Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - 50 năm một chặng đường phát triển

Trong 50 năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bằng cách đăng tải các bài viết chất lượng, phân tích sắc bén và nhận định sắc sâu, Tạp chí từ lâu đã trở thành một kênh thông tin quan trọng, nguồn tài liệu quý có giá trị tham khảo cao cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; là ấn phẩm ngày càng được bạn đọc yêu mến, tin cậy.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và các đại biểu dịp kỷ niệm 50 năm thành lập  Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (1973-2023) - ảnh: Tuấn Minh​

​​​​​​

1. Thực trạng phát triển của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua 50 năm hình thành

Văn hóa là một lĩnh quan trọng của đời sống xã hội, được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL, đã góp phần tạo ra những thành tựu trong hoạt động của Bộ VHTTDL. Chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Tạp chí có rất nhiều dấu ấn nổi bật, có thể kể đến trên một số thành tựu tiêu biểu như sau:

Thứ nhất, nội dung của Tạp chí không ngừng được mở rộng để bao quát phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL

Sự phát triển của Tạp chí không chỉ ở số lượng bản in, số trang của mỗi Tạp chí hay số lượng ấn phẩm xuất bản trong năm, mặc dù đây là những con số phản ánh sự đón nhận của công chúng. Sự phát triển của Tạp chí còn thể hiện ở chất lượng nội dung. Trước hết, nội dung phản ánh của Tạp chí không ngừng mở rộng qua chính tên gọi của mình, từ Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (1973) đến Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật và hiện nay là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Sự mở rộng này xuất phát từ quan niệm về văn hóa của Đảng ta, sự mở rộng phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL. Tạp chí không chỉ là cơ quan nghiên cứu lý luận về văn hóa, nghệ thuật mà còn cung cấp thông tin, tư liệu về đời sống văn hóa của đất nước. Có thể nói, các lĩnh vực văn hóa mà Đảng ta đã khẳng định trong Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đều là đối tượng nghiên cứu của Tạp chí, đó là những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống, về xây dựng con người Việt Nam, về xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc…), thông tin đại chúng, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa trong các tín ngưỡng, tôn giáo, giao lưu văn hóa quốc tế hay đối ngoại văn hóa, xây dựng thể chế văn hóa. Bên cạnh đó, Tạp chí còn phán ảnh những vấn đề trong lĩnh vực gia đình và du lịch, tạo nên sự bao quát rộng hơn, mà ở đó các lĩnh vực có sự liên kết, đan xen nhau, phản ánh bức tranh muôn màu về đời sống văn hóa của nhân dân, của đất nước.

Thứ hai, Tạp chí vừa đảm bảo tính nghiên cứu, chuyên sâu vừa đảm bảo tính thực tiễn phong phú

Trước hết, Tạp chí có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ VHTTDL hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Để quản lý tốt thì trước hết cần phải có hệ thống pháp luật, chính sách văn hóa hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn đất nước. Do đó, Tạp chí có nhiều bài viết phân tích về nội dung pháp luật hay các chính sách văn hóa cụ thể như pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình hay luật báo chí, điện ảnh cũng như các chính sách để triển khai pháp luật, chỉ ra những thành tựu cũng như những bất cập, hạn chế để đưa ra những hướng hoàn thiện. Cơ sở lý luận cho pháp luật, chính sách của Nhà nước chính là chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, gia đình cũng như quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, gia đình và du lịch, đây cũng là một hướng ưu tiên của Tạp chí. Tạp chí luôn hướng đến tính mới, cập nhật nên Đảng ta có sự phát triển nhận thức, lý luận về các nội dung này thì Tạp chí luôn có các bài viết phân tích những quan điểm mới nhất. Thậm chí các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa cũng được nghiên cứu, bàn luận rất sâu sắc, bởi đây là những cơ sở lý luận quan trọng để Chính phủ và Bộ VHTTDL hoàn thiện hệ thống chính sách của mình. Để Bộ VHTTDL quản lý tốt các lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch thì cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, Tạp chí đăng tải nhiều bài viết về thực trạng, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, cả những cán bộ quản lý văn hóa cũng như những người làm công tác văn hóa như văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian…

