của trang phục được dệt công nghiệp, cách may cắt cũng có phần được máy móc hóa. Từ tông màu đến sắc độ vải vóc đều có nhiều sự biến đổi, màu như tươi mới hơn, tương phản hơn và giống nhau hơn giữa các bộ trang phục liền chị. Điều đó có ảnh hưởng hay không đến nghệ thuật dân ca quan họ và ảnh hưởng như thế nào thì cần thêm nhiều nghiên cứu nữa. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tác giả thì cái tình và chất cảm của các yếu tố chất liệu và màu sắc trong trang phục liền chị quan họ đã bị thuyên giảm đi rất nhiều.

Kết luận

Có thể nói, vẻ đẹp từ màu sắc và chất liệu trên trang phục liền chị quan họ đã mang lại những giá trị thẩm mỹ không nhỏ. Khai thác những yếu tố của giá trị ấy để góp phần vào nét đẹp trong ngành thiết kế thời trang hiện đại. Yếu tố này không chỉ dừng lại ở việc tạo nên vẻ đẹp thuần túy mà còn góp phần tạo nên sắc thái văn hóa trong các lễ hội ngày nay. Các lễ hội không ở riêng vùng Kinh Bắc mà còn đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt trên chiếc áo dài với các nước trên thế giới. Bởi vì, trang phục quan họ mang vẻ đẹp nền nã, thanh tao, song hành cùng làn điệu tình tứ của dân ca quan họ, đem lại vẻ độc đáo có một không hai của quan họ Bắc Ninh, di sản phi vật thể của thế giới. Vẻ đẹp ấy có sức ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống hiện đại như mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, du lịch, điện ảnh và đặc biệt là ngành thiết kế thời trang.

________________

1. Hoàng Chương và nhóm nghiên cứu, Tìm về cội nguồn quan họ, Công trình khoa học cấp bộ, Nxb Sân khấu, 2007, tr.94.

2. Cung Dương Hằng, Mỹ thuật nữ phục truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011, tr.133-143.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị Bích Hồng, Văn hóa quan họ - sản phẩm độc đáo của vùng Kinh Bắc, Tạp chí Tuyên giáo, 2009.

2. Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý, Quan họ, nguồn gốc và quá trình phát triển, Nxb Khoa học xã hội, 1978.

3. Trần Đình Luyện, Di tích và lễ hội tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, tập 1, Nxb Mỹ thuật, 2016.

4. Trần Đình Luyện, Trần Quốc Vượng, Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty Văn hóa Hà Bắc, 1972.

5. Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1962.

6. Nguyễn Quân, Tiếng nói của hình và sắc, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984.

7. Trần Linh Quý, Hồng Thao, Tìm hiểu dân ca quan họ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997.

8. Đoàn Thị Tình, Trang phục Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 2006.

9. Đoàn Thị Tình, Giá trị văn hóa trong trang phục lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, 2017.

Ths NGUYỄN THỊ XUÂN THU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;