Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: Nửa thế kỷ đồng hành cùng nền văn hóa dân tộc

Tập thể cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, viên chức và người lao động Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật  - ảnh: Tuấn Minh

 

Nói về 50 năm ra đời và phát triển của một tờ tạp chí lớn ở nước ta như Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, e rằng khó nói hết và cũng thật khó nói đầy đủ về những thành tựu, những đóng góp to lớn, có giá trị của tờ Tạp chí này cho sự phát triển nền văn hóa Việt Nam chặng đường đã qua, kể cả những khó khăn, hạn chế của Tạp chí trong suốt nửa thế kỷ đồng hành cùng với sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tạp chí, tôi xin nêu một số nội dung cơ bản và những đóng góp hết sức lớn lao, có giá trị của Tạp chí cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc Việt Nam tròn nửa thế kỷ qua.

1. Sự ra đời của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: Ấn bản số đầu tiên, năm 1973

Tôi có dịp tìm lại ấn bản số đầu tiên của tờ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật năm 1973 (lúc đó mang tên gọi ban đầu là Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật: Cơ quan nghiên cứu lý luận, phê bình nghệ thuật của Bộ Văn hóa, xuất bản 3 tháng/1 kỳ), để tìm về cội nguồn, sự ra đời của Tạp chí này và cũng để hình dung ra diện mạo, đứa con tinh thần cách đây tròn 50 năm. Từ đó có thể chiêm nghiệm và tìm hiểu về tôn chỉ, mục đích của Tạp chí cùng với những nội dung cơ bản của nó, cho sự phát triển về sau. Tôi bồi hồi xúc động cầm trên tay ấn bản số 1 ra cuối năm 1973 có bìa màu vàng nhạt, chững chạc, dày dặn tới 126 trang, khổ 19x27cm, với các nội dung: Nghiên cứu lý luận, hoạt động thực tiễn về đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Các bài viết, bài nghiên cứu và những quan điểm của các đồng chí lãnh đạo Trung ương về văn hóa, nghệ thuật, của các học giả, nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đó, như: Hà Xuân Trường, Trần Đình Thọ, Vũ Ngọc Phan, Từ Chi, Trần Tuy, Trần Văn Cẩn, Tào Mạt, Mịch Quang, Lê Ngọc Cầu, Hoàng Châu Ký, Vũ Đình Phòng, Lâm Tô Lộc v.v…, rồi sau này còn có các tác giả/ học giả/ nhà nghiên cứu: Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Tạ Quang Bửu, Phan Đình Diệu, Đình Quang, Minh Chi, Hồ Sĩ Vịnh, Dương Ngọc Đức, Thái Bá Vân, Lê Tiến Thọ, Nguyễn Chí Bền, Từ Thị Loan, Phạm Vũ Dũng, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đăng Nghị… Đây cũng là kim chỉ nam, những định hướng cơ bản, quan trọng cho tờ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong suốt những chặng đường sau này (kể cả trong chiến tranh hay trong thời bình, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa). Có thể nói rằng: Hiếm có một tờ tạp chí nào ở nước ta giữ được định hướng và phát triển được như tờ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật suốt chặng đường nửa thế kỷ qua. Ngay từ số đầu tiên (năm 1973) và nhiều số sau này, Tạp chí luôn quy tụ được các cây viết lý luận nổi tiếng và các học giả “lão làng”, “cây đa, cây đề”, chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật ở nước ta, về các lĩnh vực: nghệ thuật, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, sân khấu, điện ảnh, văn xuôi, kiến trúc, thơ, hội họa… Đó cũng chứng tỏ lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước ta đã được các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật, các học giả, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nói trên quan tâm và chia sẻ suy nghĩ của mình trên tờ tạp chí, với những ý tưởng mới, quan điểm mới về văn học nghệ thuật nước nhà. Để sau này bước sang TK XXI, Đảng ta đã chú trọng 3 mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước đó là: “Xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm và xây dựng, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực để phát triển xã hội”.

Bìa Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 1 năm 1973

 

Cảm nhận của riêng tôi là: Từ những ấn phẩm đầu tiên năm 1973 - đứa con đầu lòng của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã là một ấn phẩm văn hóa khá dầy dặn, bề thế, chững chạc với nhiều nội dung hay, hấp dẫn, bổ ích. Bước đầu là niềm vui, niềm tin vào sự chuyển động và lan tỏa, định hướng phát triển cho những số sau này qua bao năm tháng… Từ thời kỳ đổi mới 1986 đến nay, dù trải qua nhiều năm tháng, những thay đổi về nhân sự, về tổ chức, bộ máy và về chất lượng từng số, nhưng nhìn một cách khách quan, toàn diện, vẫn có thể thấy rằng: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn có ba điểm tựa rất vững chắc, để phát triển đi lên. Điểm tựa thứ nhất là luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của mình, dù đổi mới đến đâu, thì vẫn luôn bám sát đời sống thực tiễn, không chạy theo thị hiếu của thị trường. Điểm tựa thứ hai chính là việc Tạp chí luôn coi trọng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên, đó là linh hồn của Tạp chí. Điểm tựa thứ ba là nội bộ đoàn kết và luôn có ý thức nâng cao trình độ của Ban Biên tập, để đáp ứng nhu cầu của công việc, của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Là một cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí, dõi theo chặng đường phát triển của Tạp chí, tôi rất trân quý những đóng góp to lớn và giá trị của Tạp chí với sự phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc suốt nửa thế kỷ qua:

Thứ nhất, những đóng góp của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho những chủ trương, quyết sách và quan điểm lớn của Đảng ta về phát triển văn hóa qua các thời kỳ. Chúng ta biết rằng, từ năm 1973 đến nay, có rất nhiều Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội toàn quốc, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) năm 1996 về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33-NQ/TW, năm 2014 Về xây dựng và phát triển con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là những Nghị quyết lớn rất quan trọng của Đảng ta, đối với sự phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mớí đất nước, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển trong khu vực và thế giới. Trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt 2 Nghị quyết T.Ư về văn hóa nói trên, các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý về văn hóa, thông qua diễn đàn nghiên cứu lý luận của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và cùng với Viện Nghiên cứu văn hóa, cũng đã có những đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn cho Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin trước đây, cũng như Bộ VHTTDL hiện nay để tham mưu cho Đảng ta và các cơ quan chức năng trong việc soạn thảo các Nghị quyết nói trên ban hành, đi vào cuộc sống.

Thứ hai, 50 năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn mang đến cho bạn đọc trong và ngoài nước nhiều thông tin bổ ích về văn hóa nghệ thuật, trong đó có nhiệm vụ quảng bá văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài như các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh: Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Phố cổ Hội An, Di sản Mỹ Sơn, Cố đô Huế, Thành Nhà Hồ, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Dân ca Quan họ, Hát Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên…) và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới cho bạn đọc ở nước ta, với những cái nhìn đa chiều, khách quan, trung thực…

Thứ ba, hằng năm số lượng bài viết có giá trị về nghiên cứu lý luận và thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật được đăng tải trên 3 kỳ và tạp chí điện tử của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tăng cao, đã và đang là những món ăn tinh thần, tài liệu tham khảo rất bổ ích và có giá trị cho độc giả trong và ngoài nước. Với nhiều ý tưởng, suy nghĩ, trao đổi học thuật và chất xám của người viết, đã truyền tải cho người đọc, giúp ích cho các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương, bạn đọc là giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên, học viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, là nguồn tài liệu tham khảo, tra cứu, trích dẫn về văn hóa nghệ thuật, phục vụ cho việc hoàn thiện luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước. Đây thực sự là những đóng góp rất to lớn của Tạp chí trong nửa thế kỷ qua.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ viên chức, biên tập viên của Tạp chí qua các thời kỳ có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề. Tôi có may mắn công tác trong ngành Văn hóa - Thông tin và VHTTDL tròn 40 năm (từ năm 1983 đến nay), nên quen biết nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ, biên tập viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua các thời kỳ như: TS, VS Hồ Sĩ Vịnh, GS, TS Nguyễn Chí Bền, Ths Phạm Vũ Dũng, PGS, TS Đỗ Lai Thúy, Ths Hoàng Hà và nhiều biên tập viên của Tạp chí… Có thể nói đây là đội ngũ tri thức, cán bộ lãnh đạo và biên tập viên rất tâm huyết, tận tâm với nghề, trách nhiệm với công việc của Tạp chí qua nhiều năm tháng. Họ đã âm thầm làm việc, nghiên cứu, biên tập bài vở, với một cái tâm trong sáng “bút sắc lòng trong” (từ của nhà báo Hữu Thọ), để hằng tháng cho ra đời những ấn phẩm mà độc giả hằng mong đợi. Đội ngũ cán bộ, viên chức, biên tập viên của Tạp chí thực sự là những con người cần mẫn, chăm chỉ (kể cả đi điền dã ở các vùng, miền, địa phương Bắc - Trung- Nam, đến những bản làng xa xôi của Tổ quốc), để gặp gỡ già làng - trưởng bản, đồng bào dân tộc thiểu số, hay các nhà quản lý văn hóa ở các địa phương, để chắt lọc ra những ý tưởng, suy nghĩ, đề xuất quý giá của bạn đọc (như trưng cất lên những men rượu quý, thơm lừng), phục vụ cho bài viết, bài nghiên cứu đăng lên Tạp chí. Với những tìm tòi đổi mới trong nhiều số của Tạp chí những năm tháng qua, không chỉ là những con chữ khô khan, mà thực sự là những tìm tòi, suy nghĩ, ý tưởng, những đổi mới cần thiết của các học giả, người viết, nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước, để đóng góp cho lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa, nghệ thuật của nước nhà, trong chặng đường tiếp biến văn hóa và giao thoa của văn hóa Việt Nam với văn hóa trên thế giới.