Tính lý luận chuyên sâu còn được thể hiện qua việc đăng tải nhiều bài viết, bình luận, phê bình và đánh giá về các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, hội họa, văn hóa đại chúng và di sản văn hóa. Bằng cách giới thiệu nhiều cách thể hiện và quan điểm nghệ thuật, Tạp chí VHNT đã giúp độc giả mở rộng kiến thức và nhận thức về các lĩnh vực này, đồng thời cung cấp cơ hội cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và đội ngũ văn nghệ sĩ chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm của họ.

Bên cạnh tính lý luận, với tư cách là cơ quan ngôn luận, thông tin của Bộ VHTTDL, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật bằng cách cung cấp thông tin và tri thức về các loại hình nghệ thuật và thực hành văn hóa khác nhau. Thông qua các bài viết, Tạp chí đã giới thiệu đến độc giả những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của các cộng đồng, các phong trào nghệ thuật và truyền thống văn hóa của nhiều địa phương khác nhau. Bạn đọc khi tiếp cận với Tạp chí không chỉ hiểu được những vấn đề lý luận chung về đường lối, chính sách, pháp luật về văn hóa của Đảng và Nhà nước ta hoặc những vấn đề lý luận chuyên sâu mà còn thấy được đời sống văn hóa rất sôi động và phong phú của đất nước. Thông qua các bài viết, phân tích và đánh giá, Tạp chí đã thông tin cho độc giả về các cuộc triển lãm, buổi biểu diễn và các sự kiện văn hóa, nghệ thuật khác nhau, từ đó thúc đẩy sự tương tác và trao đổi giữa những người nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và công chúng yêu mến văn hóa nghệ thuật.

Có thể nói, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật không chỉ là diễn đàn khoa học, mà còn là nơi chia sẻ ý tưởng, tạo động lực và truyền cảm hứng, tăng cường sự sáng tạo trong cộng đồng những người yêu mến văn hóa, nghệ thuật. Đây cũng là địa chỉ để những người yêu văn hóa tìm đến để cảm thụ, thấy được cái hay, cái đẹp của các hiện tượng, biểu tượng, khuôn mẫu văn hóa, những tri thức về các loại hình nghệ thuật, các hoạt động thực hành văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc. Đặc biệt, Tạp chí điện tử với mục tin tức đã phản ánh nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa tiêu biểu diễn ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới, góp phần phản ánh đời sống văn hóa sôi động ở nước ta hiện nay, đồng thời tạo ra những tác động to lớn đến công chúng và các chính sách hỗ trợ công chúng tiếp cận nghệ thuật và trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, nội dung Tạp chí đảm bảo giữa xây và chống trong phát triển văn hóa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định văn hóa là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó. Ngòi bút của nhà văn là “phò chính trừ tà”, phải kết hợp giữa xây và chống. Trong bối cảnh mới của đất nước, có nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hóa do tác động của những yếu tố lạc hậu, lỗi thời còn rơi rớt lại của xã hội cũ cũng như những phi giá trị nảy sinh trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Vì vậy, Tạp chí phải có nhiệm vụ chỉ ra những hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hóa, tinh thần này để phê phán, lên án.

