Thư viện Việt Nam: Những khoảng cách còn lại

Hệ thống thư viện công cộng và các hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành trong cả nước đã từng bước lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giai đoạn 2009-2019 tròn một thập kỷ ngành Thư viện Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu và hoạt động không ngừng, để thực hiện những nội dung cơ bản và định hướng phát triển theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 “Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”); nhằm góp phần nâng cao văn hóa đọc cho toàn thể nhân dân trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, 10 năm qua, bên cạnh những thành tích nổi bật, những kết quả đạt được, hệ thống thư viện ở nước ta thời gian qua vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, cần sớm được khắc phục cả về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực thư viện...

 

     1. Thành tựu cơ bản của Thư viện Việt Nam (giai đoạn 2009-2019)

     Về cơ chế - chính sách ngành thư viện

     Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thư viện trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Để thực hiện tốt vai trò, chức năng quan trọng này, một thập kỷ qua, nhằm thể chế hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam về chính sách văn hóa nói chung, về thư viện nói riêng, Bộ chủ quản đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp quy quan trọng về lĩnh vực thư viện. Hệ thống văn bản pháp quy trong lĩnh vực thư viện đã dần được hoàn thiện. Đặc biệt từ năm 2009 - 2019, nhà nước đã ban hành các Nghị định, Quyết định của Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương đã kịp thời ban hành các: Thông tư, Chỉ thị, Quyết định. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 văn bản pháp quy về lĩnh vực thư viện hoặc liên quan đến quản lý nhà nước về công tác thư viện như: Quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Quyết định về Ngày sách Việt Nam... Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp quy về thư viện do các địa phương ban hành về công tác thư viện/ liên quan đến thư viện khá nhiều: hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện các quy định, chính sách của Nhà nước, để chỉ đạo hoạt động thư viện ở địa phương; ban hành 10 quyết định phê duyệt quy hoạch, 25 quyết định phê duyệt đề án phát triển ngành thư viện ở địa phương.

     Có thể nói, khoảng một thập kỷ qua, Bộ VHTTDL với chức năng tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện, bằng việc xây dựng cơ chế - chính sách và trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy quan trọng đã được triển khai vào cuộc sống, thực sự tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, thống nhất và khá thuận lợi cho hoạt động của các hệ thống thư viện Việt Nam phát triển. Các quy định hiện hành nhìn chung khá phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế, tạo nền móng cho hoạt động thư viện Việt Nam hội nhập với hoạt động thư viện trong khu vực và thế giới; đồng thời là công cụ quan trọng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về thư viện trên lãnh thổ Việt Nam.

     Hệ thống thư viện Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng

     Khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa nói chung, lĩnh vực thư viện nói riêng, hoạt động thư viện Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đắc lực vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

     Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, tính đến cuối năm 2018, hệ thống thư viện công cộng cả nước đã có 20.768 thư viện, tủ sách, phòng đọc sách từ T.Ư đến cơ sở (trong đó có 1 Thư viện quốc gia, 63 thư viện tỉnh/ thành phố; 663 thư viện cấp huyện; 3.257 thư viện cấp xã và 16.727 phòng đọc sách, tủ sách làng, thôn bản... với tổng cộng khoảng gần 40 triệu bản sách. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện chuyên ngành với gần 400 thư viện trường đại học và cao đẳng, khoảng 24.700 thư viện trường phổ thông, gần 80 thư viện các bộ, ngành, các viện, trung tâm nghiên cứu...). Mặt khác, với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, bên cạnh các thư viện công lập, đã xuất hiện mô hình thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình (đặc biệt Chương trình Sách hóa nông thôn), đã và đang tham gia tích cực vào việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức của cộng đồng, của toàn xã hội.

     Nhiều thư viện ở Việt Nam đã và đang tích cực đa dạng hóa phương thức hoạt động: tổ chức kho đóng, kho mở, phục vụ nghe nhìn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng thư viện điện tử, thư viện số. Bên cạnh việc đa dạng hóa phương thức tổ chức và hoạt động, nhiều thư viện cũng đang tích cực đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện, cả sản phẩm thư viện truyền thống và sản phẩm thư viện hiện đại, như: phích mục lục, thư mục sách báo, tạp chí, trang thông tin điện tử (website)… nhằm phục vụ tối ưu cho bạn đọc.