2. Một số đề xuất, kiến nghị đối với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong giai đoạn mới

Có thể nói rằng: Chặng đường nửa thế kỷ qua của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là một chặng đường hết sức vẻ vang, nhiều thành tích và những đóng góp to lớn cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước Việt Nam, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tuy nhiên, trong chặng đường mới, đòi hỏi Tạp chí cần có sự đổi mới nhiều nữa trong tư duy, trong “cách nghĩ - cách làm “báo, chí” trong kỷ nguyên số, trong Cách mạng công nghiệp 4.0, để sao cho ngày càng có nhiều ấn phẩm hay, chất lượng cả về hình thức và nội dung, đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Vì lẽ đó, là bạn đọc của Tạp chí trong mấy thập kỷ qua, tôi xin mạo muội có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Một là, Tạp chí cần có thêm những bài viết của các nhà quản lý văn hóa, lãnh đạo văn hóa ở Trung ương và địa phương, để định hướng, phát triển về lý luận và chỉ đạo thực tiễn hoạt động văn hóa ở Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới (trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số ở Việt Nam…). Đây sẽ là những bài viết quan trọng, có ý nghĩa để chuyển tải các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng, Nhà nước về văn hóa nghệ thuật trong nhân dân, phù hợp với xu thế của thời đại, của lịch sử. Muốn vậy, các ban chuyên môn của Tạp chí nên chủ động, có sự đặt bài trước cho các đồng chí lãnh đạo của ngành VHTTDL, Chính phủ hoặc Quốc hội… và các lãnh đạo ở Trung ương, để có những bài viết chất lượng cao về nội dung/ chuyên đề này.

Hai là, Tạp chí cần có các chuyên đề, chuyên sâu về các lĩnh vực: điện ảnh, di sản văn hóa, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, văn hóa cơ sở… để góp phần quảng bá và thông tin về những hoạt động của các lĩnh vực này trong bối cảnh mới; đồng thời góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các hoạt động này trong tương lai. (Ví dụ: trong ngành Thư viện Việt Nam, tháng 4 là tháng có hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), nên chăng Tạp chí nên dành nhiều trang để phản ánh về nội dung này cả ở Trumg ương và các địa phương).

Ba là, cộng tác viên của Tạp chí là “nguồn sống” rất quan trọng để nuôi dưỡng các bài viết, vì thế rất cần có những “cộng tác viên ruột” là các học giả có uy tín, những “cây đa, cây đề” ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thường xuyên viết bài cho Tạp chí. Đây không chỉ là vấn đề “làm sang” cho Tạp chí, mà thực sự còn là những đóng góp có giá trị của các học giả, chuyên gia, nhà khoa học cho Tạp chí (mà không phải tờ báo, tạp chí nào ở nước ta cũng có được); tránh trường hợp có nhiều bài viết nhạt nhẽo, ít thông tin và ít giá trị.

Bốn là, đề nghị các ban chuyên môn và đội ngũ viên chức Tạp chí phải luôn suy nghĩ, tìm tòi và đổi mới hình thức và nội dung của Tạp chí. Bên cạnh tạp chí giấy truyền thống, chúng ta đã có Tạp chí điện tử, vậy nên thời gian tới, đề nghị Tạp chí tìm cách để lan tỏa và phát huy giá trị của Tạp chí điện tử qua mạng internet nhiều hơn, để phục vụ độc giả trong và ngoài nước. Thời gian tới, theo tôi, có thể Tạp chí có kế hoạch đưa lên trang tin các số/ các bài viết của tạp chí trước đây (bằng cách chuyển đổi số); đồng thời xây dựng thêm các chuyên mục hỏi/ đáp qua mạng; để phục vụ bạn đọc và học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, các thày, cô giáo trong các trường đại học và cao đẳng (các số, các bài viết trước đây của Tạp chí theo các chuyên đề/ chuyên mục về văn hóa, nghệ thuật). Đây sẽ là lợi ích vô cùng to lớn, nếu Tạp chí làm được, sẽ giúp ích cho bạn đọc có thể đọc được nhiều bài viết hay, bài viết có giá trị của Tạp chí những số ra nhiều năm trước đây.

Nhân kỷ niệm Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tròn 50 năm xây dựng và trưởng thành, tôi mong rằng Tạp chí sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, tốt hơn, có nhiều bạn đọc hơn nữa, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn của mình trong giai đoạn cách mạng mới. Xin được gửi tặng Tạp chí Văn hóa nghệ thuật 5 “chữ Đ” với thật nhiều tốt đẹp và ý nghĩa, đó là: Đ: Đúng tôn chỉ - mục đích của tờ Tạp chí; Đ: Đẹp, trang trọng về hình thức; Đ: Đầy đủ, phong phú về nội dung tin, bài, ảnh; Đ: Đời (phản ánh chân thật cuộc sống văn hóa nghệ thuật ở nhiều góc độ); Đ: Đắt hàng (Tạp chí của chúng ta có nhiều người quan tâm, đọc, chia sẻ). Xin chúc Ban Lãnh đạo và các biên tập viên, phóng viên, viên chức Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhiều sức khỏe, nhiều năng lượng mới, nhiều niềm vui, nhiều may mắn và thành công.

 

Ths. NGUYỄN HỮU GIỚI

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam 

_______________

Tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

;