Trong thời gian qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một diễn đàn thảo luận và phê bình về các hiện tượng văn hóa hay sản phẩm nghệ thuật không phù hợp với truyền thống văn hóa và thuần phong, mỹ tục của con người Việt Nam. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu những thay đổi trong đời sống văn hóa, nghệ thuật ở nước ta 50 năm qua. Tạp chí đã cung cấp một diễn đàn cho các nghệ sĩ và trí thức bày tỏ quan điểm của họ, phê bình các hiện tượng văn hóa không phù hợp, khuyến khích, lan tỏa các sự kiện, sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Thông qua các bài viết, bài xã luận và bài phê bình, Tạp chí đã góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa, về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Với những bài viết phân tích sâu về đường lối văn hóa của Đảng, những ý kiến đánh giá sắc sảo về chính sách văn hóa của nước ta trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí đã góp phần định hướng dư luận trong việc thực hiện thắng lợi các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Đồng thời, hiện nay các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, sử dụng tổng lực nhiều mũi tác động khác nhau trong đó lĩnh vực văn hóa, tư tưởng được coi là trọng yếu. Vì vậy,Tạp chí còn phải có nhiệm vụ đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, những âm mưu và thủ đoạn thâm độc về văn hóa của các thế lực thù địch, những sản phẩm phi văn hóa, phản giá trị…

Trước hết, Tạp chí đã chủ động đặt hàng các bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và những người có uy tín trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Bằng cách đưa ra các chủ đề, Tạp chí đã tạo ra các diễn đàn để mọi người thảo luận và khám phá sâu hơn về các vấn đề này, qua đó nâng cao nhận thức và giáo dục bạn đọc về những hành vi sai trái, phản văn hóa là những hành vi không được cộng đồng chấp nhận trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, bằng cách chia sẻ tài nguyên và thông tin, Tạp chí có thể tạo ra mạng lưới và hợp tác với các tổ chức và cá nhân có quan điểm và mục tiêu tương tự trong công việc đấu tranh và phê bình hành vi sai trái và phản văn hóa. Đây cũng là cách để Tạp chí có thể tăng tầm ảnh hưởng và hiệu quả của nhiệm vụ quan trọng này.

Thứ tư, Tạp chí không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 với phát triển của nhiều phương tiện kỹ thuật mới đòi hỏi báo chí cần phải có sự thay đổi, không chỉ báo mà cả tạp chí. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã thích ứng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng truyền thông. Từ việc sử dụng công nghệ tiên tiến đến việc mở rộng hiện diện trực tuyến, Tạp chí đã tận dụng các công nghệ mới để tiếp cận và tương tác với độc giả một cách hiệu quả hơn. Điều này đã giúp Tạp chí duy trì sự phổ biến và tiếp cận với một đối tượng độc lập đa dạng. Sự ra đời của Tạp chí điện tử đã giúp Tạp chí mở rộng phạm vi tiếp cận của mình ra ngoài độc giả in truyền thống, không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn trên thế giới.

Tạp chí điện tử chính thức hoạt động từ ngày 28-8-2021, điều này cho phép độc giả truy cập và đọc Tạp chí từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet. Với phiên bản điện tử, bên cạnh một số bài viết tiêu biểu được lựa chọn từ Tạp chí in, có thêm những tin, bài, phản ánh kịp thời những sự kiện văn hóa, nghệ thuật đang diễn ra trên cả nước.

Tạp chí đang từng bước áp dụng công nghệ số để đa dạng hóa hoạt động của mình, kết nối với độc giả dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, đặt hàng các bài viết về ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhiều bài viết tập trung vào việc phân tích những thay đổi trong sáng tạo, sản xuất và tiêu thụ công nghệ, cũng như hoạt động của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, chuỗi khối và các công nghệ khác đã được đăng trên Tạp chí.

Ngoài ra, tận dụng các dịch vụ kỹ thuật số và các nền tảng truyền thông xã hội, Tạp chí đã bước đầu khai thác dữ liệu để tìm hiểu và phân tích nhu cầu của độc giả nhằm cung cấp nội dung phù hợp và tùy chỉnh cho từng đối tượng độc giả, từ đó tăng tính tương tác và sự tham gia của họ.