     Cơ sở vật chất, kinh phí cho các hệ thống thư viện ở Việt Nam ngày càng được đầu tư

     10 năm qua, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ (trong lĩnh vực thư viện), cùng với các Nghị định của Chính phủ, các văn bản pháp quy quan trọng khác của T.Ư và địa phương đã đem lại những kết quả ấn tượng cho hoạt động thư viện trong cả nước. Các thư viện ở T.Ư, các thư viện tỉnh, thành, thư viện các trường đại học, thư viện Bộ, ngành... đã được sự quan tâm và đầu tư về cơ sở vật chất. Chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng Việt Nam, từ năm 2009 đến nay, đã xây dựng mới được khoảng trên 50% thư viện tỉnh, thành (bình quân mỗi thư viện từ 30-40 tỷ đồng, như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau; có thư viện được xây dựng từ 60-100 tỷ như: Hải Dương, Nghệ An, Đồng Tháp; Thư viện tỉnh Quảng Ninh được xây dựng trên 400 tỷ đồng. Nhiều thư viện và trung tâm thông tin - thư viện trường đại học lớn đã được xây dựng mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng như: Thư viện trường Đại học Bách khoa Hà Nội (200 tỷ đồng); Trung tâm Thông tin-Thư viện Đại học Giao thông Vận tải (25 tỷ đồng); Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Thương mại (10 tỷ đồng); đặc biệt 4 Trung tâm Học liệu ở các tỉnh, thành: Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng (chủ yếu xây dựng bằng nguồn vốn của tổ chức nước ngoài, trị giá mỗi Trung tâm này trên/ dưới 100 tỷ đồng)...

     Song song với việc đầu tư xây dựng trụ sở các thư viện trong cả nước, việc tăng kinh phí và tăng vốn sách, báo, tài liệu cho thư viện cũng đã được T.Ư và nhiều địa phương quan tâm. Theo thống kê các thư viện tỉnh/ thành gửi về Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) hằng năm, kinh phí chi cho hoạt động thư viện ở nhiều nơi, năm sau cao hơn năm trước (bình quân từ 6 đến 10%). Một số thư viện tỉnh/ thành phố, các trường đại học lớn đã có sự ưu tiên kinh phí để mua các “bộ sưu tập số”, hoặc ưu tiên ngân sách để “hồi cố” sách, báo, tài liệu thư viện, nhằm từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục; cơ sở dữ liệu toàn văn cho thư viện. Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ (thông qua Bộ VHTTDL) từ năm 1995-2015, mỗi năm trị giá hàng chục tỷ đồng cho 63 thư viện tỉnh, gần 400 thư viện huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Rõ ràng, với việc tăng ngân sách cho thư viện, vốn tài liệu, sách, báo (cả tài liệu giấy và tài liệu điện tử) trong nhiều thư viện tỉnh, thư viện các trường đại học ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, làm phong phú hơn kho tài liệu thư viện ở Việt Nam.

     Về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện

     10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ cũng là 10 năm ngành thư viện Việt Nam đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực xã hội hóa, để thu hút nhiều nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho lĩnh vực thư viện ở nước ta. Bên cạnh hệ thống thư viện nhà nước (thư viện công lập), các thư viện dân lập được hình thành và phát triển, như: thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (hiện nay có gần 60 thư viện), tủ sách dòng họ, chương trình Sách hóa nông thôn, tủ sách gia đình (do ông Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, đến nay có khoảng gần 5.350 đơn vị). Bên cạnh đó, phải kể đến sự tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước về sách, báo, trang thiết bị cho hệ thống thư viện Việt Nam. Hằng năm, Thư viện quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh, các thư viện chuyên ngành, đa ngành đã nhận được hàng chục nghìn bản sách do Quỹ Châu Á tặng (trị giá hàng tỷ đồng) và thông qua Ngày Sách Việt Nam (21-4), nhiều sách, báo, trang thiết bị thư viện của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, lãnh sự quán các nước trên thế giới hỗ trợ cho các thư viện ở Việt Nam. Hằng năm, Cục Xuất bản, Vụ Thư viện, Thư viện quốc gia Việt Nam, các nhà xuất bản lớn ở T.Ư (Chính trị quốc gia, Quân đội nhân dân, Phụ nữ, Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ) đã hỗ trợ hàng vạn cuốn sách, trị giá hàng tỷ đồng cho các thư viện cơ sở. Đặc biệt, từ năm 2013-2015, Nhà xuất bản Kim Đồng triển khai dự án tặng 1 triệu cuốn sách cho trường học vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (trị giá 2 tỷ đồng). Đáng chú ý, từ năm 2011-2017, dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam, do Quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ) tài trợ, tổng trị giá gần 40 triệu USD, đã cấp khoảng 11.500 máy tính cho 40/63 tỉnh ở Việt Nam. Ngoài ra, từ năm 2005- 2013, các tổ chức phi chính phủ của các nước: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Thụy Điển và Ngân hàng thế giới (WB) đã hỗ trợ, tài trợ, đầu tư cho hệ thống thư viện các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam với các dự án xây dựng Trung tâm Học liệu ở các tỉnh, thành: Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ (hoặc các dự án thư viện điện tử/ thư viện số, các lớp tập huấn người làm thư viện), trị giá các hạng mục tài trợ/ hỗ trợ nói trên từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Đặc biệt, để huy động mọi nguồn lực cho thư viện Việt Nam phát triển, 10 năm trở lại đây, đã có 16 thư viện tỉnh/ thành phố được tài trợ xe ôtô thư viện lưu động (do các tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam tài trợ), mỗi chiếc xe có giá trị từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng.

