Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại

Tác phẩm Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại (NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2024) là kết quả của cuộc hành trình “theo dấu” nhà vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn tại cả hai nước Việt Nam và Pháp của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy. Đây được coi là cuốn tư liệu lịch sử được thực hiện công phu, với nhiều thông tin mới về con người, cuộc đời Vua Bảo Đại (1913 - 1997) và Hoàng hậu Nam Phương (1913 - 1963).

Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương là hai nhân vật lịch sử nhận được khá nhiều sự quan tâm của công chúng, một phần bởi họ là Vua và Hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam, một phần cũng có lẽ do cuộc đời, con người họ khá đặc biệt. Đã có nhiều cuốn sách viết riêng về Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, tuy nhiên trong đó có nhiều chi tiết, sự kiện chưa được kiểm chứng và đối chiếu, thậm chí có những chi tiết thêu dệt thành giai thoại. Bởi vậy, xung quanh Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương có nhiều giai thoại, nhiều sự kiện, sự việc được ghi chép khác nhau, thậm chí là bất nhất.

Hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy - đã ròng rã suốt ba năm trời thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi lưu dấu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ở Việt Nam, từ Sài Gòn về Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang về Thủ Đức, Chợ Lớn, Biên Hòa, lên Đà Lạt, Kon Tum, ra Quy Nhơn, Huế, Hà Nội… cùng những chuyến đi ở Pháp, đến những nơi nhà vua, Hoàng hậu đã đi qua, sinh sống, để tìm tư liệu, gặp nhân chứng và hậu duệ của những người cùng thời, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước, trong đó có cựu thị trưởng làng Chabrignac để tìm hiểu, đối chứng.

Hoàng hậu Nam Phương

Bên cạnh đó là sự dày công sưu tầm, khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu sách báo xuất bản trong và ngoài nước ở Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại (Aix-en-Provence, Pháp), các thư viện của tu viện dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, dòng Đức Bà, Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn … để sưu tầm, khảo cứu, xác minh, kiểm chứng thông tin.

Nhờ vậy, cuốn sách này không chỉ cung cấp thông tin phong phú, có giá trị mà còn mang lại nhiều thông tin mới về: ngày tháng năm sinh chính xác, quê quán thực sự của Hoàng hậu Nam Phương; đóng góp của bà cho an sinh xã hội ở Việt Nam; quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp; những công việc triều chính của Vua Bảo Đại; thực hư về những câu chuyện tình cảm của Vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương… Tác giả Vĩnh Đào cho biết, sử liệu về Vua Bảo Đại còn tương đối đầy đủ nhưng tài liệu về Hoàng hậu Nam Phương rất ít, nếu không muốn nói là không có gì, Về tài liệu chính thức, có lẽ chỉ có quyển sách mỏng bằng tiếng Pháp do Phủ toàn quyền Pháp tại Đông Dương ấn hành năm 1943, tựa là Souverains et Notabilités d’Indochine (Tiểu sử vua chúa và thân hào các nước Đông Dương) có một trang ghi rất vắn tắt về Hoàng hậu Nam Phương với ngày sinh 4-12-1914. Trong hơn nửa thế kỷ, không ai đặt nghi vấn gì về ngày sinh này, vì đó cũng là ngày sinh được triều đình Huế công bố. Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng Trị sự nguyễn Phúc tộc biên soạn và xuất bản năm 1995 cũng ghi ngày sinh tương tự. Đến khi Hoàng hậu mất, người ta mới thấy một ngày sinh khác được khắc trên mộ. Sau khi tìm hiểu, hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã có đủ tư liệu để chứng minh ngày sinh thật sự của Hoàng hậu Nam Phương là ngày 14/11/1913.

Trong ngày tấn phong Hoàng hậu

Hoàng hậu Nam Phương không phải là một nhân vật chính trị có tác động trực tiếp trong các sự kiện lịch sử, nên sử sách không ghi chép nhiều về bà. Còn những nhân vật đã có dịp gần gũi với Hoàng hậu có thể kể lại những kỷ niệm thực thì không còn bao nhiêu. Ông Phạm Khắc Hòe, từng làm Đổng ký Ngự tiền Văn phòng của Vua Bảo Đại trong các năm 1944-1945 có thể được xem là chứng nhân trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, nhưng quyển hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc (Nxb Hà Nội 1983) của ông, theo các các giả, có nhiều giai thoại không có đủ tính xác thực.