Những ý kiến của các nhà khoa học cùng kết quả phân tích nhu cầu của độc giả sẽ là cơ sở để Tạp chí xây dựng tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của mình trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, không chỉ chú ý tính đa dạng, chiều sâu của nội dung thông tin mà còn quan tâm đến hình thức Tạp chí

Trang bìa của Tạp chí luôn có sự thay đổi hình ảnh rất phong phú, đa dạng và có tính thu hút về thị giác của người xem. Các hình ảnh cũng thể hiện được những nét văn hóa khác nhau. Bài viết trên Tạp chí in cũng đã sử dụng các hình ảnh có tính minh họa cho nội dung. Còn đối với Tạp chí điện tử thì các bài viết đều có hình ảnh minh họa bằng những màu sắc rõ nét, bắt mắt.

Chặng đường 50 năm hình thành và phát triển đã dánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trên nhiều phương diện, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có một số hạn chế nhất định, cụ thể như sau:

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang rất chú ý đến việc đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong văn hóa, gia đình, đấu tranh chống âm mưu xâm lăng văn hóa, sử dụng các sản phẩm văn hóa để tuyền truyền những lối sống ngược lại với truyền thống dân tộc, những tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa, những luận điệu sai trái. Hoạt động quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL thực chất là để cho các hoạt động văn hóa diễn ra theo đúng hành lang pháp luật, ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lệch chuẩn, trái pháp luật. Mặc dù đã chú ý đến các nội dung về “chống”, song mức độ phổ biến và chiều sâu của các bài viết này trên Tạp chí chưa nhiều.

Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện trên các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa. Chúng ta không chỉ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, học tập những cái hay, cái đẹp trong văn hóa của họ mà còn phải học tập kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý văn hóa, hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch của các quốc gia. Song, số lượng các bài viết về những vấn đề này còn khá khiêm tốn, chưa đa dạng về nội dung, chủ đề.

Mặc dù đã chú ý thích ứng với bối cảnh phát triển công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng trong vấn đề này, Tạp chí vẫn còn có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, các bài viết đăng trên Tạp chí điện tử chưa hiển thị số người đã truy cập, đang truy cập. Việc hiển thị số người truy cập cho chúng ta biết được mức độ quan tâm của độc giả, trên cơ sở đó có thể những điều chỉnh về nội dung nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả. Hoặc một số bài viết đăng tải trên Tạp chí điện tử chưa ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại tích hợp, ví dụ không có video hay những không gian đa chiều mà chỉ là ảnh đơn thuần…

2. Giải pháp để phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong giai đoạn tới

Để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới, theo tôi cần chú ý thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên vừa rộng, vừa chất lượng

Trước hết, cần xác định được yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên. Việc xác định rõ vai trò và trách nhiệm giúp Tạp chí đảm bảo nguồn bài viết phong phú, đa dạng và có tính chuyên sâu trong từng lĩnh vực chuyên môn. Trên cơ sở các bài viết tác giả gửi đến, các bài do Tạp chí đặt hàng, tận dụng mạng lưới các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu về văn hóa, liên hệ với các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và những người có liên quan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để mời họ tham gia vào đội ngũ cộng tác viên.

Để có nguồn bài viết có chất lượng, đảm bảo đúng định hướng của Tạp chí thì có thể có những cơ chế đặt bài riêng về các chủ đề đã được xác định cho đội ngũ cộng tác viên này. Hoặc Tạp chí có những định hướng về các vấn đề mà trong từng năm, từng quý Tạp chí sẽ ưu tiên đăng bài để các cộng tác viên biết và chủ động viết bài.

Bên cạnh đó, cần tạo ra một môi trường làm việc sáng tạo và thân thiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, như e-mail, tin nhắn, cuộc họp trực tuyến để cộng tác viên có linh hoạt trong việc trao đổi thông tin, phản hồi và thảo luận về bài viết… Rõ ràng một môi trường mà cộng tác viên cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng có thể thu hút và khuyến khích sự năng động cũng như sự cam kết cao hơn của cộng tác viên

Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế, chính sách tạo động lực và đánh giá hiệu quả để khuyến khích sự cam kết và nỗ lực từ phía cộng tác viên. Chẳng hạn, có thể trao phần thưởng đối với những bài viết có chất lượng tốt hay ghi nhận những đóng góp thường xuyên, lâu dài, liên tục của cộng tác viên. Việc khen thưởng tùy thuộc vào ngân sách và quy mô tổ chức nhưng quan trọng là hình thức tôn vinh thể hiện sự tri ân và trân trọng đối với những đóng góp của họ.