     Tóm lại, 10 năm trở lại đây, ngành thư viện Việt Nam hiện đang song hành thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng, đó là: từng bước hiện đại hóa các thư viện ở T.Ư và các thư viện tỉnh, thành phố; các thư viện trường đại học; đồng thời xã hội hóa, đa dạng hóa hoạt động thư viện ở cấp cơ sở nhằm phát triển hệ thống thư viện, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.

     2. Hạn chế và những thách thức của các thư viện Việt Nam (giai đoạn 2009-2019)

     Qua quá trình phát triển, hệ thống thư viện ở Việt Nam cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém nhất định. Đó là sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, các khu vực trong cả nước. Những năm qua, thư viện các vùng đồng bằng, đô thị có điều kiện phát triển nhanh, mạnh hơn, cả về nguồn nhân lực, kinh phí, vốn sách báo tài liệu; còn các thư viện ở miền núi phía Bắc; Tây Nguyên, Tây Nam bộ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn: Trụ sở thư viện còn tạm bợ, chưa được xây mới, cán bộ vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều thư viện, tủ sách cơ sở miền núi không có thư viện xã... Việc xây dựng và phát triển một số thư viện trung tâm vùng (Hà Nội, Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP. HCM, Lâm Đồng) chưa được quan tâm, đầu tư (theo định hướng của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020).

     Đầu tư cho thư viện chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều địa phương do điều kiện kinh tế khó khăn chưa quan tâm, đầu tư cho thư viện phát triển. Ví dụ: Hưng Yên, Bình Phước, Bắc Kạn, Hà Nam, Hòa Bình... tách tỉnh từ 10-20 năm nay, mà hiện trụ sở thư viện tỉnh còn tạm bợ hoặc nhà cấp bốn. Cơ chế - chính sách (nhất là ở tầm vĩ mô như Luật Thư viện) còn thiếu, chưa đồng bộ, nên chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế phát triển thư viện ở Việt Nam.

     Trình độ cán bộ thư viện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi còn thiếu và yếu (nhất là ở cấp huyện, cấp cơ sở; nhiều cán bộ thư viện thiếu năng động, sáng tạo trong công việc). Đây cũng là nguyên nhân khách quan và chủ quan: suốt thời kỳ bao cấp, nhiều cán bộ thư viện thiếu năng động, còn ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, dựa dẫm vào cơ chế xin - cho là chính.

     Văn hóa đọc hiện nay đang có nhiều biến động (bên cạnh đọc truyền thống trong thư viện, qua sách, báo in; đã xuất hiện đối tượng đông đảo độc giả đọc qua mạng Internet, qua điện thoại di động; Iphone, Ipad... đã ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa đọc truyền thống trong thư viện).

     Một số chỉ tiêu về thư viện và văn hóa đọc không đạt được như trong Chiến lược văn hóa đề ra (số bản sách/đầu người mới chỉ đạt 0,44 - trong đó Chiến lược văn hóa đề ra mức phấn đấu là 0,8 bản sách/đầu người dân, ứng dụng CNTT trong thư viện công cộng và xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số còn nhiều hạn chế, do thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị máy móc hiện đại...).

     Việc truyền thông cho Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ thời gian qua còn nhiều bất cập: Bộ VHTTDL và nhiều bộ, ngành T.Ư cũng chưa thường xuyên chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin, truyên truyền cho Chiến lược phát triển văn hóa. Vì vậy, nhiều lãnh đạo các cấp từ T.Ư đến tỉnh/ thành có nơi cũng chưa quan tâm thực hiện các nội dung trong chiến lược.