Nhiều chi tiết về tiểu sử Hoàng hậu Nam Phương được lặp đi lặp lại trong hầu hết các bài viết về Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam: bà là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, một trong bốn người giàu nhất xứ Nam Kỳ. Ông Lê Phát Đạt thuộc gia đình Công giáo lâu đời, là người đã xây cất nhà thờ Huyện Sỹ, là cháu chắt của Thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm. Thân phụ của bà là ông Nguyễn Hữu Hào, sinh trưởng tại Gò Công trong một gia đình đại điền chủ có ruộng đất trải dài hầu hết các tỉnh miền Nam… nhưng các tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã tìm được nhiều bằng chứng xác thực cho thấy phần lớn những chi tiết này đều không đúng.

Bà Nam Phương và các con khi mới sang Pháp

Hai tác giả đã về xứ đạoThánh Gẫm, quê hương của Thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm và tìm hiểu được, ông Lê Phát Đạt không có họ hàng gì với Thánh Mathieu Lê Văn Gẫm. Nhưng ông Nguyễn Hữu Hào thì lại thuộc dòng họ này. Vậy chính xác là gia đình bên nội của Hoàng hậu Nam Phương có quan hệ họ hàng với Thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm.

Hầu hết tài liệu đều cho rằng ông Nguyễn Hữu Hào sinh trưởng ở Gò Công nhưng khi hai tác giả về Gò Công - Tiền Giang, không ai biết gì về gia đình đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và cũng không ai biết thân phụ ông Nguyễn Hữu Hào là ai. Sau khi dày công tìm tư liệu và đi điền dã, hai tác giả đã tìm ra được sự thật: ông Nguyễn Hữu Hào sinh ra trong một gia đình nghèo theo Công giáo, gốc ở làng Tân Hòa, thuộc địa phận Chợ Lớn ngày nay, không liên quan gì đến Gò Công - Tiền Giang. Để tìm hiểu tại sao có sự nhầm lẫn này, các tác giả đã đến họ đạo Thánh Mathieu Lê Văn Gẫm ở phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hành trình đi tìm gia đình và quê quán Hoàng hậu Nam Phương, các tác giả còn đến Vương cung Thánh đường Sài Gòn, tu viện dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, nhà thờ Xóm Chiếu… và được sự giúp đỡ tận tình của các linh mục và nữ tu để tìm ra sự thật.

Nguyễn Hữu Thị Lan và Vua Bảo Đại chụp năm 1933 tại Đà Lạt

Cuốn sách còn hé lộ những năm cuối trong cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương, khi bà đưa 5 người con sang Pháp. Năm 1947 vì tình hình bất an trong nước, Hoàng hậu Nam Phương đưa 5 người con sang Pháp ở tại lâu đài Thorenc, thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp. Đến năm 1958, bà mua một gia trang tại làng Chabrignac, một làng nhỏ hẻo lánh tại miền Trung nước Pháp và sống ở đó 5 năm cuối đời, trong tĩnh lặng, không tiếp xúc với ai ngoài những người thân thuộc nhất trong gia đình. Đây là một góc khuất trong cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương với nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng không có câu trả lời. Các tác giả đã nghiên cứu kỹ tư liệu như cuốn tiểu sử Hoàng hậu Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam của nhà sử học người Pháp François Joyaux xuất bản năm 2019 và một tài liệu quan trọng khác: Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố (tác giả Phạm Hy Tùng). Để có thể tiếp cận thông tin nguyên gốc một cách chính xác nhất, các tác giả đã tìm đến tận cung Nam Phương ở Đà Lạt, khai thác thông tin còn lưu trữ. Hai tác giả cũng tìm gặp ông Marcel Boudy - cựu thị trưởng làng Chabrignac, nay đã 91 tuổi. Lúc hoàng hậu dọn đến làng, ông là phó thị trưởng và cho đến giờ ông vẫn lưu giữ những ký ức về người mà ông cho là “một phụ nữ tuyệt vời”.