Xây dựng và duy trì một đội ngũ cộng tác viên rộng lớn và chất lượng yêu cầu Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phải có sự quản lý và kết nối hiệu quả. Để thu hút và giữ chân các cộng tác viên, cần xây dựng một môi trường làm việc phù hợp cũng như xây dựng mối quan hệ và tạo niềm tin tưởng giữa Tạp chí và đội ngũ cộng tác viên. Mỗi người đều có những động lực và yêu cầu riêng, vì vậy nên tìm hiểu và tương tác cá nhân nhiều hơn với cộng tác viên để hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong đợi của họ, đồng thời, thể hiện sự tôn trọng thông qua việc lắng nghe ý kiến phản hồi từ các cộng tác viên để cải thiện quá trình làm việc của Tạp chí. Điều này giúp tạo ra sự kết nối và phát triển liên tục trong đội ngũ cộng viên.

Thứ hai, xác định đối tượng độc giả để định hướng nội dung Tạp chí

Để xác định đối tượng độc giả của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và định hướng nội dung phù hợp, trước hết cần tìm hiểu, nghiên cứu đối tượng bạn đọc hiện nay, quan điểm, nhu cầu, sở thích mà độc giả hướng tới. Có thể nói, đối tượng của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật khá phong phú và đa dạng, từ nhà quản lý văn hóa đến những nhà hoạch định chính sách, từ đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ đến các nhà nghiên cứu, người tổ chức sự kiện, các nghệ nhân thực hành văn hóa cũng như bạn đọc yêu thích và quan tâm lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Để hướng tới phục vụ đối tượng ngày càng đa dạng hơn, Tạp chí cần có những bài viết phong phú về nội dung, đa dạng về các lĩnh vực như nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, giáo dục, mỹ thuật và văn hóa đương đại. Sự đa dạng trong các thể loại bài viết là để đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả. Song, tạp chí cũng cần xác định đối tượng độc giả ưu tiên để có những hướng trọng tâm trong sự phát triển các loại bài viết hay các chuyên đề chuyên sâu, nội dung bài viết của Tạp chí. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đối tượng độc giả hiện nay, xác định điểm mạnh, điểm thiếu của những bài viết đã đăng tải, nên tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà phê bình và đội ngũ cộng tác viên nhằm đưa ra những định hướng phát triển bài viết phù hợp.

Lưu ý, đối tượng độc giả và sở thích của họ có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, việc đánh giá phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ và liên tục. Để thu thập thông tin về đối tượng độc giả, có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến như trang web, mạng xã hội và ứng dụng di động để tiếp cận, thu hút sự quan tâm và sự tham gia, tương tác của độc giả. Ngoài ra, có thể sử dụng các công cụ theo dõi truy cập dữ liệu và phản hồi từ bạn đọc, tạo các thảo luận và trao đổi với độc giả thông qua hộp thư điện tử hoặc phần bình luận trên các ứng dụng mạng xã hội…

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng phương tiện hiện đại trong phát triển Tạp chí

Để đảm bảo mọi công việc diễn ra trôi chảy, cần xây dựng một hệ thống giao tiếp và quản lý hiệu quả. Sử dụng các công cụ và phần mềm quản lý, biên tập để theo dõi tiến trình công việc, phân tích nhiệm vụ và tương tác với các cộng tác viên. Đồng thời, thiết lập các kênh chia sẻ thông tin để duy trì sự liên kết với bạn đọc, kết hợp nền tảng trực tuyến và nền tảng in truyền thống trong các ấn bản. Tạp chí có có thể cung cấp một phiên bản đặc biệt cho những độc giả trung thành và muốn sở hữu một bản giấy của Tạp chí, trong khi vẫn duy trì phiên bản trực tuyến để tiếp cận đối tượng độc giả rộng hơn.

