Tạo điểm nhấn hút khách mùa cam, bưởi

Trong tiết trời se lạnh, những trái cam, bưởi tại Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu ngả sang màu vàng, báo hiệu mùa quả chín đã tới. Đây cũng là thời điểm du khách tìm về với vùng quả ngọt để tận hưởng không gian đậm đà bản sắc bên cạnh những vườn đồi sum suê. Nắm bắt cơ hội này, địa phương đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch gắn với tiêu thụ nông sản đặc trưng.

 

Các nhà vườn, HTX chủ động kết nối, quảng bá

Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa thu - đông” năm 2023 diễn ra từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm thực hiện mục tiêu “đưa chợ về vườn”. Cùng với tập trung chăm sóc, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm cam, bưởi... thời gian qua, các nhà vườn, hợp tác xã (HTX) tại Lục Ngạn đã tăng cường chỉnh trang điểm du lịch, tuyến giao thông nông thôn, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách. HTX Du lịch Đồng Dao, xã Quý Sơn có điều kiện khá lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, kết hợp sinh thái. Toàn điểm du lịch này rộng hơn 20ha đất và hơn 100ha mặt nước. Năm nay, vườn cam, bưởi trong điểm du lịch khá sai quả, tạo thêm không gian đẹp mắt nên sẽ là lựa chọn của nhiều du khách khi đến Lục Ngạn. 

Để nâng cao chất lượng phục vụ, HTX còn vừa đầu tư nâng cấp, mua sắm và xây dựng thêm nhiều công trình, thiết bị như: nhà cộng đồng, nhà ăn, hội trường,  thuyền kayak, thuyền đạp vịt, lều camping, khu chek in với nhiều loại vật  nuôi, thú cưng… Cùng đó, HTX tích cực cắt tỉa, chăm sóc, chỉnh trang vườn cây ăn quả và khu vui chơi. Điểm du lịch này có thể đáp ứng được khoảng 1000 khách/ngày và 200 khách/đêm với các dịch vụ như: Lưu trú qua đêm, ẩm thực địa phương, đạp xe, đi bộ, chèo thuyền, tham quan vườn quả, cắm trại, đạp thuyền vịt. Đặc biệt, thứ Bảy hằng tuần có nội dung trình diễn, giao lưu văn hóa, hát dân ca dân tộc Sán Chí... góp phần tạo sức hút và dấu ấn trong lòng du khách.

Mùa này, dọc đường vào thôn Cống, xã Kiên Lao, chúng tôi như choáng ngợp trước những vườn cam, bưởi trĩu cành, vàng óng. Vườn cam rộng 4 ha được trồng theo hướng hữu cơ của hộ ông Trịnh Sư Hòa có những cây cho đến vài trăm quả, vỏ mỏng, cùi thơm và vị ngọt thanh mát. Giữa tiết trời hanh hao, chủ nhà mang đĩa cam vừa thu hoạch ra mời khách. Ông Hòa kể: “Năm nào đồi cam của gia đình tôi cũng đón nhiều đoàn khách tham quan do huyện giới thiệu, hoặc các công ty du lịch, HTX kết nối đưa đến. Gia đình chuẩn bị đầy đủ bàn ghế, phục vụ nước uống miễn phí và không thu vé vào vườn. Du khách có thể thoải mái đi dạo quanh vườn, chụp ảnh, lựa chọn những quả tươi ngon để thưởng thức cũng như mua về làm quà. Hiện, đã có một số công ty lữ hành, HTX liên hệ, khảo sát để kết nối đưa khách đến vườn”.

 

Đánh thức vùng đồi

Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái. Từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2, táo xuân; tháng 3 là mùa hoa vải, mật ong; tháng 5 đến tháng 7 có vải thiều chín; tháng 8 mùa nhãn và từ tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi,  thanh long, nho...

Năm 2023, huyện Lục Ngạn có hơn 4 nghìn ha cam, bưởi, sản lượng đạt gần 40 nghìn tấn. Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch, địa phương đã lựa chọn 20 nhà vườn đẹp, chất lượng cao, diện tích rộng, cơ sở vật chất khang trang giao thông thuận lợi để phục vụ khách. Trong đó, điển hình là nhà vườn ở các xã: Thanh Hải, Tân Mộc, Tân Quang, Hồng Giang, Quý Sơn, Giáp Sơn…

Ông Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hoạt động du lịch luôn đòi hỏi sự sáng tạo, không trùng lặp nhằm tạo sự mới mẻ, hấp dẫn đối với du khách. Do đó, năm nay huyện chỉ đạo triển khai chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa thu - đông” với một số điểm mới là: Xây dựng video du lịch 2 ngày 1 đêm với nhân vật nổi tiếng vừa tham gia trải nghiệm, chế biến món ăn từ các sản vật địa phương để quảng bá rộng rãi; Công bố bản đồ du lịch của huyện và tổ chức tuyên truyền, xúc tiến giới thiệu sản phẩm du lịch… Qua đó, địa phương kỳ vọng sẽ đón khoảng 250 nghìn lượt khách tham quan trong dịp này”.

Để nâng tính chuyên nghiệp, xây dựng điểm đến ngày càng hấp dẫn, huyện  đã thành lập các tổ dịch vụ du lịch làm đầu mối liên hệ, kết nối với công ty lữ hành, đoàn khách; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng; bố trí gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm đặc trưng… tại các HTX, điểm du lịch. Ngoài ra, chính quyền còn khuyến khích các HTX, nhà hàng chế biến và phục vụ các món ăn dân tộc, đặc sản địa phương phục vụ nhu cầu ẩm thực; vận động nhân dân thiết kế, bán đồ lưu niệm, sản phẩm đặc trưng; yêu cầu các HTX, nhà vườn thu các khoản phí dịch vụ rõ ràng, minh bạch, bán hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.

Cũng theo ông Chu Văn Trọng, thời gian qua, cơ sở vật chất, hạ tầng trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể. Các HTX có thêm nhiều kinh nghiệm và chuyên nghiệp hơn, sẵn sàng điều kiện những đón đoàn khách quy mô lớn. Nhiều hộ dân đã thấy được lợi ích, biết kết hợp phát triển du lịch để nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa hết những bất cập như: hạ tầng du lịch, mạng lưới giao thông đến các điểm du lịch còn khó khăn. Hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn phần nhiều quy mô nhỏ, thiếu điểm dừng nghỉ, giới thiệu, bán sản phẩm... Đây là những vấn đề cần được quan tâm đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.

 

NGUYỄN HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;