     Thư viện ở Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức như: thách thức về hiện đại hóa thư viện trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập; thách thức về nguồn nhân lực (nhất là về chuyên môn, ngoại ngữ). Khả năng tụt hậu thư viện Việt Nam so với các nước khu vực và thế giới cũng là một điều đáng báo động. Điều này đã được minh chứng rõ nhất trong việc hiện đại hóa thư viện, hình thức tổ chức phục vụ ở một số nước (thư viện điện tử, thư viện số ở Hàn Quốc, Singapore đã phát triển ở mức cao. Việc tự động hóa thư viện cũng đạt trình độ tối ưu: mượn trả sách, làm thẻ tự động; phục vụ bạn đọc tự động và tự chọn từ nhiều năm nay...).

     3. Định hướng phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2030

     Quy hoạch, định hướng phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2030 cần phải dựa trên những nội dung chủ yếu sau:

     Thứ nhất, hoạt động thư viện luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình thư viện trong mối liên kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Quy hoạch, định hướng phát triển thư viện phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; đặc biệt lưu ý đảm bảo tính bền vững, phát triển lâu dài, ổn định. Đầu tư cho hoạt động thư viện là đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển các nguồn nhân lực ở Việt Nam. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện, tranh thủ tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước; huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội cho việc xây dựng và phát triển ngành thư viện Việt Nam.

     Thứ hai, định hướng phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2030 cần chú trọng đầu tư có trọng điểm cho một số thư viện có tính khu vực: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa…, vừa là đầu mối giao lưu, chia sẻ tài nguyên, vừa để kích cầu các thư viện còn lại trong khu vực phát triển. Ứng dụng khoa học công nghệ cao, nhằm tự động hóa, hiện đại hóa trong hoạt động thư viện. Phát triển thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số; đáp ứng nhu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0. Sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc trong các thư viện, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ cao, tự động hóa trong thư viện. Cần khai thác triệt để có hiệu quả nguồn lực thông tin trong và ngoài nước; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động thư viện, đa dạng hóa phương thức hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu đọc, nhất là ở cấp cơ sở; cộng đồng, khu dân cư...

     Thứ ba, đối với thư viện công cộng, cần chú trọng nâng cao dân trí, giáo dục cộng đồng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo, hướng dẫn cho mọi người có điều kiện sử dụng miễn phí thư viện trong phạm vi cả nước. Cần lưu ý phát triển mạng lưới thư viện sâu rộng từ T.Ư đến cơ sở (4 cấp), xây dựng phong trào đọc, thế hệ đọc trong tương lai. Đặc biệt chú trọng tăng cường hiện đại hóa thư viện, ứng dụng CNTT, chia sẻ nguồn lực, tài nguyên thư viện. Đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành, cần tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, tìm kiếm thông tin, tri thức của cá nhân, tổ chức, xã hội, đoàn thể.

     Thứ tư, cần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế - chính sách về thư viện; huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sự nghiệp thư viện (nhà nước, nhân dân, đoàn thể - xã hội, tổ chức quốc tế... cùng tham gia); đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo và đào tạo lại, tập huấn cán bộ, cơ chế sử dụng cán bộ thư viện, ưu đãi các chuyên gia thư viện…); từng bước chuẩn hóa nghiệp vụ thư viện trong cả nước (theo chuẩn chung DDC, MARC 21 và AACR2); củng cố tổ chức Hội Thư viện Việt Nam, thành lập các chi hội trực thuộc; ứng dụng khoa học và công nghệ thư viện bao gồm: xây dựng cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT, số hóa tài liệu, chia sẻ nguồn tài nguyên thư viện…; xã hội hóa, đa dạng hóa hoạt động thư viện (nâng cao nhận thức, phối hợp, hành động từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở…); tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực thư viện; trao đổi kinh nghiệm (thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn…) và hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ thư viện cho Việt Nam; tăng cường trao đổi sách báo, tài liệu với nước ngoài (thông qua các dự án, chương trình, biếu tặng...).

     Tóm lại, chặng đường một thập kỷ vừa qua (2009 - 2019), thực hiện và triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ; ngành thư viện Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cố gắng, đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, nhìn nhận nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của cả ngành thư viện nước ta trước bối cảnh mới, vận hội mới, chúng ta thấy vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ thư viện, các nhà quản lý, các chuyên gia thư viện trong cả nước cần năng động và sáng tạo nhiều hơn, nỗ lực làm việc và cống hiến nhiều hơn, đặc biệt, cần có tư duy mới, phù hợp với xu thế thời đại của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đó là bước chuyển quan trọng của văn hóa đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng CNTT và sự chuyển mình có tính quy luật của hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại.

 

Tác giả: Nguyễn Hữu Giới

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

 

 

;