Nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật trong giai đoạn từ nay đến năm 2030: Những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác

Để nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật, cần rất nhiều giải pháp thiết thực và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trong đó việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư chiều sâu qua mô hình các trại sáng tác, có thêm nhiều cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực được đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030 một cách hiệu quả.

Lễ trao giải Cuộc thi Sáng tác kịch bản phim tài liệu và phim hoạt hình năm 2011 của Cục Điện ảnh

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và công tác đào tạo

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng người có tài, có đức. Điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nêu lên nhiệm vụ đối với ngành văn hóa: “Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo cán bộ văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa”.

 Trong Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ở mục III: Nhiệm vụ và giải pháp, phần 1: Nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng nhấn mạnh mục tiêu “Xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa”.

Nguồn nhân lực đội ngũ sáng tác luôn được xem là hoạt động trọng yếu trong công tác quản lý Nhà nước của các ngành văn học nghệ thuật. Trong nhiều năm vừa qua, ngành đã có nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác quan trọng này, hướng tới việc bảo đảm có một đội ngũ sáng tác có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trung tâm TPD của Hội Điện ảnh VN đã đào tạo được nhiều nhà làm phim trẻ bổ sung nhân lực cho điện ảnh

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa bài bản chính quy, chuyên sâu về các ngành, lĩnh vực cũng như góp phần bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa đương nhiệm, hệ thống các cơ sở đào tạo của các ngành nghệ thuật ngày càng được nâng cấp, đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại, tiên tiến, cập nhật những tri thức mới về quản lý, xây dựng, phát triển văn hóa ở trong và ngoài nước. Đến nay cả nước có 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa - nghệ thuật gồm 33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp, trong đó lực lượng chủ chốt là 18 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL. Các cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật phủ kín hầu hết các tỉnh, thành phố, phần lớn tập trung ở các đô thị, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học và gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Để khuyến khích, thu hút tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Nhà nước đã không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, đào tạo, tập huấn ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Thời gian qua, nhiều đề án về đào tạo, phát triển tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao đã được Chính phủ ban hành và triển khai có hiệu quả như các đề án: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;“Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011-2020”; “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giai đoạn 2011-2020”; “Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”... Bên cạnh đó, nhiều nghị định, thông tư về xét tặng các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho những cá nhân có thành tích, cống hiến xuất sắc trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng đã được ban hành; ghi nhận, tôn vinh những nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Đề xuất các giải pháp

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội tháng 11/2021, nhiều ý kiến đề xuất của đại diện các hội văn học nghệ thuật đã được đưa ra. Các ý kiến đều thống nhất rằng để triển khai Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030, lĩnh vực văn học nghệ thuật có nhiều “sứ mệnh” đặc biệt quan trọng, trong đó, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ cần phải được khơi dậy, phát huy.

Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng giải pháp khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm phim nằm ở những nhiệm vụ sau: Tiếp tục quan tâm, định hướng, hỗ trợ hoạt động sáng tác trẻ; Tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động sáng tác kịch bản, công trình nghiên cứu lý luận phê bình đồng thời tăng mức đầu tư chiều sâu đủ để tác giả có điều kiện nâng chất lượng kịch bản, công trình lên tầm xuất sắc; Thực hiện tốt các kế hoạch tổ chức cho hội viên đi thực tế và nâng cao chất lượng sáng tác và hiệu quả hoạt động hỗ trợ sáng tác theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, loại bỏ dần yếu tố nghiệp dư, lấy chất lượng tác phẩm làm thước đo hiệu quả hoạt động sáng tác.

 Không chỉ có Hội Điện ảnh quan tâm đến đầu tư kịch bản, Cục Điện ảnh cũng thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi viết kịch bản trên phạm vi rộng để thu hút nhân tài và tạo nguồn kịch bản chất lượng.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, PGS,TS, nhà phê bình Bùi Thị Thanh Mai (Viện VHNT quốc gia Việt Nam) đánh giá, trong các giải pháp phát triển mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách thì rất quan trọng là nguồn nhân lực sáng tác, thị trường mỹ thuật và quảng bá, kết nối mỹ thuật Việt Nam với quốc tế.

Hội Nghệ sĩ Múa VN cũng xác định đào tạo là một trong những lĩnh vực then chốt, nền tảng ban đầu gây dựng nên những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Bởi thế, công tác tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác huấn luyện - đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, vận dụng quy chế xét thưởng để trao giải cho nhiều công trình, giáo trình, chương trình thi tốt nghiệp của hội viên là giáo viên các trường Văn hóa nghệ thuật vẫn được Ban Chấp hành Hội duy trì thường niên.

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho ngành sân khấu điện ảnh

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, Hội đã góp ý xây dựng nhiều chính sách, chế độ để nâng cao chất lượng nghệ thuật và đời sống đối với văn nghệ sĩ. Ban sáng tác của Hội đã tích cực phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật của Bộ VHTTDL tổ chức được 13 trại sáng tác kịch bản, tổ chức nhiều đợt đi thực tế. Công tác lý luận, phê bình sân khấu thời gian qua đã có tác động thúc đẩy đội ngũ sáng tạo, hướng đến những đề tài trọng tâm của thời đại, những vấn đề quan thiết đang đặt ra trong hiện thực cuộc sống hôm nay.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nêu đề xuất, kiến nghị về chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ: “Về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí. Theo chúng tôi, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm, những loại hình nghệ thuật truyền thống cần được “bảo vệ khẩn cấp”... Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, cần được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội”.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa và quá trình phát triển đất nước, còn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật nói chung và đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật nói riêng.  Đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi luôn có sự đổi mới, sáng tạo, qua đó tạo những bước đột phá, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

Thứ hai, trong tình hình mới đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ sáng tác phải không ngừng tự trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn; phải luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, xung kích đi đầu trong mọi nhiệm vụ, phong trào. 

Thứ ba, khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng chuyên ngành văn hóa ở các cơ sở đào tạo. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học trong các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật. Đổi mới chính sách trọng dụng cán bộ sáng tác văn học nghệ thuật công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, với nghệ sĩ trực tiếp tham gia sáng tác, trình diễn và thực hành văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là trong truyền dạy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tài năng nghệ thuật trẻ trong những ngành nghề đặc thù... cần có cơ chế mở, linh hoạt về tuyển dụng, chế độ tiền lương, điều kiện làm việc để họ phát huy tốt nhất tài năng, sức sáng tạo, cống hiến vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Thứ tư, đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật phải tự “bồi đắp” nâng cao tri thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ. 

Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch của Chính phủ. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển mà nguồn vốn văn hóa truyền thống và những giá trị tiếp biến hiện tại đang là tài nguyên vô giá, là sức mạnh nội sinh, “sức mạnh mềm”, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững đất nước. Quan tâm, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật là một trong những tiền đề “then chốt” để tạo dựng nền tảng tinh thần lành mạnh, nhân văn. 

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;