Hiện nay, các bài tạp chí in một số được đăng tải trên Tạp chí điện tử để tiếp cận với người đọc nhiều hơn, song, chưa có file tạp chí in của từng số cho những bạn đọc có nhu cầu. Nhiều độc giả hiện nay đang có xu hướng mua file số, mà ít mua ấn phẩm in, do vậy, Tạp chí có thể chuyển toàn bộ các số tạp chí in sang dạng file số (số hóa), vừa giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận, vừa có thể lan toả rộng rãi hơn các ấn phẩm của mình. Đối với Tạp chí điện tử, cần chú ý sử dụng đa phương tiện như video, podcast, hình ảnh, trình chiếu và tương tác nghệ thuật để mang lại trải nghiệm đa dạng và hấp dẫn cho độc giả. Ví dụ trong các ấn phẩm có thể sản xuất video phỏng vấn nghệ sĩ, tạo podcast về các diễn viên nổi tiếng hoặc chia sẻ bộ sưu tập ảnh nghệ thuật độc đáo. Trong tương lai, Tạp chí có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để độc giả có thể trải nghiệm tham quan một phòng triển lãm nghệ thuật hoặc tham dự trực tiếp các lễ hội, các sự kiện văn hóa trên điện thoại di động của mình.

Đổi mới và thích nghi với xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế Ảo hóa, Internet of Things và blockchain là một trong những giải pháp quan trọng để tạo ra những ấn phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Thứ tư, tiếp tục cải tiến về nội dung bài viết

Để cải tiến nội dung bài viết, trước hết Tạp chí cần quá triệt kịp thời những chủ trương, đường lối và chính sách văn hóa mới của Đảng và Nhà nước; nắm bắt kịp thời những xu hướng mới, các sự kiện và hiện tượng tiêu biểu trong đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Điều này đòi hỏi Ban biên tập và đội ngũ cộng tác viên thường xuyên cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, có kiến thức sâu rộng, am hiểu và thường xuyên tham dự các sự kiện trong đời sống văn hóa, nghệ thuật ở nước ta hiện nay.

Tiếp tục cải tiến nội dung, chất lượng bài viết thông qua việc đa dạng hóa nội dung bài viết. Văn hóa, nghệ thuật là một lĩnh vực thú vị và rộng lớn, do vậy, các bài viết cần bao hàm và phản ánh được các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, di sản văn hóa, văn hóa dân gian và các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, tạo ra những nội dung mới mẻ và sáng tạo trong từng bài viết. Bên cạnh việc tìm hiểu về những xu hướng mới, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và những câu chuyện thú vị về văn hóa, nghệ thuật, cần có những bài viết mang tính tranh luận của các nhà nghiên cứu, hoặc những bài viết thể hiện tính định hướng qua khai thác ý kiến của các nhà quản lý, hoạch định chính sách văn hóa, các bài viết chuyên sâu của chuyên gia phân tích về các hiện tượng, sự kiện văn hóa mới… Ngoài ra, Tạp chí cần tăng cường hơn nữa các bài viết về chủ đề “chống” cũng như các bài viết về kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý, quảng bá, giới thiệu văn hóa của nước ngoài mà Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm.

Để cải tiến nội dung bài viết đòi hỏi người viết phải là những người có trình độ, tư duy phản biện, phê phán cũng như có kiến thức ngoại ngữ, am hiểu thực tiễn. Do vậy, cần xác định lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là đội ngũ cộng tác viên và đội ngũ nhà báo, biên tập viên của Tạp chí là nòng cốt.

Tóm lại, những giải pháp trên đây có thể giúp Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng và phát triển trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự đầu tư về thời gian cùng những nỗ lực và sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên và cộng tác viên của Tạp chí. Sự đoàn kết, đồng lòng sẽ là bệ phóng để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ngày càng vững mạnh, phát triển.

 

TS. NGUYỄN TIẾN THƯ

Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

_______________

Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

;