Tại Pháp, các tác giả còn may mắn gặp được ông Marcel Schneyder. Cha ông là người Pháp, cựu viên chức cao cấp trong tòa Thống đốc Nam Kỳ, mẹ ông là cháu 5 đời của Thánh Mathieu Lê Văn Gẫm. Tại Sài Gòn thập niên 1950, ông đã nhiều lần tới biệt thự số 37 đường Taberd, gặp các con của bà Agnès Didelot - chị gái của Hoàng hậu Nam Phương. Tuy sang Pháp từ cuối thập niên 1950, ông vẫn giữ liên lạc với hai chị em Monique và Sabine Didelot, cũng như với các công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung.

Tổng thống Pháp Albert Lebrun đón tiếp Hoàng Hậu An Nam ngày 6 / 7 / 1939 tại Điện Elysee

Để tìm hiểu những năm cuối đời của cựu hoàng Bảo Đại, các tác giả may mắn gặp được ông Patrick-Édouard Bloch Carcenac - người con thứ 13 và cuối cùng của cựu hoàng. Ông đã trải qua thời thơ ấu bên cha và thường xuyên gặp lại cho đến trước khi ông mất. Ông đã cũng cấp cho các tác giả rất nhiều thông tin về thời gian này.

Các tác giả chia sẻ, hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại rất gian nan nhưng cũng đầy thú vị. Giữa lúc thiếu tư liệu lịch sử thì những bài báo, tạp chí thời xưa xuất bản trong nước lẫn nước ngoài lại cung cấp nguồn thông tin rất dồi dào và đáng tin cậy. Vấn đề khó là tìm được những số báo xuất bản vào thời gian xảy ra sự kiện để đối chiếu với các nguồn tin khác. Rất may, Thư viện Quốc gia Việt Nam lưu trữ khá nhiều báo và tạp chí xuất bản trong thập niên 1930-1940. Thư viện Quốc gia Pháp cũng có một kho tư liệu báo chí được số hóa rất phong phú.

Với mục đích viết một cuốn sách về Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại một cách khách quan nhất có thể, hai tác giả đã đối chiếu, kiểm chứng kỹ càng, cẩn trọng các thông tin và tư liệu để đưa vào trong cuốn sách. Bởi vậy, tác phẩm đã được giới chuyên môn đánh giá là một nguồn tư liệu quý báu khi có rất nhiều thông tin ẩn khuất về cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại được làm sáng tỏ thêm.

Cựu hoàng Bảo Đại và bà Nam Phương tại Hồng Kông năm 1947, trong hành trình cùng các con sang Pháp định cư

Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại dày 464 trang, gồm 4 phần chính: Thiếu nữ Nam kỳ và Hoàng Thái tử Triều Nguyễn, Hoàng hậu và Hoàng đế Đại Nam, Những ngày bất an, Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac. Ngoài ra, tác phẩm còn xuất bản thêm một phần phụ kể về câu chuyện Những năm buồn tẻ của cựu hoàng. Cả 4 phần trong tác phẩm được thể hiện tương ứng 4 giai đoạn chính của cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương theo trình tự thời gian. Tác phẩm đã góp phần lý giải những thông tin bất nhất về cuộc đời vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn, cung cấp nhiều tư liệu hữu ích cho các quý độc giả quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải là công trình nghiên cứu lịch sử chuyên khảo, mà chỉ là một cuốn tư liệu lịch sử về cuộc đời Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, được thể hiện dưới góc nhìn và lập luận của cá nhân tác giả.

Cuốn sách được thực hiện dưới góc nhìn của Hậu duệ triều Nguyễn là tác giả Vĩnh Đào - tên thật Nguyễn Phước Vĩnh Đào, vừa là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, vừa là một nhà nghiên cứu. Tác giả Vĩnh Đào và Vua Bảo Đại cùng là cháu của hai anh em ruột Miên Định - Miên Tông. Nguyễn Phước Vĩnh Đào là cháu Miên Định (Thọ Xuân Vương), Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại) là cháu của Miên Tông (Vua Thiệu Trị). Tác giả Vĩnh Đào là người trong hoàng tộc, đồng thời là một nhà nghiên cứu nên các thông tin về Vua Bảo Đại và triều Nguyễn dưới thời Bảo Đại được ông tổng hợp và phân tích mang tính am hiểu sâu sắc.

NGUYỄN KIM DUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024

;